Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Quảng Nam , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 1
Số lượng câu trả lời 61
Điểm GP 5
Điểm SP 30

Người theo dõi (3)

Phạm Ngoc Anh
vothedien
Tsukino Usagi

Đang theo dõi (2)

vothedien
shinda akiraki

Câu trả lời:

Sở dĩ con người khác với con vật ở chỗ con người biết sử dụng lời nói làm phương tiện giao tiếp với người khác, bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Đó là những ý nghĩa khái quát chung của câu nói Lời nói gói vàng” hay Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” muốn gửi gắm cho ta. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa thực tiễn của hai câu nói trên trong cuộc sống. Để hiểu hai câu nói trên, ta phải hiểu được những từ ngữ mà nó chứa đựng. Thế lời nói là gì? Lời nói là một phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ, một công cụ của loài người giúp cho ta có thể giao tiếp, bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, trao đổi kinh nghiệm, thông tin…Mỗi người chúng ta có thể nói ra điều mình muốn, không cần một yếu tố nào tác động, vì thế lời nói chẳng mất tiền mua”. Nếu lời nói đã chẳng mất tiền mua” thì ta nên lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Lựa lời là chọn lọc những từ ngữ diễn đạt thích hợp với vai vế của từng người, từng hoàn cảnh, từng sắc thái hoàn cảnh khác nhau. Chẳng những thế, ở câu nói Lời nói gói vàng”, lời nói được ví như vàng, một vật có giá trị về vật chất, được nâng niu, gìn giữ, nghĩa là lời nói cũng quý giá như thế, cũng cần có sự cẩn thận trong khi sử dụng nó. Như vậy, hai câu nói trên muốn khẳng định nếu biết chỉnh chu lời nói thì ta sẽ được mọi người tôn trọng, yêu mến, xây dựng được các mối quan hệ xã hội lành mạnh, tốt đẹp và đạt được tình cảm, mục đích giao tiếp khi nói, không làm tổn thương người khác, gắn kết tâm hồn con người lại với nhau, viết nên những cảm xúc, ấn tượng đẹp trong giao tiếp. Sở dĩ ta phải ăn nói thật cẩn thận như thế là vì lời nói vừa có thể xây dựng các mối quan hệ xã hội và cũng có thể hủy hoại nó. Nhất là trong kinh doanh hay ngoại giao, lời nói còn quyết định sự thành bại của cuộc đời ta và có thể là của cả một quốc gia. Ngoài ra, về giá trị tinh thần, lời nói thể hiện tác phong đaọ đức lẫn như trình độ văn hóa của từng người. Nếu ta biết lựa chọn đúng những từ ngữ khéo léo, phù hợp với hoàn cảnh thì sẽ thu được sự đồng tình, tình cảm, sự tôn trọng của đối tượng giao tiếp. Ngược lại, nếu ta ăn nói quá thô lỗ thì có thể gây mất lòng người khác hay gây ra những hiểu lầm khiến cho quan hệ giữa người với người trở nên căng thẳng hay xảy ra thù hận, căm ghét, hậu quả tai hại khó lường! Tuy thế, trong cuộc sống, có những lời nói có thể làm lắng đọng lòng người, tạo cảm xúc đẹp trong khi giao tiếp, xóa tan khoảng cách giữa hai con người xa lạ với nhau. Giống như ở Quảng trường Ba Đình ngày 02 tháng 09 năm 1945, Bác Hồ đã nói: Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?” đã làm mọi người xúc động về ngôn từ gần gũi của vị lãnh tụ. Cùng với đó, âm nhạc là một nghệ thuật, sự thăng hoa tuyệt vời từ lời nói, nó tạo cho ta cảm giác tươi đẹp, lâng lâng theo từng nốt nhạc. Và ngược lại, chỉ vì những xích mích trong lời nói mà có thể dẫn tới chiến tranh, lòng thù ghét giữa con người với nhau hay những vụ ẩu đả giữa những đấng trí thức có học. Mặt khác, ở đời có những lời nói khó nghe, làm mất lòng ta của những người thẳng tính nhưng họ chỉ có ý tốt là muốn ta sửa sai, thấy được lỗi lầm của mình, điều đó chân thành và đáng quý biết bao, đó là những lời thật mất lòng”. Tuy thế, có những lời ngọt ngào, êm tai, rất đựơc lòng ta, nhưng đó là những lời dối trá, xu nịnh, không hề tạo cho ta một điều tốt nào cả, đấy là những lời ngọt chết ruồi” của những kẻ xảo quyệt, gian ngoa. Thế nên, trong lời nói cần có sự chân thành, không vị kỷ, không vụ lợi thì mới đạt được thành công trong giao tiếp. Giả sử nếu thế giới không có lời nói, lại càng không có âm nhạc thì đời sống tinh thần của con người sẽ rất nghèo nàn, thế giới sẽ như chìm vào băng giá của sự lạnh lùng, sòng phẳng và khô khốc trong buồn tẻ. Vì thế, mỗi ngày được sống, ta hãy biết chọn những lời hay ý đẹp mà nói, phù hợp với những đạo lý làm người, hướng tới ý nghĩa cao đẹp của lời nói để làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa của nhân loại. Để đạt được những tình cảm trong lời ăn tiếng nói, ta cần phải biết kiềm chế những cảm xúc tiêu cực như nóng nảy, giận dữ, quát mắng, nhất là với những người thân yêu đối với ta. Và một điều rất quan trọng nữa là ta nên suy nghĩ thật cẩn thận trước khi nói ra điều mình nghĩ, xem điều đó có phù hợp với sắc thái hoàn cảnh lúc ấy hay không để tránh làm tổn thương người khác, điều đó có nghĩa là Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Cần tránh lối nói thô kệch, cộc lốc, hớ hênh, vô phép bởi những điều đó tạo ra định kiến xấu về phẩm chất của ta. Cũng không nên dùng những từ ngữ quá bóng bẩy, kiêu kỳ bởi mụch đích giao tiếp không phải là sự nể nang mà là sự đồng tình quan điểm, tình cảm của đối tượng giao tiếp . Như thế, ta cần phải luyện cho mình một kỹ năng nói đúng cách, giản dị, sáng suốt, bình tĩnh và phù hợp với những đạo đức xã hội. Điều này, ta nên học tập ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người có tác phong sống giản dị trong lời nói, bài viết, đời sống thường ngày và đời sống chính trị. Và trên hết, cần tránh lối nói chen vào ngôn ngữ khác trong khi giao tiếp bằng tiếng Việt, đây là lối sống không tốt đang được giới trẻ phổ biến. Vì thế, nếu biết lựa lời mà nói” thì ta sẽ giành được tình cảm của mọi người, khẳng định được giá trị của bản thân. Đồng thời, nói năng bằng tiếng Việt thuần túy cũng là cách giữ gìn những nét đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Nét đẹp ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam là ở dân ca, ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Trong câu nói: Lời nói gói vàng” hay Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, dân gian muốn khuyên ta rằng: lời nói có giá trị quyết định phẩm chất, đạo đức của con người ta và nhờ thế ta có được những mối quan hệ xã hội lành mạnh, tốt đẹp.

