Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Hà Nội , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 1
Số lượng câu trả lời 185
Điểm GP 52
Điểm SP 310

Người theo dõi (95)

Đang theo dõi (127)


Câu trả lời:

I. Mở bài :

- “Hoàng Lê nhất thống chí” là một cuốn tiểu thuyết lịch sử bằng chữ Hán được viết theo thể chương hồi do nhiều tác giả trong Ngô Gia Văn Phái (Ngô Thì Chí, Ngô Thì Du…) sáng tác. Đây là một bức tranh sâu rộng vừa phản ánh được sự thối nát, suy tàn của triều đình Lê Trịnh, vừa phản ánh được sự phát triển của phong trào Tây Sơn.

- Trong hồi thứ 14 của tác phẩm, hình tượng người anh hùng Quang Trung hiện lên thật cao đẹp với khí phách hào hùng, trí tuệ sáng suốt và tài thao lược hơn người.

II. Thân bài:

1. Trước hết Quang Trung là một con người hành động mạnh mẽ quyết đoán:

- Từ đầu đến cuối đoạn trích, Nguyễn Huệ luôn luôn là con người hành động một cách xông xáo, nhanh gọn có chủ đích và rất quả quyết.

- Nghe tin giặc đã đánh chiếm đến tận Thăng Long mất cả một vùng đất đai rộng lớn mà ông không hề nao núng “định thân chinh cầm quân đi ngay”.

- Rồi chỉ trong vòng hơn một tháng, Nguyễn Huệ đã làm được bao nhiêu việc lớn: “tế cáo trời đất”, lên ngôi hoàng đế, dốc xuất đại binh ra Bắc…

2. Đó là một con người có trí tuệ sáng suốt và nhạy bén:

* Ngay khi mấy chục vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị hùng hổ kéo vào nước ta, thế giặc đang mạnh, tình thế khẩn cấp, vận mệnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Nguyễn Huệ đã quyết định lên ngôi hoàng đế để chính danh vị, lấy niên hiệu là Quang Trung.

Việc lên ngôi đã được tính kỹ với mục đích thống nhất nội bộ, hội tụ anh tài và quan trọng hơn là “để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người”, được dân ủng hộ.

* Sáng suốt trong việc nhận định tình hình địch và ta:

- Qua lời dụ tướng sĩ trước lúc lên đường ở Nghệ An, Quang Trung đã chỉ rõ “đất nào sao ấy” người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác”. Ông còn vạch rõ tội ác của chúng đối với nhân dân ta: “Từ đời nhà hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại dân ta, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi”.

- Quang Trung đã khích lệ tướng sĩ dưới quyền bằng những tấm gương chiến đấu dũng cảm chống giặc ngoại xâm giành lại độc lập của cha ông ta từ ngàn xưa như: Trưng nữ Vương, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành…

- Quang Trung đã dự kiến được việc Lê Chiêu Thống về nước có thể làm cho một số người Phù Lê “thay lòng đổi dạ” với mình nên ông đã có lời dụ với quân lính chí tình, vừa nghiêm khắc: “các người đều là những người có lương tri, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực để dựng lên công lớn. Chớ có quen thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra sẽ bị giết chết ngay tức khắc, không tha một ai”.

* Sáng suốt trong việc sét đoán bê bối:

- Trong dịp hội quân ở Tam Điệp, qua lời nói của Quang Trung với Sở và Lân ta thấy rõ: Ông rất hiểu việc rút quân của hai vị tướng giỏi này. Đúng ra thì “quân thua chém tướng” nhưng không hiểu lòng họ, sức mình ít không địch nổi đội quân hùng tướng hổ nhà Thanh nên đành phải bỏ thành Thăng Long rút về Tam Điệp để tập hợp lực lượng. Vậy Sở và Lân không bị trừng phạt mà còn được ngợi khen.

- Đối với Ngô Thì Nhậm, ông đánh giá rất cao và sử dụng như một vị quân sĩ “đa mưu túc trí” việc Sở và Lân rút chạy Quang Trung cũng đoán là do Nhậm chủ mưu, vừa là để bảo toàn lực lượng, vừa gây cho địch sự chủ quan. Ông đã tính đến việc dùng Nhậm là người biết dùng lời khéo léo để dẹp việc binh đao.

3. Quang Trung là người có tầm nhìn xa trông rộng:

- Mới khởi binh đánh giặc, chưa giành được tấc đất nào vậy mà vua Quang Trung đã nói chắc như đinh đóng cột “phương lược tiến đánh đã có tính sẵn”.

- Đang ngồi trên lưng ngựa, Quang Trung đã nói với Nhậm về quyết sách ngoại giao và kế hoạch 10 tới ta hoà bình. Đối với địch, thường thì biết là thắng việc binh đao không thể dứt ngay được vì xỉ nhục của nước lớn còn đó. Nếu “chờ 10 năm nữa ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh thì ta có sợ gì chúng”.

