1)Suy nghĩ:
Cần phải cho trẻ nhận thức rõ về tài sản công cộng và nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ là nghĩa vụ của mỗi công dân. “Tài sản chung” không đồng nghĩa với khái niệm “đồ chung” muốn sử dụng, viết, vẽ, làm hỏng tùy ý. Chỉ khi phân biệt được hai ý niệm trên, trẻ nhỏ mới nhận thức được nhiệm vụ của một cá thể trong một tập thể, cộng đồng lớn. Học cách trân trọng từng bàn ghế, viên phấn của nhà trường là nền tảng làm nên một công dân tốt biết gìn giữ những tảng đá, viên gạch tại mỗi di tích lịch sử, công trình công cộng của đất nước. Một nghịch lý đã được nêu ở trên: trẻ con viết vẽ bậy trên bàn, cuối học kỳ dùng giấy ráp mài lại bàn ghế để học kỳ sau… vẽ tiếp. Miếng giấy ráp ở đây không được coi như một giải pháp triệt để cho thói quen xấu của học sinh, đó chỉ nhằm giải quyết cho câu chuyện trường đẹp lớp sạch mà thôi. Cha mẹ và thầy cô cần để ý những thói quen, hành động thường nhật của trẻ, trò chuyện thân thiết cùng con về tác hại của việc vẽ, viết bậy và trên hết người lớn phải là tấm gương về ý thức cho lũ trẻ, bởi chỉ hành động mới có trọng lượng hơn lời nói suông.