Câu trả lời:

Chúng ta ai cũng đều biết, kiến thức quanh ta là cả một vũ trụ rộng lớn bao la, không ai trên đời này dám khẳng định mình biết hết moi thứ. “Điều mà ta biêt chỉ là một hạt cát, còn điều ta chưa biết là cả một đại dương bao la”. Bởi thế, để ngày càng có tầm hiểu biết trên nhiều lĩnh vực, con người cần nỗ lực học tập nhiều hơn nữa. Điều đó đã được Lê Nin đúc rút trong một câu nói ngắn gọn mà hàm xúc “học, học nữa, học mãi”.

Để hiểu những điều Lê Nin muốn gửi gắm trong câu nói của mình, chúng ta cần cắt nghĩa cả ba ý trong câu. “Học” thì ai cũng biết đó là học tập, rèn luyện, tiếp thu kiến thức để nâng cao vốn hiểu biết cho bản thân. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc “học” không thôi thì sẽ quên trong một sớm một chiều. Bởi thế mới có thêm vế “học nữa”. “Học nữa” là đào sâu tìm tòi, suy nghĩ, tìm hiểu cặn kẽ, nghiên cứu sâu xa hơn những kiến thức mình thu lượm được để có cái hiểu sâu sắc một vấn đề, một kiến thức nào đó. Nhưng kiến thức trên thế giới này là vô cùng, vô tận, còn rất nhiều điều mà chúng ta chưa biết đến, chưa giải mã được những bí ẩn nên “học mãi” là một điều cần thiết. “Học mãi” là việc học cả đời, là sự không ngừng nỗ lực học hỏi, nghiên cứu, nâng cao hơn nữa tầm hiểu biết của bản thân.

Như vậy, câu nói của Lê Nin trước tiên đã đánh giá rất cao tầm quan trọng của việc học. Học tập giúp chúng ta nâng cao tầm hiểu biết, có cái nhìn đa chiều về một vấn đề. Từ đó có kiến thức để phục vụ cho công việc của bản thân và xã hội. Nếu con người mà không chịu học tập và rèn luyện thì sẽ trở nên kém hiểu biết. Một xã hội mà nhiều người kém hiểu biết thì xã hội đó khó mà phát triển được. Không chỉ đề cao việc học, Lê Nin còn nhấn mạnh việc không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu, chắt lọc kiến thức mới và còn học mãi bởi kiến thức trên đời rộng lớn là không giới hạn.

Châm ngôn “học, học nữa, học mãi” của Lê Nin cũng là một khẩu hiệu, là kim chỉ nam cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người tri thức trẻ ngày nay. Trong xã hội ngày nay, khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, y học hiện đại…con người càng cần không ngừng nỗ lực, học tập và nghiên cứu để áp dụng tiến bộ vào sản xuất và đời sống. Không chỉ áp dụng mà còn cần nghiên cứu sâu hơn nữa để có những giải pháp tối ưu hơn, điều chế những loại thuốc, phương pháp điều trị tốt hơn để cứu sống người bệnh. Đó là thách thức lớn đối với nhân dân trên toàn thế giới. Và trong bối cảnh ấy, thì “học, học nữa, học mãi” là lời răn dạy đúng đắn và vô cùng sâu sắc.

