Câu 4 : Hiệp hội các nước Đông Nam Á được thành lập khi nào? Mục tiêu,nguyên tắc hoạt động?
Câu 5 : Dựa vào bảng số liệu 16.3/SGK 57,hãy vẽ biểu đồ tròn thể hiện sản lượng lúa, cà phê của khu vực ĐNÁ và của châu Á so với thế giới.Vì sao khu vực này có thể sản xuất được nhiều những nông sản đó?
Câu 6 : Dựa vào bảng 17.1 SGK/61 vẽ biểu đồ hình cột và nhận xét GDP/ người của các nước Asean
Câu 4 :
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập vào ngày 8/8/1967 thông qua Tuyên bố ASEAN, hay còn gọi là Tuyên bố Bangkok, được ký bởi ngoại trưởng 5 nước thành viên sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
ASEAN không phải tổ chức khu vực đầu tiên được thành lập ở Đông Nam Á. Năm 1961, Hiệp hội Đông Nam Á (Association of Southeast Asia: ASA) ra đời, nối kết Liên bang Malaya (bây giờ là Malaysia và Xingapo), Philippin, và Thái Lan. Năm 1963, Indonesia, Liên bang Malaya, và Philippin còn thành lập tổ chức Maphilindo, trong một nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa 3 quốc gia này.
Nhưng hợp tác bên trong ASA và Maphilindo bị tổn hại nghiêm trọng bởi các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa các nước thành viên cũng như bất đồng đối với việc thành lập Liên bang Malaysia. Kết quả, Maphilindo chỉ tồn tại từ năm 1963 cho đến khi ASEAN thay thế nó vào năm 1967. ASA cũng chỉ tồn tại chính thức từ năm 1961 đến năm 1967, đóng cửa một thời gian ngắn sau khi ASEAN được thành lập.
Mặc dù mục tiêu công khai của ASEAN khi được tuyên bố thành lập là hợp tác kinh tế và văn hoá-xã hội, nhưng thực chất đây là một tập hợp chính trị giữa các nước thành viên nhằm ngăn chặn nguy cơ chủ nghĩa cộng sản (cả từ bên ngoài và bên trong), đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến tranh ở Việt Nam khi đó đang gây nên những tác động lớn đến tình hình khu vực.
Trải qua hơn 40 năm tồn tại, cho tới nay ASEAN đã mở rộng bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á, trong đó Brunei gia nhập năm 1984, Việt Nam năm 1995, Lào và Myanmar năm 1997 và Campuchia năm 1999. Hiện ASEAN có trụ sở ban thư ký đặt tại Jakarta, Indonesia. Chức Tổng thư ký được luân phiên nắm giữ giữa các quốc gia thành viên theo thứ tự tên chữ cái tiếng Anh. Kể từ cuối năm 2008 khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực, mỗi năm ASEAN tổ chức hai cuộc họp thượng đỉnh cấp nguyên thủ quốc gia để bàn thảo các vấn đề quan trọng đối với khu vực. Ngoài ra hàng năm ASEAN còn tổ chức hàng trăm cuộc họp ở các cấp khác nhau nhằm tăng cường hợp tác ở các lĩnh vực khác nhau giữa các quốc gia thành viên.
Cho tới nay, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng sau hơn bốn thập kỷ hình thành và phát triển. Thành tựu đáng chú ý nhất là Hiệp hội đã hoàn tất ý tưởng về một ASEAN bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á, giúp chấm dứt sự chia rẽ và đối đầu giữa các nước Đông Nam Á; tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác toàn diện và ngày càng chặt chẽ dựa trên những nguyên tắc của “Phương thức ASEAN,” trong đó chú trọng đối thoại, đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. ASEAN-10 cũng giúp biến Hiệp hội trở thành một tổ chức hợp tác khu vực thực sự, là nhân tố quan trọng bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương.
Trên lĩnh vực chính trị-an ninh, ASEAN đã đưa ra nhiều sáng kiến và cơ chế bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực, như : Tuyên bố Đông Nam Á là Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) năm 1971 ; Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) ký năm 1976; Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) năm 1995 ; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002… Kể từ năm 1994, ASEAN cũng khởi xướng và chủ trì Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), là nơi ASEAN và các đối tác bên ngoài tiến hành đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị-an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, ARF vẫn được coi là cơ chế trụ cột giúp đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Về kinh tế, đến nay ASEAN đã cơ bản hoàn tất các cam kết về hình thành Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (gọi tắt là AFTA), với hầu hết các dòng thuế đã được giảm xuống mức 0-5%. Kim ngạch thương mại nội khối hiện đạt khoảng 300 tỷ USD và chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. Ngoài ra hiện ASEAN cũng thúc đẩy hợp tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực khác như đầu tư (thông qua thỏa thuận về Khu vực đầu tư ASEAN -AIA), công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, giao thông vận tải, hải quan, thông tin viễn thông… ASEAN cũng coi trọng đẩy mạnh thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, nhất là thông qua việc triển khai Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) về hỗ trợ các nước thành viên mới (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Mặt khác, ASEAN cũng đã tích cực tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại với các đối tác bên ngoài thông qua việc đàm phán thiết lập các khu vực mậu dịch tự do (FTA) với hầu hết các nước đối thoại của ASEAN, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Như vậy sau hơn 40 năm tồn tại, ASEAN đã chuyển hóa căn bản về mọi mặt, trở thành nơi tập hợp lực lượng không thể thiếu của các nước nhỏ và vừa, nhằm duy trì hòa bình và an ninh khu vực, tạo điều kiện để các nước thành viên mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế. Ở cuộc họp thượng đỉnh ASEAN ở Bali vào ngày 07/10/2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (ASEAN Concord II) nhằm xây dựng một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, bao gồm ba trụ cột chính: Cộng đồng chính trị – an ninh ASEAN, Cộng đồng kinh tế ASEAN, và Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN.
