Bài 15: Công pháp quốc tế về dân cư, lãnh thổ và chủ quyền quốc gia

Luyện tập 3 (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 119)

Hướng dẫn giải

- Trường hợp a. Việc kí kết văn bản thoả thuận tại vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia là cần thiết, xuất phát từ những lí do sau:

+ Khu vực này có sự giao thoa về quyền chủ quyền của cả hai quốc gia, nếu không có sự thoả thuận sẽ dễ dẫn đến căng thẳng, xung đột;

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại khu vực này của hai quốc gia;

+ Phù hợp với tập quán quốc tế về giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, thoả thuận.

- Trường hợp b.

+ Hành vi của nước P vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 vì vị trí khoan cố định cách đường cơ sở của nước M 150 hải lí thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước M. Trong khu vực này, nước M có quyền chủ quyền, do đó, nước P muốn khoan đặt cáp ngầm cần phải có sự thoả thuận với nước M theo quy định tại khoản 3 Điều 79 và Điều 87 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

+ Tuy nhiên, nước P đã đơn phương lắp đặt mà không có sự thoả thuận với nước M.

- Trường hợp c.

Việc làm của tàu M không phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế về quyền chủ quyền của quốc gia ven biển vì tàu M đã dừng lại, bốc dỡ hàng qua một tàu khác trong lãnh hải Việt Nam.

+ Hành vi này của nước M đã vi phạm quy định tại Điều 18 và Điều 19 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Theo đó, hành vi "thả neo dừng lại" mà không thuộc trường hợp có sự cố đã vi phạm quy tắc qua lại trong lãnh hải và việc bốc dỡ hàng hoá đã vi phạm quy định về đi qua không gây hại.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Vận dụng (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 119)

Hướng dẫn giải

* Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH13 chính thức được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.

* Luật Biển Việt Nam có 7 chương với 55 điều gồm các nội dung chính:

- Quy định chung về phạm vi điều chỉnh, thuật ngữ, nguyên tắc quản lý, bảo vệ biển, hợp tác quốc tế về biển cũng như thẩm quyền quản lý nhà bước về biển. Luật Biển Việt Nam nêu rõ quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và các hiệp định, thỏa thuận quốc tế khác mà Việt Nam tham gia.

- Quy định vùng biển và quy chế các đảo của Việt Nam gồm đường cơ sở, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

- Quy định về các hoạt động trong vùng biển Việt Nam, trong đó có các quy định về việc đi qua không gây hại trong lãnh hải, tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải, vùng cấm và khu vực hạn chế hoạt động trong lãnh hải, tàu chiến và tàu thuyền công vụ của nước ngoài đến Việt Nam, quyền miễn trừ và trách nhiệm của tàu chiến và tàu thuyền công vụ nước ngoài trong vùng biển Việt Nam, hoạt động của tàu ngầm của nước ngoài trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam, quyền tài phán hình sự và dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài, tìm kiếm, cứ hộ và cứu nạn, đảo nhân tạo và thiết bị, công trình trên biển, quyền truy đuổi của các lực lượng tuần tra, kiểm soát…

- Quy định về Phát triển kinh tế biển, liên quan đến các nguyên tắc phát triển kinh tế biển, các ngành kinh tế biển, quy hoạch, xây dựng và phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trên các đảo và hoạt động trên biển.

- Quy định về tuần tra, kiểm soát trên biển, với các điều khoản về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển, cờ, sắc phục và phù hiệu.

- Quy định về xử lý vi phạm trên biển, bao gồm các điều khoản về dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm, biện pháp ngăn chặn, thông báo cho Bộ Ngoại giao và xử lý vi phạm./

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 2.b (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 113)

Hướng dẫn giải

* Yêu cầu số 1:

- Biên giới quốc gia bao gồm: biên giới trên bộ; biên giới trên biển; biên giới trên không và biên giới lòng đất.

- Chế độ pháp lí:

+ Biên giới trên bộ được xác định theo quy định của các điều ước giữa các quốc gia liền kề nhau hoặc một số điều ước quốc tế đặc biệt hoặc các quyết định của cơ quan tài phán quốc tế khi các quốc gia hữu quan

+ Biên giới trên biển được xác định bằng các hiệp ước song phương hoặc các Công ước quốc tế về vấn đề biên giới trên biển.

+ Biên giới trên không và biên giới lòng đất được luật quốc tế thừa nhận chung dưới dạng tập quán quốc tế trên cơ sở của đường biên giới trên bộ, trên biển.

* Yêu cầu số 2: Việc kí kết Hiệp ước hoạch định biên giới lãnh thổ trong trường hợp mang lại những lợi ích:

- Giữ vững hoà bình, ổn định tại khu vực biên giới giữa hai quốc gia;

- Biểu hiện của tinh thần đoàn kết, hợp tác giữa hai quốc gia;

- Góp phần thúc đẩy sự phát triển, giao thương kinh tế bền vững giữa hai quốc gia;

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Luyện tập 2 (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 118)

Hướng dẫn giải

- Trường hợp a.

