Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Chưa có thông tin , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 6
Số lượng câu trả lời 5
Điểm GP 3
Điểm SP 6

Người theo dõi (0)

Đang theo dõi (0)


Câu trả lời:

Tôi là chú cá vàng kẻ đã giúp lão đánh cá tội nghiệp mấy lần thoát khỏi bàn tay cay nghiệt của bà vợ. Chắc các bạn muốn tôi kể cho nghe về câu chuyện đó một cách cụ thể hơn.

Chuyện là thế này, hôm đó là một ngày đẹp trời tôi tung tăng cùng các bạn bơi lội ở một vùng biển nước xanh biếc. Do mải chơi nên tôi bị lạc mất đàn, giữa lúc đó tôi chợt nhận ra mình đã bị mắc vào lưới của ngư dân. Tôi kêu gào thảm thiết vì biết rằng thế là đời tôi đã hết, từ nay tôi chẳng còn được cùng các bạn tung tăng giữa đại dương mênh mông.

 Đúng lúc tuyệt vọng nhất tôi chợt nhận ra mình còn có một vài phép lạ mà có thể dùng nó để trao đổi mạng sống. Nghĩ vậy nên vừa thấy lão tôi đã van xin:

 - Xin lão hãy mủi lòng mà tha cho tôi! Lão cần gì tôi sẽ cho.

Nhưng rất may hôm đó tôi gặp được lão đánh cá tốt bụng, thấy bộ mặt thảm thương của tôi lão đã mủi lòng tha cho tôi, lão nói:

 - Thôi ngươi hãy trở về ngôi nhà cùng các bạn mà tung tăng vui đùa, ta không cần bất cứ thứ gì cả.

Nói xong lão nhấc tôi ra khỏi lưới đem tôi thả xuống dòng nước xanh mát. Tôi sung sướng chào lão và bơi đi tìm các bạn. Chắc các bạn của tôi sẽ rất ngạc nhiên khi thấy tôi trở về biển xanh một cách an toàn như vậy. Thế nhưng được một lúc, khi ta đang mải mê vui chơi cùng chúng bạn, bỗng ta nghe thấy tiếng ai như tiếng ông lão đánh cá gọi:

- Cá vàng ơi! lên giúp ta với!

Nghe tiếng ông lão gọi, ta vội vàng nổi lên mặt biển, ta thấy ông lão đã đang đợi ta, khuôn mặt đau khổ, lão nói:

- Chú hãy giúp ta với, mụ vợ ta càu nhàu mãi bên tai làm tôi không chịu được, mụ muốn tôi xin một cái máng lợn mới vì chiếc máng cũ đã bị sứt rồi.

Tôi trả lời:

- Lão đừng lo. Lão cứ về nhà đi. Tôi sẽ biếu lão một cái máng mới.

Xong việc tôi lại quay về biển khơi, trong lòng chắc mẩm lão đánh cá đã được yên vì mụ vợ đã có chiếc máng mới. Xong cũng chỉ được vài hôm tôi lại nghe thấy tiếng lão gọi. Tôi lại bơi lên gặp  lão. Vừa nhìn thấy tôi lão đã khẩn khoản:

 - Cá vàng ơi giúp ta với. Mụ vợ ta lại đòi một toà nhà đẹp.

 – Lão ơi tôi sẽ giúp lão, lão cứ trở về nhà đi.

 Tôi cảm thấy thương lão vì lão là một người thật hiền từ mà lại có một bà vợ tham lam. Tôi nghĩ rằng có lẽ từ bây giờ mụ vợ sẽ không còn đòi hỏi gì nữa khi đã có một toà nhà đẹp. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn lão đánh cá lại gọi tôi lên, lần này lão nói:

- Mụ vợ của ta thật tham lam nó chẳng để tôi yên. Nó muốn được làm nhất phẩm phu nhân, nó không muốn làm mụ già nông dân nữa.

Nghĩ đến công lão tha mạng và sự tốt bụng của lão tôi lại bằng lòng giúp lão. Thế nhà mụ vợ lão đã có nhà cao cửa rộng, lại còn là nhất phẩm phu nhân. Tôi yên tâm từ nay lão đánh cá sẽ được sống yên thân. ấy vậy mà chẳng bao lâu sau, hôm đó biển sóng gầm gào, mịt mù, tôi lại nghe thấy tiếng lão gọi tha thiết:

 - Cá vàng ơi! Giúp lão với. Con mụ vợ vẫn chẳng để cho lão yên.

Tôi vội vàng trở lên chào lão.

