Văn bản ngữ văn 7

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Binh Pham

Đề bài: suy nghĩ của em về đạo làm con trong xã hội ngày nay Mn giúp e với ạ! Đừng cop mạng nhá ( có thể gợi ý thôi cũng được)

Phạm Linh Phương
8 tháng 7 2018 lúc 21:08

Hỏi đáp Ngữ vănHỏi đáp Ngữ vănHỏi đáp Ngữ vănHỏi đáp Ngữ văn

Đâu có khó gì việc ấy,cho nên cần thực hiện tốt bổn phận của mình, cho đúng với đạo làm con.

Tóm lại, bậc con cái cần biết giữ trọn chữ ''hiếu'', cho đúng đạo làm con.Cần có cách cư xử đúng đắn với đấng sinh thành là cha mẹ.Người hiểu được đạo làm con thì sẽ hiểu được bổn phận của công dân. Như vậy, ta mới trở thành phần tử có ích cho gia đình và xã hội.

Mặc Chinh Vũ
8 tháng 7 2018 lúc 20:51

“ Ba sẽ là cánh chim cho con bay thật xa. Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực. Ba mẹ là lá chắn che chở suốt đời con… Con đừng quên con nhé ba mẹ là quê hương”. Đúng vậy, nếu ai từng nghe bài hát này thì ắt hẳn sẽ đoán được nội dung mà nhạc sĩ muốn gửi gắm. Gia đình luôn dành những gì tốt nhất cho ta nhưng đã có bao giờ bạn tự hỏi rằng mình đã làm được gì cho gia đình chưa? Đôi khi, bạn luôn dành những quan tâm cho Tổ quốc hay xã hội mà quên đi trách nhiệm của mình dành cho gia đình. Một trách nhiệm xem ra không có gì khó khăn nhưng lại không thể thiếu trong đời sống của mỗi chúng ta.

Vậy thế nào là trách nhiệm của chúng ta đối với gia đình và chúng ta phải làm như thế nào?”Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Đúng vậy , gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần cho ta , họ không bao giờ bỏ ta khi ta gặp hoạn nạn .Vì thế , ngoài nghĩ cho bản thân thì chúng ta cũng nên nghĩ đến gia đình , đến những người thân yêu của chúng ta.

Trách nhiệm đối với gia đình không chỉ là nghĩa vụ mà nó còn thể hiện ở ý thức của mỗi người. chúng ta phải biết quan tâm hơn với gia đình. Tuy chỉ là một hành động nhỏ đối với bạn nhưng đôi khi đối với những người thân thì nó thực sự rất có ý nghĩa.

Chúng ta thể hiện trách nhiệm của mình qua nhiều hành động khác nhau. Nhưng hành động thể hiện sự yêu thương có lẽ là sẽ làm cho gia đình bạn trở nên hạnh phúc nhất. Khi còn là một đứa trẻ, có lẽ bạn sẽ chưa hiểu rõ được những điều mà cha mẹ bạn dành cho bạn, nhưng một khi sau này đã có gia đình, có con thì bạn sẽ hiểu được tại sao cha mẹ mình lại có thể hy sinh nhiều như vậy. Ở nhà, đôi khi những công việc như quét nhà, nấu cơm, rửa chén… la`những công việc tưởng chừng là những việc đơn giản mà chỉ có mẹ làm, nhưng không, nó còn có thể dành cho bạn đấy. Hãy dành chút thời gian để phụ giúp cho mẹ, việc làm đó không lấy nhiều thời gian của bạn lắm đâu nhưng nó lại làm cho mẹ cảm thấy hạnh phúc và tự hào hơn về bạn. Cha mẹ không đòi hỏi chúng ta phải phụ giúp hay yêu thương họ. Họ chỉ mong chúng ta học hành thật tốt mà thôi. Chính vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là phải cố gắng học thật tốt để làm cho cha mẹ cảm thấy thật hạnh phúc, thật vui. Đó cũng là cách thể hiện sự đền đáp công ơn bao tháng ngày cơ cực nuôi dưỡng ta. Hãy thể hiện sự yêu thương của bạn đối với gia đình khi còn có thể. Đừng để bạn phải hối tiếc về những gì đã làm. Cha mẹ không thể sống đời với chúng ta vì thế hãy quan tâm cha mẹ hơn khi họ còn ở bên cạnh bạn.