4. Quang Trung là vị tướng có tài thao lược hơn người:

- Cuộc hành quân thần tốc do Quang Trung chỉ huy đến nay vẫn còn làm chúng ta kinh ngạc. Vừa hành quân, vừa đánh giặc mà vua Quang Trung hoạch định kế hoạch từ 25 tháng chạp đến mùng 7 tháng giêng sẽ vào ăn tiết ở Thăng Long, trong thực tế đã vượt mức 2 ngày.

- Hành quân xa, liên tục như vậy nhưng đội quân vẫn chỉnh tề cũng là do tài tổ chức của người cầm quân.

5. Hình ảnh vị vua lẫm liệt trong chiến trận:

- Vua Quang Trung thân chinh cầm quân không phải chỉ trên danh nghĩa. Ông làm tổng chỉ huy chiến dịch thực sự.

- Dưới sự lãnh đạo tài tình của vị tổng chỉ huy này, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh những trận thật đẹp, thắng áp đảo kẻ thù.

- Khí thế đội quân làm cho kẻ thù khiếp vía và hình ảnh người anh hùng cũng được khắc hoạ lẫm liệt: trong cảnh “khói tỏ mù trời, cách gang tấc không thấy gì” nổi bật hình ảnh nhà vua “cưỡi voi đi đốc thúc” với tấm áo bào màu đỏ đã sạm đen khói súng.

- Hình ảnh người anh hùng được khắc hoạ khá đậm nét với tính cách mạnh mẽ, trí tuệ sáng suốt, nhạy bén, tài dùng binh như thần; là người tổ chức và là linh hồn của chiến công vĩ đại.

III. Kết bài

Với ý thức tôn trọng sự thực lịch sử và ý thức dân tộc, những người trí thức – các tác giả Ngô Gia Văn Phái là những cựu thần chịu ơn sâu, nghĩa nặng của nhà Lê, nhưng họ đã không thể bỏ qua sự thực là ông vua nhà Lê yếu hèn đã cõng rắn cắn gà nhà và chiến công lẫy lừng của nghĩa quân Tây Sơn, làm nổi bật hình ảnh vua Quang Trung – người anh hùng áo vải, niềm tự hào lớn của cả dân tộc. Bởi thế họ đã viết thực và hay đến như vậy về người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.

Câu trả lời:

I. Mở bài
- Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là một trong những nhiệm quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia, dân tộc, bởi "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" (UNESCO).

II.Thân bài
1. Tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em
a. Tương lai của mỗi dân tộc và của toàn nhân loại phụ thuộc vào sự chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ; phụ thuộc vào sức khoẻ, trí tuệ, năng lực... của thế hệ trẻ. Trong "Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường", Bác Hồ viết: "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu". Trẻ em là người sẽ quyết định tương lai, vị thế của mỗi dân tộc trên trường quốc tế.

b. Qua vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em, chúng ta có thể nhận ra được trình độ văn minh và phần nào bản chất của một xã hội.

2. Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, chính phủ Việt Nam, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội đối với trẻ em hiện nay.
a. Vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang được cộng đồng quốc tế quan tâm thích đáng:

- Năm 1989, Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em ra đời đã ghi nhận các quyền cơ bản của trẻ em như các nhóm quyền sống còn, nhóm quyền bảo vệ, nhóm quyên phát triển và nhóm quyền tham gia. Công ước này thể hiện sự tôn trọng và quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với trẻ em, là điều kiện cần thiết để trẻ em được phát triển đầy đủ trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và thông cảm.

- Năm 1990, Tuyên bố thế giới... đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể và toàn diện nhằm bảo vệ và chăm sóc trẻ em cùng với một bản kế hoạch hành động khá chi tiết trên từng mặt cơ bản. Tuyên bố này một lần nữa thể hiện sự quan tâm thích đáng của cộng đồng quốc tế đối với các quyền lợi và tương lai của trẻ em.

b. Vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việt Nam lả nước thứ hai trên thế giới kí và phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em. Sau Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyêt định Chương trình hành động vì sự sổng còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em Việt Nam từ năm 1991 đến 2000, đặt thành một bộ phận của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

c. Trên cơ sở đường lối, chiến lược phát triển đó, chính quyền địa phương các cấp đã vạch kế hoạch, hành động cụ thể nhằm đảm bảo các quyền lợi của trẻ em như các chính sách hỗ trợ kinh tế đối với trẻ em nghèo để các em có thể đến trường, quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, trường học, thiết bị dạy học... để nâng cao chất lượng giáo dục, kêu gọi các tổ chức xã hội và nhân dân đóng góp xây đựng trường lớp, giúp đỡ trẻ em khuyết tật, đóng góp quỹ vì người nghèo, vì trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam, khuyến khích mở các lớp học tình thương, các trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật, lang thang không nơi nương tựa...

3. Suy nghĩ của em về sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, các chính quyền địa phương đối với vấn đề quyền lợi của trẻ em:

(Gợi ý: Em có vui và hoan nghênh những cố gắng của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam... về vấn đề này hay không? Vì sao? ý kiến đề xuất của em, nếu có, để Chính phủ, chính quyền địa phương nơi em sinh sống thực thi tốt hơn việc bảo đảm quyền lợi cho trẻ em?)

