Cả nước hiện có 54 dân tộc anh em. Trong số 54 dân tộc, có những dân tộc vốn sinh ra và phát triển trên mảnh đất Việt Nam ngay từ thửa ban đầu, có những dân tộc từ nơi khác lần lượt di cư đến nước ta. Do vị trí nước ta giao lưu hết sức thuận lợi nên nhiều dân tộc ở các nước xung quanh vì nhiều nguyên nhân đã di cư từ Bắc xuống, từ Nam lên, từ Tây sang, chủ yếu từ Bắc xuống, rồi định cư trên lãnh thổ nước ta. Những đợt di cư nói trên kéo dài mãi cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thậm chí có bộ phận dân cư còn chuyển đến nước ta sau năm 1945. Ðây là những đợt di cư lẻ tẻ, bao gồm một số hộ gia đình đồng tộc.
Trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, dân số giữa các dân tộc rất không đều nhau, có dân tộc có số dân trên một triệu người như Tày, Thái... nhưng cũng có dân tộc chỉ có vài trăm người như PuPéo, Rơ-măm, Brâu... Trong đó, dân tộc Kinh là dân tộc đa số, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân cư nước ta, có trình độ phát triển cao hơn, là lực lượng đoàn kết, đóng vai trò chủ lực và đi đầu trong quá trình đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước, góp phần to lớn vào việc hình thành, củng cố và phát triển cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Tuy số dân có sự chênh lệch đáng kể, nhưng các dân tộc vẫn coi nhau như anh em một nhà, quý trọng, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, chung sức xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cả khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn. Ở nước ta không có tình trạng dân tộc đa số cưỡng bức, đồng hoá, thôn tính các dân tộc ít người, do đó cũng không có tình trạng dân tộc ít người chống lại dân tộc đa số. Ngày nay, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, các dân tộc anh em trên đất nước ta tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.