Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Bắc Giang , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 7
Số lượng câu trả lời 123
Điểm GP 6
Điểm SP 190

Người theo dõi (14)

Đang theo dõi (5)


Câu trả lời:

Nhà văn Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Lân, sinh năm 1910 trong một gia đình công chức khá giả. Ông là một trong những cây bút chủ chốt của Tự lực văn đoàn vào những năm ba mươi của thế kỉ XX. Sự nghiệp văn chương đang trên đà phát triển thì ông bị bệnh nặng và mất sớm vào năm 1942, khi mới ngoài ba mươi tuổi. Thông qua đề tài về những số phận bất hạnh trong xã hội đương thời, nhà văn bộc lộ lòng nhân ái sâu xa trước cảnh sống cơ cực của người nghèo. Truyện ngắn và tùy bút của Thạch Lam mang phong cách nhẹ nhàng, trong sáng và tinh tế. Ông đã có những đóng góp đáng quý cho sự nghiệp phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Bài Một thứ quà của lúa non: Cốm, trích trong tập tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường, xuất bản năm 1943, viết về cảnh sắc và phong vị Hà Nội, đặc biệt là những thứ quà, những món ăn dân dã, bình dị mà đậm đà hương vị, thể hiện sự khéo léo trong bản sắc văn hóa lâu đời của người dân đất kinh kì.

Nhà văn đã đưa ra nhận xét tinh tế về món cốm, một đặc sản lâu đời của Hà Nội: “Cốm là thứ quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ”... Bằng tình cảm trân trọng, tác giả đã phát hiện ra nét đẹp văn hóa dân tộc ẩn chứa trong thứ quà quen thuộc ấy.

Đọc kĩ bài văn ta mới thấy được cái hay, cái đẹp của nó. Bao trùm toàn bài là giọng điệu trữ tình, vốn là thế mạnh của Thạch Lam. Cảm xúc dạt dào dường như tuôn chảy trong từng chữ, từng câu, khiến cho bài tuỳ bút giống như một bài thơ lãng mạn bay bổng.

Mở đầu, tác giả không vội trưng ra vẻ đẹp, vẻ thanh của cốm mà từ từ dẫn dắt người đọc đến với thứ quà đặc biệt này bắt đầu từ nguồn gốc của nó:

“Cơn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn có ngửi thấy khi đi qua những cánh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi, ngửi thấy cái mùi thơm mát của bônglúa non không? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại, bông lúa càng cong xuống, nặng vì chất quý trong sạch của Trời”.

Ngòi bút tài hoa của Thạch Lam đã biến một câu giải thích hết sức giản đơn là cốm được dệt nên bởi những hình ảnh và từ ngữ đẹp đẽ, trau chuốt có sức hấp dẫn lạ lùng! Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí và tâm trạng của nhà văn để cùng cảm nhận tất cả những gì có liên quan đến cốm: cơn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên hồ,... nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết. “Lá sen được dùng để gói cốm. Hương thơm của lá quyện vào cốm, tạo cho cốm một mùi thơm đặc biệt, khó quên. Đó là mùi thơm mát của lúa non cùng hương vị ngàn hoa cỏ trên những cánh đồng xanh bát ngát”.

Cách mở bài như thế rất tự nhiên, sinh động và cuốn hút. Dường như tác giả đã vận dụng tốiđa các giác quan để cảm nhận nguồn gốc thiên nhiên trong sạch, thuần khiết của cốm.

Thạch Lam không đi sâu giới thiệu cách thức làm ra cốm mà chỉ viết vắn tắt: “Đợi đến lúc vừa nhất, mà chỉ riêng những người chuyên môn mới định được, người ta gặt mang về. Rồi đến một loạt cách chế biến, những cách thức làm từ đời này sang đời khác, một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn, các cô gái làng Vòng làm ra thứ cốm dẻo và thơm ấy”...

Ởngoại thành Hà Nội, có tới mấy làng nghề làm cốm nhưng cốm làng Vòng vẫn nổi tiếng là dẻo và thơm nhất. Thời xưa, cốm Vòng được dùng để tiến vua. Hằng năm, cứ đến độ thu sang là người Hà Nội lại nhớ đến cốm Vòng, lại ngóng trông những “côhàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng” và dáng đi nhịp nhàng, uyển chuyển.

