Có một vị cống sĩ già (đã đỗ kỳ thi Hương) đến xin Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) theo học, để chuẩn bị thi Hội. Nguyễn Bỉnh Khiêm ngắm nhìn ông ta hồi lâu, rồi thủng thỉnh đáp: "Nếu có đủ 8 lạng vàng đem đến, ta mới dạy cho". Mấy ngày sau, vị cống sĩ đem vàng đến thật, Nguyễn Bỉnh Khiêm bèn giảng cho 8 chữ: "Trí trị thành pháp, bách quan sở đồng", rồi sau đó nói thêm:
- Nay ta đã già, chỉ nhớ được có từng ấy thôi. Anh về suy ngẫm thêm cho kỹ.
Vị cống sĩ ra về, nhớ đinh ninh lời giảng của thầy, lại tìm hiểu nghĩa lý sâu xa trong các sách có liên quan. Đến hôm vào trường thi, đề bài văn sách ra lại đúng ý của 8 chữ đó, nên bài của vị cống sĩ làm hoàn toàn mỹ mãn. Quan chánh chủ khảo phê: "Tám chữ đáng giá tám lạng vàng", rồi lấy đỗ ngay Tiến sĩ.
Nguyễn Bỉnh Khiêm, lúc nhỏ có tên là Nguyễn Văn Đạt, sinh ngày 6/4/1491 âm lịch ở làng Trung An, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) dưới thời vua Lê Thánh Tông - thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Lê sơ.
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ nổi tiếng học rộng, mẹ là con út của quan tiến sĩ thượng thư bộ Hộ triều vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm được giáo dục cẩn thận, rèn luyện cả về thể lực và trí lực nên "to khỏe, thông minh khác thường, chưa đến một tuổi đã nói sõi".
Lên 4 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm được mẹ dạy sách Kinh, thơ Nôm... Đến tuổi trưởng thành, nghe tiếng bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều (thuộc huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa ngày nay) nổi danh trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Bình Khiêm đến tận nơi tầm sư học đạo.
Vốn sáng dạ lại chăm chỉ học hành, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhanh chóng trở thành học trò xuất sắc của thầy và được chính thầy giao con trai cho nuôi dạy.