Nhắc đến việc học, chúng ta nhận thấy ngày nay ở Việt Nam có quá nhiều giáo sư, tiến sĩ “ra lò” hàng năm nhưng nền kinh tế vẫn chưa phát triển thật sự vượt bậc. Có chăng đó là sự học theo kiểu lối mòn, mọt sách, học trên lý thuyết mà chưa thật sự nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo. Câu châm ngôn của Lê Nin – nhà cách mạng lỗi lạc xuất chúng, là một lời răn dạy vô cùng đúng đắn mà chúng ta cần noi theo, đó là không chỉ học tập, tiếp thu kiến thức mà còn phải đào sâu, nghiên cứu, sáng tạo không ngừng. Có như thế mới có thể đưa đất nước đi lên, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Việc học là không ngừng nghỉ, kiến thức thì vô tận, bao la. Câu nói “học, học nữa, học mãi” của Lê Nin sẽ mãi là lời răn dạy sâu sắc , có sức sống lâu bền và tầm ảnh hưởng lớn.

--Kami--

Câu trả lời:

Mùa xuân là khởi đầu của một năm, là khởi đầu của sự sống, giúp cho cây cối đâm chồi nảy lộc. Khi mùa xuân tới vạn vật như đua nhau nảy nở khoe sắc thắm. Bác Hồ kính yêu của chúng ta là người luôn có tư tưởng nhìn xa trông rộng. Bác đã nhận thấy tầm quan trọng của rừng đối với đời sống con người, chính vì vậy Bác khuyên chúng ta rằng: “Mùa xuân là Tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

Bác nói: Mùa xuân là Tết trồng cây không có nghĩa là mọi người chỉ trồng cây trong mấy ngày Tết mà trông cây suốt cả mùa xuân. Bác gọi phong trào trồng cây là Tết trồng cây với hàm ý so sánh không khí náo nức tưng bừng của nó chẳng khác chi ngày Tết... Bác đem lại cho phong trào không khí vui tươi của lễ hội mùa xuân.

Ở câu thơ thứ hai, Bác Hồ nêu rõ mục đích của Tết trồng cây là Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Từ xuân ở câu thơ này không giống như từ xuân ở câu thơ đầu. Nó không còn là tên của một mùa trong năm mà đã chuyển thành tính từ chỉ sự tươi trẻ và sức sống tràn đầy của đất nước đang trên đường phát triển.

Nhắc đến mùa xuân, người ta thường nghĩ tới màu xanh mơn mởn của cỏ cây, hoa lá. Màu xanh ấy mang đến vẻ đẹp tươi mát, trù phú cho đường phố, làng quê. Nếu nơi nào cũng có cây xanh thì đất nước sẽ được bao phủ trong một màu xanh bất tận.

Xét về tác dụng của cây xanh đối với môi trường thì có thể ví cây xanh là lá phổi thiên nhiên kì diệu làm nhiệm vụ hút lọc khí thải, cung cấp khí oxi để duy trì sự sống cho muôn loài, làm trong sạch môi trường quanh ta.

Khí hậu Việt Nam cũng có lúc thất thường. Vào mùa mưa lũ nếu không có những cánh rừng như những bức tường thành vững chắc ngăn gió bão, lụt lội thì biết bao nhà cửa, ruộng vườn sẽ bị cuốn trôi, bao thành quả lao động bị phá hủy... Lũ lụt sẽ gây ra những thảm họa ghê gơm khôn lường.

Không có cây xanh, chúng ta khó có thể tồn tại một cách bình yên. Đất nước xanh tươi, con người khỏe mạnh... là cơ sở vững chắc để chúng ta học tập, lao động và sáng tạo. Trong thời đại ngày nay, bảo vệ môi trường sống là vấn đề cấp thiết được nhân loại đặt lên hàng đầu. Hơn bốn chục năm trước, Bác Hồ đã quan tâm đến điều này bằng việc hô hào toàn dân tham gia Tết trồng cây . Bác quả là vị lãnh tụ cách mạng sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, nhân dân ta đã trồng được thêm nhiều rừng cây mới ở miền núi, trung du; tạo ra nhiều công viên xanh trong lòng đô thị. Nếu mỗi người tự giác đóng góp một phần nhỏ công sức của mình vào việc phủ xanh đất nước thì chúng ta sẽ được sống trong môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hiện nay, điều đáng buồn là vẫn còn có một số người đi ngược lại lợi ích chung. Họ chỉ biết cái lợi của cá nhân mà không cần biết đến cái thiệt hại của cộng đồng cho nên môi trường bị hủy hoại nghiên trọng vì khí thải công nghiệp, vì rừng phòng hộ bị chặt phá và đốt cháy quá nhiều. Vì thế lời Bác Hồ dạy hơn bốn mươi năm trước giờ đây lại càng tỏ rõ ý nghĩa thiết thực và quý báu.

--Kami--