Văn mẫu lớp 7

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
lee huy tus

Đề 1 : Em hãy giải thích câu ca dao công cha như núi...là đạo con và nêu suy nghĩ của em về công ơn của cha mẹ

Đề 2 :Nhà văn Nguyễn Bá Học có nói: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông.
Em hiểu câu nói này như thế nào? Em hãy giải thích và chứng minh câu nói trên?

Đề 3 : Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đoàn kết là sức mạnh vô địch. Em hiểu thế nào là đoàn kết? Tại sao đoàn kết lại là sức mạnh vô địch? Em phải làm gì để thực hiện lời dạy đó?

Đề 4: Trong một cuộc nói chuyện với học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Em hãy giải thích câu nói trên?



nguyen minh ngoc
1 tháng 5 2018 lúc 21:05

Đề 1

Từ khi bé thơ cho tới khi trưởng thành, công lao cha mẹ đối với chúng ta quả là to lớn. Tình cha nghĩa mẹ thiêng liêng suốt đời ta không thể trả hết, bởi lẽ:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Câu ca dao được cha ông ta đúc kết từ hàng nghìn năm nay nhưng đến tận bây giờ, nó vẫn là bài ca hay nhất về công lao của cha mẹ dành cho con cái.

Cha sinh mẹ dưỡng, nuôi nấng con nên người. Cha mẹ đã phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn, vất vả để mang đến cho con tiếng cười, niềm hạnh phúc. Dân gian xưa đã lấy hình ảnh ngọn núi Thái Sơn để ví như công lao của người cha. Đây là một hình ảnh so sánh vừa chân thực, vừa cụ thể. Núi Thái Sơn là một trong những ngọn núi cao và hùng vĩ nhất Trung Quốc. Công lao nuôi dưỡng của người cha cũng vậy, không thể nào cân đong đo đếm dược. Trong quan niệm phong kiến xưa, người cha được coi là trụ cột của gia đình, là người lo toan gánh vác những công việc to lớn, nặng nhọc. Dân gian ta có câu: Con có cha như nhà có nóc. Nóc đối với ngôi nhà là vô cùng quan trọng, che mưa, gió, bão giúp cho ngôi nhà được chắc chắn. Ngôi nhà không có nóc cũng như những đứa trẻ bất hạnh mồ côi cha, không có một chỗ dựa tinh thần vững chắc. Có thể nói vai trò của người cha trong xã hội trọng nam khinh nữ xưa hay trong cuộc sống hiện đại ngày nay là vô cùng quan trọng.

Công lao sinh dưỡng của mẹ cũng vô cùng to lớn: Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Cách so sánh này quả thực rất hay. Bởi lẽ nước trong nguồn không bao giờ chảy hết cũng như tình cảm mẹ dành cho con cũng không bao giờ vơi cạn. Mẹ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày rồi cho con bú mớm, rồi nuôi dưỡng con nên người. Nước trong nguồn chảy ra cũng ngọt ngào, dịu mát như dòng sữa mẹ vậy. Dòng sữa trắng trong chứa đựng biết bao tình cảm, sự hi sinh mẹ dành cho con.

Công cha nghĩa mẹ đối với con cái thật to lớn. Chúng ta sinh ra được sống trong vòng tay đầy âu yếm, đầy tình thương, đầy những lo toan, vất vả mà cha mẹ đã phải chịu đựng:

Nuôi con cho được vuông tròn

Mẹ thầy dầu dãi xương mòn gối cong.

Vậy chúng ta với trách nhiệm là những người con phải làm tròn chữ hiếu để đền đáp công lao của cha mẹ:

Một lòng thờ mẹ kinh cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Trong xã hội xưa có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo: chuyện về một người con đã lấy thịt mình làm thuốc cho mẹ, chuyện về Lão Lai Tử người nước Sở lúc bảy mươi tuổi còn mặc áo ngũ sắc nhảy múa để mua vui cho cha mẹ. Chữ hiếu được thể hiện ngay trong hành động, ngay trong tình cảm mà chúng ta dành cho cha mẹ. Bổn phận của người làm con trước hết là tu dưỡng học hành, đỗ đạt thành tài để làm cha mẹ vui lòng. Sau đó tận tình chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi đau ốm, lúc tuổi già. Đạo làm con không phải một sớm một chiều mà phải làm trọn vẹn chữ hiếu, dành trọn cả tấm lòng để đền đáp công lao sinh thành của cha mẹ.

Tình cảm cha mẹ dành cho con cái thật thiêng liêng biết bao. Công cha, nghĩa mẹ vô bờ bến, suốt đời con không thể trả hết:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Câu ca dao xưa nhưng vẫn luôn vang vọng trong suy nghĩ của rất nhiều thế hệ. Câu ca dao không chỉ ngợi ca tình cảm cha mẹ bao la, rộng lớn mà còn muốn nhắn nhủ người làm con phải giữ trọn bổn phận, giữ trọn chữ hiếu. Đối với riêng cá nhân tôi, trước hết là phải vâng lời cha mẹ, tu dưỡng đạo đức, học hành chăm chỉ để làm cho cha mẹ vui lòng.



nguyen minh ngoc
1 tháng 5 2018 lúc 21:05

Đề 1

Ca dao dân ca là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng chúng ta từ thuở lọt lòng. Dòng sữa tinh thần ấy lan xa theo hương lúa, cánh cò, trầm bổng ngân nga theo nhịp chèo của con thuyền xuôi ngược, âu yếm thiết tha như lời ru của mẹ... như khúc hát tâm tình quê hương đã thấm sâu vào tâm hồn tuổi thơ mỗi người. Em nhớ mãi lời ru của bà của mẹ:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Lời ca dao tuy giản dị mà ý nghĩa thật lớn lao, nó ca ngợi công lao trời biển của cha mẹ và nhắc nhở đạo làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu.

Vẫn là thi pháp thường thấy trong ca dao, các tác giả dân gian dùng cách nói ví von để tạo ra hai hình ảnh cụ thể, song hành với nhau: Công cha đi liền với nghĩa mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta mượn hình ảnh núi Thái Sơn và nước trong nguồn vô tận để so sánh với công lao nghĩa mẹ:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Cha mẹ sinh con ra, nuôi con mau lớn thành người. Tấm lòng cha mẹ dành cho con thật vô tận, nó chỉ có thể sánh với núi sông hùng vĩ trường cửu mà thôi. Công cha lớn lao như núi, cha thức khuya dậy sớm làm lụng vất vả lo cho con có cơm ăn áo mặc, học hành, khôn lớn thành người. Người cha như chỗ dựa tinh thần và vật chất cho con, cha nâng niu ôm ấp chăm chút cho con, ai có thể quên công lao trời biển ấy. Chín tháng mang nặng rồi đẻ đau, mẹ chắt chiu từng giọt sữa ngọt ngào nuôi con khôn lớn. Lúc con khỏe mạnh cũng như khi ốm đau lòng mẹ giành cho con: như biển Thái Bình dạt dào. Không có cha mẹ làm sao có chúng ta được: con có cha mẹ, không ai ở lỗ nẻ mà lên, tục ngữ đã dạy ta bài học đó. Câu ca dao đã nâng công lao của cha mẹ lên tầm kỳ vĩ sánh với vũ trụ, đất trời. Những hình ảnh tuy giản dị đơn sơ mà thấm đượm lòng biết ơn vô hạn của con cái với mẹ cha.

Công lao trời biển của cha mẹ sao kể hết bằng lời. Trong những dòng trữ tình hàm súc ấy ẩn chứa một chân lí ngàn đời, chân lí ấy phải được chuyển hoá thành hành động, hành động của lòng biết ơn:

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Ông cha ta dạy kẻ làm con phải: thờ mẹ kính cha phải giữ tròn phận sự của kẻ làm con. Đạo làm con phải làm tròn chữ hiếu. Hiếu ở đây là hiếu thuận, hiếu nghĩa, là cư xử làm sao cho kính trọng, yêu thương. Đó cũng là cách sống, cách thức làm người, lẽ sống của con người. Với cha mẹ phải thương yêu ngoan ngoãn vâng lời, lúc nhỏ thì chăm ngoan học giỏi, lớn lên trở thành người công dân tốt, đứa con hiếu thuận trong gia đình. Phải tuân theo những cách thức ứng xử hợp đạo lý. Hai chữ một lòng thế hiện niềm thuỷ chung, son sắt không thay đổi.

Luật gia đình của chúng ta ngày nay quy định bậc con cái phải có nghĩa vụ kính trọng cha mẹ, săn sóc cha mẹ khi già yếu chính là kế tục truyền thống tốt đẹp muôn đời của dân tộc ta uống nước nhớ nguồn. Những kẻ đi ngược lại đạo lý ấy thì sẽ không bao giờ tốt với ai hết, và dĩ nhiên kẻ ấy không bao giờ trở thành một công dân tốt cho xã hội. Những kẻ ấy nếu sống ở trên đời sẽ là những ung nhọt bệnh hoạn của gia đình, xã hội mà chúng ta thường gọi là bất nhân bất nghĩa.

Chúng ta được cha mẹ sinh ra để làm một con người, hãy sống cho xứng đáng là con người. Trên thực tế không phải ở mọi lúc, mọi nơi những đứa con giữ tròn đạo hiếu. Có biết bao cảnh con khinh rẻ cha mẹ, thậm chí đối xử tệ bạc với những người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình. Những cách sống của những kẻ như vậy phải bị xã hội trừng trị. Bài ca dao đã đánh thức những kẻ đã và đang sống thiếu lương tri, đồng thời cũng như luồng ánh sáng chiếu rọi vào trái tim mỗi chúng ta - những đứa con.

Ngày nay chữ hiếu không chỉ dừng ở góc độ gia đình, rộng hơn là hiếu với dân, với nước. Có được như vậy mới nhằm xây dựng một xã hội lành mạnh, đẹp đẽ hơn, mà trước hết phải từ gia đình sống với nhau hiếu thuận có đạo đức.

Bài ca dao trên cũng như phần lớn các bài ca dao khác với nghệ thuận so sánh ví von, lời thơ cân xứng hài hoà, hình ảnh giản dị mà hàm xúc... đã nhằm nói lên được tình cảm gia đình sâu sắc. Tính truyền cảm, nội dung giáo dục mạnh mẽ đã làm cho nó sống mãi với chúng ta bao đời nay.



nguyen minh ngoc
1 tháng 5 2018 lúc 21:06

Đề 1

Văn học dân gian là kho tàng sáng tác lâu đời của người xưa, trong đó ca dao là những câu hát mượt mà đằm thắm nghĩa tình. Có những câu ghi lại tám lòng của con cháu luôn tường nhớ tới tổ tiên như:

Con người có tổ có tông Như cây có cội, như sông có nguồn.

