Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Thân em như hạt mưa sa,
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.
Thân em như giếng giữa đàng,
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.
Thân em như con hạc đầu đình,
Muốn bay không cất nổi mình mà bay.
Cái chung của những câu ca dao này là gì? Tất cả đều nói lên tình cảnh cay đắng của người phụ nữ, bị tước đoạt quyền tự do, quyền quyết định hanh phúc của mình, hoàn toàn phó mặc cho ngẫu nhiên của số phận. Cho dẫu phẩm chất đẹp đẽ, cao quý như tấm lụa đào, phẩm chất ấy không là cái đảm bảo cho hạnh phúc. Cho dẫu hoàn toàn giống nhau về giá trị, như những hạt mưa từ trời cao sa xuống, số phận của những người con gái cũng chưa chắc giống nhau; sự may rủi của đời có thể đưa đến những khác biệt, thậm chí những số phận tương phản. Sự may rủi có thể đưa đến những cảnh ngộ, hoặc dược trân trọng hoặc bị bạc đãi, như cùng là nước giếng, mà cũng có thể được dùng cho người rửa mặt, hoặc bị đưa cho người rửa chân. Như con hạc đầu đình, người phụ nữ bị trói chặt vào số phận, dẫu có ao ước đổi thay, họ không sao có thể quyết định được. Cả bốn câu ca dao, với những sự so sánh khác nhau, cùng cho ta biết một thực trạng của chế độ phong kiến: quyền sống của người phụ nữ, mà trước hết là quyền tự do quyết định đời mình, hoàn toàn bị phủ nhận. Đó chính là nguồn gốc của mọi đau khổ, mọi cảnh ngang trái mà người phụ nữ phải chịu đựng trong cả đời người dằng dặc.