Có lẽ tất cả sự trân trọng và tình cảm mến yêu của tác giả đối với món cốm được thể hiện tập trung nhất ở lời nhận xét trân trọng sau đây: “Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ”... cốm vốn được làm từ hạt lúa non của giống nếp cái hoa vàng nổi tiếng. Một ngày đầu tháng tám, đi dạo ở những vùng trồng lúa, ta sẽ thấy ngạt ngào mùi lúa chín xen lẫn mùi cỏ, mùi đất của quê hương, làm cho lòng nhẹ nhõm và phơi phới.

Cốm gắn liền với phong tục tập quán của dân tộc ta - một dân tộc chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước. Cũng như bánh chưng, bánh giầy, cốm là sản phẩm được làm ra từ hạt lúa. Vượt lên giá trị vật chất, cốm đã trở thành một sản phẩm chứa đựng giá trị tinh thần của đời sống văn hóa dân tộc Việt. Ta có thể thấy rõ sự ngạc nhiên thích thú của Thạch Lam khi ông viết:

“Ai đã nghĩ đầu tiên dùng cốm để làm quà biếu Tết. Không còn gì hợp hơn với sự vương vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi... Và không bao giờ có hai màu lại hòa hợp hơn được nữa: màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị năng đỡ nhau để hạnh phúc dược lâu bền”...

Nhà văn đã nhận ra ý nghĩa sâu xa trong việc dùng hồng và cốm làm quà sêu Tết. Nhà trai đem lễ vật đến nhà gái, còn gì quý hơn là hồng với cốm?! “Cốm là thức dăng của đất trời”, có hương vị vừa thanh nhã vừa đậm đà, là sự kết tinh của nhiều giá trị (thiên nhiên và công sức con người). Cốm màu xanh ngọc, hồng màu đỏ thắm. Hai màu tương phản đi với nhau thật ăn ý, tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương, cho trai gái xứng đôi vừa lứa và cũng là hi vọng vào mối nhân duyên tốt đẹp, vững bền.

Sự chuyển mạch của cảm xúc trong bài văn rất tự nhiên. Tác giả luận bàn từ nguồn gốc, giá trị của cốm rồi đến cách thưởng thức cốm. Bối cốm là món quà thanh nhã nên có “không phải thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh dạm của loài tháo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một còn giữ lại cái áp của những ngày mùa hạ trên hồ. Chúng ta có thể nói rằng trời sinh Lá sen để bao bọc cốm, cũng như trời sinh cốm nằm ởtrong lá sen”... Cũng bởi cốm là món quà trang nhã của Thần Nông đem đến cho ta từ những cánh đồng bát ngát nên nó không chấp nhận được những gì phàm tục. Ăn cốm ta phải ăn từng chút một, vừa nhai nhỏ nhẹ vừa ngẫm nghĩ đến vị thơm của cốm thoang thoảng mùi lúa làm đòng, vị ngọt của cốm phiêu phiêu như khí trời trong sạch. Ta sẽ thấy ăn một miếng cốm là nuốt cả hương thơm của đồng quê vào lòng.

Quả là không thừa khi tác giả đưa ra lời khuyên những người mua cốm: “Hỡi các bà mua hàng! Chớ có thọc tay hay mân mê thức quà thần tiên ấy, hãy nhẹ nhàng mà nâng dỡ, chút chiu, mà vuốt ve. Phải nên kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người, và sự cố sức tiềm tàng của thần Lúa. Sự thưởng thức của các bà sẽ được trang nhã và đẹp đẽ hơn, và cái vui cũng sẽ tươi sáng hơn nhiều lắm”.

Để viết được những câu văn đẹp và hay như vậy, chắc chắn Thạch Lam đã rung cảm thực sự. Bài văn chính là tiếng nói của lòng yêu mến chân thành của nhà văn đối với những sản vật bình dị mang đậm hồn quê hương, đất nước.