Gần gũi và thấm thìa hơn là công ơn cha mẹ đối với con cái:

Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Dưới đây, chúng ta hãy thử đi vào tìm hiểu ý nghĩa của hai câu lục bát này. Cách thể hiện tình cảm của ca dao thật trữ tình khi người xưa so sánh cái trừu tượng như công cha, nghĩa mẹ với cái cụ thể như núi Thái Sơn, nước trong nguồn. Mượn hình ảnh núi Thái Sơn, một ngọn núi cao, nổi tiếng của Trung Quốc. Núi Thái Sơn nằm ở phía bắc thành phố Thái An, tĩnh Sơn Đông, Trung Quốc, nơi cao nhất là 1545 mét. Mang núi Thái Sơn ví với công cha, người xưa muốn nói lên một cách cụ thể để chỉ công cha thật là lớn lao, như ngọn núi Thái Sơn hùng vĩ. Cũng như ở một câu ca dao khác, người xưa từng so sánh:Công cha như núi ngất trời. Núi Thái Sơn hay núi ngất trời cũng cùng chung một ý nghĩa: công lao của cha vô cùng to lớn, chúng ta không thể nào đo đếm được. Đó là những hình ảnh chỉ một khối lượng vô tận.

Nói về nghĩa mẹ, sự liên tưởng chuyển sang một mức độ cụ thể hơn, gần gũi hơn: nước trong nguồn chảy ra không bao giờ cạn. Trong một câu ca dao khác, nghĩa mẹ được so sánh như nước ngoài biển Đông. .Nước trong nguồn hay nước biển Đông đều vô tận, không bao giờ hết, không bao giờ ngừng chảy, không bao giờ cạn. Cách so sánh đó thật tài tình và chứng tỏ người xưa rất hiêu quy luật của tự nhiên mà vận dụng vào đời sống. So sánh nghĩa mẹ như thế, chứng tỏ người xưa hiểu lòng yêu thương vô cùng, vô tận của người mẹ.

Cả câu ca dao nói lên công lao to lớn, vô cùng của cha mẹ với con cái. Từ đó, nhân dân ta nhắc nhở mọi người phải biết ơn, hiếu trọng đối với cha mẹ. Mỗi chúng ta, trước khi ra đời còn nằm trong bụng mẹ. Người mẹ mang nặng đẻ đau sinh ra chúng ta. Chúng ta thành người từ giọt máu chung của cha mẹ ta. Chỉ công ơn sinh thành ấy cũng đủ để khẳng định không gì có thể so sánh nổi. Công ơn sinh thành của cha mẹ thật lớn lao.

Từ khi cất tiếng chào đời, đến lúc biết lẫy biết cười, nằm nôi trong tiếng hát à ơi của mẹ, Trong vòng tay khô rám của cha, rồi ăn, rồi mặc, rồi sắm sửa các phương tiện khác cho ta lớn lên từng ngày, hỏi rằng công lao cha mẹ kể làm sao hết được. Từ lúc ta còn nhỏ xíu, chưa biết tự lập, chưa biết gì đến lúc biết tự lo cho bản thân, trưởng thành, cha mẹ dồn hết sức lực cuộc đời lo cho con cái. Đau xót thay, khi ấy cha mẹ đã già yếu đi. Công lao ấythật lớn lao vô tận!

Nói về công lao này, ông bà ta có những câu ca dạy cho trẻ như:

"Cha sinh, mẹ dưỡng Chữ cù lao lấy lượng nào đong Thờ cha kính mẹ hết lòng Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường"

Thực vậy, cha mẹ có chín công lao nuôi dạy con cái, rút tỉa bao sinh lực cả đời cha mẹ. Việc thứ nhất là công sinh thành (sinh) của cha và mẹ. Công sinh thành của cha là tiên quyết, vì không có cha, thì mẹ không sinh ta ra được, nhưng công mẹ cưu mang chín tháng mười ngày thật là cực nhọc, đau đớn khi nở nhụy khai hoa, có khi phải đổi mạng mẹ để có con. Nói về sự nguy hiểm khi sinh con mà không ai giúp đỡ, người ta có câu ca ví von rằng:

Đàn ông đi biển có đôi Đàn bà đi biển, mồ côi một mình!

Nếu may mắn mẹ qua cơn nguy kịch lúc sinh con, cha mẹ lại cùng nhau chăm sóc con (cúc). Mẹ cho con bú bằng nguồn sữa chiết ra từ sinh lực, từ cơ thể mình (súc). Nếu chẳng may mẹ không có sữa đầy đủ, mẹ phải cùng cha làm lụng xoay sở mua sữa hộp nuôi con, sau đó còn nấu cháo hoặc tìm các món bổ dưỡng để mớm cho con lúc con chưa tròn một tuổi, chưa biết ăn cơm..Trời đông lạnh lẽo, chẳng ai khác ngoài cha, mẹ tìm kiếm áo quần, chăn mền đề ấp ủ cho con, tránh cho con những sự ốm đau bệnh tật trong lúc sơ sinh yếu ớt. Ngoài ra, cha mẹ còn âu yếm, nâng niu, vuốt ve, bồng ẵm con thơ một cách hết sức cảm động: "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" lúc con khó ăn, khó ngủ hay ôm đau bệnh tật.(vũ). Khi con bi bô biết nói, biết cười, mẹ cha lại lo lắng nghĩ đến chuyện dạy con lời ăn, tiếng nói: "học ăn, học nói, học gói, học mở"....sao cho con trở thành người khôn khéo, giỏi giang và lễ phép (dục), Sự giáo dục rồi cũng có khi phải nhờ đến nhà trường. Xưa thì mẹ cha tìm thầy đồ, rồi sắm sửa lễ vật , đổi gạo, dắt con đến nhà thầy. Nay thì bôn ba tìm trường nổi tiếng, tìm thầy cô giỏi, xin cho con đến học. Xưa, người mẹ góa bụa của Mạnh Tử phải dời nhà ba lần, chỉ vì mong muốn con mình được cận kề bên thầy hiền, bạn tốt. Cuối cùng Mạnh Tử trở thành một người xuất chúng thời bây giờ. Nay thì bao phụ huynh học sinh dãi gió dầm sương trên cánh đông, bờ sông, hay trong cơ quan nhà máy, làm ngày làm đêm, mong kiếm thật nhiều tiền cho con ăn học thành tài, không thua bè kém bạn. Khi con đã đến trường hay rời mái nhà ấm cúng ra ngoài xã hội, mẹ cha ngày đêm héo hon chờ trông tin ta, mong ta trở về (cố). Trong mái nhà tranh dột nát khi mưa về, cha mẹ dành cho con nơi khô ráo. Và âm thầm nằm co ro nơi lạnh ướt đêm thâu, khi có ai bức hiếp con, cha mẹ vì con mà hi sinh, chống chọi để bảo vệ sinh mạng cho con (phúc). Hơn nữa, khi chúng ta ra ngoài xã hội, giao du với bè bạn, cha mẹ luôn theo dõi và thao thức canh khuya để tìm phương cách uốn nắn con, tránh cho con bị lôi cuốn bởi tiền tài, vật chất và những thị hiếu thấp hèn, hay sa chân vào con đường trụy lạc (phục). Việc cuối cùng là cha mẹ lo cho con bước trưởng thành (trưởng) bằng một nghè nghiệp, một bản lãnh sống trong đời, và dựng vợ gả chồng cho con vào nơi tử tế.

Nuôi ta lớn, cha mẹ còn giáo dục ta nên người, cha mẹ dạy ta bằng chính những cách sống, những việc làm, cách cư xử trong cuộc sống, trong đạo làm người. Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên dạy cho ta nét ăn nét ở, dạy cho ta biểt phải trải, biết nhân nghĩa ở đời. Nhớ làm sao những ngày cấp một, em được mẹ sắm sửa áo đẹp để mừng xuân, mẹ em cũng không quên mua quà để em đem biếu thầy mừng xuân mới. Cha em chính là người thầy dạy em về tri thức khoa học. Mỗi lần đài truyền thanh, truyền hình có những chương trình hay, cha em đều gọi chúng em lại xem. Rồi một bài báo đặc sắc, một quyển sách hay, cha em đều trao cho em với thái độ ân cần, hân hoan nhất. Cha em đã trao cho em những hạt nhân tri thức để sau này gặp thầy cô, những hạt nhân ấy lại được tiếp tục vun trồng cho đến ngày đơm hoa kết trái.

Cha mẹ là nguồn sức mạnh, nguồn nghị lực thiêng liêng của đời em. Nụ cười rạng rỡ của cha khi em học giỏi, tiếng nói hiền hòa yêu thương của mẹ đã tiếp sức cho em vươn lên và thành công trong học tập. Thấy các bạn cùng trang lứa với em phải lưu lạc, tự lực kiếm sống, không được sum họp bên cha mẹ, em vô cùng thông cảm và thấy mình thật may mắn đã được cha mẹ nuôi dạy bảo bọc chu đáo, ân cần. Lòng em tràn ngập niềm vui! Em tự nhủ phải học giỏi, phải đỡ đần một phần nào công việc của cha mẹ, phải quan tâm đến sức khỏe của người nhiều hơn để người có được những niềm vui nho nhỏ bên cạnh trách nhiệm nặng nề mà cha mẹ đang gánh vác với tất cả sự tự nguyện cao cả nhất. Ai trong chúng ta không có những kỉ niệm thầm kín và thiêng liêng với song thân? Những kỉ niệm khắc sâu đời đời, làm ta hạnh phúc khi ở bên song thân, và làm ta rơi lệ khi phải cách xa tình cha, nghĩa mẹ? Em mong saosao càng lớn, em càng giúp đỡ cha mẹ nhiều hơn. Em sẽ làm việc và sống sao cho xứng đáng với sự hi sinh và ước mơ của cha mẹ.

Yêu thương, kính trọng và biết ơn cha mẹ là tiêu chuẩn xác định đạo đức của con người. Cha mẹ đã sinh thành và dạy dỗ em khôn lớn đến hôm nay, em còn được ăn học cho bằng người, đó là niềm hạnh phúc rất lớn lao đối với em. Thiết nghĩ không gì có thể đền đáp được công ơn trời biển của cha mẹ. Em chỉ nguyện sẽ luôn luôn làm vui lòng cha mẹ và khi lớn lên em sẽ phụng dưỡng cha mẹ thật chu đáo. Cũng mong sao chúng ta không phải hổ thẹn, hối hận khi nghĩ về đấng sinh thành, trong mùa "Vu Lan báo hiếu".

nguyen minh ngoc
1 tháng 5 2018 lúc 21:07

Đề 1

Cha mẹ đã sinh ra ta, chăm sóc dạy bảo ta. Vì thế, công ơn cha mẹ dành cho ta rất lớn. Chúng ta phải biết ơn, đền đáp công lao đó. Điều đó đã được ông cha ta nhắn nhủ qua bài ca dao:

“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.!”

Bài ca dao đã đi sâu vào lòng người bởi những hình ảnh so sánh rất độc đáo: “Công cha với núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ với nước trong nguồn”. “Núi Thái Sơn”là ngọn núi cao, đồ sộ vững chãi nhất ở Trung Quốc. “Nước trong nguồn” là dòng nước tinh khiết nhất, mát lành nhhất, dạt dào mãi chẳng bao giờ cạn. Từ hiện tượng cụ thể ấy, tác giả dân gian đã ca ngợi công lao của cha mẹ. Tình cha mạnh mẽ, vững chắc, tình mẹ thật ngọt ngào vô tận và trong sáng. Ân nghĩa đó to lớn, sâu nặng biết bao. Chính vì vậy mà chỉ có những hiện tượng to lớn bất diệt của thiên nhiên kì vĩ mới có thể so sánh bằng. Xuất phát từ công lao đó, ông cha ta khuyên mỗi chúng ta phải làm tròn chữ hiếu để bù đắp lại công ơn trời biển của cha mẹ.

