Trong cuộc sống, mỗi chúng ta không ít lần mắc lỗi nhưng có những lỗi lầm đã gây ra không bao giờ chúng ta quên được. Bây giờ, cứ mỗi lần nhớ đến cô giáo dạy văn năm lớp bảy, tôi lại thấy trong lòng mình ray rứt vì đã vô lễ với cô. Tôi vốn là một đứa trẻ bất hạnh nhất trên đời – tôi luôn nghĩ về bản thân mình như vậy. Mẹ tôi sinh ra tôi nhưng tôi không có bố. Từ bé tôi đã luôn bị mọi người xung quanh khinh miệt, giễu cợt là “đồ con hoang”. Nhiều bà mẹ không cho con họ chơi với tôi. Tôi sống thui thủi như thế với mẹ trong căn nhà nhỏ tồi tàn cuối xóm. Từ bé, tôi không thấy ai tốt bụng và thương tôi ngoài mẹ tôi. Hai mẹ con tôi sống trơ trọi không họ hàng trong sự khinh miệt của mọi người xung quanh. Trong mắt tôi, loài người thật xấu xa và độc ác – trừ người mẹ hiền lành mà tôi hết lòng thương yêu và kính trọng. Đến tuổi đi học, tôi không chơi với bạn nào trong lớp, luôn lãnh đạm, thờ ơ với mọi người xung quanh. Năm ấy, tôi học lớp bảy. Trong giờ văn, hôm nay lớp học văn nghị luận chứng minh. Cô giáo giảng đề “Lá lành đùm lá rách”. Cô đã dùng nhiều lập luận và dẫn chứng gần gũi, cụ thể, thiết thực để cho chúng tôi thấy đấy là lòng nhân ái của người Việt Nam ta. Giảng xong, cô cho lớp viết bài, tiết sau cô sẽ sửa. Tiết học sau, cô gọi một số bạn nộp bài cho cô sửa – trong đó có tôi. Cô gọi tôi lên và hỏi: “Toàn, tại sao em lại không làm bài mà để giấy trắng? Em không hiểu bài à? Không hiểu chỗ nào cô sẽ giảng lại cho?” Phản ứng của tôi bất ngờ đến mức làm cả lớp sững sờ nhìn tôi. Tôi gân cổ lên trả lời cô: “Em không làm vì em không thèm làm chứ không phải không hiểu. Toàn là nói dối, bịa đặt, trên đời này làm gì có lòng nhân ái, người yêu thương người. Tại sao em lại chứng minh điều dối trá như thế là đúng cơ chứ?” Tôi nói mà không biết mình đang nói gì. Có lẽ đó là những điều uất ức dồn nén từ lâu hôm nay bộc phát. Cả lớp đổ dồn những cặp mắt ngỡ ngàng về phía tôi. Còn cô giáo thì mặt tái xanh, tôi thấy cô giận đến run người. Cô không nói lời nào mà bước nhanh ra khỏi lớp. Tôi biết cô rất giận. Cô sợ không kìm chế được cảm xúc nên bước ra ngoài chăng? Tôi thoáng ân hận vì quá lời với cô nhưng tôi không thấy mình sai. Lớp trưởng đến bên tôi nhẹ nhàng: “Tại sao cậu vô lễ như thế? Đi theo xin lỗi cô đi!” Tôi giận dữ: “Tớ không nói sai. Tớ không có lỗi!” Sau sự việc trên, tôi đinh ninh mình sẽ bị đuổi học hoặc chí ít là mời phụ huynh. Tôi chỉ lo mẹ sẽ buồn. Cuối giờ, cô gọi tôi lên gặp riêng cô. Tôi biết mình sẽ bị khiển trách rất nặng. Tôi bước vào phòng giáo viên, cô ngồi đó vẻ mặt buồn rười rượi. Trên đôi mắt đen lay láy của cô còn ngân ngấn nước. Tôi đoán cô vừa khóc và thấy ngạc nhiên. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi cô không trách mắng tôi mà nhẹ nhàng phân tích cho tôi thấy rằng tôi nghĩ như thế là lệch lạc. Các bạn đã luôn gần gũi và giúp đỡ tôi, cô đã luôn quan tâm và yêu thương tôi,… Tôi vô cùng ân hận. Tôi lí nhí xin lỗi cô. Cô dịu dàng xoa vào đầu tôi và bảo: “Em hiểu được như thế là tốt và đừng nên mất niềm tin vào tình người như thế! Cô không giận em đâu”. Dù cô nói vậy nhưng tôi vẫn thấy mình thật có lỗi khi vô lễ với cô. Tôi thật biết ơn cô vì đã dạy tôi bài học về tấm lòng độ lượng và giúp tôi lấy lại niềm tin về tình người.
