Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt?
[Trích Nhớ rừng - Thế Lữ]
1. Chỉ ra tác dụng của các câu hỏi tu từ trong đoạn thơ trên.[0,5 điểm]
2. Điệp ngữ "đâu, nào đâu'' có ỹ nghĩa như thế nào trong việc thể hiện cảm xúc nhân vật "ta"?[0,5 điểm]
3. Chỉ ra hiệu quả của việc sử dụng đại từ "ta" trong đoạn thơ.[1 điểm]
4. Suy nghĩ của em về 4 bức tranh thiên nhiên trong đoạn thơ.[2 điểm]
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:
Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung…Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy.
[Trích Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long]
1. Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu in đậm thuộc kiểu câu gì?
2. Ghi lại những hình ảnh so sánh trong đoạn văn trên.
3. Tại sao nhân vật anh thanh niên lại có cảm nhận "Những lúc im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực cháy"?
4. Qua đoạn văn trên, em nhận ra được những phẩm chất, tính cách nào của nhân vật anh thanh nên?
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:
Dù đục dù trong, con sông vẫn chảy
Dù cao dù thấp, cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Vẫn phải sống từ điều rất nhỏ
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm
Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng...
[Trích Thơ tự sự - Lưu Quang Vũ]
1. Chỉ ra và cho biết tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ đầu tiên.
2. Em hiểu như thế nào về câu thơ "Vẫn phải sống từ điều rất nhỏ"?
3. Ý nghĩa của những hình ảnh "Đất ấp ôm cho mọi hạt nảy mầm; chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng"
4. Theo em, qua đoạn thơ trên, nhà thơ Lưu Quang Vũ muốn gửi đến thông đệp gì?
Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, tác giả Nguyễn Thành Long đã gửi gắm chủ đề của câu chuyện vào một lời nhận xét ngắn gọn: "Trong cái lặng im của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước."
Em hãy nêu những suy nghĩ về vẻ đẹp của những con người lao động qua truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của tác giả Nguyễn Thành Long.
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:
Cảm ơn hay xin lỗi là biểu hiện của ứng xử văn hóa, là hành vi của văn minh, lịch sự trong các quan hệ xã hội. Trong ứng xử của cộng đồng, khi cảm ơn và xin lỗi được trình bày một cách chân thành, một mặt phản ánh phẩm chất văn hóa của cá nhân, một mặt giúp mọi người dễ cư xử với nhau hơn.
Trong nhiều trường hợp, cảm ơn hay xin lỗi không chỉ đem niềm vui tới người nhận, chúng còn trực tiếp giải tỏa khúc mắc, gỡ rối quan hệ và con người vì thế mà sống hiền hòa, vị tha hơn.
1. Theo tác giả, lời cảm ơn và xin lỗi có giá trị gì?
2. Để có được những giá trị đó, lời cảm ơn, xin lỗi phải đáp ứng được những yêu cầu nào?
3. Đoạn văn trên khiến em liên tưởng đến phương châm hội thoại nào đã được học?
4. Qua đoạn văn trên em rút ra được bài học gì khi giao tiếp?