Tại sao lại nói công cha và nghĩa mẹ là vô cùng to lớn, bao la, vĩ đại, không có gì so sánh được? Bởi vì cha mẹ là người đã sinh ra ta, không có cha mẹ thì không có bản thân mỗi con người. Cha mẹ lại là người nuôi dưỡng ta từ khi ta mới chào đời cho đến khi ta trưởng thành mà không quản ngại khó khăn vất vả. Cha mẹ còn dạy dỗ ta nên người, dạy cho ta biết cách cư xử sao cho lịch sự, dạy cho ta đạo lí làm người, dạy cho ta cách làm lụng, cách tự chăm sóc cho bản thân, dọn dẹp nhà của cho sạch sẽ…Cha mẹ là chỗ dựa vững chắc nhất, tin cậy nhất, luôn dang tay mở rộng tình thương đối với các con. Cha mẹ cùng bên nhau sống trọn đời vì con, tạo lập niềm tin tưởng và nền móng vững chắc cho con vào ngưỡng cửa của cuộc đời.

Vậy chúng ta phải làm gì để đền đáp công ơn của cha mẹ? Để đền đáp công ơn của cha mẹ, đạo làm con chúng ta phải biết ơn, phải lễ phép với cha mẹ. Phải luôn ngoan ngoãn và nghe lời cha mẹ, làm theo những điều cha mẹ dạy. Ta phải kính trọng hiếu thảo với cha mẹ; luôn cố gắng học tập thật giỏi để vui lòng cha mẹ. Có như vậy mới là “đạo con”.

Bài ca dao đã răn dạy chúng ta một bài học bổ ích. Chúng ta cần phải biết làm gì để luôn nhớ tơi và trân trọng công lao to lớn của cha mẹ. Đọc lại bàI ca dao,chúng ta càng thấm thía đạo lí làm người.



nguyen minh ngoc
1 tháng 5 2018 lúc 21:07

Đề 1

Được sinh ra trên đời là một diễm phúc đối với mỗi con người. Thế nhưng để tồn tại và sống cho đúng nghĩa, con người luôn phấn đấu để thật sự “thành người” là cả một quá trình đấu tranh. Đế nói về một quan niệm sống cần phải có nghị lực, ý chí, Nguyễn Bá Học có một đúc kết thật hay: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Câu nói đã mở ra cho ta suy nghĩ về nghị lực sống. Nếu ta xem cuộc đời này là một con đường dài thì những khó khăn thử thách sẽ là những ngọn núi cao, những con sông dài bắt buộc chúng ta phải vượt qua. Nhưng dù cho sông có dài núi có cao thì khi con người có ý chí, nghị lực sống thì chắc chắn sẽ vượt qua được. Ta có thể hiểu nghị lực sống là những cố gắng quyết tâm vượt qua những thử thách trước mắt. Trái lại, khi chúng ta làm một công việc tuy là không khó khăn nhưng với bản chất lo sợ thất bại thì công việc đó sẽ không đi đến thành công. Cũng như câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển;

Quyết chí ắt làm nên”.

Như vậy, ta có thể thấy được câu nói của Nguyễn Bá Học là hoàn toàn đúng. Nghị lực sống là một trong số những con đường nhanh nhất dẫn đến thành công của một người. Con đường đời sẽ không làm phụ lòng những người biết vượt lên trong cuộc sống. Người có nghị lực sẽ tìm được con đường đi đến thành công dù là con đường đó chông gai, khó khăn. Mỗi người sẽ có một con đường đời của riêng mình nhưng điểm chung là tất cả mọi con đường đều có những lúc lên lúc xuống, lúc êm đềm, lúc khó khăn. Chúng ta phải luôn sẵn sàng đối mặt với những gian nan ấy. Tất cả những khó khăn sẽ không là vấn đề to lớn nếu ta bình tĩnh suy nghĩ và có đủ quyết tâm để vượt qua nó. Từ cuộc sống thực tế ta có thể thấy những gia đình khó khăn sau một thời gian làm việc vất vả, cố gắng dành dụm, có nghị lực để vượt qua những gian khổ trước mắt thì sau một thời gian, cuộc sống sẽ mang lại cho họ những thành công. Cũng có thể lấy ví dụ từ trong ghế nhà trường, một học sinh có khả năng tiếp thu bài kém nhưng khi người học sinh ấy có nghị lực để quyết tâm chăm chỉ học tập thì kết quả sẽ được cải thiện. Như vậy ta thấy được tầm quan trọng của nghị lực sống đối với những ai muốn đi đến được thành công. Con đường Hồ Chí Minh di đến giải phóng dân tộc quả không dễ dàng. Chế Lan Viên từng dùng hình ảnh “viên gạch hồng” mà Bác đã sưởi ấm cả một mùa đông. Đó mới chỉ là một trong cái khó về thiếu thốn vật chất thường ngày mà Bác phải trải qua. Để giác ngộ những trí thức hải ngoại thâu đạt được tư tưởng giải phóng dân tộc của Bác mà hỗ trợ cũng là cả một vấn đề. Xây dựng được cơ sở Đảng phải trải qua muôn vàn khó khăn; tìm kiếm vũ khí; tranh thù sự ủng hộ của quốc tế, ... Đó là những chặng đường Bác đã trải qua. Những năm tháng tù đày, sống và hoạt động trong vòng bí mật. Sau này giành được hòa bình, con đường Bác phải tiếp tục là làm cho dân no ấm, ... Ôi, biết bao là khó khăn. Vậy mà Bác đã mang lại cho dân tộc ta ánh sáng tự do. Nếu không có những bản lĩnh phi thường, một trí tuệ vượt bậc và tấm lòng thương dân sâu nặng, thử hỏi làm sao vượt qua con đường ấy?! Bởi vậy, khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, Bác chỉ có mỗi mình trong lặng lẽ, nhưng khi nằm xuống, đã có hàng vạn, hàng vạn trái tim của đồng bào hướng về Hà Nội, hướng về Bác mà rơi lệ tiếc thương. Hằng ngày, ta vẫn thấy những bà mẹ nghèo tần tảo nuôi con. Dẫu cho con họ từng bước lớn lên trong từng chén cơm cơ hàn, nhưng vẫn được đến trường từ gánh hàng rong của mẹ. Điều đó, ta đã từng được nghe, được thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những đôi vai gầy gò, và gánh hàng còm cõi, họ vẫn đầy nghị lực và khát vọng hướng con đến con đường tươi sáng với những thiết tha cao đẹp. Ngày ngày, ta vẫn thấy biết bao người tật nguyền rong ruổi trên khắp nẻo đường. Họ mưu sinh chân chính và trĩu nặng trong từng bước chân số phận mà lương thiện. Họ đã sống bằng nghị lực phi thường.

Nhưng trong thực tế không phải ai cũng có đủ nghị lực để vượt qua thử thách. Đó là những con người đáng chê trách. Thất bại không phải là mất tất cả, khi chúng ta thất bại thì phải cố gắng đứng dậy. Chính nghị lực sống sẽ giúp chúng ta đứng dậy. Nhưng ngày nay khi gặp phải thử thách, nhiều người đã chọn cách buông xuôi thay vì cố gắng đứng lên. Một loạt người khác trong xã hội ngày nay là chưa làm việc đã sợ thất bại vì những khó khăn mà công việc đặt ra. Đường đời sẽ càng chông gai nếu những ai nghĩ rằng khó khăn sẽ không vượt qua được, chúng ta cứ thử một lần bước qua những thừ thách, đối mặt với khó khăn thì chắc chắn chúng ta sẽ vượt, qua được vì nghị lực sẽ làm nên tất cả. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh cần rèn luyện cho mình những kĩ năng sống cần thiết. Đặc biệt là nghị lực sổng, cách tốt nhất để vượt qua khó khăn và là một trong những hướng đi nhanh nhất dẫn đến thành công. Bên cạnh đó, gia đình cũng phải tạo điều kiện đế mỗi cá nhân đối mặt với những thử thách và va chạm trong cuộc sống.

Để mỗi cá nhân tự hoàn thiện mình hơn, rèn luyện được tính tự lập, và ý chí thép để đối mặt với mọi khó khăn. Còn những ai chưa bao giờ đối mặt với khó khăn thì phải tự mình rèn luyện cho mình có một ý thức vươn lên và vượt qua thử thách.

Như vậy, trên đường đời đầy gian nan thử thách, mỗi người phải có nghị lực sống để vượt qua tất cả, “nghị lực sống sẽ mở ra cho chúng ta những con đường đi đến thành công!”. Là thanh niên, sống không có mục đích, không có lí tưởng, khát vọng, và đặc biệt không có nghị lực vươn lên thì quả thật hổ thẹn biết bao!.

Cầm vàng mà lội qua sông,

Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng.



nguyen minh ngoc
1 tháng 5 2018 lúc 21:08

Đề 2

Nguyễn Bá Học là một nhà văn, một nhà giáo đầy nhiệt huyết đầu thế kỉ XX. Ông rất quan tâm đến việc giáo dục lớp trẻ. Trong tác phẩm Lời khuyên học trò, để động viên thanh niên rèn luyện thành người hữu ích, nhắc nhở học trò lấy tinh thần vượt khó làm trọng, ông đã nhấn mạnh.

"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông".

Đây là một lời khuyên sâu sắc mà học sinh chúng em cần phải tim hiểu ý nghĩa.

Lời khuyên của Nguyễn Bá Học nêu lên hình ảnh trở ngại trên một con đường, đó là "núi sông và lòng người ngại núi e sông". Trước hết, con đường là hình tượng cụ thể hóa mục đích của con người. Để đạt được mục đích ấy, nhiều khi ta phải vượt qua núi cao, sông sâu. Nếu quyết tâm, ta vẫn tới đích an toàn. Suy rộng ra, đường lối ở đây còn ẩn dụ với mọi ước mơ mà con người muốn đạt đến. Sông, núi ở đây chỉ những trở ngại to lớn của hoàn cảnh khách quan là những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng cho những thách thức, khó khăn trên đường đời. Lòng người ở đây chỉ ý chí của con người. Câu nói trên đã nêu rõ hai trở ngại thường gặp: trở ngại sông rộng núi cao của thiên nhiên và trở ngại do lòng người thường mất tự tin, e ngai gặp khó khăn. Nhà văn khẳng định nếu có nghị lực, quyêt tâm thì dù núi có cao, sông có sâu con người vẫn qua được.. Câu nói trên là một bài học cô đúc giàu hình ảnh về sự quyết tâm vượt khó.

Hiểu như vậy, ta thấy ý trọng tâm cùa câu nói là: sức mạnh của ý chí con người có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách dù to lớn đến chừng nào.