 - Ông lão ơi! Ông lão cần gì thế!

 - Mụ vợ tôi lại chẳng để cho tôi được yên, mụ muốn được làm nữ hoàng.

 Nhìn bộ dạng đáng thương của lão tôi lại bằng lòng giúp lão:

 - Lão cứ yên tâm về đi rồi mụ vợ của lão sẽ được làm nữ hoàng.

Tôi lại yên tâm trở về biển xanh. Rồi một hôm sóng biển nổi lên mịt mù, gầm réo ầm ào. Tôi nghe thấy tiếng lão đánh cá gọi. Tôi vội trở lên gặp lão:

 - Có việc gì thế lão? Lão cần gì à?

 - Khổ lắm cá vàng ơi, mụ vợ của ta lại không muốn làm nữ hoàng nữa, mụ muốn được làm Long Vương ngự trên biển để cá vàng hầu hạ.

Nghe xong yêu cầu của mụ vợ tôi giật mình tức giận, mụ ta thật quá đáng, mụ muốn tôi trở thành kẻ hầu người hạ cho mụ ư? Tôi không thể đáp ứng được yêu cầu này của mụ được. Bực mình tôi lao ngay vào biển khơi không kịp cả chào lão.

Tôi định bụng sẽ trừng trị cho mụ một trận nhưng nghĩ đến lão già tốt bụng, tội nghiệp, tôi lại hoá phép cho họ căn nhà và chiếc máng sứt như xưa để lão có chỗ chui ra chui vào.

Đó chính là bài học đích đáng tôi muốn dành cho mụ vợ, đó là những người tham lam sẽ chẳng bao giờ có được những gì tốt đẹp. Từ đó trở đi tôi không còn thấy lão đánh cá ra tìm nữa, có lẽ sau bài học này bà vợ sẽ trở nên hiền lành, tốt bụng hơn xưa.

Câu trả lời:

             Tôi đi học là truyện ngắn mang màu sắc hoài niệm và đậm đà chất thơ của nhà văn Thanh Tịnh in trong tập “Quê mẹ” xuất bản năm 1941. Theo dòng hồi tưởng, tác giả kể lại những kỷ niệm mơn man, êm đềm sâu sắc của tuổi thơ trong buổi tựu trường đầu tiên trong đời, khi ông được mẹ dẫn đi đưa vào lớp Năm, lớp đầu tiên của cấp tiểu học của trường Pháp – Việt trước năm 1945.

              Mở đầu truyện là hai câu văn rất gợi cảm đã tạo thành hai đoạn văn:

              Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.

              Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

              Cứ mỗi độ cuối thu, khi tiết trời se lạnh, những chiếc lá vàng rơi, những đám mây bàng bạc thì kỉ niệm mơn man, nhè nhẹ, lâng lâng của buổi tựu trường đầu tiên lại hiện về trong kí ức của tác giả và của tất cả những ai đã từng cắp sách đến trường. Để rồi những cảm trong sáng lại nảy nở rong lòng như những cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Hình ảnh so sánh nhân hóa đầy ấn tượng và có sức biểu cảm. Câu văn như cánh cửa dịu dàng mở ra dẫn người đọc vào một thế giới đầy ắp những sự việc, những con người, những cung bậc tâm tư tình cảm đẹp đẽ, trong sáng, rất đáng nhớ, rất đáng chia sẻ và mến thương. Trung tâm của thế giới ấy là cậu học trò ngày đầu tiên tới trường, trong lòng nảy nở biết bao ý nghĩa, tình cảm xao xuyến, mới lạ, suốt đời không bao giờ quên.

              Buổi xa xưa ấy thật là đáng nhớ. Trên con đường cùng mẹ tới trường, nhân vật tôi – cậu bé lớp Năm, lớp đầu tiên của cấp học ấy – nhìn cảnh vật xung quanh và cảm thấy tâm trạng mình khó tả. Buổi mai ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạng… Con đường làng dài và hẹp vốn rất quen thuộc, tự nhiên cậu bé thấy lạ, thấy cảnh vật xung quanh đều thay đổi. Vì sao vậy? Vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học. Đi học quả là một sự kiện lớn, một đổi thay quan trọng đánh dấu bước ngoặt của tuổi thơ. Đặc biệt là đối với một em hôm qua chỉ biết chơi đùa, qua sông thả diều, ra đồng chảy nhạy với bạn… Vì thế tôi cảm thấy trang trọng, đứng đắn với bộ quần áo mới, với mấy quyển vở trên tay. Tôi muốn thử sức mình xin mẹ cho được cầm bút, thước như các bạn. Một ý nghĩ non nớt, ngây thơ nảy nở trong đầu chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước. Ý nghĩ ấy thoáng qua… trôi nhẹ như một làn mây lướt trên ngọn núi. Cái trừu tượng (ý nghĩ) được so sánh với cái thực (làn mây) nhưng không làm mất đi sự duyên dáng và thú vị. Một nét đẹp, dịu dàng, trong sáng và khát vọng vươn tới của tâm hồn trẻ thơ. Đi hết đường làng, cậu học trò nhỏ tới sân trường. Nhìn quang cảnh trường, khi được gọi tên, rồi phải rời tay mẹ vào lớp học, tâm trạng ngỡ ngàng, cảm giác mới lạ của nhân vật tôi mới xáo động làm sao? 