Nói tóm lại, chúng ta phải hoàn thành bổn phận với gia đình một cách tốt nhất. Bạn đừng bao giờ hỏi rằng:” Gia đình đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi rằng bạn đã làm được gì cho gia đình chưa?”. Đó cũng chính là điều mà tôi muốn gửi đến các bạn để các bạn có thể hoàn thành tốt trách nhiệm của mình với gia đình.

Mặc Chinh Vũ
8 tháng 7 2018 lúc 20:52

Chữ “hiếu” luôn tồn tại trong tâm thức của mỗi người, là nét đẹp trong tâm hồn. Dù cuộc sống có thay đổi, đối mặt với nhiều vấn đề thời hiện đại thì chữ hiếu vẫn không thay đổi. Đó chính là sự tôn trọng, trân quý người sinh thành dưỡng dục ra mình và luôn luôn suy nghĩ về trách nhiệm với những đấng sinh thành. Xuất phát từ tâm hiếu với cha mẹ, chúng ta có thể nhìn sâu rộng ra ngoài xã hội để biết yêu thương những người xung quanh, xây dựng được mối quan hệ giữa người với người tốt hơn.

Trách nhiệm, nghĩa vụ đối với ông bà, cha mẹ được cô đúc trong khái niệm “hiếu”. “Hiếu” không những được xem là đứng đầu của đức hạnh, mà còn là cội nguồn để có được phúc - thiện. Đã từ lâu, cha ông ta hết sức coi trọng việc giáo dục đạo lý làm người cho con cháu, mà trước hết là phải lấy chữ hiếu làm đầu.

Theo Nho giáo, hiếu là một khái niệm đạo đức nền tảng, là cái gốc của mọi vấn đề về đạo đức. Trong xã hội phong kiến Việt Nam luôn lấy “hiếu” làm chuẩn mực trong xã hội, làm tiêu chuẩn rèn luyện và đánh giá nhân cách con người.

Chữ hiếu vốn là một nội dung quan trọng của đạo đức gia đình truyền thống Việt Nam, đó là: "Nết đầu trong trăm nết”, đạo hiếu hình thành lâu đời trong những phong tục của người Việt như: thờ cúng tổ tiên, kính trọng người già, tôn trọng cha mẹ… nhưng khi Nho giáo xâm nhập đã thể chế hóa thành những luân lý, đạo đức của xã hội và dường như nó đã ăn vào tâm thức của người Việt từ bao đời nay.

Người xưa có quan niệm, đạo hiếu là bổn phận xuất phát từ tâm. Thế nên, Đạo làm con nếu thực hiện được một phần hay toàn vẹn đều là do sự tự giác, tự nguyện của mỗi con người. Người biết giữ đạo làm con luôn “giữ mình” suốt cả cuộc đời và thận trọng trong mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm đối với cha mẹ. Đó là sự quan tâm, chăm sóc, cầu mong cha mẹ khoẻ mạnh, sống lâu, vui vẻ. Đó cũng là những cố gắng gìn giữ, phát huy nề nếp, gia phong, là sự biết ơn ông bà tổ tiên và sự chăm sóc các thế hệ sau...

Cuộc sống thay đổi với nhiều biến động, bên cạnh những tấm gương hiếu thảo, những tấm lòng nhân nghĩa, ân tình với cha mẹ, thì vẫn còn đó nhiều người con đã có thái độ bất nhân, bất nghĩa, thiếu tôn trọng ,vô đạo đức với cha mẹ.

Những hiện tượng tích cực và tiêu cực về đạo hiếu đang xảy ra trong xã hội hiện nay đã đặt ra rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải giải quyết. Bên cạnh việc phát huy, nêu gương những tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ thì chúng ta cũng cần phải lên án và phê phán các hiện tượng con cái ngược đãi cha mẹ. Nâng cao hơn nữa vai trò của giáo dục chữ hiếu trong giai đoạn hiện nay là điều cần thiết.