Tại sao đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông? Thực vậy, những trở ngại trong cuộc sống tuy có nhiều nhưng không phải là không thể vượt qua. Núi cao bao nhiêu đi nữa, nếu trèo mãi, cũng sẽ qua. Mọi khó khăn, gian khổ mà ta gặp phải trên con đường đi tới đích chỉ là những thử thách, không thể nào chặn đứng quyết tâm của ta, buộc ta phải lùi bước. Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi như vậy. Người ta phải leo lên đỉnh núi, lặn xuống thám hiểm đại dương. Đó là những minh chứng cho ý kiến trên. Như vậy ta thấy ý chí, tinh thần vượt khó cần thiết cho chúng ta. Đã từng gặp khó hăn trong công việc, ta thấy quả thực tinh thần vượt khó đã giúp ta kiên trì nhẫn lại để đi đến thành công. Vì cuộc sống muôn màu muôn vẻ, đường đời nhiều lối quanh co. Trên đường ta đi đâu phải chỉ có hoa thơm cỏ lạ mà biết bao nguy hiểm, khó khăn luôn chờ ta phía trước. Nếu muốn thực hiện được ước mơ, ta phải dự tính trước để đương đầu với trở ngại gian nan. Thậm chí cả sự nguy hiểm. Câu chuyện rùa và thỏ chạy đua đã cho ta thấy rõ điều đó. Ý chí kiên trì, quyết tâm cao của rùa đã giúp rùa đạt được mục đích. Ngược lại, thỏ ỷ sức chạy nhanh nhưng chểnh mảng, cuối cùng lại thua rùa. Lòng người ở đây chính là ý chí, là sự kiên trì, nhẫn nại. Liên tục vượt khó thì dù có trở ngại về năng lực bản thân, vẫn có thể đạt đến đích. Sự chiến thắng bản thân còn có ý nghĩa quyết định hơn vì từ đó ta có thể chiến thắng cả thiên nhiên.

Khó khăn trờ ngại là chuyện thường tình. Đó chỉ là những yếu tố khách quan thử thách ý chí và nghị lực chứ không thể nào chặn đứng bước chân hăm hở của những con người có quyết tâm cao:

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, Thập bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua. (Ca dao)

Lịch sử cũng chứng minh rằng nhờ có ý chí, quyết tâm sắt đá, kiên tri bền bỉ ta sẽ thành công. Bài học ấy đã được Bác Hồ của chúng ta thực hiện trong quá trình đấu tranh cách mạng của Người. Và với kinh nghiệm của bản thân, Bác đã dạy ta rằng:

Không có việc gì khó Chỉ sợ lòng không bèn Đào núi và lấp biển Quyết chí ắt làm nên.

Thực hiện lời dạy của Người, biết bao thanh niên đã vượt khó trong những năm tháng đánh giặc Pháp xâm lược mà tầm vóc anh bộ đội còn đẹp đẽ, to lớn hơn cả núi đồi:

Rất đẹp hình ảnh lúc nắng chiều Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo Núi không đè nổi vai vươn tới Lá ngụy trang reo với gió đèo. (Tố Hữu)

Trong kháng chiến chống Mĩ, bao thanh niên đã làm nên trang sử vàng với tinh thần sắt đá:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước! Mà lòng phơi phới dậy tương lai. (Tố Hữu)

Tại sao đường đi khó vì lòng người ngại núi e sông? Nghị lực có ý nghĩa quyết định khi muốn làm bất cứ việc gì. Có ý chí quyết tâm, ta có thể vượt mọi khó khăn, trở ngại để đi tới đích. Thiếu ý chí, đường đi dù thuận lợi, cũng chẳng vượt qua được.

Tìm hiểu ý nghĩa câu nói trên và qua kinh nghiệm sống thực tế, ta sẽ hiểu rõ quan niệm trên là bài học tâm đắc của những người có ý chí và thành đạt xưa nay.

Ai qua bến phà Nhật Lệ mới thấy rõ dòng sông rộng chừng nòa. Vậy mà, dưới bom đạn, mẹ Suốt đã chèo đò đưa bộ đội vượt sông đánh Mĩ:

Một tay lải chiếc đò ngang, Bên sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày. Sợ chi sóng gió tàu bay... Tây kia mình đã thắng, Mĩ này ta chẳng thua. (Tố Hữu)

Thế mới biết sức mạnh của ý chí, của lòng quyết tâm có giá tri vô ngần. Chính vì thấu hiểu lời khuyên ấy và sau khi đất nước hòa binh, nhân dân ta cùng nhau xây dựng nhiều công trình lớn: công trình thủy điện Sông Đà, công trình thùy điện Trị An. Như một bài thơ đã viết:

"Bạt núi đồi, ta moi đất làm gang Ngăn thác dữ, ta bắt sông làm điện" (Tố Hữu)

Ta nên biết rằng sự thành công nào cũng đều trải qua cam go, thử thách. Sự nghiệp càng lớn thì khó khăn càng nhiều. Khó khăn càng nhiều thì ý chí phải càng cao. Đến lúc ấy sự thành công mới có ý nghĩa, ta mới quý trọng, nâng niu và giữ gìn những thành quả mình có được.

Hiểu được ý nghĩa của lời dạy ấy, chúng ta phải cố gắng rèn luyện tính bền bỉ, dẻo dai, kiên nhẫn, cố gắng trang bị cho mình vốn kiến thức sâu rộng, một trình độ học vấn vững vàng để mai sau thành con người tài năng và hữu ích cho xã hội. Vàng không sợ lửa, người có tài không sợ gian nan.

Christop Colomb (Crít-tốp Cô-lông) đã vượt biển cả với bao thử thách gay go tìm ra châu Mĩ. Nhờ có ý chí, con người đã bay vào vũ trụ, đổ bộ lên Mặt Trăng xa xôi.

Ý chí không chỉ giúp ta chiến thắng thiên nhiên mà còn giúp dân tộc ta chiến thăng kẻ thù xâm lược. Thực vậy, trong hội nghị Diên Hồng, các bô lão đời Trần đã đồng thanh trảlời "Quyết chiến" và cảm động thay đối với câu hỏi "Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?" là câu trả lời "Hi sinh". Do vậy, cuối cùng dân tộc ta đã đánh bại kẻ thù.

Thế mới biết sức mạnh ý chí là sức mạnh giúp ta vượt qua mọi cam go thử thách để đi đến thành công. Ước mơ càng cao đẹp thì khó khăn càng nhiều. Khó khăn càng nhiều đòi hỏi ý chí càng cao. Có vượt qua gian lao thử thách, ta mới thấy hết giá trị và ý nghĩa của sự thành công.

Hiểu được ý nghĩa cao quý của lời dạy, em quyết tâm rèn luyện cho bản thân một ý chí vượt khó, một tinh thần kiên trì, bền bỉ trong học tập. Em sẽ cố gắng để trở thành người có tài năng vững vàng trong công việc, trở thành người chủ xứng đáng của đất nước.

Tóm lại, đường đời gian nan hiểm trở là môi trường tốt để thử thách con người. Núi có cao, sông có sâu bao nhiêu nếu con người không ngại núi, e sông thì sẽ vượt qua tất cả. Chỉ có quyết tâm cao, vượt mọi trở lực trên bước đường mơ ước, con người mới đạt được kết quả như ý. Thực vậy muốn đến với vinh quang ta phải vững tin để vươn tới bằng quyết tâm và nghị lực của chính bản thân mình. Vì "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông".

Lời nói của Nguyễn Bá Học có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết trong việc rèn luyện ý chí của chúng ta. Không có mục đích rõ ràng, không có chí phấn đấu thì suốt đời chúng ta sẽ "Người không có chí như thuyền không lái như ngựa không cương, trôi dạt lênh đênh không ra thế nào cả" (Vương Dương Minh) Đó là lời nói của một nhà chính trị, nhà tư tưởng lớn bên Trung Hoa từđời nhà Minh, mà đến nay vẫn còn đáng cho ta suy nghĩ.

nguyen minh ngoc
1 tháng 5 2018 lúc 21:09

Đề 2'

Trong cuộc đời thăng trầm, mỗi người cần phải tự trang bị cho mình những kĩ năng sống nhất định. Trong cuộc sống không phải lúc nào ta cũng được hạnh phúc, sẽ có những lúc ta cần phải có ý chí và nghị lực để vượt qua những khó khăn, thử thách cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải vượt qua. Nhưng ta cũng cần phải hiểu rằng những khó khăn thử thách đó chúng ta vẫn có thể vượt qua được nều chúng ta cố gắng và có đủ nghị lực để vượt qua. Giống như câu nói của Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Ta có thể hiểu nghị lực sống là những cố gắng quyết tâm vượt qua những thử thách trước mắt. Trái lại, khi chúng ta làm một công việc tuy là không khó khăn nhưng với bản chất lo sợ thất bại thì công việc đó sẽ không đi đến thánh công. Cũng như câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắc làm nên”.

Câu nói đã mở ra cho ta suy nghĩ về nghị lực sống. Nếu ta xem cuộc đời này là một con đường dài thì những khó khăn thử thách sẽ là những ngọn núi cao, những con sông dài bắt buộc chúng ta phải vượt qua. Nhưng dù cho sông có dài núi có cao thì khi con người có ý chí, nghị lực sống thì chắc chắn sẽ vượt qua được.

Như vậy, ta có thể thấy được câu nói của Nguyễn Bá Học là hoàn toàn đúng. Nghị lực sống là một trong số những con đường nhanh nhất dẫn đến thành công của mọi người. Con đường đời sẽ không làm phụ lòng những người biết vươn lên trong cuộc sống. Người có nghị lực sẽ tìm được con đường đi đến thành công dù là con đường đó là chông gai, khó khăn. Chúng ta phải luôn sẵn sàng đối mặt với những gian nan ấy. Tất cả những khó khăn sẽ không là vấn đề to lớn nếu ta bình tĩnh suy nghĩ và có đủ quyết tâm để vượt qua nó. Từ cuộc sống thực tế ta có thể thấy những gia đình khó khăn sau một thời gian làm việc vất vả, cố gắng dành dụm, có nghị lực để vượt qua những gian khổ trước mắt thì sau một thời gian, cuộc sống sẽ mang lại cho họ những thành công. Cũng có thể lấy ví dụ từ trong ghế nhà trường, một học sinh có khả năng tiếp thu bài kém nhưng khi người học sinh ấy có nghị lực để quyết tâm chăm chỉ học tập thì kết quả sẽ được cải thiện. Như vậy ta thấy được tầm quan trọng của nghị lực sống đối với nhựng ai muốn đi đến được thành công.

Tuy nhiên, trong thực tế không phải ai cũng có đủ nghị lực đề vượt qua thử thách. Khi gặp phải thử thách, nhiều người đã chọn cách buông xuôi thay vì cố gắng đứng lên. Một số người khác trong xã hội ngày nay là chưa làm việc đã sợ thất bại vì những khó khăn mà công việc đặt ra. Đó là những con người đáng chê trách. Đường đời sẽ càng chông gai nếu những ai nghĩ rằng khó khăn sẽ không vượt qua được. Chúng ta cứ thử một lần bước qua những thủ thách, đối mặt với khó khăn thì chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được vì nghị lực sẽ làm nên tất cả.