               Thanh Tịnh đã dùng nhiều hình ảnh, nhiều chi tiết cụ thể biểu hiện những cung bật tâm trạng của cậu bé. Trước hết cậu thấy ngôi trường trông vừa xinh xắn, vừa oai nghiêm… Sân nó rộng, mình nó cao sừng sững như cái đình làng. Rồi cảm thấy mình nhỏ bé và đâm ra lo sợ vẩn vơ. Tiếp sau, cậu bé thấy học trò, thầy cô giáo, người lớn, trẻ con đông đúc. Thấy mấy bạn mới cũng đang sợ sệt, lúng túng e ngại như mình. Họ như con chim non đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ. Lại một hình ảnh so sánh thú vị nữa! Nó vừa tả đúng tâm trạng nhân vật, vừa gợi cho người đọc liên tưởng về một thời nhỏ đứng giữa ngôi trường thân yêu. Ngôi trường đẹp như một tổ ấm, mỗi học trò ngây thơ, hồn nhiên như một cánh chim đầy khát vọng và biết bao bồi hồi lo lắng nhìn bầu trời rộng, nghĩ tới những chân trời học vấn mênh mang…

               Khi nghe gọi đến tên mình, cậu học trò tự nhiên giật mình và lúng túng. Động từ đặc tả tâm trạng được sử dụng liên tục: ngập ngừng, e sợ, rụt rè, lúng túng, dềnh dàng, run run… Từ láy lúng túng điệp tới bốn lần: Chung quanh là những cậu bé… lúng túng. Nghe gọi đến tên tôi, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Chúng tôi được người ta ngắm nhìn… đã lúng túng… càng lúng túng hơn.

               Điệp từ diễn tả tâm trạng có ý nghĩa khái quát, miêu tả chân thực cử chỉ, ánh mắt, ý nghĩ, cảm giác… hồn nhiên trong sáng của cậu học trò trong buổi tựu trường đầu tiên gợi cho người đọc chúng ta sống lại những kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ. Nó giúp chúng ta hiểu sâu thêm nỗi lòng nhân vật và tài năng kể chuyện của tác giả. Đỉnh cao của tâm trạng lúng túng là khi các cậu học trò nhỏ rời bàn tay, buông chéo áo của người thân để đứng vào hàng chuẩn bị vào lớp thì… một cậu ôm mặt khóc, tôi dúi đầu vào lòng mẹ nức nở khóc theo… và … trong đám học trò mới vài tiếng thút thít đang ngập ngừng… Thật buồn cười nhưng rất đáng yêu! Vừa lúc nãy, cảm thấy hãnh diễn vì được nhiều người chú ý, vậy mà giờ lại khóc. Tiếng khóc như một phản ứng dây chuyền, rất tự nhiên, rất ngây thơ và nhiều ý nghĩ. Nó là sự tiếc nuối những ngày chơi thoải mái, sự lưu luyến những người thân yêu… Nó cũng là những e sợ trước một thời kỳ thử thách không ít khó khăn, hay nó cũng là một niềm vui, niềm quyết tâm để bước vào một thế giới khác lạ mà đầy hấp dẫn? Với bao cấp độ của khóc: ôm mặt khóc, nức nở khóc và khóc thút thít, cây bút văn xuôi Thanh Tịnh truyền cảm biết bao, trữ tình biết bao và thấu tỏ lòng người! Có phải Thanh Tịnh đang sống lại những kỷ niệm của chính bản thân mình, giãi bày tuổi thơ của mình thì có những trang viết xốn xang lòng người đọc đến vậy.

