* Chủ trương:
Ngay khi tiếng sung đảo chính của Nhật vừa nổ, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp hội nghị mở rộng. Hội nghị đã ra chỉ thị: “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, xác định kẻ thù chính, cụ thể, trước mắt Đông Dương lúc này là phát xít Nhật. Hội nghị quyết định phát động một cao trào “Kháng Nhật, cứu nước” mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa.
Giữa lúc cao trào kháng Nhật, cứu nước đang cuồn cuộn dâng lên thì ngày 15-4-1945 Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kì họp ở Hiệp Hòa (Bắc Giang). Hội nghị quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang thành lập Việt Nam giải phóng quân; phát triển hơn nữa lực lượng vũ trang và nửa vũ trang; mở trường đào tạo cán bộ quân sự và chính trị; đề ra nhiệm vụ cần kíp là phải tích cực phát triển chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa kháng Nhật để chuẩn bị tổng khởi nghĩa cho kịp thời.
Ủy ban quân sự Bắc Kì được thành lập, có nhiệm vụ chỉ huy các chiến khu miền Bắc và giúp đõ toàn quốc về mặt quân sự. Tiếp đó, Khu giải phóng Việt Bắc ra đời (4-6-1945) bao gồm hầu hết các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên và một số vùng lân cận thuộc các tỉnh miền trung du (Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên). Ủy ban lâm thời khu giải phóng đã thi hành 10 chính sách của Việt Minh nhằm đem lại quyền lợi cho nhân dân.
* Phong trào quần chúng trong cả nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ ở cả nông thôn và thành thị thì nạn đói diễn ra nghiêm trọng hơn ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” được kịp thời đưa ra đã dấy lên phong trào đánh chiếm kho thóc của Nhật để chia cho dân nghèo. Một bầu không khí tiền khởi nghĩa lan tràn khắp cả nước, báo trước giờ hành động sắp tới.