Như vậy, trên đường đời đầy gian nan thử thách, mỗi người phải có nghị lức sống để vượt qua tất cả, nghị lực sống sẽ mở ra cho chúng ta những con đường đi đến thành công. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh cần rèn luyện cho mình những kĩ năng sống cần thiết. Đặc biệt là nghị lực sống, cách tốt nhất để vượt qua khó khăn và là một trong những hướng đi nhanh nhất dẫn đến thành công. Còn những ai chưa bao giờ đối mặt với khó khăn thì phải tự mình rèn luyện cho mình có một ý thức vươn lên và vượt qua thử thách.



nguyen minh ngoc
1 tháng 5 2018 lúc 21:10

Đề 3

Cuộc sống có biết bao nhiêu là chông gai và thử thách như muốn nhấm chìm con người. Và nếu như không có sự đoàn kết thì chắc chắn rằng những khó khăn càng gia tăng. Chắc hẳn rằng bạn vẫn từng nghe hay đọc qua “chuyện bó đũa”, qua câu chuyện ta như thấy rằng nếu như sống đơn lẻ con người sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ngược lại nếu như biết đoàn kết tương trợ lẫn nhau thì mọi khó khăn giống như cơn gió thoáng qua mà thôi.

Đoàn kết chính là một mối liên kết giũa các thành viên lại với nhau để cũng chung tay làm một điều gì đó. Khi có sự đoàn kết chúng ta có thể nhanh chóng hoàn thành công việc một cách dễ dàng nhất, nhanh chóng nhất. Sự đoàn kết được thể hiện bằng động cơ, bằng chính những mục đích đúng đắn vì lợi ích tập thể phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Nếu như chúng ta cứ tập hợp lại chỉ vì lợi ích nhỏ hẹp của tập thể mà đi ngược lại sự phát triển chung của cả xã hội thì đố là tư tưởng cục bộ, là chủ nghĩa cá nhân.

Con người sống trong xã hội được xem chính là “tổng hòa của các mối quan hệ”. Để có thể sống và tồn tại trong môi trường xã hội thì cần phải tổng hợp sức mạnh của nhiều thành viên. Không ai có thể làm một việc gì thành công mà không cần đến sự tương trợ lớn hơn là sự đoàn kết đồng lòng của nhiều người với nhau.

Thế nhưng tại sao đoàn kết lại là sức mạnh vô địch? Câu trả lời có lẽ vì đoàn kết sẽ tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát huy hết khả năng tiềm tàng của mình. Chính sự đoàn kết cũng đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp, một sự vĩ đại, không ai địch nổi. Trước hết, ta như thấy được tinh thần đoàn kết làm tăng số lượng của cải, vật chất của con người. Bởi khi có đoàn kết con người mới có sức lao động, mọi người cũng kết hợp với nhau thì có đủ khả năng để xây dựng những công trình lớn.

Ta cũng đã đọc những câu tơ quen thuộc đó như:

Hòn đá to, hòn đá nặng

Một người nhấc, nhấc không đặng

Hòn đá to, hòn đá nặng nhấc lên đặng

Khi có sự hợp sức đồng lòng thì chẳng có một trở ngại nào là không thành cả. Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh rằng trước kẻ thù hung bạo từ thổ chí kim cho đến nay dân ta vẫn chiến thắng. Nếu so về vũ khí, quân trang quân dụng thì nhân dân ta thua xa. Một bên là súng ống, máy bay,…một bên lại là cuốc, thuổng, gậy gộc,..mà tại sao bên vũ khí thô sơ lại chiến thắng? Một trong những lý do quan trọng nhất đó chính là bởi tinh thần đoàn kết quan dân nhất nhất một lòng, vì một mục tiêu lý tưởng chung của cả dân tộc.

Đoàn kết như được biết đến bởi nó như còn làm tăng sức mạnh trí tuệ. Có thể thấy được rằng, chính trong sự đoàn kết trong nghiên cứu khoa học cũng là nguồn gốc, là nguồn động lực của biết bao thành tựu kĩ thuật. Khi một công trình nghiên cứu được công nhận nó không chỉ là công lao của người trí thức đã tìm tòi. Mà chính trong quá trình làm dự án, đề tài đó người sáng tạo đề tài luôn tận dụng tối đa sức mạnh đoàn kết của những người giúp đỡ mình. Nếu như mà không có sự tương hỗ đó thì chẳng bao giờ công trình nghiêm cứu đó được hoàn thành cả. Đoàn kết chính là sức mạnh to lớn bởi nó được hội tụ bởi rất nhiều sức mạnh nhỏ khác hợp thành.

Nếu như chúng ta muốn đoàn kết được các dân tộc trong một nước thì các dân tộc không phân biệt dân tộc lớn hay dân tộc nhỏ đi chăng nữa thì đều phải tôn trọng, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Nhà nước cũng cần phải quan tâm và sát sao hơn nữa để ưu tiên các cơ sở vật chât kĩ thuật cho các dân tộc vùng sâu vùng xa để họ phát triển kinh tế, văn hóa để có thể tiến kịp các dân tộc vùng xuôi. Ngoài ra các dân tộc vùng xuôi không thụ động mà cũng cần phải cùng cần góp sức xây dựng miền núi. Các dân tộc sống trong cùng một nước phải hòa nhập với nhau thì mới có thể xây dựng đất nước vững mạnh. Một đất nước có mạnh hay không thì cũng phải phụ thuộc chính và đời sống nhân dân ở đó. Đúng như ý của một nhà quan sự ngày trước “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Cho nên nhân dân phải đoàn kết thì mới có thể đưa cả đất nước phát triển được.

Qủa thực rằng câu nói “Đoàn kết là sức mạnh” là một câu nói đúng đắn của Bác Hồ – vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc. Cho nên học sinh chúng ta cần phải rèn luyện thường xuyên. Mỗi chúng ta cũng cần có tinh thần đoàn kết trong công việc của lớp, của trường, cùng nhau xây dựng một tập thể vững mạnh. Đặc biệt là trong cuộc sống ở gia đình, khu phố cùng vậy, phải luôn luôn có ý thức đoàn kết đúng đắn.



nguyen minh ngoc
1 tháng 5 2018 lúc 21:11

Đề 3

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã rất nhiều lần dân tộc Việt Nam phải đối mặt với những kẻ thù hùng mạnh hơn chúng ta nhiều lần. Nhưng vượt lên tất cả mọi giới hạn, quân và dân ta đã hết lần này đến lần khác đánh đuổi vó ngựa của quân xâm lược, đó chính là truyền thống hào hùng của dân tộc ta. Nhưng đã bao giờ chúng ta tự hỏi, sức mạnh thần kì của dân tộc xuất phát từ đâu? Sức mạnh dân tộc Việt Nam được kết thành từ chính tinh thần đoàn kết, gắn bó của quân và dân cả nước. Như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “ Đoàn kết là sức mạnh”.

Trong cuộc sống của mình , ta đã rất nhiều lần bắt gặp khái niệm đoàn kết, vậy ta hiểu thế nào cho đúng về khái niệm này. “Đoàn kết” chỉ sự liên kết, gắn bó và tương trợ lẫn nhau giữa những con người. Đoàn kết là một trạng thái tinh thần xuất phát từ tình thương, sự gắn bó, đồng cảm giữa con người với con người trong một xã hội, cộng đồng. Tuy chỉ là một trạng thái tinh thần nhưng nó lại có tác động mạnh mẽ đến hoạt động cũng như ý chí của con người. Trước hết, đoàn kết tạo ra sự liên kết về sức mạnh giữa con người với con người, đó là nguồn sức mạnh tập thể to lớn.

Sức mạnh ấy có thể giúp cho con người đạt được những mục tiêu to lớn, khó khăn mà chúng ta đặt ra trong cuộc sống của mình, nhưng trong tương quan, giới hạn của bản thân ta không thể một mình đơn độc thực hiện được. Khi ấy, sức mạnh đoàn kết của tập thể sẽ phát huy sức mạnh tối ưu của mình. Hơn nữa, đoàn kết tạo ra sự nhất trí, đồng lòng giữa con người, tạo ra ưu thế trong làm việc, trong cuộc sống. Mọi người cùng hướng đến một mục tiêu chung thì hiệu quả của công việc cũng được nâng lên gấp bội, như câu tục ngữ:

“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Câu nói “Đoàn kết là sức mạnh” của chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, xuất phát từ chính thực tiễn của cuộc sống cũng như sự phát hiện đầy tinh tế của một con người có tầm vóc tư tưởng vĩ đại. Khái niệm “sức mạnh” ở đây là chỉ sức mạnh về vật chất và cả sức mạnh về tinh thần. Sức mạnh là nguồn lực to lớn giúp cho chúng ta chiến thắng kẻ thù, chiến thắng được những khó khăn của hoàn cảnh. Tuy nhiên, sức mạnh về tinh thần cũng vô cùng quan trọng.

Khi ta tin tưởng mãnh liệt vào một mục tiêu gì đó thì chúng ta sẽ có một động lực to lớn từ bên trong thôi thúc chúng ta hành động, đó chính là cơ sở của mọi chiến thắng. Bởi vậy mà khi có sự đoàn kết thì những công việc, những mục đích dẫu có khó khăn đến mấy thì chúng ta cũng có thể vượt qua, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nhấn mạnh về sức mạnh tinh thần này trong những câu thơ sau:

“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”

Trong thực tiễn của cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta cũng vậy. Trước những kẻ thù hùng mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần, quân và dân ta vẫn có thể vượt qua mọi đau thương, mất mát mà tiến đến giành chính quyền, đó chính là nhờ tinh thần đoàn kết của toàn dân toàn quân. Dân tộc ta có thể yếu hơn về sức quân, lạc hậu, nghèo khó hơn các cường quốc nhưng về tinh thần đoàn kết thì chúng ta có thể tự hào, bởi chính sức mạnh tinh thần ấy đã tạo thành làn sóng lớn quét trôi hết lũ cướp nước và bán nước ra khỏi lãnh thổ, giành được độc lập, hòa bình như ngày nay.

Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, cần đề cao tinh thần đoàn kết, sự hợp tác giữa những con người vì mục đích chung, bởi sức mạnh của con người to lớn nhưng vẫn là hữu hạn, trước những công việc lớn, quá sức của chúng ta thì cần có sự chung tay giúp sức giữa những người cộng sự. Sự đoàn kết, hợp tác ấy sẽ tạo ra hiệu quả công việc cao, thành quả mà ta đón nhận cũng có giá trị hơn, bởi đó là kết tinh của quá trình làm việc tập thể.

Đoàn kết không chỉ là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam, đó còn là phương tiện gắn kết con người với con người với nhau, khi biết hợp tác, đoàn kết thì chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng được một đất nước giàu mạnh, tươi đẹp hơn.

nguyen minh ngoc
1 tháng 5 2018 lúc 21:12

Đề 3

Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ nhất tổ chức ở Hà Nội tháng 4 năm 1955, Bác Hồ có nói: Đoàn kết là sức mạnh vô địch. Câu nói tuy ngắn gọn, dễ hiểu, chính xác và là một chân lí tồn tại muôn đời.

Đoàn kết là tập hợp các cá nhân đơn lẻ hoặc các bộ phận thành một khối thống nhất. Song thống nhất không có nghĩa là không đấu tranh với những biểu hiện sai trái của mỗi thành viên. Ví như ở lớp, ở trường, chúng ta đoàn kết chính là yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu phấn đấu tốt, đồng thời biết góp ý, phê phán những khuyết điểm của bạnđể bạn tiến bộ. Đoàn kết được thể hiện bằng động cơ, mục đích đúng đắn vì lợi ích tập thể phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Nếu tập hợp lại chỉ vì lợi ích nhỏ hẹp của tập thể mà đi ngược lại sự phát triển chung của xã hội thì đó là tư tưởng cục bộ, là chủ nghĩa cá nhân.