III. Kết bài
- Vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được cộng đồng quốc tế nói chung, Chính phủ Việt Nam, các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội Việt Nam nói riêng ý thức đầy đủ và có kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực.

- Để xứng đáng với sự quan tâm, chăm sóc ấy, mỗi học sinh chúng ta cần phải không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện để cỏ thể gánh vác trọng trách là người chủ tương lai của nước nhà sau này.

Câu trả lời:

Gia đình nhỏ của tôi lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười của bố, giọng nói ấm áp của mẹ và sự hiếu động, tiếng khóc của em trai. Bố tôi vốn là bộ đội chiến đấu ngoài chiến trường, đến nay vẫn công tác trong ngành quân đội. Có lẽ vì trải qua những năm tháng đấu tranh và rèn luyện, bố tôi trở nên cương trực và nghiêm khắc hơn nhưng cũng rất vui tính, dí dỏm. Nhìn bề ngoài, bố là người cứng rắn nhưng bên trọng lại sống rất tình cảm. Bố là trụ cột vững chắc trong gia đình. Bố không chỉ là điểm tựa tinh thần cho mẹ mà còn là tất cả với chị em tôi. Khác với bố, mẹ là người phụ nữ yếu mềm, dịu dàng và đảm đang. Như những người phụ nữ Việt Nam tự bao đời nay vẫn thế, mẹ chịu khó, hi sinh mà không một lời than vãn. Mẹ luôn coi chăm sóc gia đình là niềm hạnh phúc. Với chúng tôi, mẹ vừa là người bạn vừa là người thầy vĩ đại nhất. Bố mẹ là thần tượng trong trái tim tôi. Vui nhộn, hiếu động nhất nhà không ai khác là cậu em trai sáu tuổi. Năm nay, nó sẽ vào lớp một. Nhìn cậu hào hứng chuẩn bị mọi thứ cho năm học mới, tôi như gặp lại chính mình của năm năm về trước, cũng hồn nhiên trong sáng như thế. Tuy hiếụ động nhưng em ngoan và rất thông minh. Hai chị em tôi có thể chơi với nhau suốt ngày không chán. Nếu một ngày mà thiếu vắng tiếng nói tiếng cười, tiếng khóc của em, gia đình tôi dường như trống trải, nhất là tôi sẽ nhớ em vô cùng...

Câu trả lời:

Tắt đèn là một “đoản thiên tiểu thuyết” xuất sắc về đề tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám.Cùng viết về nỗi khổ cực của người nông dân nhưng Ngô Tất Tố lại chọn một lối đi riêng.Ông muốn lột trần bộ mặt tàn ác của bọn thực dân thông qua chính sách thuế khóa hà khắc ở nông thôn.Tắt đèn sừng sững một tượng đài nông dân - chị Dậu. Đó là một con người quyết chống lại cường quyền gian ác để giữ lấy chính cuộc sống của mình. Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” chính là một lần chị phải đấu tranh như thế.

Chị Dậu chạy đôn, chạy đáo bán bòn đủ thức mới đủ suất sưu cho chồng. Vất vả nhưng được tai qua nạn khỏi nghĩ cũng mừng. Vậy mà ngờ đâu suất của chồng vừa mới lo xong lại sinh thêm suất sưu của người chết. Thế là trăm dâu đổ đầu tằm, biết là oan ức mà chẳng thể nào giải được. Lo một suất sưu chị đã “khuynh gia bại sản” nay lại thêm suất nữa, chị Dậu bị đẩy đến đường cùng. Đoạn trích Tức nước vỡ bờ mở đầu bằng sự thở phào của chị. Anh Dậu sau khi bị đánh liên hồi kỳ trận được bọn chúng thả về. May thay bà láng giềng cho nắm gạo, thế là chị Dậu tất tả nấu cho chồng bát cháo mong cứu cho chồng ra khỏi cơn nguy khốn. Nhưng đáng thương thay, bát cháo vừa mới kịp đưa lên miệng thì bọn cai lệ ầm ầm xô tới với roi với thước. Trước sự hách dịch và hung ác, chị Dậu nhất nhất chỉ còn biết kêu oan “Hai ông làm phúc nói với ông lý cho cháu khất”. Nhưng cái câu nói ấy của chị Dậu có nghĩa gì đâu. Cai lệ trừng trợn trút một hai câu tai ngược “Mày định nói cho mày nghe đấy à? Sưu của Nhà nước mà dám mở mồm xin khất”.