Bài văn trên đây xứng đáng được xem như một bài thơ trữ tình xuất sắc. Từ một món ăn dân dã là cốm, tác giả đã đề cập đến nhiều điều có ýnghĩa sâu xa trong cuộc sống. Có một cái gì đó thật gần gũi giữa hương vị thanh đạm của cốmvới phẩm chất thuần hậu, chất phác của những người nông dân một nắng hai sương, gắn bó với mảnh đất của tổ tiên, ông cha để lại; đổ bao mồ hôi, công sức để làm ra hạt lúa nuôi đời.

Câu trả lời:

Ai cũng được sinh ra từ trong lòng mẹ nhưng không hẳn ai cũng được sống, được nuôi dạy và trưởng thành trong vòng tay và tình yêu thương của mẹ. Đối với riêng tôi, tôi luôn tự hào vì tôi có một người mẹ luôn yêu thương tôi, luôn hi sinh cho tôi, luôn chăm sóc tôi và sẻ chia bao tâm tư cùng tôi. “ Con yêu mẹ nhiều lắm! Hỡi người mẹ kính yêu của con!.....”

Mẹ là người quan tâm đến tôi nhất, mẹ cũng là người mà tôi yêu thương và mang ơn nhất trên đời này. Có thể mẹ tôi không đẹp như những người phụ nữ khác nhưng đối với tôi điều đó chẳng có gì liên quan đến tình yêu thương và công lao trời biển mà mẹ dành cho tôi cả! Tôi yêu mẹ tôi hơn tất cả bởi vì tình yêu thương ấy sẽ chẳng có gì trên thế gian này có thể đánh đổi được. Tôi yêu cái dáng nhỏ gầy của mẹ. Tôi yêu mái tóc đen mượt cắt ngang vai của mẹ vì mái tóc ấy có hương thơm mà sẽ không bao giờ làm tôi nhầm lẫn với hương tóc của ai khác. Tôi yêu những nếp hăn của cái tuổi gần bốn mươi, bao lo âu in hằn trên khóe mắt mẹ. Tôi yêu đôi bàn tay chai sạn của mẹ vì những lúc đôi bàn tay chai sạn ấy vuốt lên mái tóc tôi, tôi cứ có cảm giác sao mà nó lại mềm mại và đầy yêu thương đến như thế! Tôi yêu từng giọt mồ hôi lăn dài trên trán mẹ. Tôi yêu từng ánh mắt, nụ cười, giọng nói đến sự vất vả của mẹ. Mẹ đã phải vất vả sớm hôm để nuôi tôi khôn lớn. Tôi yêu tất cả những gì thuộc về mẹ và đối với tôi, mẹ là người đẹp nhất!

Từ nhỏ đến lớn, tôi đã đón nhận tình yêu thương vô hạn của mẹ. Đã nhiều lần tôi tự đặt câu hỏi: “ Tại sao mẹ lại chấp nhận hi sinh vô điều kiện vì con? Tại sao mẹ phải làm như vậy mẹ ơi?”. Có lẽ tôi đang dần hiểu được sự hi sinh cao cả của mẹ dành cho tôi nhưng chắc là sự hiểu biết của tôi chỉ là một chút, một chút xíu thôi! Chắc nó chỉ là một hạt cát nhỏ trên một hoang mạc rộng lớn, cũng có thể nó chỉ là một giọt nước nhỏ trong một vùng biển đại dương mênh mông. Mẹ luôn yêu thương tôi, luôn dành cho tôi những gì tốt đẹp nhất vậy mà có những lúc tôi nghĩ mẹ thật quá đáng… Đã bao lần mẹ mắng tôi và tôi đã khóc, khóc vì cay đắng uất ức chứ đâu khóc vì hối hận? Rồi cho đến một ngày, chỉ vì mải chơi mà tôi quên đi đón em tôi. Lúc mẹ về hỏi, tôi mới hoảng hốt đạp xe ra cổng trường thì thấy cổng trường chẳng còn bóng học sinh nào cả. Mẹ tôi cũng hoảng hốt, lo sợ, tôi đã bị mẹ mắng và tôi đã cãi lại mẹ. Tôi đã cãi lại mẹ bằng những ngôn từ mà đáng nhẽ ra một đứa trẻ như tôi không được phép nói như vậy. Vừa nói tôi vừa khóc, những giọt nước mắt của một cô bé mười hai tuổi sao lúc ấy xen lẫn sự tức giận, sự sợ hãi và hình như còn có cả niềm yêu thương. Cứ tưởng tôi sẽ ăn một cái tát đau điếng…..nhưng không mẹ tôi chỉ lặng người, khuôn mặt mẹ tái nhợt, có gì đó khiến tôi không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ.