Nhưng tại sao đoàn kết lại là sức mạnh vô địch? Có lẽ vì đoàn kết sẽ tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát huy hết khả năng tiềm tàng của mình, tạo nên một sức mạnh tổng hợp, vĩ đại, không ai địch nổi. Trước hết, đoàn kết làm tăng số lượng của cải, vật chất của con người. Có đoàn kết con người mới có sức lao động, có đủ khả năng để xây dựng những công trình lớn. Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình là một minh chứng rõ nhất. Dưới sự giúp đỡ của những chuyên gia Liên Xô (cũ), những công nhân Việt Nam và những công nhân nước bạn cùng chung sức, đồng lòng xây dựng nên nhà máy, mang đến ánh sáng kì diệu cho nhiều nơi trên đất nước ta. Cũng như vậy, sự đoàn kết các dân tộc trên đất nước Việt Nam làm cho chúng ta có sức mạnh tổng hợp, nhờ đó đã đánh thắng biết bao kẻ thù xâm lược mạnh hơn và trang bị hiện đại hơn chúng ta gấp nhiều lần.

Đoàn kết còn làm tăng sức mạnh trí tuệ. Chính sự đoàn kết trong nghiên cứu khoa học là nguồn gốc của biết bao thành tựu kĩ thuật. Nhóm kiến trúc sư trẻ do kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào làm nhóm trưởng đã đạt giải thưởng thế giới năm 1994 về quy hoạch đổi mới làng gốm Bát Tràng. Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhóm trưởng Hoàng Thúc Hào có nói: “Một trong những nguyên nhân thành công cơ bản là sự thương yêu, đoàn kết của toàn nhóm”. Quả thật không sai.

Muốn đoàn kết được các dân tộc trong một nước thì các dân tộc khồng phân biệt dân tộc lớn hay dân tộc nhỏ đều phải tôn trọng, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Nhà nước cần phải ưu tiên tiền của, cơ sở vật chất kĩ thuật cho các dân tộc vùng sâu vùng xa để họ phát triển kinh tế, văn hóa, tiến kịp các dân tộc vùng xuôi. Các dân tộc vùng xuôi cũng cần góp sức xây dựng miền núi. Các dân tộc sống trên cùng một nước phải hòa nhập với nhau để xây dựng đất nước vững mạnh. Nhưng một đất nước dù lớn mạnh đến đâu, sông trên cùng hành tinh này cũng không thể tách rời nhân loại mà phát triển phồn thịnh mãi mãi được. Các nước cứ tranh chấp nhau liên miên thì trái đất này cũng chẳng có hòa bình, hạnh phúc. Cho nên các nước cần phải đoàn kết lại với nhau.

Hiểu được câu nói của Bác Hồ, học sinh chúng ta cần phải rèn luyện thường xuyên, cần có tinh thần đoàn kết trong công việc của lớp, của trường, cùng nhau xây dựng một tập thể vững mạnh. Trong cuộc sống ở gia đình, khu phố cũng vậy, phải luôn luôn có ý thức đoàn kết đúng đắn.

Tuy câu nói của Bác Hồ ra đời cách nay hơn nửa thế kỉ, nhưng giá trị của nó vẫn còn nguyên và mang giá trị hiện thực sâu sắc. Ngày nay, công

cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hơn lúc nào cần phải quán triệt câu nói của Bác Hồ, để tất cả mọi người cùng chung tay góp sức xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp như Bác Hồ hằng mong ước.

Tất cả nhân loại trên thế giới này đoàn kết lại như năm ngón tay trên một bàn tay thì trái đất này sẽ tươi đẹp hơn biết bao, yên vui, hạnh phúc biết bao.

nguyen minh ngoc
1 tháng 5 2018 lúc 21:12

Đề 4

Đức và tài là hai tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá một con người và trở thành mục tiêu phấn đấu rèn luyện tu dưỡng của thanh niên. Khi bàn về mối quan hệ giữa đức và tài, trong một. cuộc nói chuyện với học sinh, Bác Hồ đã phát biểu: "Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”

Vậy thế nào là đức, tài và mối quan hệ giữa đức và tài như thế nào?

Tài là tài năng trí tuệ được biểu hiện ở trình độ học vấn, năng lực tiếp thu và sáng tạo khoa học công nghệ, có trình độ nghề nghiệp cao, là những lao động trí óc hoặc chân tay gỏi, những nhà khoa học có tài năng, nhà quản lý, kinh doanh thành thạo. Tài cũng là sự hiểu biết sâu sắc về lý thuyết và kỹ năng thao tác thực hành điêu luyện. Tùy theo từng nghề nghiệp chuyên môn, cái tài của mỗi người được thể hiện một cách cụ thể nhưng suy cho cùng “tài” được đánh giá ở năng suất và hiệu quả của công việc.

Đức là đạo đức, phẩm chất, nhân cách của mỗi người được biểu hiện cụ thể trong cuộc sống với nhiều mối quan hệ khác nhau. Trước hết, đạo đức được thể hiện sinh động trong đời sống hàng ngày, đó là lòng hiếu thảo với cha mẹ, đạo nghĩa với thầy giáo, cô giáo, hết lòng vì bạn bè, thương yêu mọi người. Đạo đức trong thời đại chúng ta gắn liền với lợi ích chung của dân tộc, của cách mạng. Đạo đức cách mạng được xây dựng trên cơ sở của một lý tưởng sống đẹp đẽ “vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hi sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần thì sẵn sàng hi sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiệu rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng”. (Bác Hồ)

Cuộc đời của Bác Hồ là tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng để tất cả chúng ta noi theo. Cả cuộc đời Bác đã chiến đấu và hi sinh vì lợi ích của nhân dân, Bác chỉ có ham muốn duy nhất, ham muốn tột bậc là làm sao cho “nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành’’ (Trả lời các nhà báo - Tháng 1 năm 1946.)

Người là hiện thân của những đạo đức, phẩm chất cách mạng cao quý đồng thời nêu cao tấm gương sáng về ý chí nghị lực tự học hỏi để không ngừng trau dồi tài năng nhằm phục vụ tốt cho yêu cầu của cách mạng.

Đối với thế hệ trẻ, Bác thường xuyên quan tâm, giáo dục. Trong lời căn dặn với toàn Đảng, -toàn dân trước lúc đi xa “là việc chăm lo giáo dục thế hệ trẻ”. Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” (Di chúc). “Hồng”, “chuyên” tức là đức và tài. Đức, tài có những biểu hiện cụ thể và riêng biệt đồng thời có mối quan hệ khăng khít làm nên giá trị của mỗi con người. Có tài đồng thời phải có đức và ngược lại, nếu thiếu một trong hai tiêu chuẩn đó con người trở nên “què quặt”, phiến diện, không giúp ích gì cho xã hội, thậm chí còn gây nên những hậu quả xấu.

“Có tài mà không có đức là người vô dụng”, bởi lẽ người có tài nàng mà thiếu đạo đức thì tài năng đó không phục vụ cho một mục đích cao cả, tài năng đó trở thành vô dụng, phí hoài. Có khi tài năng đó lại sử dụng vì những mưu đồ cá nhân ích kỉ, đen tối thì cái tài đó không những vô dụng mà còn đi ngược lại lợi ích của tập thể, của nhàn dân. Cái “tài” đó thật là tai hại! Người có tài mà không chịu rèn luyện đạo đức sẽ tách mình ra khỏi tập thể, tự cao tự phụ, coi khinh tập thể và tất yếu sẽ dẫn đến những sai lầm và tội lỗi. Vì vậy, đạo đức là nền tảng của tài năng, tài năng thật sự có nghĩa khi nó được hình thành và phát triển trên một cơ sở lý tưởng trong sáng, đẹp đẽ.

Hiện nay, bên cạnh nhiều tấm gương tốt về tinh thần tu dưỡng đạo đức phẩm chất cách mạng cũng có những biểu hiện chỉ chăm lo học hành để mong đỗ đạt có bằng cấp mà coi nhẹ việc rèn luyện nhân cách. Khi đất nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, bên cạnh những mặt tích cực đã nảy sinh một số biểu hiện thiếu lành mạnh, vì vậy việc rèn luyện đạo đức, bảo tồn những giá trị tinh thần, bản sắc của dân tộc, chống lại những nọc độc của văn hóa đồi trụy, phản động càng trở nên bức thiết đối với thanh thiếu niên.

Đức là quan trọng, nhưng “có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Đúng vậy, không có tài năng, hiệu quả lao động, sự cống hiến đối với xã hội sẽ rất hạn chế thậm chí vì thiếu tài năng (hoặc là do dốt nát) mà không hoàn thành được nhiệm vụ, gây những hậu quả xấu làm thiệt hại cho đất nước. Ngày nay, nhân dân ta đang phấn đấu để thực hiện hoài bão lớn lao là đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu, làm cho dân giàu nước mạnh. Để thực hiện lý tưởng đó nhất thiết mỗi người phải nâng cao năng lực và trí tuệ. Chúng ta đang chứng kiến một thế giới mới với những tiến bộ vượt bậc về khoa học, kỹ thuật. Chỉ có tài năng trí tuệ về văn hóa, khoa học, công nghệ, quản lý... mới có khả năng đáp ứng được nhu cầu phát triển của thời đại và của đất nước. Vì vậy, chế độ ta rất coi trọng tài năng, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho tài năng phát triển.

Đức và tài là một thể thống nhất có tác dụng nâng đỡ lẫn nhau. Đức là gốc, cái gốc vững vàng thì tài năng có điều kiện nảy nở đơm hoa kết trái, ngược lại, tài năng là biểu hiện sinh động cụ thể của đức càng tô thắm thêm cái đức. “Hồng thắm”, “chuyên sâu”, “hồng” càng thắm, “chuyên” càng sâu và ngược lại. “Hồng thắm”, “chuyên sâu” trở thành mục tiêu tu dưỡng phấn đấu của các thế hệ thanh niên, đó là hành trang để bước vào đời.



nguyen minh ngoc
1 tháng 5 2018 lúc 21:13

Đề 4

Đất nước ta đang bước vào một thời ki mới, thời kì xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Nhiệm vụ lớn lao mà đất nước và thời đại đặt ra cho mỗi thanh niên ta là phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, bồi dưỡng tài năng để có thể gánh vác nhiệm vụ vẻ vang mà Tổ quốc và lịch sử giao phó. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sông, trong một cuộc nói chuyện với học sinh có nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Lời nói của Bác đặt ra cho thanh niên, học sinh chúng ta một vấn đề rất cụ thể và cần thiết: Phải tu dưỡng, rèn luyện để có đức, có tài. Chúng ta nên hiểu lời dạy của Bác thế nào cho đúng?