               Ngồi trong lớp học, đây là những giây phút cuối cùng của buổi tựu trường, cảm giác càng trong sáng và chân thực hơn. Một cảm giác lạ và quen đan xen, trái nhau. Thấy một mùi hương lạ xông lên trong lớp, hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ”, những cậu bé nhìn bàn ghế chỗ mình ngồi tự nhiên lạm nhận làm vật riêng của mình, nhìn người bạn ngồi bên không cảm thấy xa lạ chút nào… Đoạn văn kết thúc câu chuyện ngắn gọn mà hiện lên nhiều hình ảnh đẹp, giàu ý nghĩ. Một chú chim nhỏ hót mấy tiếng rụt rè, vỗ cánh bay cao, mắt tôi thèm thuồng nhìn theo… Kỷ niệm bầy chim giữa đồng lúa vẫy gọi… Tiếng phần và chữ viết của thầy giáo nhắc nhở, níu giữ, đưa… chú về với thực tại! Cuối cùng là tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm nhẩm đánh vần bài tập viết: Tôi đi học. Đây là bài học đầu tiên trong buổi tựu trường thời thơ ấu của chú bé. Kỷ niệm ấy như một dấu son trong tâm hồn tươi sáng.

               Tôi đi học là dòng hồi ức về ngày tựu trường của tuổi ấu thơ, rất thơ và rất xúc động. Có lẽ đây không phải là ông viết văn, mà là những kỉ niệm của chính mình đã sống lại trong nhà văn, là một tiếng lòng man mác, bâng khuâng với những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường. Chính vì vậy, đã hơn 60 năm trôi qua, tác phẩm vẫn sống và còn sống mãi. 

Câu trả lời:

Từ nhỏ, tôi rất thích đi học nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không được đến trường. Khi ông giáo dọn nhà về đây, tôi qua làm quen và nhờ ông giáo chỉ dạy những con chữ. Kể từ đó, tôi trở thành học trò của một ông giáo tốt bụng mặc dù lúc đó tôi cũng đã lớn tuổi. Do thường hay qua nhà ông giáo nên một lần tôi được chứng kiến câu chuyện hết sức xúc động: lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo. Bạn có thể nghĩ: “Có gì to tát đâu, chỉ là bán một con chó thôi mà!”. Nhưng bạn ơi, nếu bạn hiểu về hoàn cảnh sống và phẩm chất của lão Hạc thì hẳn bạn sẽ hiểu vì sao đây là một câu chuyện mà dù nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn không thể nào quên.  

Tôi vẫn nhớ như in hôm ấy! Khi đang ngồi trò chuyện cùng ông giáo thì bất chợt thấy lão Hạc từ đằng xa đi lại. Cả cái làng này ai cũng biết lão Hạc – một lão nông già có hoàn cảnh hết sức đáng thương.Lão Hạc rất nghèo, vợ lão mất, lão sống cô độc, chỉ có con chó Vàng làm bạn. Con trai lão vì nghèo, không lấy được vợ đã phẫn chí bỏ làng đi xa. Lão ở nhà chờ con về, làm thuê để sống. Dù đói, lão quyết không bán đi mảnh vườn và ăn vào tiền dành dụm do “bòn vườn”, lão giữ cả lại cho con trai. Nhưng một trận ốm dai dẳng, lão không còn sức đi làm thuê nữa. Và mấy ngày nay, tôi cũng ít thấy lão. (tóm tắt hoàn cảnh lão Hạc)

Thế mà, có ngờ đâu, hôm nay trông lão tiều tụy quá. Dáng đi thất thiểu như một người không còn sức sống. Da lão xanh xao, vàng vọt, gương mặt sầu khổ và vừng trán hiện lên rất nhiều nếp nhăn. Mái tóc lão bạc phơ, trông xơ xác quá. Nhìn thấy lão như thế ai mà không chạnh lòng cho được. Mà hình như lão có chuyện gì đó thì phải?! (miêu tả và biểu cảm)

Đúng như dự đoán, vừa bước vào nhà, thấy chúng tôi, lão báo ngay:

- Cậu Vàng đi đời rồi, các bác ạ!  

- Cụ bán rồi? – Ông giáo hỏi với vẻ ngạc nhiên.  

- Bán rồi! Họ vừa bắt xong. – lão trả lời giọng như có vật gì trong cổ họng.  

Rồi sau đó, lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước. Thấy thế, trong chúng tôi, ai muốn ôm choàng lấy lão mà oà lên khóc, vì chúng tôi hiểu lão quý “cậu vàng” như thế nào. Thật ái ngại cho lão Hạc làm sao. Như để thay đổi không khí trầm lắng, ông giáo hỏi lão Hạc:  

- Thế nó cho bắt à?  

