Bài làm
Năm nay, giữa tháng bảy Âm lịch, nước từ thượng nguồn sông Hồng đổ về, gây ra cảnh ngập lụt kéo dài. Ruộng vườn, nhà cửa, trường học, trạm y tế… của bao làng xóm ven sông bị nhấn chìm trong biển nước. Xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ quê em là một vùng đất bải nằm ngoài đê cho nên thường phải hứng trọn những hậu quả ghê gớm của mùa lũ. Từ trên đê nhìn xuống, sông Hồng ngầu đỏ phù sa, cuồn cuộn chảy, cuốn theo vô số thứ, từ những cây rừng bật gốc, những mảnh thuyền vỡ nát, đến những căn nhà làm bằng tre nứa cũng bị cuốn trôi vùn vụt cùng với những bè lau sậy… Mặt sông lúc này trông thật đáng sợ. Bờ bãi bên kia sông bị đẩy lùi ra xa tít tắp.
Gần một tuần nay, mưa tầm tã. Bầu trời xám xịt, chớp rạch nhoang nhoáng, sấm sét đì đùng. Gió quật tơi tả những vườn chuối, vườn ngô xanh tốt. Nước lũ dâng cao đã đến mức báo động số 3. Tình hình rất nguy cấp. Chính quyền xã đã kịp thời sơ tán dân chúng vào phía trong đê. Mấy chục dãy lán dựng tạm cho bà con có chỗ trú thân. Trâu bò cũng được tập trung trên gò đất cao ở gần điếm canh. Đội thanh niên xung kích đi tuần liên tục để phát hiện những chỗ rò rỉ ở thân đê. Dân làng đành bó tay đứng nhìn những ngôi nhà ngập trong nước và thành quả lao động suốt mấy tháng trời giờ bị lũ cướp trắng mà lòng xót xa, lo lắng.
Trong những ngày này, tình nghĩa xóm giềng gắn bó hơn bao giờ hết. Mọi người san sẻ cho nhau từng cân gạo, bát ngô, mớ củi, bó rau, con cá… Sau khi tình hình ngập lụt ở xã em được chiếu trên tivi, có rất nhiều cơ quan, đoàn thể và những người hảo tâm đã mang hàng cứu trợ đến tận nơi. Quần áo, sách vở, lương thực, thuốc men… được đưa đến tận tay từng người, từng nhà. Do đó sinh hoạt hằng ngày cũng đỡ khó khăn. Bác Đức Bí thư Đảng ủy xã, bác Dương Chủ tịch xã thay mặt bà con địa phương cảm ơn sự quan tâm thiết thực của mọi người.
Trong hoàn cảnh thiên tai gian nan, khốn khó như thế này, em càng thấm thía ý nghĩa của những câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách, Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tình cảm đoàn kết, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc hiểm nguy, hoạn nạn đã trở thành một truyền thống tốt đẹp từ bao đời của dân tộc Việt Nam ta.
Bài làm 2
Thiên nhiên sẽ chẳng bao giờ biết nương tay nếu chúng ta vẫn tiếp tục không tuân thủ những quy luật vận hành của nó. Càng bước sang thế kỷ văn minh, con người càng phải chịu những cơn thịnh nộ kinh hồn của thiên nhiên. Sóng thần ở Inđônêxia hay cơn bão khủng khiếp Catina vừa đổ bộ vào nước Mỹ tuần này rõ ràng là những minh chứng không gì thuyết phục hơn cho điều ấy.
Một biển nước mênh mông với bao điều đáng sợ chiếm trọn mười phút mục dự báo thời tiết của đài truyền hình. Cơn bão dù đã được dự báo trước nhưng người dân Mỹ vẫn phải hứng trọn một lần nổi giận của thần biển Pôdây đông. Cả một thành phố công nghiệp chìm trong mênh mông biển nước. Thuyền cứu hộ chạy ầm ầm trong thành phố như chạy giữa mặt sông. Lác đác đây đó còn lại một vài ngôi nhà nổi lên phần nóc hoặc trần. Trên đó không biết có bao nhiêu người đang gào khóc dơ tay cầu cứu. Tình cảnh trông đến thảm thương. Chẳng ai có thể ngờ được ở nước Mỹ lại có những cảnh tượng đau lòng như vậy.