Trong nhịp sống xô bồ, náo nhiệt, mọi thứ sẽ theo dòng thời gian lui vào dĩ vãng để lại đằng sau biết bao nỗi niềm nuối tiếc. Ngậm ngùi hai tiếng “Giá như...”, tôi thật sự cảm thấy hối hận khi nghĩ về một lần không học bài cũ khiến cô giáo buồn. Là một học sinh giỏi văn, là ban cán sự lớp, tôi được cô giáo tin tưởng và quý mến, vậy mà... Sáng hôm ấy, một buổi sáng trong xanh, mát mẻ. Những giọt nắng tinh nghịch nhảy nhót trên đường qua những kẻ lá xanh thẫm. Những chú chim chuyền cành nhí nhảnh, vô tư. Không khí thiên nhiên đầu thu thật nhẹ nhàng, quyến rũ. Thế mà tôi thật vội vàng, hối hả bước nhanh đến trường để tranh thủ vài phút đầu buổi ôn lại cả đống bài cũ mà hôm qua mãi chơi, quên không học. Tôi hấp tấp giở từng cuốn vở đọc lướt…đọc lướt… Trống trường vang lên, những giờ học căng thẳng đã đến. Giờ Sử đầu tiên… Tiết hai, ba trôi qua. May thay, tôi không bị gọi lên bảng. Nhưng rồi tiết bốn, tiết Ngữ văn....lại đến. Cô giáo bước vào lớp với màu áo trắng giản dị. Vẫn tươi cười như mọi khi, cô chuẩn bị kiểm tra bài cũ. Vì chỉ đọc qua loa vài phút đầu buổi nên trong đầu tôi chẳng nhớ gì cả. Tặc lưỡi cầu may, hy vọng tiếp tục thoát nạn như những tiết trước, tôi phó mặc cho số phận. Cái cảm giác học môn tôi yêu thích hôm nay dường như đã bỏ tôi đi đến một vùng đất xa xôi nào, thay vào đó là sự hồi hộp, căng thẳng. Bỗng “Trần Văn Nam lên bảng”- giọng cô giáo cất lên phá vỡ không khí yên lặng của lớp học. Tôi thở phào nhẹ nhỏm thấy mình thật may mắn. Tôi chưa kịp sung sướng thì cô giáo lại hạ tay bút rà… rà vào sổ điểm rồi kết thúc bằng ba tiếng ngắn gọn: -Hiền - lên - bảng!. tim tôi đập rộn lên như sắp chui ra khỏi lòng ngực. Thật bất ngờ. Tôi nóng ran cả người, cố ra vẻ tự nhiên, bình thường để che dấu nỗi lo lắng. Thế rồi tôi nhớ gì thì “diễn” thế. Rời rạc. Lung tung. Bối rối trong những tiếng xì xào của các bạn. Tôi thấy xấu hổ vô cùng. Giọng cô chùng xuống, buồn buồn bảo tôi về chỗ. Yên vị trên chiếc ghế thân thuộc song trong đầu tôi hỗn độn bao ý nghĩ như trên mặt đất này khi chưa có bà Nữ Oa vậy. Tôi lo sợ, tự trách bản thân.Tiếc nuối, xót xa, và càng hổ thẹn khi cô giáo nhận xét tôi học bài chưa kĩ - một cách nói giảm, nói tránh của cô - khi cô không muốn nói thẳng ra là tôi không học bài. Ánh mắt cô nhìn như xoáy sâu vào tâm hồn tôi. Cả giờ học, ánh mắt ấy cứ như luôn hướng về phía tôi với một dấu hỏi không giải thích, biện bạch được.... Phải chăng sự lười biếng và chủ quan của tôi đã vô tình chạm vào tình cảm và lòng tin cô dành cho tôi? Về cuối tiết học, tôi dần dần lấy lại được bình tĩnh chăm chú học bài. Hình như cô biết vậy, cô hỏi và lại gọi tôi trả lời. Tôi chuộc lỗi với tất cả cố gắng của mình. Nét mặt tươi cười của cô khiến tôi nhận ra rằng cô vẫn là người bao dung, vẫn còn niềm tin vào cô học trò bé nhỏ. Cô đã bỏ qua và tha thứ cho tôi rồi... Chuyện đã qua lâu rồi nhưng lòng tôi vẫn dai dẳng những buồn vui của tiết học ấy. Muốn nói với cô một lời cảm ơn và xin lỗi mà tôi chưa dám.