Có tài là có kiến thức, có kĩ năng, kinh nghiệm để hoàn thành tốt mọi công việc được giao dù công việc có khó khăn, gian khổ thế nào, dù tình huống có phức tạp đến đâu. Chẳng hạn, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các chiến sĩ binh chủng đặc công của chúng ta đã khéo léo ngụy trang để che mắt giặc, dùng tài năng và tinh thần dũng cảm chiến đấu của mình để tiêu diệt nhiều căn cứ ngay trong lòng giặc. Anh Đặng Thái Sơn, một nhạc sĩ pi-a-nô có tài đã biểu diễn xuất sắc các nhạc phẩm của nhạc sĩ Sô-panh, đoạt giải nhất trong kì thi âm nhạc quốc tế tổ chức tại Vác-xa-va, thủ đô của Ba Lan, quê hương của nhạc sĩ thiên tài. Anh Lê Bá Khánh Trình đã sử dụng tài trí của mình để giải xuất sắc các bài toán trong cuộc thi toán quốc tế, đem về tấm huy chương vàng cho Tổ quốc…

Có đức là hết lòng phục vụ nhân dân, có tư cách đạo đức, tác phong tốt; tôn trọng và bảo vệ cái đúng, dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải; kiên quyết đấu tranh với những sai lầm, tiêu cực trong xã hội; trung thực, giản dị trong cuộc sống, về tấm gương đạo đức, Bác Hồ của chúng ta là một người tiêu biểu. Cả đời Bác hi sinh, phấn đấu cho hạnh phúc của giống nòi, cho đời sống của con người mà quên bản thân mình. Xung quanh chúng ta, có biết bao tấm gương sáng về đức hi sinh của các chiến sĩ bộ đội, công an dũng cảm diệt kẻ gian cứu người bị nạn. Trong lớp học của em, bạn Lan Anh cũng là một tấm gương sáng về đạo đức của người học sinh, bạn luôn luôn lễ độ với thầy cô giáo, giúp đỡ bạn bè trong học tập và đời sống, thẳng thắn đấu tranh với những bạn lười biếng, thiếu ý thức tổ chức kỉ luật…

Tài và đức, phẩm chất và năng lực là hai mặt của một con người. Có tài mà không có đức là người vô dụng, bởi lẽ có tài mà không đem ra phục vụ nhân dân, đất nước há chẳng phải là vô dụng sao? Có tài mà làm việcxấu, trái đạo đức, tiếp tay cho kẻ phản bội Tổ quốc thì chẳng những vô dụng mà còn có tội. Người có tài mà đạo đức kém thì tác hại càng lớn, càng phải phê phán, lện án. Một cán bộ quản lí giỏi nhưng tham ô, hối lộ thì chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước và trước sau cũng dẫn đến sự yếu kém của đơn vị. Một học sinh học giỏi mà vô tể chức, kỉ luật thì chẳng có tác dụng gì trong lớp…

Ngược lại, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, không đem lại hiệu quả lớn trong sản xuất và đời sống. Nếu có đức, muôn phục vụ tốt nhưng không có hiểu biết thì mọi ý định dù tốt đến mấy cũng khó trở thành hiện thực. Một đội trưởng sản xuất tốt nhưng không am hiểu kĩ thuật, làm mò mẫm sẽ dẫn đến sản xuất thụt lùi. Một học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, nhưng học kém thì không thể phát huy được tác dụng đối với các bạn.

Đức và tài liên quan chặt chẽ với nhau, bổ sung lẫn nhau để con người toàn diện. Đức là yếu tố quyết định nhưng không phải là chung chung, trừu tượng mà đức phải thể hiện cụ thể trong việc hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đạt hiệu quả cao.

Ngày nay, khi nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước đòi hỏi mỗi chúng ta chẳng những phải cố gắng, nỗ lực, khiêm tốn học học, hết lòng hết sức phục vụ Tể quốc và nhân dân, mà còn phải phấn đấu học tập không ngừng để đáp ứng những đòi hỏi của trình độ khoa học cao, để theo kịp những thành tựu của nhân loại, của các nước tiên tiến. Thanh thiếu niên chúng ta không thể thờ ơ, chạy theo lối sống mới sa đọa, thiếu đạo lí, mà phải không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức, tích cực học tập văn hóa, khoa học, tiếng nước ngoài để có khả năng tiếp cận trình độ tiên tiến của thời đại. Lời dạy của Bác là một bài học về nhân sinh, bài học về thực tế cuộc sống cần thiết cho mỗi người chúng ta. Lời dạy của Bác động viên, tiếp tay cho chúng ta tu dưỡng, vươn lên trên tầm cao của lịch sử, của thời đại mà mình đang sống. Riêng em, em thấy mình phải không ngừng rèn luyện tư cách, đạo đức của một người học sinh, một người thanh thiếu niên của thời đại mới, cô' gắng để luôn luôn xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt. Chỉ có thể làm một học sinh tốt hiện nay, một công dân và một cán bộ, một người lao động tốt sau này, mới có thể góp phần thực hiện mơ ước của bản thân, góp phần cùng thế hệ mới xây dựng đất nước ta giàu mạnh trong tương lai.

nguyen minh ngoc
1 tháng 5 2018 lúc 21:14

Đề 4

Đầu thế kỉ XX, khi vừa làm xong nhiệm vụ giành độc lập, tự do, dân tộc ta lại phải đối đầu với giặc đói, giặc dốt, trước tình hình ấy, Bác đã dạy:"Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thi làm việc gì cũng khó". Câu nói ngắn gọn này thật có ý nghĩa sâu sắc. Chúng ta thứ tìm hiểu kĩ hơn sẽ rút ra được bài học bổ ích cho mình.
.
Lời nói của Bác thì luôn luôn giản dị, nhưng ý tưởng của Bác lại vô cùng sâu sắc, không thể nghe qua mà hiểu ngay được. Chúng ta sẽ tìm hiểu từng phần một rồi sẽ tìm hiểu căn cứ sâu xa của lời khuyên này.

Tài là gì? Đức là gì? Tài là khả năng thực hiện một công việc hoặc sáng tạo một sản phẩm nào đó cho mọi người, có những người có thể thực hiện được những việc khác nhau một cách xuất sắc, ta gọi đó là người “đa tài”, có những người làm gì cũng thất bại, thất bại trong moi lĩnh vực, ta gọi đó là người "bất tài". Bên cạnh khả năng cống hiến cho xã hội, giá trị con người còn được đánh giá qua " đức", tức là những phẩm chất về tâm hồn, tính cách, lối xử sự của một con người trong xã hội. Ví dụ: Một người có những phẩm chất như: nghị lực, trọng danh dự, giữ chữ tín, siêng năng, nhân ái... người ta gọi đó là người có đạo đức tốt. Ngược lại, kẻ nào mang thói biếng nhác, đê hèn, xảo trá, tham lam, độc ác ... ta gọi đó là loại người vô đạo đức. Thế nào là người vô dụng? Người vô dung là người không giúp ích gì cho xã hội, không mang lại hanh phúc cho một ai. Con người ấy sống cũng như đã chết, gọi là "sống thừa " trong xã hội. Tai sao có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó?

Bởi lẽ người ấy có tài mà không đem ra phục vụ nhân dân, đất nước, chỉ lo thu vén cho bản thân. Lòng tham vô đáy, họ đem tài năng phục vụ cho riêng bản thân, không phục vụ cho cái chung của tập thể. Vì vậy, có tài mà không có đức có thể dẫn đến hành động xấu, trái đạo đức, phản bội nhân dân Tổ quốc thì chẳng những vô dụng mà còn có tội. Có tài mà kém đạo đức thì tác hại càng lớn, càng đáng phê phán, lên án, vì họ có tài nhưng lại dùng tài năng ấy phục vụ cho những mục đích thấp hèn và như vậy sự tác hại càng to lớn.

Ngược lại, người có đức độ mà thiếu tài năng, theo Bác, làm việc gì cũng khó. Thực vậy, tài năng giúp ta hoàn thành công việc một cách hoàn hảo, đem lại hiệu quả lớn trong sản xuất. Người có đức, muốn phục vụ tốt, nhưng thiếu năng lực thì mọi ý định dù tốt đến mấy cũng khó biến thành hiện thực. Ta thường nghe nói “nhiệt tình cộng ngu dốt ra phá hoại”. Bởi lẽ nhiệt tình trong mò mẫm, tìm kiếm mà không nắm khoa học kĩ thuật thì công việc sẽ thất bại. Một học sinh ngoan, có hạnh kiểm tốt nhưng kết quả học tập kém, nhiệm vụ chính của học sinh chưa hoàn thành thì học sinh ấy chưa thể được coi là gương mẫu được. Do vậy, đức là yếu tố quyết định nhất, nhưng không phải là cái chung chung, trừu tượng mà đức phải thể hiện cụ thé trong việc hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đạt hiệu quả cao. Tài và đức là hai mặt bổ sung chặt chẽ cho nhau. Có cả đức lẫn tài, con người mới trở nên hoàn thiện, hiệu quả công tác mới cao.

Sở dĩ như vậy vì trong thanh niên chúng ta không ít những người mải mê học tập mà quên cả rèn luyện tính cách, đạo đức. Ngược lại, có những thanh thiếu niên được uốn nắn kĩ càng về đạo đức nhưng lại kém cỏi về tài năng. Hơn nữa, một người có tài mà không có đức sẽ không biết sử dụng đúng chỗ tài năng của mình. Đôi khi tài năng ấy dùng vào những mục đích ngu xuẩn, độc ác thì thật là nguy hiểm và bất hạnh cho xã hội và dân tộc. Ví dụ: một kĩ sư hóa học giỏi mà vô đạo đức có thể kết cấu với bọn côn đồ để dùng hóa chất giết người, cướp của, phản bội dân tộc ...

Ngoài ra, người có tài mà không có đức sẽ thành vô dụng, vì người ấy sẽ bị xã hội xa lánh, ruồng bỏ và cô lập, một con én sẽ không làm nổi mùa xuân.

Trái lại, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, vì tuy đạo đức người ấy đáng tin cậy nhưng bên cạnh thiện chí, anh ta lại thiếu trình độ, thiếu khả năng chuyên môn hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Ví dụ: một giám đốc có nhiều phẩm chất như yêu nước, tận tụy, có tinh thần trách nhiệm ... nhưng lại không có tài điều khiển nhân viên, không đủ khả năng kiểm tra công việc của những người kĩ sư dưới quyền ... thì xí nghiệp ấy khó lòng đứng vững, nói gì đến việc mở rộng hay phát triển. Từ đó người có đức mà bất tài dễ bị coi thường, bị mất uy tín ... Chẳng bao lâu sau ông ta sẽ không thuyết phục, không cộng tác, không làm ăn được với ai trong nước, còn hi vọng gì đưa sản phẩm của mình đi xuất khẩu? Một nguy cơ rất dễ xảy ra là khi người chỉ huy không thể kiểm soát được công việc của các nhân viên, những nhân viên có tài mà không có đức dễ dàng làm những việc gian tham, móc ngoặc gây phương hại đến cho xí nghiệp, mang hậu quả nặng nề cho vị chủ quản, không phù hợp với đạo đức và quyền lợi của dân tộc, có hại cho mọi người.

Người không có đức đôi khi tối mắt vì đồng tiền cám dỗ mà sẵn sàng nhúng tay vào làm điều sai trái, nghĩa là ta đã góp phần hại chính bản thân mình và mọi người. Vì thế, ta cần hết sức tránh điều trái dù cho là điều trái nhỏ. Nếu ta không tránh, không từ chối thì sẽ bị cám dỗ, mua chuộc, dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Thực hiện điều phải thì khó, nhưng làm điều trái thì rất dễ. Những việc sai trái tưởng chừng như nhỏ bẻ, không hại gì nhưng nhiều việc sai trái nhỏ hợp lại lâu dần thành thói quen. Vì lẽ đó, ta phải giữ ý chí kiên định, phải biết kiềm chế mình và suy nghĩ chín chắn trước khi làm. Có những lúc làm việc xấu mà không biết. Bởi điều trái ấy rất nhỏ nhưng tác hại của nó lại rất lớn. Điều trái luôn mang đến tai họa, không hôm nay thì ngày mai. Chúng ta phải tránh xa điều trái. "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Lời của Bác dạy là chân lí để thế hệ hôm nay phấn đấu rèn luyện.

