Ôn tập lịch sử lớp 9

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Lê Hà Phương

Ai là người được Xứ ủy Bắc kỳ giao chỉ đạo việc thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ? Những đóng góp to lớn của người chiến sĩ cách mạng trung kiên ấy đối với sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa năm 1930.

Phương Dung
24 tháng 11 2020 lúc 19:50

Người được Xứ ủy Bắc kỳ giao chỉ đạo việc thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là đồng chí Nguyễn Doãn Chấp.

Những đóng góp to lớn của người chiến sĩ cách mạng trung kiên ấy đối với sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa năm 1930:

Đồng chí Nguyễn Doãn Chấp (1905 - 1976) sinh ra tại thôn Hợp Đồng, xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa). Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí mang các bí danh: Mã, Cả, Hai, Răng Vàng... Đồng chí là con trưởng của hai cụ Nguyễn Thọ Lan và Nguyễn Thị Hòe, đều là những nông dân nghèo nhưng đã tạo mọi điều kiện để đồng chí Nguyễn Doãn Chấp được học chữ Nho, sau đó theo học ở Trường Pháp - Việt, rồi ra làm thầy, đi dạy học ở các tỉnh: Hưng Yên, Kiến An (nay là Hải Phòng), Hà Nam.

Theo cuốn hồi ký cách mạng của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp ghi lại, trong cuộc đời cách mạng sôi nổi của mình, điều sâu sắc khó quên mà cũng đáng tự hào nhất là giữ cương vị đặc phái viên của Xứ ủy Bắc Kỳ được cử về tỉnh nhà để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Đó là vào khoảng cuối năm 1929, đồng chí được chuyển từ cán bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội sang đảng viên đảng cộng sản. Đồng chí rất phấn khởi, bao nhiêu tâm trí dồn hết vào công tác cách mạng. Ngày đêm chỉ lo nghĩ đi tuyên truyền vận động quần chúng và phát triển đảng viên. Khi thì viết báo, in báo, khi thì đi phân phát tài liệu cho cơ sở, công việc khó khăn gian khổ nhưng trong lòng sung sướng vô cùng.

Đến tháng 5/1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp được gặp đồng chí Lê Công Thanh, đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí Thanh nói với đồng chí Chấp: “Đồng chí biết tình hình cách mạng hiện nay phát triển rất nhanh chóng, Đảng yêu cầu có nhiều đảng viên có năng lực, thoát ly phụ trách những nhiệm vụ công tác quan trọng của Đảng. Nhưng đối với đồng chí có khó khăn, nếu phải bỏ nghề dạy học mà đi thì sẽ rất ảnh hưởng”.

Đồng chí Chấp liền nói: “Nếu Đảng cần thì xin đồng chí cứ đề nghị với thượng cấp cho tôi thoát ly, cam đoan với đồng chí tôi không ngần ngại trước một khó khăn nào”.

Sau lần gặp gỡ ấy, đồng chí Thanh trở lại trường gặp đồng chí Chấp và nói: “Nguyện vọng của đồng chí đã được cấp trên chấp thuận, nhưng chưa cần bỏ trường, bỏ nghề giáo ngay bây giờ chưa có lợi. Bây giờ thì hãy lợi dụng dịp nghỉ hè sắp tới, thoát ly địa phương này đi làm công tác cho Đảng đã, sau đó nếu cần đồng chí thoát ly hẳn, cấp trên sẽ có quyết định báo cáo cho đồng chí biết sau”.

Đồng chí Thanh nói tiếp: “Đây là chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ đặc phái đồng chí đi làm công tác xây dựng cơ sở mới của Đảng, rất quan trọng, đồng chí phải hết sức cẩn thận, phải có kế hoạch tích cực và khéo léo vận động, thuyết phục mới thành công. Số là hiện nay ở Thanh Hóa, tỉnh quê hương của đồng chí có nhiều cơ sở tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội và Tân Việt đảng chưa được chuyển sang Đảng cộng sản Đông Dương. Trong dịp nghỉ hè này, đồng chí có nhiệm vụ về Thanh Hóa bắt liên lạc với những cơ sở ấy, vận động, thuyết phục từng người chuyển sang Đảng cộng sản Đông Dương. Làm xong nhiệm vụ, đồng chí làm báo cáo lên xứ ủy” - (Trích trong cuốn hồi ký “Việc xây dựng cơ sở Đảng đầu tiên ở Thanh Hóa”).

Sau đó, đồng chí Thanh giao cho đồng chí Chấp một tờ giấy “mật” có ghi tên những cơ sở cách mạng ở Thanh Hóa. Đầu tiên, đồng chí đến làng Hàm Hạ (Đông Sơn) gặp các đồng chí Lê Bá Tùng, Lê Oanh Kiều, Lê Thế Long để vận động, thuyết phục họ trở thành đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương. Khi thấy điều kiện tổ chức chi bộ đã đủ, ngày 25/6/1930, tại nhà đồng chí Lê Oanh Kiều, chi bộ cơ sở đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa đã được thành lập dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, đại hội đã bầu đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư chi bộ.

