Đọc câu chuyện và trả lời câu hỏi
MỘT NHÀ THƠ CHÂN CHÍNH
Ngày xưa, ở vương quốc Đa-ghét-xtan (Dagestan) có một ông vua nổi tiếng bạo ngược. Dưới triều đại ông ta, nhân dân hết sức lầm than. Thế rồi khắp nơi nơi bỗng truyền đi một bài hát thống thiết, lên án thói hống hách, bạo tàn của nhà vua và phơi bày nỗi thống khổ của nhân dân.
Rồi một ngày, bài hát lọt đến tai vua. Vị vua ra lệnh tìm cho được tác giả bài hát để xử tội. Truy tìm không ra, vị vua ra lệnh tống giam tất cả nhà thơ và nghệ nhân hát rong cả nước. Sau đó, nhà vua ra lệnh họ phải hát cho vua nghe một bài hát do chính mình sáng tác ca ngợi nhà vua. Tất cả đều cố gắng hoàn thành, riêng có ba nhà thơ kiên quyết im lặng không chịu hát. Họ bị tống giam vào ngục.
Ba tháng sau, vị vua giải ba người ra và cho thêm cơ hội. Một trong ba nhà thơ đã hát ca ngợi vị vua, thế là được thả ra.
Giàn hoả thiêu xuất hiện, một trong hai nhà thơ còn lại cất tiếng hát. Riêng người cuối cùng vẫn im lặng. Vị vua ra lệnh: “Trói hắn và thiêu chết!”.
Cuối cùng, nhà thơ cũng cất vang tiếng hát. Đó là lời hát phơi bày sự thật về nỗi thống khổ của người dân, phê phán thói xấu của nhà vua,... Tiếng hát vang lên, cả hoàng cung rung động cùng với ngọn lửa bừng bừng bốc cháy như giận dữ. Nhà vua bất ngờ thét lên:”Dập tắt lửa! Ta không thể mất nhà thơ chân chính độc nhất của đất nước này”.
(Theo Tiếng Việt 4, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2020)
- Nhà thơ cuối cùng trong câu chuyện đã bảo vệ cái đúng, cái tốt như thế nào? Hành động đó đã mang lại điều gì?
- Vì sao chúng ta cần bảo vệ cái đúng, cái tốt?
- Nhà thơ cuối cùng đã bảo vệ cái đúng, cái tốt bằng cách hát vang tiếng hát phơi bày sự thật về nỗi thống khổ của người dân, phê phán thói xấu của nhà vua… Hành động đó của nhà thơ đã mang lại sự sống cho nhà thơ và sự tôn trọng, trân quý của nhà vua với nhà thơ cuối cùng đó.
- Chúng ta cần bảo vệ cái đúng, cái tốt để cái đúng, cái tốt không bị cái sai, cái xấu lấn át; cái đúng, cái tốt được phát huy và nhân rộng và cuộc sống chúng ta thêm an toàn, lành mạnh và tốt đẹp.