Tôi là Giôn – xi, một cô họa sĩ nghèo giữa phố thị phồn hoa, tấp nập của nước Mĩ. Cuộc đời tôi giống như một bức tranh đầy màu sắc, có những mảng tối u uất, buồn thương, cũng có cả những sắc thái tươi tắn, rạng ngời của niềm tin và hi vọng. Đã có những lúc tôi tuyệt vọng đến mức muốn từ giã cõi đời, nhưng rồi may mắn thay, đã có những người tốt xuất hiện để truyền cho tôi thêm động lực, thêm khát khao sống. Một trong số những người tôi luôn biết ơn và kính trọng nhất là ông cụ Bơ – men, người đã cho tôi cơ hội tiếp tục sống, tiếp tục đặt niềm tin vào những ngày tháng tăm tối nhất của cuộc đời.
Ngày đó, tôi sống trong một khu nhà trọ rẻ tiền cùng với chị Xiu. Chị cũng là một họa sĩ nghèo. Xiu là người rất tốt bụng và ấm áp. Gần phòng chúng tôi có một người họa sĩ già, tên cụ là Bơ – men. Cụ đã dành cả đời cho sự nghiệp nhưng đến tận bây giờ, cụ vẫn chưa tìm được nguồn cảm hứng để có thể vẽ nên một bức họa kiệt xuất. Trông cụ như thể lúc nào cũng đang ngà ngà say vậy.
Mùa đông năm ấy vô cùng khắc nghiệt. Bệnh viêm phổi hoành hành khắp nơi và lây bệnh cho hàng vạn người. Tôi không may bị mắc bệnh, cuộc sống vốn đã thiếu thốn, đói rét lại thêm căn bệnh quái ác khiến tôi chỉ có thể nằm bẹp trên giường, ho từng đợt dữ dội như muốn vỡ tung lá phổi. Ngày ngày, tôi nằm trên chiếc giường sắt, xuyên qua khung cửa sổ và nhìn sang bức tường trần trụi của căn nhà gạch kế bên. Chị Xiu vì chăm sóc cho tôi mà ít nhiều suy sụp. Tôi biết đã nhiều lần chị bỏ bữa chỉ để có tiền mời bác sĩ đến khám bệnh cho tôi.
Một buổi sáng nọ, sau khi bác sĩ đến thăm hỏi, tôi thấy mắt chị Xiu sưng húp tuy miệng vẫn rộn ràng huýt sáo một điệu dân ca. Tôi quá mệt nên chẳng thể cử động hay nói chuyện. Hình như chị tưởng tôi ngủ nên khẽ khàng sắp xếp cái giá vẽ và bắt đầu vẽ hình minh họa truyện. Nằm ngắm chị làm việc chán chê, tôi hướng mắt về phía bức tường gạch của nhà hàng xóm, nơi có một dây thường xuân leo mình bám vào những viên gạch đỏ, một khoảng sân trống, một bức tường trơ trụi, cây thường xuân già cỗi, gốc vặn vẹo mục nát, leo đến giữa bức tường. Ngọn gió lạnh lẽo đã làm rơi rụng đám lá, phơi bày các nhánh gần như trơ trụi bám vào mấy mảng gạch vụn vỡ. Tôi khẽ nhẩm đếm trong miệng:
- Mười hai, mười một, mười, chín, tám,….
Lá cây rơi thật nhanh. Ba ngày trước còn gần cả trăm lá, đếm nhức cả đầu, giờ thì dễ rồi. Năm…
Chị Xiu ngẩng đầu nhìn, khẽ đến bên tôi và hỏi:
- Em đang đếm cái gì vậy Giôn – xi
Tôi chỉ cho chị xem những chiếc lá bên ngoài. Cuộc đời tôi rồi cũng giống những chiếc lá kia, mỏng manh, dễ rụng. Chúng dường như không có khả năng chống cự trước từng cơn gió rét. Khi chiếc lá cuối cùng lìa cành thì cũng là lúc tôi từ bỏ cõi đời này.
Xiu mắng tôi là đồ trẻ con, chỉ nghĩ linh tinh. Chị cố gắng cho tôi ăn một ít cháo rồi kéo rèm cho tôi ngủ.