Sau đó tôi chạy về phòng và đóng sầm cửa lại mặc cho bố đứng ngoài và gọi mãi. Sau đó tôi nghe thây tiếng chuông điện thoại của bố và tôi được biết bác hàng xóm đã đón em tôi rồi! Tôi cảm thấy vui nhưng rồi lại buồn, lại khóc. Tôi cứ nằm lì trong phòng từ chiều đến tối. Tôi không ăn tối và tôi cũng chẳng học bài. Tôi khóc….khóc nhiều lắm, ướt đẫm cả chiếc gối nhỏ. Đêm càng thao thức và trằn trọc, tôi suy nghĩ về chuyện buổi chiều. Tôi cũng không thể hiểu nổi tại sao lúc đó tôi lại có thái độ như thế với mẹ nữa. Đầu óc tôi cứ rối tung lên. Nhưng rồi cái suy nghĩ miên man đã làm tôi thiếp dần. Sáng hôm sau tôi thức dậy sớm hơn mọi ngày, tôi nằm trên giường và suy nghĩ lại. Khoảng một tiếng sau, tôi bước xuống giường và mở cánh cửa phòng. Mọi ngày tôi nhanh nhẹn là thế vậy mà sao hôm nay tôi lại chậm chạp và run lên bần bật thế này? Tôi cảm thấy bước chân của tôi nặng trịch. Tôi xuống bếp tìm mẹ, mẹ tôi đang làm bữa sáng cho cả nhà. Tôi cố lấy hết can đảm, cố hít một hơi thật dài, thật sâu, tôi lấy hết dũng khí để đến xin lỗi mẹ. Rồi, tôi đã nói những lời xin lỗi mẹ một cách chân thành nhất, ăn năn để mong mẹ tha lỗi. Lúc đó, tôi muốn được mẹ ôm tôi vào lòng. Bỗng tôi trào nước mắt và mẹ tôi cũng đã rưng rưng, mẹ tôi cũng đã khóc. Mẹ ôm tôi vào lòng đúng như mong muốn của tôi. Ôi! Cái cảm giác ấy thật sung sướng biết bao! Đã bao lâu rồi tôi mới ôm mẹ nhỉ? Và chắc có lẽ đây là lần đầu tiên mà tôi cảm thấy cái cảm giác được mẹ ôm và lòng mới sung sướng, hạnh phúc biết nhường nào! Tôi vui sướng đến nỗi muốn ôm chặt mẹ mãi không thôi vì tôi sợ nếu buông tay ra thì cái cảm giác ấy sẽ bay xa mất…..

Mẹ đã cho tôi tất cả: cho tôi hình hài, sự sống, cho tôi tình yêu thương, sự che chở,….mẹ cho tôi biết bao nhiêu điều vậy mà tôi vẫn chưa báo đáp được gì cho mẹ. Tôi muốn nói với mẹ rằng: “ Mẹ ơi! Bây giờ con đã lớn rồi! Khi con mắc lỗi mẹ nghiêm khắc nhắc nhở, mẹ không đánh, không mắng con. Con đã biết yêu thương và nghe lời mẹ. Con đã không giận mẹ nữa, con chỉ biết cúi đầu nhận lỗi và hứa sẽ không bao giờ tái phạm. Con muốn cảm ơn mẹ vì mẹ đã sinh ra con, đã chăm sóc và yêu thương con trong mười hai năm trời và mãi mãi. Con cảm ơn mẹ vì khi con vui hay con buồn đều luôn có mẹ bên cạnh để an ủi, chở che và tâm sự. Con cảm ơn mẹ vì sau những thất bại của con thì con luôn có mẹ đứng sau để động viên con cố gắng. Con cảm ơn mẹ vì sau những thành công của con đều luôn có nu cười và hình bóng của mẹ. Vậy mà có nhiều lúc con vô tâm đến hững hờ, chỉ quan tâm đến riêng con mà con không hề hay biết rằng mẹ đang già đi cùng năm tháng. Để rồi bao lần con bắt gặp mẹ đang khóc một mình, con muốn đến bên cạnh mẹ nhưng con không đủ tự tin. Con thật đáng trách phải không mẹ? Và con sẽ đau đớn biết nhường nào nếu có một ngày con phải rời xa mẹ, có một ngày mà con không được mẹ yêu thương…. Con sợ lắm khi những lúc con vấp ngã con sẽ phải tự đứng lên bằng đôi chân của mình mà không có mẹ bên cạnh, sợ lắm những lúc có tâm sự mà con chẳng có ai để sẻ chia, sợ lắm khi sau mỗi bước đi thành công của con, quay đầu nhìn lại thì không thấy mẹ nữa…..Mẹ kính yêu ơi! Xin mẹ đừng bao giờ rời xa con nhé! Mẹ là cả cuộc đời của con, mẹ là người mà con yêu thương, kính trọng nhất và mẹ cũng là người mà con muốn cảm ơn nhiều nhất! Con hứa với mẹ con sẽ luôn chăm ngoan, học giỏi để đề đáp công ơn sinh thành của mẹ - đấng sinh thành của đời con…..”