Nếu như xã hội phương Tây có những ngày tưởng nhớ cha mẹ trong năm để tạo cơ hội cho con cái gần gũi cha mẹ như: Ngày của mẹ (Mother’s day), Ngày của bố (Father’s day), Ngày của cha mẹ (Parent’s day) và ngày sinh nhật cho từng người, thì ở nước ta từ xưa đã có tục lệ tổ chức mừng thọ cho các cụ, là dịp để con cái quây quần, tụ họp, gần gũi với cha mẹ, hay cũng có thể đơn giản chỉ là bớt chút thời gian các cuộc vui bên ngoài để về với cha mẹ, ngồi tâm sự, ngồi kể cho cha mẹ nghe vài ba câu chuyện vui về cuộc sống, một cái ôm thật nhẹ hay đơn giản chỉ là cái cười vui của sự quan tâm ...cũng là sự báo hiếu, thực hiện Đạo làm con với cha mẹ.

Một lời nói, một hành vi đúng lúc đối với các bậc cha mẹ có khi còn quý hơn tất cả. Bạn cần nhớ: Bạn đối xử với cha mẹ bây giờ thế nào thì con cái bạn về sau cũng đối xử với bạn như thế. Đây là quy luật “nhân quả”, là lẽ tự nhiên. Trân quý và giữ gìn chữ hiếu trong nề nếp gia đình mang một ý nghĩa hết sức lớn lao là đã tạo ra những con người Việt Nam nghĩa tình.

Mặc Chinh Vũ
8 tháng 7 2018 lúc 20:52

“Công cha đức mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ song thân”

Công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái là vô cùng to lớn, không sao kể xiết. Vì vậy, những người làm con khi đã khôn lớn, trưởng thành phải luôn ghi nhớ công lao trời biển ấy và báo đáp, phụng dưỡng cha mẹ. Đúng như những lời trong câu ca dao: “Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Bất kể ai cũng vậy, từ khi mới chào đời ta đã nhận được tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ và những người xung quanh. “Mang nặng đẻ đau” chín tháng mười ngày để rồi vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc khi nghe thấy tiếng khóc đầu đời của con. Còn gì vui sướng hơn khi sau bao nhiêu ngày tháng chờ đợi, thiên thần của cha mẹ đã ra đời. Và cũng từ đó, cha mẹ vất vả hơn khi phải chăm sóc con, lo cho con tất cả mọi thứ, thức trắng đêm trông nom khi con ốm. Cứ như vậy cho đến khi con “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”, thời gian trôi con lớn dần trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của cha mẹ còn cha mẹ thì vất vả hơn vì vừa phải lo cho công việc vừa phải lo cho con. Nhưng có một điều mà chắc chắn ai cũng biết đó là cho dù vất vả, nặng nhọc đến đâu chỉ cần những đứa con luôn vui tươi, khỏe mạnh thì đó đã là niềm động viên, an ủi, tiếp thêm sức mạnh cho những người làm cha, làm mẹ rồi.

Công lao của cha mẹ thật vô cùng lớn lao, chính vì vậy con cái cần làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Khi còn nhỏ, bổn phận của con cái là phải biết vâng lời cha mẹ, chăm chỉ học tập rèn luyện để cha mẹ được vui lòng. Tuy còn nhỏ, chưa thể giúp gì nhiều cho cha mẹ nhưng việc phấn đấu để trở thành con ngoan trò giỏi chính là món quà to lớn dành cho cha mẹ của mình. Mặc dù có nhiều lúc cha mẹ có quát mắng ta nhưng suy cho cùng, những bậc làm cha làm mẹ chỉ muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Có thể khi đó, chúng ta còn quá nhỏ để hiểu được một cách sâu xa những lời quát mắng đó là muốn tốt cho mình, nhưng khi đã trưởng thành, ta thầm cảm ơn những lời quát mắng đó đã giúp ta hiểu ra nhiều điều hơn. Khi con cái dần trưởng thành cũng là lúc cha mẹ ngày càng già yếu đi, đây chính là lúc những người làm con cần làm làm tròn chữ hiếu của mình, đó là phải phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo cho cha mẹ của mình, có như vậy mới làm tròn chữ hiếu của đạo làm con.

