Bài 36. Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
datcoder

Dựa vào hình 36.4 và thông tin trong bài, hãy:

- Xác định vị trí của Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Trình bày quá trình hình thành và phát triển của vùng.

- Nêu các nguồn lực, thực trạng và định hướng phát triển của vùng.

Nguyễn  Việt Dũng
25 tháng 3 lúc 0:57

* Quá trình hình thành và phát triển

- Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long được thành lập vào năm 2009, gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. 

- Năm 2021, vùng có diện tích 16,6 nghìn km², số dân khoảng 6,1 triệu người (chiếm hơn 6,2% số dân cả nước).

* Các nguồn lực phát triển

- Vị trí địa lí: vùng có vị trí kinh tế - chính trị quan trọng, tiếp giáp Cam-pu-chia và có vùng biển rộng lớn, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội và giao thương với các nước trong khu vực Đông Nam Á; là nơi hội tụ của các đầu mối giao thông quan trọng về đường biển, đường bộ, đường hàng không của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Điều kiện tự nhiên:

+ Vùng được hình thành chủ yếu do sự bồi tụ phù sa của hệ thống sông Cửu Long nên địa hình tương đối bằng phẳng. 

+ Vùng có nhiều nhóm đất (đất phù sa sông, đất phèn, đất mặn,...), khí hậu mang tính chất cận xích đạo gió mùa, hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, thuận lợi để trồng lúa, rau đậu, cây công nghiệp hàng năm, cây ăn quả,... Dầu khí, đá vôi là những khoáng sản quan trọng của vùng.

- Nguồn lao động:

+ Người lao động cần cù, có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, thích ứng nhanh với sự thay đổi của điều kiện sản xuất và thị trường.

- Cơ sở hạ tầng:

+ Mạng lưới giao thông vận tải phát triển rộng khắp trong vùng với đầy đủ các loại hình: các tuyến đường bộ (quốc lộ 1, quốc lộ 91,...), cảng hàng không quốc tế (Cần Thơ, Phú Quốc), cảng biển (Kiên Giang, Cà Mau).

+ Đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng trong nước và quốc tế, tiêu biểu là thành phố Cần Thơ. Vùng có mạng lưới đô thị khá dày với hạt nhân là Cần Thơ, Rạch Giá. Hệ thống cơ sở đào tạo và nghiên cứu của vùng ngày càng phát triển.

* Thực trạng phát triển kinh tế

- Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp khoảng 4% GDP cả nước (năm 2021).

- Trong cơ cấu ngành kinh tế, ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất, đạt 40,9%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản đứng thứ hai với 30,8%; công nghiệp và xây dựng đóng góp tỉ trọng nhỏ nhất với 23,0% (năm 2021).

- Trong cơ cấu ngành công nghiệp và xây dựng, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ đạo, có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Một số ngành công nghiệp chính của vùng là sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất điện; dệt, may, sản xuất vật liệu xây dựng; cơ khí; sản xuất hoá chất.

- Đây là vùng sản xuất lúa lớn nhất cả nước. Trồng cây ăn quả là thế mạnh nổi bật với diện tích, sản lượng không ngừng gia tăng. Khai thác và nuôi trồng thuỷ sản giữ vai trò quan trọng trong đời sống và nền kinh tế của vùng, trong đó nuôi trồng thuỷ sản đóng góp chủ yếu cho sự gia tăng giá trị sản xuất. Nguồn nguyên liệu dồi dào tạo tiền đề cho các hoạt động thương mại, giao thông vận tải, du lịch của vùng phát triển khá sôi động.

* Định hướng phát triển

- Phát triển Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào tam giác Cần Thơ - An Giang – Kiên Giang, trong đó thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phụ cận.

- Xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch, logistics, công nghiệp phục vụ nông nghiệp. 

- Phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, cơ khí, hoá chất phục vụ nông nghiệp. 

- Hình thành các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng chuyên canh; phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học – công nghệ về nông nghiệp quốc gia và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp. 

- Phát triển kinh tế biển, tập trung xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh, mang tầm quốc tế; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.