“ Mẹ ơi! Mẹ hi sinh cho con biết bao nhiêu điều thế mà mẹ chưa hề đòi trả công, thế nên mẹ mới là người tuyệt vời nhất, cao cả nhất, vĩ đại nhất.” Đi suốt cuộc đời này con sẽ chẳng tìm dược một người nào như mẹ, sẽ chẳng bao giờ con tìm được ai luôn yêu thương con như mẹ, sẽ chẳng bao giờ con tìm được ai sẵn sàng hi sinh vì con bất cứ lúc nào như mẹ. Ôi mẹ yêu của của con! Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất trên đời này, sẽ chẳng bao giờ tôi chấp nhận đánh đổi tình cảm ấy bẳng bất cứ điều gì cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào đã chà đạp lên tình thương yêu đó. Mẹ yêu ơi! Nếu bây giờ mẹ có mặt ở đây, ngay lúc này thì con sẽ chẳng ngại ngùng gì mà sẽ ôm chầm lấy mẹ và con sẽ nói lên ba tiếng thật to rằng: “ Con yêu mẹ.”

Câu trả lời:

Thời gian thấm thoắt trôi qua , tôi bỗng giật mình - Nhanh thế . Tôi đã 14 tuổi và là cô bé lớp 7. Cái tuổi bắt đầu “dở hơi” vì chưa hết trẻ con mà đòi làm người lớn như từ cô giáo tôi thường dùng khi nói lũ học trò chúng tôi. Tôi bắt đầu biết nghĩ và nghĩ nhiều hơn về những người quanh mình, bố mẹ. bạn ...

Bạn biết không, nếu cha mẹ cho ta hình hài, cho ta sự sống thì thầy cô là người cho ta đôi cánh niềm tin, tri thức để bay vào tương lai. Chẳng thế mà ông bà ta thường dạy “cha mẹ khai sinh, thầy giáo khai tâm”. Tháng 11 lại về, cả trường chúng tôi bắt đầu phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Lớp nào, bạn nào cũng muốn có những lời nhận xét hay, có những điểm mười tươi roi rói trong đợt thi đua sôi nổi nhất năm học này. Niềm vui đó không chỉ riêng của chúng tôi mà của tất cả các thầy cô vì trò mình học ngoan hơn, giỏi hơn, tiến bộ hơn trước. Dù là một học sinh giỏi nhưng không phải môn nào tôi cũng thích, thậm chí có những môn tôi còn ghét nữa. Nhưng môn Ngữ văn – cái môn học mà các bạn ngại nhất, sợ nhất nhưng lại không dám lơ là thì lại là môn tủ của tôi. Và ấn tượng với tôi hơn cả, người dắt tôi vào niềm đam mê văn chương ấy là cô giáo chủ nhiệm, cô giáo dạy Văn của tôi từ khi tôi lên cấp THCS. Lãng mạn, sâu sắc, truyền cảm, biết yêu thương và biết khơi dậy ước mơ trong lòng lũ học trò nhỏ - đó là những gì mà tôi thường nghĩ về cô. Với chúng tôi cô là một người bạn, người chị, người mẹ. Học với cô, đứa nào cũng có một ước mơ nho nhỏ, có đứa thì nói ra bằng lời, có đứa thì thầm lặng nuôi những ước mơ. Gần thì ước cuối năm đạt học sinh giỏi, xa hơn thì đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh rồi thi vào trường chuyên. Từ khi gặp cô, lòng tôi được thắp sáng ước mơ bởi những câu chuyện về tuổi học trò của cô, những câu chuyện về trường, lớp về thầy gáo cũ, về bạn bè gần 20 năm trước và bây giờ. Bằng tất cả niềm tự hào, tình yêu thương về cái tập thể 24 con người và thầy dạy văn năm xưa, cô muốn truyền cho chúng tôi bài học về tình yêu, lòng đam mê và những ước mơ đẹp. Tôi còn biết, so với các bạn cùng lớp, cô không thành đạt bằng mọi người. Bởi thế cô muốn chúng tôi thay cô thực hiện những ước mơ chưa chọn vẹn ấy. Tôi vừa yêu thương vừa khâm phục và hơn hết muốn cùng cô đi hết ước mơ tuổi học trò và muốn nói với cô rằng: “Cô ơi, cô không thua kém ai cả vì cô đã làm được cái điều kì diệu nhất – thắp sáng những ước mơ trong lòng chúng con”.