Tuy nhiên không phải những người con nào cũng làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ. Có những người con xem cha mẹ của mình là gánh nặng khi họ già yếu đi, anh em trong cùng một gia đình đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha mẹ hết cho người này rồi đến người khác, có một số người chọn cách đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để không mất thời gian chăm sóc. Cha mẹ cả một đời vất vả vì con cái, chỉ mong lúc về già được an nhàn, sum họp bên con cháu, vậy mà những người con nỡ nhẫn tâm bỏ mặc cha mẹ trong sự cô đơn, mặc dù vẫn đầy đủ về cuộc sống vật chất nhưng lại thiếu thốn tình cảm, lúc nào cũng cảm thấy cô đơn.

“Công cha nặng lắm ai ơi

Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”

Một lần nữa phải luôn tự nhắc nhở rằng, công lao, ơn nghĩa của cha mẹ là không gì có thể sánh nổi. Những người làm con phải luôn ghi nhớ công lao ấy và phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ, đừng để khi cha mẹ mãi mãi không còn trên thế gian này nữa thì mọi sự báo đáp cũng đã muộn rồi.

Huong San
8 tháng 7 2018 lúc 21:46

Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu:

Có tài mà không có đức là người vô dụng

Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó.

Đạo đức, phẩm chất là một phần quan trọng đối với bản thân con người. Trong đó hiếu thảo là một đức tính vô cùng cần thiết đối với chúng ta. Vậy theo các bạn, như thế nào là hiếu thảo? Trước tiên để biết được ý nghĩa của hiếu thảo thì chúng ta cần phải hiểu thế nào là hiếu thảo? Hiếu thảo là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người. Nó thể hiện những tình cảm, suy nghĩ của bản thân mỗi người với những ai đã có công ơn to lớn với chúng ta. Hiếu thảo rất cần thiết trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt là đối với những thế hệ trẻ ngày nay- những con người đang dần hòa nhập vào nhịp sống của thế giới hiện đại. Nhân dân ta có truyền thống hiếu thảo từ bao đời nay. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc. Ca dao có câu:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Cha mẹ là người đã có công rất lớn trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Họ sinh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ ta nên người. Cha mẹ hết lòng yêu thương, chăm sóc những đứa con của họ một cách vô điều kiện, luôn bên cạnh, chia sẻ, quan tâm trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn, gian khổ hay lúc thành công hạnh phúc. Đối với cha mẹ, “Con dù lớn vẫn là con của mẹ – đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Thật vậy, công ơn cha mẹ là vô cùng to lớn như như “núi Thái Sơn”, như “dòng nước bao la, mênh mông và vô tận”. Bởi thế, mỗi chúng ta cần phải đền đáp lại những công ơn to lớn ấy từ những việc làm nhỏ nhất như: ra sức học tập, rèn luyện tốt, hiếu thảo, sống sao cho có ích với bản thân, gia đình và xã hội. Đó chính là lí do vì sao bản thân mỗi người luôn cần có lòng hiếu thảo.

Lòng hiếu thảo của chúng ta không phải chỉ đối với cha mẹ mà còn được thể hiện với mọi người xung quanh: ông bà, thầy cô, những chiến sĩ cách mạng,… Thầy cô cho ta kiến thức, chắp cánh cho những học trò thực hiện ước mơ của mình. Không ồn ào, phô trương, âm thầm và lặng lẽ, thầy cô như những người lái đò cần mẫn đưa qua bến bờ tri thức bao nhiêu là những lớp trẻ thanh niên. Bên cạnh đó, để có được cuộc sống hạnh phúc, hòa bình như ngày hôm nay, chúng ta cũng chảng thể nào quên sự “hiếu thảo”, nhớ ơn đến các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hi sinh vì dân tộc Việt Nam. Không bia đá, tượng đài, không một chút hoa mĩ, cầu kì, các anh đã mãi ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng chính những tâm hồn ấy, những tấm gương ấy, những bài học ấy sẽ mãi mãi sống trong lòng người hôm nay, ngày mai và mai sau. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, khi cuộc sống đang dần trở nên văn minh hiện đại và đầy lo toan… thì đôi khi bản thân chúng ta lại quên đi hoặc thậm chí là đánh mất đi cả lòng hiếu thảo của bản thân. Họ thản nhiên vô phép, đối xử bạc đãi với gia đình, với thầy cô, đặc biệt là cha mẹ. Trong cuộc sống hôm nay có bao nhiêu hành vi, tình trạng những giới trẻ cư xử không đứng đắn như: hành hạ, đánh đập,… một cách tàn nhẫn với thầy cô – những người chắp cho ta đôi cánh kiến thức, rồi cha mẹ – những người có công sinh thành và dưỡng dục chúng ta. Đó là những hành vi mà chúng ta phải lên án, suy nghĩ và tìm giải pháp. Chúng ta – những thế hệ trẻ cần phải biết tôn trọng, gìn giữ và phát huy những đạo đức tốt đẹp đối với con người, đặc biệt là lòng hiếu thảo, cần nghiêm khắc lên án, cảnh cáo với những hành vi trái ngược với lương tâm, đạo đức của mỗi người. Đó là nhiệm vụ của mỗi chúng ta.