Đêm hôm đó, trời mưa rất lớn. Từng đợt gió gào rít qua khe cửa. Chắc hẳn bên ngoài kia, cây thường xuân đã trụi lá. Sáng ngày mai khi tỉnh dậy, tôi biết mình sẽ trút hơi thở cuối cùng, sẽ như cây thường xuân để gió cuốn đi.
Vừa tỉnh giấc, tôi đã thấy chị Xiu ngủ gục trên bàn. Gương mặt chị hốc hác, xanh xao đến tội nghiệp. Tôi khẽ cất tiếng gọi chị, lạnh lùng bảo chị kéo tấm rèm lên. Tôi muốn xem cây thường xuân. Xiu uể oải, chán chường miễn cưỡng làm theo lời tôi. Tôi thấy trong mắt chị có chút căng thẳng.
Bên ngoài kia, một chiếc lá thường xuân vẫn treo mình trên cây. Chiếc lá còn xanh, rìa lá đã ngả vàng, kiên cường và độc lập trơ mình giữa giá rét. Trận mưa khủng khiếp đêm qua đã kéo tất cả bạn bè của nó đi, chỉ một mình chiếc lá bé nhỏ ấy vẫn bám trụ vào thân cây khẳng khiu, kiên quyết níu giữ vòng đời của nó.
Tôi bần thần cả người. Một chiếc lá bé nhỏ từng ấy nhưng sức sống bên trong thực sự mãnh liệt. Trận bão đêm qua cũng không thể đánh bại được nó. Vậy mà tôi, một con người còn trẻ, còn sức nhưng lại phó mặc cuộc đời mình, chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi bật khóc, tự hỏi bản thân mình đã làm gì trong suốt thời gian qua. Nhìn sang Xiu, chị cũng bàng hoàng như tôi, nhìn chằm chằm vào chiếc lá cuối cùng.
Tôi khẽ lay tay chị, đòi uống một chút rượu nhẹ cho ấm người. Đã từ rất lâu rồi, cơn thèm ăn của tôi mới quay trở lại. Tôi bắt đầu chịu nạp dưỡng chất vào cơ thể, tìm ra những thú vui cho mình và giữ tinh thần phấn chấn, lạc quan. Bác sĩ đến thăm và nói rằng bệnh tình của tôi đang tiến triển rất tốt. Tôi mỉm cười, khe khẽ hát và tay đang mày mò cuộn len vứt chỏng chơ trong phòng bấy lâu.
Xiu bước vào phòng sau khi nói chuyện với bác sĩ, gương mặt chị tỏ rõ vẻ xúc động. Chị bước tới giường, ôm lấy tôi:
- Con mèo con của chị…! Cụ Bơ – men đã mất rồi. Do căn bệnh viêm phổi. Người ta đã tìm thấy cụ sau cái đêm mưa gió khủng khiếp ấy đấy. Cụ mới chỉ nhiễm bệnh có hai ngày thôi. Em biết sao không? Cả người cụ ướt nhẹp, đôi giày và quần áo sũng nước, lạnh như nước đá. Họ không thể hiểu nổi cụ đã đi đâu trong một đêm kinh hoàng như thế. Rồi họ tìm thấy cái đèn bão và một cái thang. Dưới sàn nhà cụ còn vương vãi những bút vẽ, bảng màu. Và em nhìn xem, chiếc lá ngoài kia không bao giờ rung động. Bởi đó chính là cụ Bơ – men đã vẽ nó, vào cái đêm tất cả những chiếc lá đều lìa cành. Đó chính là kiệt tác của cuộc đời cụ đấy!
Tôi nghe chị nói, bật khóc nức nở. Cụ Bơ – men già cả đáng kính đã hi sinh thân mình cho một con bé mà lúc nào cụ cũng mắng là ngốc nghếch như tôi. Tấm lòng của cụ đã đổi lấy mạng sống cho tôi. Tôi không biết phải làm sao để đền đáp hết ân huệ này. Cụ ơi, cháu sẽ sống thật tốt, sống thay phần của cụ và trở thành một họa sĩ có tên tuổi. Để rồi khi đó, mọi bức tranh cháu vẽ sẽ đều kí tên cụ, cho mọi người biết đến cụ, một tấm lòng cao cả, một họa sĩ chân chính.