Tuổi học trò của tôi đã đi qua hơn nửa nhưng trong lòng tôi những ngày tháng ấy là miền kí ức đẹp và hình của cô thật khó phai mờ. Mỗi ngày đến trường, tôi lại được gặp cô, gặp bạn bè và hạnh phúc biết bao lại được nghe giọng cô ấm áp. Và sâu thẳm trong tôi, khát vọng được đi tiếp ước mơ còn dang dở của cô 20 năm về trước. Lúc ấy, sẽ chạy về bên cô, ôm lấy cô mà thủ thỉ rằng: “Ước mơ của cô năm xưa, nay đã là ước mơ của con và sẽ là ước mơ của các em học trò ở thế hệ tiếp nối”

Câu trả lời:

Mùa xuân là mùa của cây cối sinh sôi nảy nở, mùa xuân cũng là mùa của biết bao nhiêu thế hệ thi sĩ đắm chìm vào những bài thơ miêu tả xuân. Nếu như đa số những nhà thơ nói đến cái màu sắc yêu kiều tinh khôi của xuân vào buổi sáng bình mình xây xanh nắng dội thì Anh Thơ lại chọn riêng cho mình tả mùa xuân vào buổi chiều. Và bài thơ Chiều Xuân ra đời như thế, qua đây ta thấy được thêm những nét đẹp của mùa xuân vào buổi chiều – vẻ đẹp êm đềm trên những cánh đồng quê hương dịu ngọt.

Nhà thơ vẽ lên một bức tranh mùa xuân vào buổi chiều , bức tranh ấy cũng bắt đầu bằng hình ảnh của mưa xuân êm đềm:

“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,

Đò biếng lười nằm mặc nước trôi sông;

Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng

Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”

Không gian mở ra trên bến đò xưa cũ và bức tranh mùa xuân hiên lên có sự có cả âm thanh, màu sắc, hình ảnh. Tứ thơ mùa xuân lan tỏa trong từng hình ảnh từng chi tiết, từng lời thơ. Đó là những hình ảnh đặc trưng của mùa xuân xứ Bắc: mưa bụi êm đềm, chùm hoa xoan tím rụng trên quán nhỏ…hình ảnh cơn mưa bụi gợi lên sự êm đềm phảng phất của những hạt mưa xuân nhỏ nhẹ êm êm. Chiều xuân cũng vắng như những buổi chiều, con đò được nhân hóa như biết lười biếng để mặc cho nước trôi lững lờ cong mình thì nằm im lìm trên bến vắng đó. Trước mắt ta là một cảnh tượng hữu tình sông nước bến vắng với con đò. Anh Thơ không phải tìm đâu xa mà những hình ảnh bình thường nhưng lại nên thơ ấy đã như phô trước mắt chỉ cần một tâm hồn biết cảm nhận là toát lên những lời thơ tuyệt vời. Quán nước cũng lim lìm trong sự vắng lặng ấy, chòm xoan hoa tím rụng tơi bời. Mùa chiều vốn tàn tạ nhưng mùa xuân thì nảy nở sinh sôi. Vậy Anh Thơ đã cho ta biết thêm một vẻ đẹp nhẹ nhàng lững lờ của mùa xuân nữa. Mọi thứ đều hoạt động một cách nhẹ nhàng phảng phất buồn trong sự vắng lặng của con người.