Thật vậy, lòng hiếu thảo là một đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam. Qua đây, bản thân chúng ta – những chủ nhân tương lai của đất nước cũng sẽ nhìn nhận lại đạo đức của bản thân, của cái nhìn về gia đình, về lòng hiếu thảo và thấm thía rằng: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”.

Nguồn:Itn

Thời Sênh
9 tháng 7 2018 lúc 7:04

"Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con"

Câu hát cất lên từ radio khiến lòng tôi chông chênh, lâng lâng. Khóe mắt cay cay. Vô tình giọt nước mắt rơi. Đạo làm con là gì vậy ? Như thế nào là đạo làm con ? Tôi bất chợt nhớ lại những tháng ngày bên mẹ cha. Hơi ấm từ đôi bàn tay mẹ, niềm tin yêu đầy hi vọng từ ánh mắt cha, thật kỳ diệu biết bao. Những điều thiêng liêng ấy khiến tôi cúi đầu, nghĩ suy về những gì mình đã làm, về đạo làm con mà mình đã dành cho cha mẹ trong suốt thời gian qua.

Ai có thể định nghĩa được đạo làm con là gì không ? Phải chăng là tiếng gọi thiết tha cất lên từ cái miệng nhỏ nhắn xinh xắn của một em bé khi vừa bặm bẹ tập nói hai từ "ba ba", "ma ma". Hay là những lời cảm ơn chân thành từ một cậu bé khi vừa được bố mẹ thưởng cho một món quà ? Là một lời hỏi thăm khi con đi xa nhớ về gia đình ?… Tôi cũng không biết hình dung như thế nào về đạo làm con. Chỉ biết rằng, mỗi lần làm cho cha mẹ cười vui, là tôi lại như được tiếp thêm bao sức mạnh để bước tiếp trên con đường mình đang đi

Công lao cha mẹ thật đúng như núi Thái Sơn, như nước trong nguồn, không bao giờ cạn kiệt, cũng chẳng bao giờ bị mặt trời che lấp dù có nắng chói gay gắt đến nhường nào. Tình cha, nghĩa mẹ luôn là những điều thiêng liêng nhất, cao quý nhất. Đạo làm con nếu không cảm thấu được điều này thì thật là uổng cho bao công lao vất vả nhọc nhằn của cha mẹ. Có thể một số bạn được sinh ra trong gia đình có điều kiện. Cha mẹ không phải cặm cụi ngoài đồng ruộng, phải một nắng hai sương chân lấm tay bùn. Nhưng dù làm nghề gì đi chăng nữa cũng phải lao tâm, phải dốc hết sức mình mới có thể kiếm được đồng tiền nuôi con. Chưa kể đến có những đêm cha mẹ thay nhau thức trắng bên con vì con ốm, con sốt… Ánh mắt mẹ mong mỏi từng ngày con lớn khôn. Bàn tay cha trai sạn ngoài công trường để hàng tháng có tiền gửi về mua sữa cho con… Tất cả những gì cha mẹ làm đều vì muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Nhưng ai có thể biết rằng, đứa bé còn đang nằm trên tay mẹ kia rồi sau này sẽ trở thành người ra sao. Liệu rằng nó có thấu hiểu tình cha nghĩa mẹ mênh mông như biển trời đã dành cho nó. Vì nó mà tuổi xuân mẹ không còn. Vì nó mà đời trai trẻ của cha cũng dành hết cho công việc… Còn rất nhiều điều không thể nói hết về công ơn cha mẹ.

Loading...