Đúng là “tức nước” sẽ đến “vỡ bờ”. Ở trong một hoàn cảnh khác, chị Dậu hẳn đã phải có vài câu đáp lại cái thói cư xử coi người như rác của bọn cai lệ nhà ông Lý. Nhưng chị Dậu vẫn kiên nhẫn van nài. Chị hẳn đã hiểu quá rõ cái thân phận hèn mọn của mình và lại càng hiểu hơn cái thói hung ác của bọn tay sai. Chị vẫn tha thiết “Khốn nạn! Nhà cháu đã không có, dẫu ông chửi mắng cũng thế thôi. Xin ông trông lại”. Rõ ràng là ở đấy, câu nói của chị Dậu đã cứng cỏi hơn, đã có những dấu hiệu “không chịu được”. Lời xin của chị Dậu tỏ vẻ bất cần và không còn ngại ngùng nể sợ hoàn toàn như trước nữa.

Đến đây kịch tính của tình huống bắt đầu được đẩy lên cao.Cai lệ hầm hề “Nếu không có tiền nộp sưu cho ông bây giờ,thì ông sẽ dở cả nhà mày đi,chửi mắng thôi à?”. Câu nói vẫn đầy hách dịch của những kẻ bề trên quen coi người lao động là con trâu,con ngựa.Vừa nói hắn vừa lao sầm sầm vào anh Dậu.Thế là “chị Dậu xám mặt”,vội vàng chạy đến kêu xin.

Chị vẫn năm ông mười ông mong khơi gợi một chút lòng thương hại từ tên cai lệ.Nhưng những lời khẩn khoản của chị ác thay lại được đáp lại bằng những hậu quả đấm chắc nịch từ tay cai lệ.Như lửa đã được đổ thêm dầu, chị Dậu “không thể chịu được”đành “liều cự lại”.Tâm lý chị Dậu rõ ràng đã có những biến đổi nhưng chưa phải là hành động hoàn toàn chủ động. Sự tàn ác của tên cai lệ đã đảy chị vào tình thế phải “liều mình”.

Song kịch tính của đoạn trích thực sự được đẩy đến cao trào khi cai lệ mạnh tay “tát ngang vào mặt chị Dậu”.Tức nước vỡ bờ,người đàn bà lực điền nghiến hai hàm răng “Mày trói ngay chồng bà đi,bà cho mày xem”.Rồi chị túm cổ tên cai lệ ấn dúi ra phía cửa.Sức của anh chàng nghiện không chịu nổi một cái lẳng của người đàn bà.Đoạn văn là một sự thay thế “ngôi vị”.Từ lời xưng hô hèn mọn “cháu-ông”, chị Dậu bực mình đưa mình lên “bà” và hạ hắn xuống thành “mày”.Còn nữa,từ thế bị động chị Dậu đã không thể chịu được sự đè nén,quyết đứng ra bảo vệ chồng mình.

Tức nước vỡ bờ miêu rả một quá trình tâm lý.Ngô Tất Tố đã tạo ra một tình huống giàu kịch tính để rồi cứ thế nhân vật chính va chạm với những tính cách khác từ đó bộc lộ phẩm chất của mình.Quá trình diễn biến tâm lý của chị Dậu diễn ra nhanh chóng nhưng tinh tế. Đặc biệt nó rất phù hợp với quy luật phát triển tính cách cũng như hoàn toàn phù hợp với phẩm chất con người nhân vật. Đó là một sự thể hiện có tính toán và rất sắc sảo của nhà văn.

Câu trả lời:

Ngày đầu tiên khai trường, đó là cái ngày mà chắc hẳn không ai trong chúng ta có thể quên được. Cái ngày ấy đã đánh dấu sự kiện mỗi chúng ta bước vào con đường học tập. Năm nay tôi đã lên lớp 11, đã quá quen với không khí học đường, nhưng chợt nhìn thấy những em học sinh lớp một nắm tay bố mẹ dẫn đến trường, làm tôi thêm bồi hồi, xao xuyến và nhớ lại những kỉ niệm ngây thơ, bé bỏng của một cô bé chập chững bước vào cổng trường trong bàn tay đầy tình thương của mẹ tôi.

Ấy là cái ngày mà tôi sẽ không bao giờ quên. Đó là một buổi sang cuối thu êm đềm, bầu trời cao trong xanh có ánh nắng vàng tươi và có cái gió se se lạnh. Nó dịu ngọt và nhẹ nhàng. Quả đúng là thời điểm khiến cho người ta dễ nhớ. Phải chăng đây chính là lí do để mùa thu là mùa tựu trường? Tôi nao nao trong lòng những tưởng tượng ngây thơ với tâm trạng một đứa trẻ sắp đối diện với một sự kiện quan trọng. Thực ra lúc đó còn bé, chưa cảm nhận được mấy về ngày khai trường và cũng chẳng biết đó là ngày gì, nhưng thấy sự quan tâm, bận rộn của người lớn phần nào tôi cũng đã nhận ra có cái gì đó quan trọng.