Nước trong thành phố bắt đầu chuyển màu đen. Nó bị ô nhiễm nặng bởi bao nhiêu thứ trong đó có không ít xác người. Cả thành phố ngột ngạt trong cảnh không điện, không thức ăn, nước uống, không thuốc men. Tình cảnh gợi những căn bệnh hiểm nghèo dễ dàng lấn đến trong nay mai. Cả thành phố vẫn đang kêu cứu còn nước thì chưa hề có dấu hiệu rút đi. Cả nước Mỹ đang ở tình trạng vô cùng khẩn cấp.
Cũng may mấy ngày sau,. Nước rút và nhờ có sự nỗ lực của tất cả mọi người đặc biệt là của quân đội, cảnh sát và những tình nguyện viên, nhiều người dân đã được cứu ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy phải chen chúc trong những trại tập trung nhưng họ vẫn còn may mắn hơn bao người chết đói, chết rét hay bị bão lũ cuốn đi.
Ôi! Còn thiệt hại về vật chất thì không thể nào kể nổi. Nhà thì đổ, ô tô bị nước cuốn trôi, đường dây điện đứt… nước rút đi nhưng cả thành phố vẫn ngập trong bùn đất đen nhánh và nhão nhoét. Hết bão nhưng bây giờ mới là lúc bệnh tật hoành hành. Đấy là còn chưa kể nỗi đau thê thảm của bao gia đình mất người thân. Phải có đến hơn một nửa số gia đình trong trận bão phải chịu cảnh "tan đàn sẻ nghé". Sự mất mát đau thương ngày một lớn thêm không thể lấy gì bù đắp. Dù cả thế giới đang nỗ lực hết mình với tinh thần tương thân tương ái nhưng so với những mất mát đã qua sự bù đắp ấy chẳng thấm tháp gì.
Dù chỉ được nhìn thấy qua màn ảnh nhỏ nhưng tôi có thể cảm nhận hậu quả trận bão thật là to lớn. Cả thế giới đang hướng về nước Mỹ bằng một sự cảm thông nhưng qua đó, quốc gia nào cũng phải giật mình. Thiên nhiên không phải dễ gì nắm bắt và điều tiết được dù quốc gia ấy có thế lực kinh tế lớn đến cỡ nào.
Bài làm 3 :
Mùa mưa đến rồi, mùa mưa kéo theo những cơn lũ lụt và gió bão. Trên ti vi, lúc nào cũng thấy cảnh chết chóc đau thương khiến em phải xúc động nghẹn ngào. Quê em còn lạ gì cảnh đó. Dư âm của trận lũ lụt năm 2009 vẫn còn đọng lại trên mỗi người dân nơi này.
Trước đó, quê em rất ít bão lụt, vì vậy nên khi nghe nói bão mọi người vẫn không chuẩn bị nhiều. Đó là một điều phải hối hận vì chỉ vài ngày sau khi thông báo, khắp bầu trời bị mây đen che khuất và những cơn mưa bắt đầu. Mưa lớn tới rất bất ngờ, hôm qua còn nắng mà hôm nay đã mưa dầm dề. Bất ngờ, lớn và kết hợp với gió bão đã làm người dân điêu đứng vì không kịp trở tay. Chỉ trong một ngày mà nước đã ngập trắng cả ruộng đồng. Đêm hôm lũ đến, cả nhà em không ai dám ngủ. Điện đóm đã bị cúp hết, trong ánh đèn dầu mờ ảo, khuôn mặt của mọi người hiện lên với vẻ đầy lo âu. Bỗng “soạt” gió lớn đã bốc một tấm ton của mái bếp bay lên trời. Em sợ hãi vô cùng, mẹ thì cứ loay hoay mãi vì sợ nước vào nhà, nhà em không có mái gác, thật đáng tiếc. Trong nhà, chỉ có mỗi bố là bình tĩnh, bố vạch ra một kế hoạch và cả nhà tíu tít làm theo. Bỗng mẹ hét lên:
- Nhìn kìa!