Sau câu hỏi của ông giáo, tôi bỗng thấy mặt lão đột nhiên co dúm và những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc... Tội nghiệp cho lão! Như muốn bộc lộ nỗi lòng dằn vặt, lão chợt thốt lên:

- Khốn nạn... Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi ; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng : “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!  

Rất khéo léo, ông giáo vội an ủi lão:

- Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả biết đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác.  

Thế nhưng, lão chua chát bảo:

- Ông giáo nói phải! Kiếp cho chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút... kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn...

Tôi cũng bùi ngùi nhìn lão, chua chát nói:  

- Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng chúng tôi sung sướng hơn chăng?  

- Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng. 

Lão cười và ho sòng sọc. Ông giáo nắm lấy cái vai gầy của lão, ôn tồn bảo:  

- Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào... Thế là sướng.

- Vâng! Ông giáo dạy phải! Ðối với chúng mình thì thế là sung sướng.

Lão nói xong lại cười đưa đà. Tiếng cười gượng nhưng nghe đã hiền hậu lại. Chúng tôi đều nhẹ người hẳn lại.

Tôi vui vẻ bảo:  

- Thế là được, chứ gì? Vậy cụ ngồi xuống đây, nói chuyện với thầy tôi, để tôi đi luộc khoai, nấu nước.  

- Nói đùa thế, chứ ông giáo và bác để khi khác vậy?...  

Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng vì câu nói của lão. Hình như lão có chuyện gì chăng???

- Việc gì còn phải chờ khi khác?... Không bao giờ nên hoãn sự sung sướng lại cụ ơi. Cụ cứ ngồi xuống đây đi ạ! Tôi làm nhanh lắm!

- Ðã biết thế, cảm ơn bác, nhưng tôi còn muốn nhờ ông giáo một việc...  

Rồi tự dưng mặt lão nghiêm trang lại...  

- Việc gì thế, cụ? – Ông giáo nhẹ nhàng hỏi.

- Ông giáo để tôi nói... Nó hơi dài dòng một tí.

- Vâng, cụ nói.

- Nó thế này, ông giáo ạ!

Tôi cũng thôi nấu khoai, ngồi xuống cùng ông giáo nghe lão Hạc kể. Lão kể nhỏ nhẹ và dài dòng thật. Nhưng đại khái có thể rút vào hai việc. Việc thứ nhất: Lão thì già, con đi vắng, vả lại nó cũng còn dại lắm, nếu không có người trông nom cho thì khó mà giữ được vườn đất để làm ăn ở làng này. Thầy của tôi là người nhiều chữ nghĩa, nhiều lý luận người ta kiêng nể, vậy lão muốn nhờ thầy cho lão gửi ba sào vườn của thằng con lão, lão viết văn tự nhượng cho thầy tôi để không ai còn tơ tưởng dòm nhó đến ; khi nào con lão về thì nó sẽ nhận vườn làm, nhưng văn tự cứ để tên thầy tôi cũng được,... Việc thứ hai: Lão già yếu lắm rồi, không biết sống chết lúc nào : con không có nhà, lỡ chết không biết ai đứng ra lo cho được; để phiền cho hàng xóm thì chết không nhắm mắt. Lão còn được hăm nhăm đồng bạc với năm đồng vừa bán chó là ba mươi đồng bạc, muốn gửi thầy để lỡ có chết thì thầy đem ra, nói với hàng xóm giúp, gọi là của lão có tí chút, còn bao nhiêu đành nhờ hàng xóm cả... Ôi lão Hạc quả thật xứng đáng để người ta kính trọng và yêu quý. Sau đó, lão về. Chúng tôi nhìn theo dáng gầy gò của lão mà không cầm được nước mắt. Rồi lão sẽ sống ra sao những ngày tháng sau này?... Cuộc đời sao mà thật đáng buồn!!!  

Nhìn đời sống hạnh phúc ấm no và khá đầy đủ của người nông dân thời bây giờ, tôi chợt chạnh lòng xót xa cho số phận cùng cực khổ đau mà người nông dân trong xã hội cũ âm thầm gánh chịu. Câu chuyện tôi chứng kiến cảnh lão Hạc kể chuyện bán chó mãi mãi in sâu vào trong tâm trí cũng như làm sao tôi có thể quên hình ảnh người nông dân nghèo nhưng giàu tình cảm, giàu lòng tự trọng, yêu thương con – Lão Hạc!