Đêm hôm trước ngày khai trường , cảm xúc trong em thật lẫn lộn : bồn chồn , vui mừng , hồi hộp và lo lắng nữa . Chẳng hiểu sao khi ăn cơm em cứ nghĩ đến buổi khai trường , rồi sau đó em đi đi lại lại , nôn nao trong người là ngày mai sẽ có mặt trong 1 sự kiện quan trọng , thật là thích biết bao. Mẹ đã chuẩn bị tất cả mọi thứ cho em , cái gì cũng thật lạ lẫm : bút chì , thước kẻ,… mà em bây giờ không nhớ rõ , nhưng mọi thứ đều đủ cả . Em thích thú ngắm từng thứ 1 , rồi xếp gọn gàng chúng vào cặp sách , lòng đứng hứng khởi . Rồi mẹ cho em mặc đồng phục của trường tiểu học : áo trắng và váy màu đỏ , em mặc vừa in . Nhớ lại tối hôm đó , em đeo cặp sách chạy xung quanh nhà cho mọi người xem mình đã bắt đầu chững chạc đến nhường nào . Căn nhà hôm đó như nhộn nhịp hẳn lên , mọi người bàn tán , nói về em , về tương lai của em. Gia đình đã kể cho em nghe rất nhiều về trường lớp , làm em càng hứng thú hơn . Bà nội em khen : ” Cháu lớn nhanh quá , cố gắng học giỏi để mọi người vui nha ” em cười ngượng nghịu . Hôm dấy , phải thức khuya lắm em mới ngủ được , nhưng tại sao em lại trằn trọc khó ngủ như vậy nhỉ ? Em thao thức , suy nghĩ triền miên ” Không biết ai sẽ dạy nhỉ ?Bạn bè có nhiều không?….Và em chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay biết. Sáng hôm sau, em dậy rất sớm, đánh răng, rửa mặt rồi ăn sáng, thật sự lúc đó em rất phấn khởi, sau khi mặc đồng phục xong mẹ đưa em đến trường bằng xe máy, trong lòng em xốn xang, hồi hộp và háo hức. Trên trời, những đám mây bồng bềnh trôi đi như muốn ngao đó đây, bầu trời trong xanh. Vẫn con đường ấy, vẫn cảnh vật ấy, sao hôm nay lại thấy lạ vậy… Hàng cây như xanh hơn, cao hơn, những ngôi nhà trông khang trang hợn mọi ngày. Con đường thân quen ngày nào sao hôm nay sạch sẽ gọn gàng ghê . Mặt trời đã dần dần nhô lên, tỏa ra những tia nắng đầu tiên, thay thế cho màn đêm mờ ảo là ánh sáng hồng tươi đang lan tràn khắp không gian. Nhưng hàng cây xanh cũng vừa tỉnh giấc, đang khẽ rùng mình. Trên những tán lá xanh còn đọng lại những giọt sương sớm, co những chú chim dã dậy từ rất lâu và đang cất khúc ca chào đón ngày mới. Theo tiếng chim ca, những tia nắng vàng tươi cũng bắt đầu nhảy múa hát ca trên những con đường. Giờ đây, không gian không còn yên tĩnh nữa mà thay vào đó là tiếng nói cười của các anh chị học sinh đang rảo bước đến trường, và tiếng xe máy của các bác phụ huynh đưa con đến trường . Các bạn mặc quần áo rất chỉnh tề, gương mặt vui tươi nhưng không kém phần lo lắng . Chẳng mấy chốc mà em đã đứng trước cổng trường.

Ô kìa, kia có phải là trường học, nơi mà tôi sẽ đến. Tôi lờ mờ nhận ra như vậy vì thấy nó khang trang và to lớn hơn bất cứ cái nhà nào mà tôi từng gặp. Mẹ xoa đầu tôi, nhẹ nhàng nói: “Con yêu, trường học của con đây rồi. Đây sẽ là nơi tu dưỡng đạo đức và kiến thức cho con”. Quả thực tâm trạng tôi mỗi lúc thay đổi. Bây giờ tôi không còn cảm thấy quá sợ nữa nhưng không hiểu sao chân tôi cứ díu lại. Dù vậy nhưng tôi vẫn cố nhảy theo những bước chân của mẹ. Đi được một đoạn thì ngôi trường đã hiện rõ trước mắt. Trước mặt tôi là một cái cổng trường to lớn với những chữ viết lằng nhằng khó hiểu. Xung quanh đó là hàng trăm các bạn học sinh khác cùng với biết bao tâm trạng, suy nghĩ. Bạn thì níu chân mẹ, người thì mếu máo. Chợt có tiếng khóc òa sau lưng tôi, tôi liền chạy lại úp mặt vào mẹ và cũng nghẹn ngào khó tả. Nước mắt tôi đã dưng dưng đến tận cổ họng. Mẹ an ủi tôi cùng những lời nói ngọt ngào, làm tôi lấy lại can đảm lau nhẹ nước mắt và mồ hôi, đứng thẳng người. Cùng lúc đó, có một cô giáo đi lại phía tôi. Tôi ngơ ngác nhìn thì cô nhẹ nhàng cất tiếng nói: “Chị cho cháu vào lớp đi. Đó là lớp của em” Giọng nói ấm ấm, thanh thanh mà ngọt ngào của cô đã khiến tôi không còn cảm giác sợ hãi nữa. Cô nhẹ nhàng nắm tay tôi dắt vào lớp, tôi đi theo sau cô và cảm nhận mùi thơm từ tà áo dài của cô.