Thế nhưng, không phải đứa con nào cũng biết dựa vào núi Thái Sơn, biết trân trọng nước trong nguồn. Một số bạn ngày ngày đi học còn ham chơi, sức hấp dẫn của những trò điện tử vô bổ còn mạnh mẽ hơn cả lời căn dặn của cha mẹ. Thậm chí, có những bạn còn sẵn sàng bỏ cả cha mẹ chạy theo lũ bạn lao vào con đường nghiện ngập, trộm cắp… Các bạn đâu biết rằng, phía sau lưng mình, mẹ đang khóc từng đêm. Những giọt nước mắt ấy lẽ ra phải được thay thế bằng nụ cười hạnh phúc khi ngày ngày con đi học về ríu rít kể mẹ nghe những bài học thú vị ở trường. Nhưng không, về đến nhà, bạn quăng cắp sách vào một xó, chạy lên phòng, bật máy tính lên và online hoặc chơi game. Cha mẹ lại lắc đầu buồn phiền mà chẳng biết phải làm thế nào nữa. Sự bất lực trước con cái có lẽ là điều đau đớn đến xé lòng mà không một người cha người mẹ nào muốn.

Và rồi, cho đến một ngày kia, cha mẹ không còn nữa. Chẳng còn ai nhắc nhở ta lúc lầm lỡ, lúc sa cơ. Quay về nhà chỉ còn lại một bầu không khí vắng tanh, lặng im. Cũng chẳng có ai quát mắng khi không thể kìm chế được mình. Khi còn lại một mình, khi đói lòng, khi vấp ngã, khi giọt nước mắt lã chã rơi, bạn nhận ra rằng ta đã mồ côi thì đã quá muộn mất rồi.

Thế nên, các bạn ạ,

"Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc

Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không"

Làm một người con hư quá dễ dàng. Nhưng là một người con ngoan ngoãn cũng đâu có gì là khó khăn đâu. Chỉ cần mỗi chúng ta quyết tâm. Đặc biệt là luôn làm chủ bản thân mình, không bao giờ được sa ngã vào những thói hư tật xấu. Hãy luôn ghi nhớ hình ảnh của cha mẹ trong đầu. Nhớ lời mẹ dặn. Nhớ rằng có được ngày hôm nay là công lao bao ngày vất vả mệt nhọc của cha mẹ. Khi chưa làm được gì đền đáp công ơn trời biển ấy thì cũng đừng làm vấy bẩn lên tình cha, nghĩa mẹ, lên những gì thiêng liêng nhất, cao quý nhất.

Cha mẹ làm biết bao công việc to lớn, nhưng các bạn có biết rằng, chỉ cần một hành động nhỏ bé của con cái cũng đủ để làm bố mẹ cười vui. Đi học về, con lễ phép chao cha mẹ, vào phòng cất cặp sách rồi thay quần áo, phụ giúp mẹ nấu nướng, dọn dẹp. Tối đến tâm sự với mẹ những chuyện xảy ra ở trường ngày hôm nay… Niềm hạnh phúc đến từ ngay trong những điều đơn giản nhất, đơn sơ nhất. Hạnh phúc của cha mẹ chỉ cần vậy thôi.

Đừng bạn nào làm cho mẹ phải khóc nữa nhé. Hãy để nụ cười tô thắm lên cuộc đời mẹ. Nếu như tuổi xuân mẹ đã dành hết cho con. Vậy thì con cũng hãy dành tuổi trẻ của mình cho mẹ. Hãy nhớ, đạo làm con là từ những điều nhỏ nhất, không phải cái gì đó to lớn lắm, vĩ mô lắm. Đọc xong bài này, hãy chạy đến ôm mẹ nhé, không cần phải nói câu yêu mẹ, chỉ lặng im thôi, mẹ cũng đủ hiểu.


Các câu hỏi tương tự
Trần Nguyễn Cát Tường
Xem chi tiết
Phùng Anh Tuấn
Xem chi tiết
phúc hồng
Xem chi tiết
Thúi Thị Thơm
Xem chi tiết
Đỗ Thị Loan
Xem chi tiết
Trần Nghiên Hy
Xem chi tiết
Nguyen Tuan Minh
Xem chi tiết
BanhTrang Kibo
Xem chi tiết
Đinh Gia Kiệt
Xem chi tiết