Tháng 11/2007, Hiến chương ASEAN cũng đã được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/12/2008 sau khi đã được tất cả 10 quốc gia thành viên phê chuẩn. Bản Hiến chương này giúp tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế cho ASEAN tăng cường liên kết khu vực, trước hết là phục vụ mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Ngoài ra bản Hiến chương phản ánh sự trưởng thành của ASEAN, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên về mục tiêu xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn và vững mạnh hơn, hỗ trợ cho mục tiêu hòa bình và phát triển của cả khu vực cũng như từng nước thành viên.
Đánh giá về ASEAN, một số nhà quan sát cho rằng ASEAN từng là điển hình cho một câu chuyện thành công cho đến giữa thập niên 1990 khi hình ảnh của nó bắt đầu bị lu mờ dần, chủ yếu do những thách thức gây ra bởi việc mở rộng số lượng thành viên, cũng như do tác động của cuộc khủng hoàng tài chính tiện tệ Châu Á 1997-1998. Một đánh giá cân bằng hơn lại cho rằng ASEAN không phải là một câu chuyện thành công cho đến giữa thập niên 1990 khi ASEAN bắt đầu mở rộng thành viên và hợp tác trong lòng ASEAN được phát triển một cách toàn diện, đồng thời vai trò của Hiệp hội trong toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được tăng cường mạnh mẽ hơn về mọi mặt.
Tuy nhiên, mọi tiến bộ của ASEAN trong tương lai đều phụ thuộc vào việc Hiệp hội có thể vượt qua được những hạn chế và thách thức còn tồn tại hay không. Có thể nói, đến nay, ASEAN vẫn là một hiệp hội khá lỏng lẻo, tính liên kết khu vực còn thấp trong khi vẫn tồn tại sự khác biệt lớn về chế độ chính trị-xã hội và trình độ phát triển giữa các nước thành viên. ASEAN còn bị chỉ trích vì có nhiều chương trình hợp tác nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế; tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động cồng kềnh, kém hiệu quả. Việc ASEAN duy trì “Phương thức ASEAN” cũng bị chỉ trích là một cản trở đối với việc phát huy vai trò của tổ chức này. Ngoài ra, nhiều mâu thuẫn vẫn còn tồn tại trong ASEAN, tiêu biểu như tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Campuchia. Những mâu thuẫn này tiếp tục làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến đoàn kết, hợp tác và uy tín của ASEAN.
5.
Trả lời
-Vẽ biểu đồ:
Xử lí số liệu: So với thế giới, lúa ở Đông Nam Á chiếm 26,2%, lúa của châu Á chiếm 71,3%. So với thế giới, cà phê của Đông Nam Á chiếm 19,2%, cà phê của châu Á chiếm 24,7%.
Biểu đồ cơ cấu sản lượng lúa, cà phê của
khu vực Đông Nam Á và châu Á so với thế giới năm 2000 :
- Giải thích: Các nước ở Đông Nam Á có thể sản xuất được nhiều những nông sản đó do điều kiện tự nhiên thuận lợi: đồng bằng phù sa màu mỡ, khí hậu nóng ẩm quanh năm, nguồn nước tưới dồi dào và do truyền thống canh tác lâu đời (cây công nghiệp cũng đã được đưa vào các nước Đông Nam Á từ vài trăm năm nay).
6.
-Vẽ biểu đồ:
-Nhận xét:
+ GDP/người giữa các nước ASEAN không đều.
+ Nước có GDP/người cao nhất là Xin-ga-po (20740 USD), tiếp theo là Bru- nây (12300 USD), Ma-lai-xi-a (3680 USD), Thái Lan (1870 USD).
+ Các nước có GDP/người thấp dưới 1000 USD là Phi-líp-pin (930 USD), In-đô- nê-xi-a (680 USD), Việt Nam (415 USD), Lào (317 USD), Cam-pu-chia (280 USD).
+ GDP/người của Xin-ga-po gấp 74 lần GDP/người của Cam-pu-chia, gấp 65,4 lần GDP/người của Lào, gấp gần 50 lần GDP/người của Việt Nam…