Cô bảo: “Lớp mình ở đây. Tý nữa ra tập trung khai giảng xong thì về đây học”. Bỗng có hồi trống cái vang lên làm tôi giật nảy mình ôm chầm lấy cô giáo. Cô giáo cười, xoa đầu tôi bảo: “Đấy là tiếng trống trường. Trống báo đã đến giờ tập trung rồi”. À, thế ra đấy là tiếng trống trường. Từ trước tôi vẫn chỉ nghe tiếng trống cơm bung bung nhỏ bé của những đêm rằm Trung thu nào đã được nghe tiếng trống trường bao giờ. Sáng ấy, lần đầu tiên tiếng trống trường dội vào lòng tôi – tiếng trống rộn ràng, giục giã, nao nức khiến tim tôi cũng muốn nhảy nhót và lòng tôi hồi hộp muốn khóc lên. Tiếng trống đầu đời đi học ấy – ai ngờ sẽ là nguồn cảm xúc đi theo tôi suốt cuộc đời học tập. Rồi chúng tôi xếp hàng trước lá cờ đỏ sao vàng. Một thầy giáo hô chào cờ rất to. Chúng tôi đứng im phăng phắc mà không hát vì lúc đó hầu hết đều chưa biết bài hát Quốc ca. Chỉ sau đấy vào lớp, tiết học đầu tiên cô giáo mới dạy bài hát Quốc ca. Chúng tôi hát rất say sưa, hát hào hùng, thuộc rất nhanh vì cô giáo bảo để sau này mỗi lần chào cờ chúng tôi sẽ hát dưới cờ chứ không đứng im như hôm nay.

Tôi chẳng rõ mình ngồi trong lớp học từ khi nào, tôi ngước nhìn ra ngoài cửa sổ và tìm hình dáng thân thương của mẹ tôi trong lớp người chen chúc cố gắng dặn dò con cái cẩn thận trước khi ra cổng trường. Mẹ cũng nhẹ nhàng nói với tôi: “Con cố gắng ở lại ngoan nhé, trưa mẹ đón về”. Câu nói ấy của mẹ khiến tôi không còn lo sợ gì nữa. Bỗng tôi lại nghe thấy giọng nói ngọt ngào khi nãy vang lên. Thì ra cô giáo đang giới thiệu về mình. Thực sự bây giờ trong lòng tôi không còn một mối bận tâm nào nữa, tôi hoàn toàn bình tĩnh và chúng tôi đang bắt đầu làm quen với cô giáo. Các bạn đã hết bỡ ngỡ, bắt đầu đùa nghịch và làm quen với nhau. Bàn ghế thơm mùi gỗ mới, bảng đen, bục giảng, cô giáo, ảnh Bác Hồ... tất cả đều làm tôi tò mò, háo hức. Người bạn ngồi cạnh tôi béo tròn nhưng trắng trẻo và có nụ cười tươi làm quen với tôi. Bạn khoe đã đọc được mấy chữ cô giáo ghi trên bảng. Chúng tôi líu lo nói chuyện được một lúc thì giờ học đã bắt đầu. Cô dặn dò nhiều, đi kiểm tra sách vở và dạy cách cầm bút cho cả lớp. Giọng nói cô trầm ấm và khỏe khoắn làm tôi tin tưởng. Rất tự nhiên, tôi cảm thấy gắn bó với lớp mới. Tôi tròn mồm đọc những chữ a, b, c bằng cả tấm lòng tôi, bằng tình yêu thương của gia đình, bố mẹ và cô giáo. Nắng ghé qua cửa lớp xem chúng tôi học. Những tia nắng ấm như trong truyện cổ tích bà kể hàng đêm.

Với tôi, nếu không có ngày khai trường đầu tiên đi học chữ – phút đầu tiên được “thưa cô giáo”, lần đầu tiên nghe tiếng trống trường và đứng dưới lá cờ tổ quốc hát quốc ca ấy… tôi sẽ có gì sâu sắc với mái trường và tuổi thơ nhỉ? Tâm hồn tôi sẽ nghèo đi biết chừng nào. Những kỷ niệm đẹp đẽ trong ngày khai trường đầu tiên ấy đã góp phần bồi đắp nên tâm hồn thơ của tôi đấy thơ ơi!