- Nước đã vào nhà sau của em rồi. Ở xóm này, nhà em cao có hạng, vậy mà vẫn bị nước vào thì những thấp hơn chắc là đã tới đầu gối rồi. Đúng sáu giờ sáng, mưa giảm đi, nhưng mực nước lũ thì vẫn cứ dâng cao. Khắp nhà em chỗ nào cũng toàn nước là nước. Mọi người đều leo lên giường nằm cả, chỉ có mẹ là mang ủng đi xuống bếp nấu ăn cho cả nhà. Vì mưa lũ nên không đi chợ được và vì thế nhà em không có gì ăn, tới bữa chỉ có vài chén cơm và một ít nước mắm mà thôi. Trước giờ, chưa bao giờ em phải chịu kham khổ như thế. Bây giờ, cầm chén cơm lên mới thấy hết vị ngọt của cái ăn và vị đắng của cái đói cồn cào. Đang suy nghĩ miên man bỗng có tiếng gọi cửa, bố em vội ra mở. À, thì ra các chú trưởng thôn, phó thôn đi phát mì cho các gia đình. Nhà em có bốn người, các chú phát cho mười hai gói, nói vài câu với bố rồi sau đó đi phát tiếp. Bố vẫy tạm biệt họ rồi vội chạy vào buồng, báo cho mọi người hay một tin dữ: các đập nước trong tỉnh đang thay phiên nhau xả một lượng nước rất lớn ra ngoài. Nghe tin, cả nhà em hốt hoảng vô cùng. Và việc xả lũ ngay lập tức được chứng minh khi một loạt nước ùa vào giường. Thế là từ giường, mọi người ùa lên đầu tủ ngồi và ngủ trên đó khi về đêm. Thực chất chỉ có mình em và bà ngủ, còn bố mẹ thì không ngủ mà ngồi canh mực nước. Cuộc sống cứ tiếp diễn như thế cho đến năm ngày sau, nước bắt đầu rút dần và hai ngày nữa thì hết hẳn. Cả nhà em vui mừng khôn xiết, tíu tít khiêng vác đồ đạc, lau dọn lại nhà cửa trong niềm vui bất tận.
Bấy giờ, trận lũ kinh hoàng ấy đã qua đi, nhưng em biết rằng, với sự ô nhiễm môi trường và tình trạng gia tăng biến đổi khí hậu sẽ vẫn hứa hẹn vô số những trận lũ khác. Và em cũng biết, để sống tốt cần phải yêu thiên nhiên và đừng bao giờ phá hoại thiên ..
Bài làm 4 :
Chắc hẳn các bạn còn nhớ cơn bão số năm vừa qua đã gây thiệt hại về người và của đối với vùng đồng bằng sông nước Cửu Long.
Làng tôi ở vùng biển, tôi còn nhớ rất rõ hôm đó, vào khoảng ba giờ chiều, bỗng mây đen từ đâu ùn ùn kéo đến bao phủ cả bầu trời.Trời đang sáng giờ đây tối sầm lạ.Gió bắt đầu nổi lên ào ào, sức gió làm cho những cành cây chao đảo, bụi đường bay mù mịt.Mua ù xuống khiến cho mọi người không tưởng tượng được là mưa lại kéo đến nhanh thế.
Nước xiên xuống, lao xuống,lao vào các bụi cây.Tiếp đến mua đổ ầm ầm trên mái nhà, nước chảy đỏ ngòm bốn bể sân cuồn cuộn dồn vào các rãnh cống. Gió giờ đây mỗi lúc một lớn, rồi bất thình lình một cơn gió giật phăng mái ngói nhà tôi, mưa xối nước xuống nền nhà. Cả gia đình tôi chưa kịp hoàn hồn thì bỗng những mạch nước mạnh như những con trăn khổng lồ không biết từ đâu lao tới. Cả nhà vội chạy lên gác, thì hỡi ôi một cảnh tượng khiến mọi người phải giật minh: đồ đạc trên này đã bị mưa gió làm cho ướt và vỡ hết. Tủ quần áo sập xuống, giường chiếu ướt sũng, ti vi, máy cát-sét vỡ tan tành. Mảnh kính bắn lung tung. Nước lúc này đã dâng cao lên tận mặt sàn của lầu. Trên trời tối đen như mực, sấm chớp nổi ầm ầm. Ba mẹ con tôi sợ quá ôm choàng lấy nhau mà khóc.
Trong lúc không biết xoay xở thế nào, bỗng có tiếng ca nô từ xa vọng lại, rồi tôi thấy các chú bộ đội xuất hiện ngay trước cửa lầu nhà tôi, ba mẹ con tôi được cứu thoát.Mặc dù đã ra khỏi chỗ nguy hiểm, nhưng nhìn cảnh làng xóm ngập chìm trong biển nước mà lòng tôi thấy đau nhói. Hơn một nghìn con người nheo nhóc không có nhà cửa, thậm chí có những gia đình còn mất cả người thân : con mất cha, vợ mất chồng, sự mất mát thật là to lớn.
Cơn bão số năm đã đi qua. nhưng dư âm của nó còn mãi mãi in đậm trong lòng của mỗi người dân vùng sông nước Cửu Long này.