Sang khổ thơ thứ hai lại là một phiên cảnh khác, không phải là cảnh bến vắng con đò lười nữa mà là cảnh mùa xuân trên những triền đê :

“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,

Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ

Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.

Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”

Màu sắc của cỏ cũng trở nên thật dịu nhẹ làm sao, sắc cỏ dịu dàng tràm biếc cỏ. Sắc màu ấy không rực rỡ không chói chang không nổi sóng như bài xuân chín của Hàn Mạc Tử, cũng không bàng bạc thời gian như trong thơ Quach Tấn, mà sắc màu ấy là gam màu của cuộc sống được khúc xạ qua một tâm trạng ngẩn ngơ một chút buồn vu vơ của thi sĩ. Những con sáo đen sà xuống mổ vu vơ, mấy cánh bướm thì chập chờn trong gió, những đàn trâu thong thả ăn những búi cỏ ướt đẫm mưa xuân. Ở đây ta cảm thấy được nghệ thuật ngôn từ của nhà thơ quả thật rất hay. Những con số như “đàn”, “mấy”, “những” thể hiện sự nhiều, sự đầy đủ nhưng cũng không quá đông của những con vật làm đẹp cho bức tranh chiều mùa xuân ấy. Và đặc biệt là hình ảnh cánh bướm thì trôi trước gió, đàn trâu thì ăn mưa. Người ta chỉ hay nói rằng trôi theo nước, ăn cỏ hay uống mưa chứ không ai nói như thi sĩ cả. Những cái vô lý ấy lại trở thành cái có lý thành những hình ảnh nghệ thuật vô cùng đẹp. Nó nhằm thể hiện lên sự dập dìu của thiên nhiên cảnh vật, cánh bướm mỏng manh bay trong gió tựa như đang trôi theo những làn gió nhẹ nhàng ấy. Đàn trâu gặm những búi cỏ ướt đẫm những hạt mưa xuân như đang ăn mưa vậy.

Chia tay cảnh chiều xuân trên triền đê bãi cỏ chúng ta đến với cảnh xuân trên trong ruộng lúa nước thân quen:

“Trong đồng hoa lúa xanh dờn và ướt lặng,

Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,

Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.

Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa”

Cơn mưa xuân êm êm kia cũng làm cho những cây lúa trên đồng ướt lặng. Cái chữ lặng kia làm cho chúng ta thấy được sự lặng lẽ êm đềm của cảnh vật xuân nơi làng quê. Cánh đồng không thiếu đi hình ảnh những con cò chân đứng chân co rồi lại chốc chốc bay vút lên bầu trời kia. Cánh cò cứ bay lả rập rờn như thế. Cái hành động chốc chốc bay ra ấy khiến cho những cô gái yếm thắm giật mình. Cái giật mình ấy thật đáng yêu làm sao. Hình ảnh những người con gái xưa duyên dáng vơi chiếc yếm trên thân mình gợi cho ta bao niềm liên tưởng về những con người ngày xưa. Đặc biệt câu thơ cuối với bốn từ liền nhau đều mang âm đầu là “c” “cúi cuốc cào cỏ” thể hiện sự nhịp nhàng trùng điệp. Những cô gái yếm thắm ấy không chỉ duyên dáng trong trang phục của người xưa mà còn đẹp với cái nết na chăm chỉ vun vén cho những cây lúa tốt tươi, cuốc những cây cỏ đang ra hoa kia đi.

Như vậy có thể nói ba cảnh ấy hợp lại thành một bức tranh chiều xuân với nét đẹp vẫn sinh sôi nảy nở nhưng lại êm đềm vắng vẻ và thoáng chút buồn vu vơ của người thi sĩ. Có thể nói ta cảm nhận được sau bức tranh ấy là một tâm hồn thuần phát trong sáng của nhà thơ.