Tham Khảo:
Thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ luôn bị rẻ rúng và gắn liền với số phận bất hạnh. Chính vì thế có rất nhiều tác phẩm thi ca đã viết về những người phụ nữ tài hoa nhưng bạc phận để bày tỏ sự cảm thông, xót thương cho số phận bi thảm của họ. Đại thi hào Nguyễn Du cũng có rất nhiều sáng tác viết về chủ đề đó. Đặc biệt với tuyệt tác Truyện Kiều thì ông đã mượn lời của nhân vật Thúy Kiều để bày tỏ tình cảm, suy nghĩ của mình:
“Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Hai câu thơ giống như lời xót xa, ai oán trước định mệnh trớ trêu, sự bất công đối với phụ nữ. Trong xã hội phong kiến thì “bạc mệnh” chính là số phận chung mà những người phụ nữ phải chịu. Xã hội trọng nam khinh nữ, thân phận của những người phụ nữ bị coi khinh, rẻ rúng dù cho họ có tài, có nhan sắc. Họ bị biến thành nô lệ, bị trói buộc trong lễ giáo phong kiến và cả những phong tục lạc hậu. Bắt họ phải thực hiện “Tam tòng, tứ đức”. Tam tòng tức là: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Nghĩa là cả cuộc đời của người phụ nữ dù là khi còn ở với cha mẹ, hay khi đấy chồng và thậm chí là chồng có qua đời thì cuộc đời họ vẫn phải gắn liền với người con trai chứ không được tự làm chủ cuộc đời mình. Họ thậm chí còn bị biến thành thứ hàng hóa để trao đổi, mua bán. Điều này được thể hiện rất rõ trong số phận của Thúy Kiều “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”. Kiều vốn là một cô gái không chỉ có nhan sắc mà “Cầm kì thi họa” đều tài giỏi nhưng cuộc đời lại đưa đẩy khiến nàng liên tiếp bị rơi vào bi kịch. Bị lừa bán vào lầu xanh, bị đánh ghen, rồi bị bán cho người khác… Vốn nàng phải được hưởng hạnh phúc, được bên chàng Kim, người mà nàng đem lòng yêu mến từ ngay lần đầu gặp gỡ. Nhưng lại phải chịu cảnh mây trôi bèo nổi, mười lăm năm lưu lạc.
Không chỉ vậy, thân phận người phụ nữ còn được cảm nhận sâu sắc qua lời thơ của chính người phụ nữ, của bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương trong bài thơ Bánh trôi nước:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Người phụ nữ sống cuộc đời long đong lận đận, “bảy nổi ba chìm”. Cuộc đời của họ bị người khác chi phối, không thể tự quyết. Thân phận người phụ nữ giống như chiếc bánh trôi nước, chìm nổi và việc “rắn nát” không phải tự thân họ mà do “tay kẻ nặn”.
Câu thơ thứ nhất “Đau đớn thay phận đàn bà” giống như một tiếng kêu thương cảm. Đó còn là lời tố cáo, lên án đanh thép chế độ phong kiến vô nhân đạo đã chà đạp không thương tiếc lên những người phụ nữ. Thậm chí trong cả những bài ca dao, dân ca trước kia cũng có những tiếng than của chính những người phụ nữ. Đó là những câu ca dao than thân bắt đầu bởi mô típ “thân em” quen thuộc:
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Hay câu:
“Thân em như giếng giữa đàng
Người thanh rửa mặt, kẻ phàm rửa chân”
Có thể thấy được người phụ nữ bất hạnh đáng thương đến nhường nào nên có không biết bao nhiêu bài ca, bài thơ, bài viết tỏ sự tiếc thương, đồng cảm với họ. Tử kiếp bạc mệnh của Thúy Kiều mà tác giả Nguyễn Du đã khái quát thành lời chung, kiếp đau khổ chung của người phụ nữ. Chắc hẳn chúng ta chẳng hề xa lạ với thân phận của nàng Vũ Nương trong truyện Người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Tác phẩm tập trung khắc họa hình tượng người phụ nữ đẹp đẽ, đức độ, một người yêu thương chồng hết mực. Thậm chí vừa mới tân hôn, chồng phải ra chiến trường thì nàng ở nhà chăm sóc mẹ chồng như mẹ ruột, mẹ chồng ốm đau rồi mất nàng một thân một mình bụng mang dạ chửa lo từng chút một. Mẹ chồng mất lo tang ma đầy đủ, hàng xóm không có điều gì chê trách. Vũ Nương với vai trò của người mẹ thì hết mực yêu thương, chăm chút cho con cái. Sự trung trinh của nàng đánh đổi lại không phải là hạnh phúc trong ngày chồng trở về mà là sự nghi ngờ, ghen tuông vô lý, thậm chí là đánh đập, mắng chửi thậm tệ rồi đuổi nàng ra khỏi nhà. Người chồng không hề lắng nghe sự giải thích của vợ, sự bênh vực của xóm làng. Kết cục của Vũ Nương là phải dùng cái chết để minh chứng cho sự trong sạch của mình.
Ngày nay, vị thế của người phụ nữ ngày càng được nâng lên, vai trò của họ cũng được đánh giá đúng đắn. Chính vì thế nên họ thoát khỏi sự ràng buộc về lễ giáo phi lý xưa kia, họ có chỗ đứng trong xã hội và không còn chịu nhiều bất công như trong xã hội cũ nữa. Người đọc bao thế hệ sau khi đọc đến hai câu thơ “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” có thể thấu hiểu được thông điệp mà nhà thơ Nguyễn Du truyền tải, gửi tới mọi người.