a, Điều kiện tự nhiên:
- Các quốc gia cổ đại phương Đông hình thành ở lưu vực những dòng sông lớn: Ai Cập (sông Nin), Trung Quốc (Hoàng Hà, Trường Giang)...
- Có nhiều diện tích đất đai để canh tác, đất mềm tơi xốp, phù sa màu mỡ, mưa đều đặn theo mùa...
b, Những tác động:
* Sự hình thành nhà nước:
- Thời gian hình thành sớm: khoảng thiên niên kỉ IV – III trước Công nguyên. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất canh tác màu mỡ... chỉ cần công cụ gỗ, đá, đồng cũng tạo nên mùa màng bội thu -> sản phẩm dư thừa -> tư hữu xuất hiện -> xã hội phân chia giai cấp -> nhà nước được hình thành...
- Quy mô quốc gia: do lãnh thổ đồng bằng rộng lớn, tập trung đông dân cư... nhà nước xuất hiện với quy mô quốc gia rộng lớn...
* Sự phát triển:
- Kinh tế: Do điều kiện tự nhiên tác động, kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, các nghề thủ công bổ trợ cho nông nghiệp...
- Chính trị: Từ nền kinh tế chính là nông nghiệp, nên quyền lực tập trung trong tay tầng lớp quý tộc thị tộc cũ gắn với ruộng đất. Đứng đầu là một ông vua chuyên chế... gọi là chế độ chuyên chế cổ đại.
- Văn hóa:
+ Từ nền kinh tế nông nghiệp: cư dân cổ đại phương Đông đã tính lịch theo mùa vụ (nông lịch). Họ tìm hiểu về trời, đất, mây mưa... thiên văn học ra đời.
+ Nhà nước hình thành, nhu cầu quản lí hành chính, ghi chép (số liệu ruộng đất, thuế má...) nên chữ viết xuất hiện. Để mô phỏng theo sự vật: chữ tượng hình ra đời...
+ Toán học: do nhu cầu tính toán về diện tích ruộng đất, xây dựng các công trình...
+ Các công trình kiến trúc: thể hiện cho uy quyền của nhà vua, các công trình được xây dựng đồ sộ, trường tồn...
Đặc điểm hoà đồng, thuận tự nhiên của văn hoá phương Đông thường được đặt trong sự so sánh với đặc điểm chinh phục tự nhiên của văn hoá phương Tây. Văn hoá phương Tây thiên về giải thích, cải tạo thế giới. Nói như C. Mac: “Vấn đề là cải tạo thế giới”. Tất nhiên nói như trên không có nghĩa là đối lập tuyệt đối giữa văn hoá phương Đông và văn hoá phương Tây trong vấn đề đối xử với môi trường tự nhiên.
Thái độ hoà đồng với tự nhiên của văn hoá phương Đông đã được hình thành từ rất lâu và định hình trên cơ sở của những quan niệm về con người trong các học thuyết phương Đông. Theo nhiều tác giả, con người trong quan niệm của tất cả các tôn giáo phương Đông và trong hầu hết các học thuyết triết học phương Đông truyền thống đều không đối lập với giới tự nhiên. Nó luôn luôn được coi là một thành tố, một bộ phận của giới tự nhiên [Hồ Sĩ Quý, 2004, 12].
Có thể cắt nghĩa đặc điểm hoà đồng, thuận tự nhiên bằng cơ sở kinh tế – xã hội của phương Đông.
Trước hết có thể giải thích bằng nền sản xuất nông nghiệp. Như đã nói ở trên, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Một sự “nổi giận” của trời đất có thể làm cho toàn bộ công sức của người dân “tan thành mây khói”. Điều này có thể thấy rõ qua các trận bão gió, lụt lội, lở đất, động đất, núi lửa, v.v. Bởi vậy từ trong tâm khảm của người dân, tự nhiên là đấng tối cao. Sản xuất nông nghiệp chỉ có thể đạt hiệu quả khi thuận theo tự nhiên. Một trong những biểu hiện của sự thuận theo ấy là tính thời vụ. Có thể nói, kinh nghiệm sống, nói cụ thể hơn là kinh nghiệm sản xuất, đã khiến cư dân nông nghiệp phương Đông phải hành động thuận theo tự nhiên. Trái ý tự nhiên, trái ý Trời sẽ bị trả giá. Đó là bài học có thể phải trả bằng đói khổ, nước mắt và tính mạng. Không còn cách nào khác, Nhật Bản vẫn phải “sống chung với động đất”, Indonesia phải “sống chung với núi lửa”, Philippines phải “sống chung với bão” còn đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam thì phải chấp nhận “sống chung với lũ” như là một lẽ tự nhiên. Bài học về động đất và sóng thần ở Đông Nam Á và Nam Á (đặc biệt là đối với các nước Indonesia, Ấn Độ, Sri Lanca) ngày 26 tháng 12 năm 2004 làm hơn 280.000.000 người thiệt mạng càng khẳng định sức mạnh cực kì to lớn của thiên nhiên mà con người không dễ gì có thể “chế ngự” nổi.
Một lí do khác nữa cắt nghĩa cho đặc điểm hoà đồng, thuận tự nhiên là ở tổ chức của xã hội truyền thống phương Đông, đó là xã hội nông nghiệp với chế độ công xã nông thôn. Chế độ này, như đã nói, mang lại cho mỗi đơn vị nhỏ bé (làng xã) một cuộc sống cô lập, tách biệt. Công xã tổ chức theo lối gia đình tự cấp, tự túc. Con người bị trói buộc bởi những xiềng xích nô lệ của các quy tắc truyền thống, do đó hạn chế sự phát triển của lí trí, từ đó rất dễ trở thành nô lệ của những điều mê tín dị đoan. Những công xã nông thôn phương Đông, do vậy, hạn chế con người ở việc chủ yếu phục tùng những hoàn cảnh bên ngoài, phục tùng tự nhiên chứ không có ý thức và năng lực làm chủ hoàn cảnh, chinh phục tự nhiên. Đây cũng chính là lí do để chế độ chuyên chế phương Đông tồn tại và phát triển.