Thế nhưng, có những người lại không thấy được điều đó. Họ có những việc làm vô ý thức, thiếu trách nhiệm. Bởi trước khi làm, họ đã không suy nghĩ chín chắn. Việc làm của họ luôn mắc phải sai trái, không ít thì nhiều. Những người ấy thật đáng trách. Vì những hành động thiếu sáng suốt của họ dần dần sẽ trở thành thói quen và đưa họ đến con đường tội lỗi. Bên cạnh đó, ta cũng cần phê phán những người thiếu kiên quyết, không có lập trường, dễ bị người xấu lôi kéo hay bị những ham muốn vật chất cám dỗ. Họ sẽ dễ dàng bị sa ngã. Đôi khi, những người ấy cũng có những suy nghĩ tốt đẹp nhưng rồi do không có quyết tâm, dễ mềm lòng, họ đã không thể thực hiện được suy nghĩ của mình. Điều ấy thật đáng tiếc! Cho nên, ta cần giúp họ nhận ra cái sai, thấy được điều hay lẽ phải để sửa chữa, khắc phục.

Qua phần tìm hiểu ý nghĩa và nguyên nhân của lời khuyên trên, chúng ta hẳn thấy rõ tầm quan trọng của tài và đức. Vậy tại sao Bác lại nói đến tài và đức với thanh niên? Không nói, hẳn mọi người cũng đã hiểu mục đích của Bác muốn gởi gắm một lời nhắc nhở quan trọng với thanh niên trong việc học tập, nghiên cứu khoa học, kĩ thuật và rèn luyện trau dồi tư cách đạo đức. Lời khuyên của Bác đã nói
lên mối tương quan mật thiết giữa tài và đức, nói lên tầm quan trọng không thể thiếu giữa tài và đức trong từng thanh niên. Vậy muốn trau dồi tài và đức, chúng ta phải biết quý trọng tuổi xuân, dành nhiều thời gian cho học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, trau dồi ngôn ngữ nước ngoài ta sẽ có chìa khóa mở cửa thế giới. Trường học sẽ là môi trường thích hợp nhất cho học sinh chúng em rèn luyện những đức tính siêng năng, nhân ái, nghị lực, yêu đồng bào. Tổ quốc và đoàn kết tương thân tương trợ ...

Vậy là tài năng rất quan trọng, rất cần thiết. Xây dựng đất nước mà thiếu người tài thì làm sao giải quyết được biết bao việc khó khăn? Bảo vệ đất nước cũng cần đến người tài. Ta đã từng nghe nhân tài như lá mùa thu, nơi duy ác hiếm người bàn bạc (Bình Ngô đại cáo). Người vừa có tài, vừa có đức thì thật đáng quý. Họ biết đem tài năng phục vụ lợi ích của dân tộc, đất nước, đem lại những hiệu quả to lớn trên mọi lĩnh vực. Đó là các anh hùng, danh nhân, các nhà khoa học chân chính, các nhà lãnh đạo, quản lí giỏi...

Tài và đức kết hợp nơi một con người thì con người ấy thật hữu ích cho đất nước. Hiểu được tầm quan trọng của tài và đức, em tự nhủ phải cố gắng rèn luyện cả tài và đức để sau này trở thành người có ích cho xã hội, đáp ứng ước mong của cha mẹ và thầy cô. Đặc biệt là khỏi phụ tình thương yêu của Bác thể hiện qua lời răn dạy của Người.

Sau khi giải thích câu nói trên của Bác, chúng ta đã hiểu được ý nghĩa sâu xa, tầm quan trọng của tài và đức, ta thấy đó là một ý tưởng thâm thúy nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của đạo đức, sau đó là tài năng, ông bà ta ngày xưa cũng từng nói: “Cái nết đánh chết cái đẹp” và "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" Nếu ai trong thanh niên chúng ta cũng biết thực hiện được điều này thì thật là một tương lai sáng lạn cho Tổ quốc ta. Một danh nhân thế giới đã nói: “Chín mươi phần trăm thiên tài là sự nhẫn nại”. Tuổi trẻ chúng ta đang có một quỹ thời gian rộng bao la, chúng ta hãy cố gắng đừng phí uổng tuổi thanh xuân của mình!

nguyen minh ngoc
1 tháng 5 2018 lúc 21:15

Đề 4

quả nhất, dù trong hoàn cảnh khó khăn, tình huống nan giải hay phức tạp dường nào.

Trong lãnh vực nào, cũng có người đầy tài năng. Trong y học, người bác sĩ phẫu thuật dùng đường dao tài hoa của mình giành lại sinh mệnh của bệnh nhân từ tay thần chết trong các ca cấp cứu hiểm nguy. Trong học tập, một học sinh có thể dùng tài trí của mình để giải bài toán, bài tập một cách ngắn gọn, nhanh chóng và hiệu quả nhất. Còn biết bao lĩnh vực nữa, không thể kể hết được.

Còn đức là gì? Đức chính là tư cách, là phẩm chất, là giá trị của con người trong cuộc sống. Đức theo quan niệm hiện nay là hết lòng phục vụ nhân dân, có tư cách đạo dức, tác phong tốt, biết tôn trọng, bảo vệ nguyên tác, chân lí, dũng cảm đấu tranh cho sự trung thực kiên quyết đấu tranh phê phán những sai lầm tiêu cực trong đời sống xã hội. Nói về đức hay đạo đức, không những riêng người Việt Nam ta mà cả thế giới đều khâm phục đạo đức Hồ Chí Minh. Bác Hồ đối với mọi người là một tấm gương đạo đức vĩ đại: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cả một đời Bác hi sinh quên mình vì độc lập tự do của dân tộc vì hạnh phúc của giống nòi, Bác sống vì Tổ quốc, vì mọi người. Học tập Bác, noi theo gương sáng của Người, trong cuộc sống chung quanh ta không thiếu các tấm gương hi sinh của các chiến sĩ bộ đội, công an dũng cảm chiến đấu tiêu diệt kẻ thù, kẻ gian, cứu người lâm nạn, quên cả bản thân mình. Gần gũi hơn, trong lớp của em cùng không ít bạn là tấm gương sáng về đạo đức của người học sinh, xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ. Các em luôn giữ đúng mẫu mực, lễ độ với thầy cô giáo, khiêm tốn giúp đỡ bạn hữu trong học tập và sinh hoạt, sẵn sàng mạnh dạn góp ý phê bình xây dựng các bạn yếu kém, biếng lười.

Tài và đức vừa giải thích trên chính là phẩm chất và năng lực, hai mặt của giá trị một con người. Hai mặt này đều cần thiết không thể thiếu được. Đúng như lời Bác Hồ đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Vì sao? Bởi lẽ có tài mà giấu kín không đem ra phục vụ nhân dân đất nước thì đúng là không dùng được rồi chứ gì. Hơn thế nữa, có tài mà làm việc tiêu cực, xấu xa vô đạo đức thì chẳng những vô dụng mà còn có tội đối với đất nước với nhân dân nữa. Người càng có tài mà vô đạo dức bao nhiêu thì tác hại đối với xã hội càng lớn lao bấy nhiêu. Một cán bộ nhà nước, tể chức và quản lí giỏi, nhưng tư túi, tham ô, hối lộ thì thiệt hại lớn tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản nhân dân, ngẫm lại đâu có ích gì.

Một học sinh có khả năng học tập nhưng hỗn láo, ý thức tổ chức kỉ luật yếu kém thì trước sau gì cũng đi đến chỗ hư hỏng, chẳng có tác dụng tích cực gì đến bạn hữu trong lớp.

Trái lại, có đức mà không có tài thì đúng như Bác Hồ dã dạy: làm việc gì cũng khó. Bởi vì công việc hàng ngày đòi hỏi con người phải có kiến thức chuyên môn, phải thông minh, nhạy bén nhận định công việc để nhanh chóng giải quyết một cách có hiệu quả nhất, không có tài nhất định không làm được, công việc tất yếu sẽ đình trệ, gây thiệt lớn cho sản xuất và đời sống. Rõ ràng là dù có đức sẵn lòng làm việc tốt nhưng không có tài, thiếu năng lực làm việc thì mọi ý định tốt đẹp cũng đều không thể trở thành hiện thực được. Một công nhân tác phong đạo đức tốt nhưng kĩ thuật, nghiệp vụ không am tường thấu đáo, thì dẫn tới năng suất công việc thụt lùi.. Cũng vậy, một học sinh hạnh kiểm tốt nhưng học kém thì làm sao phát huy tác dụng của mình đến với bạn khác được.

Đức và tài hai mặt giá trị của một con người có quan hệ bổ sung hỗ trợ chặt chẽ cho nhau. Có đức lẫn tài thì con người toàn diện, hiệu quả công tác mới cao. Trong hai mặt đức và tài, đức là yếu tố quyết định, nhung đức không phải là cái gì trừu tượng, mơ hồ mà phải được thể hiện cụ thể trong việc hoàn thành tốt công việc với năng suất chất lượng và hiệu quả cao.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, chúng ta phải suy nghĩ và hành động như thế nào để làm theo lời dạy đó.

Ngày nay, trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước theo hướng dân giàu nước mạnh của công việc đổi mới do Đảng lãnh đạo, đòi hỏi, chúng ta phải chăm lo rèn luyện toàn diện cả đức lẫn tài. Không thể thờ ơ trách nhiệm, chạy theo lối sống hưởng thụ, sa đọa, thiếu đạo lí. Thanh thiếu niên Việt Nam chúng ta phải không ngừng nuôi dưỡng phẩm chất đạo đức: gì phải thì cố làm cho kì được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ (Bác Hồ). Ngoài ra, chúng ta còn phải đặc biệt tích cực học tập, học văn hóa, khoa học kĩ thuật và tiếng nước ngoài để đủ khả năng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thời đại ngày nay.

Lời dạy của Bác thật vô cùng quý báu và sâu sắc. Qua đó, chúng ta hiểu Bác quan tâm đến thế hệ cách mạng của đời sau biết dường nào!

Là mầm non của cách mạng, em thấy mình cần phải không những tu dưỡng phẩm chất đạo đức, rèn luyện nhân cách, cố gắng để luôn luôn là một con ngoan trò giỏi, một đội viên tốt. Chỉ có thể làm như thế mới xứng đáng với tình thương yêu, sự quan tâm sâu sắc vô vàn của Bác đối với thiếu niên nhi đồng chúng em.


Các câu hỏi tương tự
Nguyễn Huy Tú
Xem chi tiết
oanh luong
Xem chi tiết
Lan Anh Nguyễn
Xem chi tiết
Cathy Trang
Xem chi tiết
Nguyễn Việt Anh
Xem chi tiết
Luu Dung
Xem chi tiết
Bích Nguyễn
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Lan Anh
Xem chi tiết
Nguyễn Huy Tú
Xem chi tiết