Đến tháng 7/1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp về khu vực Thiệu Hóa tuyên truyền vận động kết nạp được 4 đồng chí vào Đảng. Ngày 10/7/1930 tại làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, Đại hội chi bộ Thiệu Hóa tiến hành và bầu đồng chí Vương Xuân Cát làm Bí thư chi bộ.

Ở huyện Thọ Xuân, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã lựa chọn kết nạp được 7 đồng chí vào Đảng. Ngày 22/7/1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, đồng chí tuyên bố thành lập chi bộ Thọ Xuân và cử đồng chí Lê Văn Sỹ làm Bí thư chi bộ.

Với số lượng đảng viên của 3 chi bộ và trước yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp quyết định tổ chức hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Ngày 29/7/1930, 11 đại biểu của cả 3 chi bộ tiến hành hội nghị tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ ở làng Yên Trường, xã Thọ Lập, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã tuyên bố thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và cử ban chấp hành gồm 3 đồng chí: Lê Thế Long, Vương Xuân Cát và Lê Văn Sỹ. Đồng chí Lê Thế Long được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Thanh Hóa. Ngay sau khi thành lập, Đảng bộ tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ quan trọng trước mắt đó là xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức Nông hội đỏ, Công hội đỏ, phát hành tờ báo “Tiến lên”.

Sau thời gian này, quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp càng sôi nổi hơn. Cuối năm 1931, đồng chí bị địch bắt, bị giam cầm ở Hỏa Lò rồi đày ra Côn Đảo, kẻ thù dùng mọi thủ đoạn tra tấn hèn hạ, dã man nhưng không thể nào khuất phục được đồng chí. Năm 1936, ông được trả tự do, nhờ phong trào đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ và bị quản thúc nghiêm ngặt ở đại phương. Sau đó, chúng cho ông đi dạy học, nhưng ông tiếp tục giác ngộ lòng yêu nước, cách mạng cho học sinh và phụ huynh, tìm cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng

Năm 1944, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp tiếp tục hoạt động cách mạng, xây dựng mặt trận Việt Minh các thôn, cùng các đồng chí khác lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945 và được giữ chức Chủ tịch Uỷ ban nhân dân lâm thời tổng, kiêm Phó chủ tịch Việt Minh tổng. Đầu năm 1945, ông gĩư chức Chủ nhiệm Việt Minh huyện Hoằng Hóa rồi Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến huyện. Năm 1949, được Tỉnh uỷ điều động làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Thọ Xuân, sau sang làm Bí thư huyện uỷ.

Năm 1951, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp được điều về phụ trách công tác tổ chức và kiểm tra Tỉnh uỷ. Đến năm 1953, đồng chí được cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc khoá I, đến năm 1955, được bổ sung vào Đảng đoàn của Đài tiếng nói Việt Nam cho đến khi về hưu ở tuổi 60.

Nhìn lại cuộc đời ông, với những mốc thời gian đáng nể: 19 tuổi tốt nghiệp tiểu học (primaire) ra làm thầy giáo, 23 tuổi tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức thanh niên (Việt Nam Thanh nên Cách mạng đồng chí hội), 25 tuổi trở thành Đảng viên, lãnh đạo và thành lập nhiều tổ chức cơ sở Đảng, 5 năm tù đày biệt giam ngoài Côn Đảo… Cách mạng tháng Tám thành công, ông tròn 40 tuổi

Một nửa tuổi đời ấy, ông cống hiến một cách xuất sắc, vẻ vang cho nhân dân, cho sự nghiệp độc lập nước nhà mà chẳng tính toán thiệt hơn, mạng sống. Những năm còn lại, ông tiếp tục công hiến ở nhiều cương vị khác nhau một cách chí công, vô tư, thuỷ chung son sắt, với một đời sống cần kiệm, thanh liêm, đạm bạc, cả khi còn làm việc cũng như khi đã về hưu ở quê hương trong ngôi nhà đơn sơ thanh tịnh. Cuộc đời ông thật đáng nể trọng, một tấm gương ngời sáng soi chung, dám từ bỏ con đường danh vọng, phú quý thông thường của tần lớp trí thức đương thời, dấn thân vào sự nghiệp độc lập dân tộc, tư do cho nhân dân. Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá mãi mãi ghi nhớ người cộng sản kiên trung, bất khuất, thuộc lứa đầu tiên đã có công thành lập Đảng bộ cộng sản đầu tiên ở Thanh Hoá.

Khách vãng lai đã xóa