Vào thời kỳ đầu, do số lượng còn ít, trình độ giác ngộ còn thấp nên những cuộc đấu tranh của công nhân chỉ diễn ra lẻ tẻ, rời rạc. Mục đích đấu tranh chủ yếu là đòi quyền lợi kinh tế như tăng lương, giảm giờ làm. Hình thức đấu tranh chủ yếu là đập phá máy móc, đánh cai ký, chủ thầu, phá giao kèo, bỏ trốn tập thể,…
Từ năm 1922, phong trào công nhân bắt đầu có nét khởi sắc mới. Đáng chú ý nhất là cuộc bãi công của 600 công nhân thợ nhuộm Sài Gòn-Chợ Lớn. Năm 1925, phong trào công nhân đã xuất hiện nhiều cuộc bãi công có quy mô lớn và có tổ chức lãnh đạo ở một mức độ nhất định. Trong đó, điển hình nhất là cuộc bãi công của 1000 công nhân Ba Son (Sài Gòn) vào tháng 8/1925 để ngăn không cho tàu chiến Pháp chở lính sang tham gia đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân và thủy thủ Trung Quốc.
Đặc điểm chung của phong trào công nhân Việt Nam thời kỳ này còn ở mức độ thấp, phụ thuộc vào phong trào yêu nước nói chung, mang tính chất tự phát, chưa tỏ rõ được sức mạnh của một lực lượng chính trị độc lập, chưa có ý thức rõ rệt về sứ mệnh lịch sử của giai cấp mình. Cuộc bãi công Ba Son kết thúc thắng lợi đánh dấu một bước tiến mới của phong trào công nhân Việt Nam: không chỉ nhằm vào mục tiêu đấu tranh kinh tế mà cao hơn nữa còn nhằm vào mục đích chính trị, thể hiện tình đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế của công nhân Việt Nam. Đây là một mốc son rất quan trọng trong phong trào công nhân - giai đoạn công nhân Việt Nam bắt đầu đi vào đấu tranh có tổ chức và có mục đích chính trị rõ ràng.