Câu trả lời:

Tình yêu thương mãnh liệt của bé Hồng đối với người mẹ bất hạnh của mình được thể hiện từ hai góc độ. Thứ nhất là phản ứng tâm lí của bé Hồng trước những lời gièm pha, xúc xiểm của bà cô và một vài người họ hàng khác. Câu chuyện mở đầu vào một thời điểm đặc biệt: sắp tới ngày giỗ đầu của bố Hồng, mà cho tới lúc đó, người mẹ - người không thể vắng mặt — do khốn khó, đã phải tha hương cầu thực để kiếm sống, vẫn chưa trở về và cũng chẳng có tin tức gì. Những thông tin “nghe người khác nói” qua “người ta bắn tin” được thể hiện trong điều mà nhân vật bà cô thường nhắc đi nhắc lại, trở thành nỗi ám ảnh trong tâm hồn thơ dại của bé Hồng. Nhưng chú đã sớm nhận ra những thâm ý tàn nhẫn, thâm độc của bà cô “tốt bụng”. Sự tàn nhẫn đó lộ ra trên nét mặt, trong giọng điệu và cả cái cười rất kịch của bà ta. Phản ứng lại, bé Hồng chỉ “cười dài trong tiếng khóc”. Hình thức phản ứng đó, một mặt vừa cho thấy sự xót xa, tủi nhục của chú bé, mặt khác cũng cho thấy sự căm giận của Hồng trước sự tàn nhẫn của bà cô. Bé Hồng nhận ra “những ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch” của bà cô. Bà ta “cười hỏi” chú bé không phải vì thương yêu cháu, mà “cười hỏi” theo kiểu diễn kịch. Hồng “biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi”. Cái cười hỏi theo kiểu đóng kịch ấy được gia trọng bằng “giọng vẫn ngọt”, rồi lại “vỗ vai tôi cười mà nói rằng” cũng không che giấu được cặp mắt “long lanh”, cái nhìn “chằm chặp” như muốn ăn tươi nuốt sống chú bé của bà cô tàn nhẫn. Đây là cái nhìn của “thành kiến”, của “cổ tục”, cái nhìn ác ý, xoi mói, cái nhìn miệt thị khinh bỉ cho dù bà cô của Hồng chỉ biết tình hình của mẹ Hồng qua những câu chuyện “nghe đâu”, những câu chuyện tầm phào, bâng quơ. Qua đó, sự độc ác và tàn nhẫn của bà cô được nhấn mạnh và khắc họa rõ nét: bà ta không những khinh bỉ người mẹ mà còn cô" tình châm chọc vào nỗi đau của chú bé để thỏa mãn thói quen hành hạ người khác. Cuộc đối thoại đạt tới đỉnh cao khi bà cô, qua câu chuyện được nghe từ cô Thông, đã dồn chú bé vào trạng thái đau khổ, uất ức: “cổ họng tôi đã nghẹn ứ, khóc không ra tiếng”. Nhưng bà cô vẫn không buông tha, tiếp tục bày mưu tính kế mà thực chất là ra lệnh cho bé Hồng: “Vậy mày hỏi cô Thông - tên người đàn bà họ nôi xa kia - chỗ ở của mợ mày, rồi đánh giấy cho mợ mày, bảo dù sao cũng phải về. Trước sau cũng một lần xấu, chả nhẽ bán xới mãi được sao?”. Đại từ “mày” mà bà cô dùng để nói với cháu mang trong nó sự khinh bỉ tột cùng, và mỗi lần đại từ ấy được phát ra từ cửa miệng bà ta thì kèm theo đó là một sự đay nghiến, chì chiết, như một nhát dao đâm vào trái tim đau đớn của chú bé. Đó là thành kiến của một thời gian, gắn với cách nhìn thủ cựu của những con người bị cột chặt trong vòng lễ giáo lạc hậu của xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Bà cô muốn sự hiện diện của mẹ bé Hồng sẽ minh chứng cho những gì bà ta nói, và nếu tất cả mọi điều xảy ra như vậy thì bà cô sẽ là người sung sướng nhất, bởi bà ta sẽ có được sự thỏa mãn trên nỗi đau của mẹ con bé Hồng. Thứ hai là tình yêu thương của bé Hồng đối với mẹ được thể hiện trong thời điểm người mẹ trở về. Đối với Hồng, người mẹ bao giờ cũng là một hình ảnh dẹp đẽ, thiêng liêng. Do đó, khi bà cô khuyên Hồng nên vào thăm mẹ vì mẹ “phát tài” và mẹ có “em bé” mà hai từ “em bé” ấy được bà cô “ngân dài ra thật ngọt”, thì Hồng đã chất vấn lại bằng cách “cười dài trong tiếng khóc”. Còn khi bà mẹ trở về, một người mẹ thực sự, không còn là giấc mơ nữa, người mẹ ấy khác xa với những gì mà bà cô và họ hàng đã thêu dệt thì tình cảm của Hồng đối với mẹ được bộc lộ sinh động và mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Câu trả lời:

Vào một buổi chiều mùa hạ, những cơn gió nhè nhẹ thổi, cái nóng dường như cũng dịu đi. Mình vừa thi xong những môn học cuối cùng và chuẩn bị lên đường tham gia chiến dịch mùa hè tình nguyện.

Trong mùa hè đó, mình đã gặp anh, người đội trưởng, với một trái tim nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Anh có một tinh thần trách nhiệm cao, một sự dịu dàng cần thiết và một sự chân thành của tình bạn. Anh còn có tinh thần lạc quan và vui vẻ, khiến cho mọi người luôn có thể cười khi ở bên anh.

Và mùa hè ấy đã trôi qua với biết bao kỷ niệm vui buồn của những người chiến sĩ áo xanh. Ngày trở về, khi bàn tay rắn chắc của người ấy nắm chặt lấy đôi tay bé nhỏ của mình, mình hiểu rằng mình đã thích người ấy mất rồi…

Khi anh nói: “Anh yêu em”, đó là lúc mình cảm thấy ngập tràn hạnh phúc. Tình yêu đang ở trong tim ta, tuôn tràn như những dòng suối bất tận. Mình cảm thấy biết ơn anh biết bao vì những tình cảm chân thành và trong sáng mà anh dành tặng cho mình.

Những lần đi chơi, anh thường dịu dàng nắm lấy tay mình, nhắc mình nhớ mang áo ấm và dặn dò đủ thứ. Mình có cảm giác thật bé bỏng làm sao, cứ thích được nhõng nhẽo và thích được anh chiều. Anh thường kể về gia đình, về quê hương và những kỷ niệm tuổi ấu thơ. Những lúc ấy, mình cảm thấy rất hạnh phúc vì được chia sẻ với anh thật nhiều.

Đã hai năm trôi qua, anh luôn sát cánh bên mình trong những tháng ngày khó khăn cũng như hạnh phúc. Anh đã nắm tay mình trong ngày mình tốt nghiệp. Mình đã thấy được niềm vui trong mắt anh khi mình được nhận việc làm và niềm tự hào của anh khi mình được tuyển thẳng vào cao học. Mình thích cảm giác khi được cùng anh gặp gỡ những người bạn của nhau, cùng về nhà anh chơi hay cùng về vườn sầu riêng ở nhà mình…

Bờ vai anh cũng không ít lần làm điểm tựa cho mình khóc. Lúc mình gục ngã vì bài học quá nhiều hay không chịu được áp lực của công việc mới chính anh là người động viên, an ủi. Khi mình tủi thân vì không theo kịp bạn bè trong công việc và trong học tập, chính anh là người vực dậy niềm tin cho mình. Mình còn nhớ mãi khi mình nằm bệnh viện, anh đã thức suốt đêm, lau từng giọt nước mắt của mình, đút cho từng thìa cháo, cho mình uống từng viên thuốc…

Những tình cảm mà anh dành cho mình thật đẹp và ấm áp. Anh đã giúp cho mình ngày một cứng cáp, tự tin hơn. Mình thật hạnh phúc và hài lòng khi nhìn lại chặn đường đã qua, không có gì phải hối tiếc.

Mình yêu anh. Với sự thiêng liêng và chân thành của mối tình đầu tiên. Người ta thường bảo mối tình đầu thường mong manh và ít khi đến được bến bờ hạnh phúc. Nhưng mình luôn tin rằng với sự trân trọng của cả hai người, mình sẽ có thể chăm sóc và nuôi dưỡng cây tình yêu, ngày càng xanh tươi, khỏe mạnh…

Lại một mùa hè nữa trôi qua. Nhưng mùa hè này, mình bỗng thấy cô đơn. Mình hiểu rằng anh rất yêu mình. Nhưng đã đến lúc anh cần nhiều thời gian hơn cho sự nghiệp.

Dù rằng anh không dành nhiều thời gian cho mình nữa, dù rằng anh ít khi đi chơi với mình và bàn tay anh cũng không còn nắm chặt lấy tay mình như trước nữa, nhưng mình hiểu và cảm thông với anh nhiều hơn. Mình tin tưởng vào tình yêu của mình, và mình cảm thấy yêu đời hơn và hạnh phúc hơn.

Rõ ràng là ai cũng cần có không gian riêng. Mình hiểu là anh cũng vậy. Đôi khi cách tốt nhất để hòa hợp với ai đó là không ở bên họ. Mình nhớ một câu nói rất hay là “ngay cả những sợi dây đàn cũng cần nằm riêng rẽ cho dù nó cùng tấu lên một bản nhạc”.

Trước đây mình luôn muốn được ở bên anh, muốn anh chia sẻ về mọi thứ, muốn anh quan tâm thật nhiều. Nhưng mình đã hiểu, mình cần biết lúc nào thì nên rút lui và để cho anh được một mình.

Mình mãi mãi trân trọng tình cảm mà anh dành cho. Mình cảm thấy hạnh phúc và hài lòng và không hối hận vì mình đã sống theo cách tốt nhất có thể. Mình tin rằng tình yêu thật sự sẽ mãi xanh tươi, và một ngày tình yêu ấy sẽ lại cất lên những điệu nhạc du dương, thật nhẹ nhàng và tự nhiên như hơi thở, không cần phải sắp đặt, không cần phải lo lắng…

Khi cơn mưa qua, bầu trời lại sáng. Và anh hãy tin rằng em rất yêu anh.