+ Sau khi Chile và Bolivia thừa nhận sông Silala là nguồn nước quốc tế theo phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế thì Chile có quyền khai thác tài nguyên nước đối với sông này.

+ Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng nguồn nước quốc tế phải đảm bảo nguyên tắc công bằng và hợp lí, không làm suy giảm, tổn hại tài nguyên nước và lợi ích của các quốc

gia hữu quan.

- Trường hợp b. Hành vi của nước K đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia của nước M. Nước M có chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối đối với lãnh thổ quốc gia mình, việc nước K bắn rocket vào lãnh thổ nước M là hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ được điều chỉnh bởi pháp luật quốc tế.

- Trường hợp c. Hành vi xâm xanh, xâm cư là hành vi vi phạm quy định về biên giới lãnh thổ. Vì theo Khoản 2 Điều 14 Luật Biên giới quốc gia năm 2003 xâm canh, xâm cư là hành vi bị nghiêm cấm.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 3 (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 114)

Hướng dẫn giải

* Yêu cầu số 1:

- Trong trường hợp này anh A đã vi phạm khi khai thác hải sản tại vùng chồng lấn giữa Malaysia và Indonesia. Vùng biển này thuộc chủ quyền và quyền tài phán của hai quốc gia Malaysia và Indonesia nên việc khai thác hải sản tại đây cần phải có sự cho phép của các quốc gia hữu quan.

- Hành vi này đã vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luat Biển năm 1982 và pháp luật quốc gia của Malaysia, Indonesia, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của hai quốc gia này.

* Yêu cầu số 2: Hành vi của anh A gây ra hậu quả:

- Đối với anh A: bị xử lí hình sự theo quy định của Malaysia, Indonesia.

- Đối với quốc gia hữu quan: xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán.

- Đối với môi trường biển: hành vi khai thác cá trái phép tiềm ẩn nguy cơ làm suy thoái tài nguyên biển.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 2.a (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 112)

Hướng dẫn giải

- Kênh đào S là lãnh thổ quốc gia sử dụng quốc tế, do đó, ngoài việc được điều chỉnh bởi pháp luật của nước B, kênh đào này còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc tế. Kênh đào S là tuyến giao thông huyết mạch nên nước B phải thừa nhận quyền qua lại vô hại của tàu, thuyền. Nước B không thể đơn phương đóng cửa kênh đào này vì lí do xung đột với nước láng giềng.

- Trên bình diện thực tiễn, các quốc gia sở hữu các kênh đào là tuyến giao thông huyết mạch trên thế giới như: kênh đào Suez (của Ai Cập), kênh đào Panama (của Panama) đều kí kết các văn kiện pháp luật quốc tế nhằm đảm bảo tính trung lập và thừa nhận quyền qua lại vô hại của tàu, thuyền các nước.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 1.a (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 109)

Hướng dẫn giải

* Yêu cầu số 1:

- Chế độ tối huệ quốc được áp dụng với cá nhân, pháp nhân nước ngoài. Theo đó, nhóm chủ thể này sẽ được hưởng đầy đủ và hoàn toàn các quyền hợp pháp mà một quốc gia sở tại đã dành và sẽ dành cho bất kì một nhóm người nước ngoài cũng như pháp nhân nước ngoài đang sinh sống hay hoạt động tại lãnh thổ của mình theo các Hiệp định có quy định về chế độ này. Chế độ tối huệ quốc thường được áp dụng trong lĩnh vực thương mại, kinh tế, thể hiện sự bình đẳng về pháp lí giữa các thương nhân trong giao thương quốc tế.

- Chế độ đãi ngộ đặc biệt được áp dụng đối với người nước ngoài được hưởng những ưu đãi đặc biệt hoặc đặc quyền mà nước sở tại dành cho họ về quyền và nghĩa vụ pháp lí (thậm chí chính công dân nước sở tại cũng không được hưởng). Chế độ ưu đãi đặc biệt được quy định trong các Công ước quốc tế, Hiệp ước về quan hệ ngoại giao, lãnh sự.

- Phân tích các trường hợp:

+ Trường hợp 1: Đây là trường hợp áp dụng chế độ tối huệ quốc về sở hữu trí tuệ theo Điều 4 của Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ). Theo nội dung của Hiệp định, các quốc gia thành viên phải dành sự ưu đãi đối với cá nhân, pháp nhân thuộc các quốc gia thành viên đã, đang và sẽ áp dụng đối với các quốc gia thành viên khác, nội dung này là biểu hiện của huệ quốc trong Công pháp quốc tế.

+ Trường hợp 2: Không áp dụng chế độ tối huệ quốc và chế độ đãi ngộ đặc biệt.

* Yêu cầu số 2:

- Việc ông A cư trú ở Việt Nam là bất hợp pháp do ông này nhập cảnh vào Việt Nam diện khách du lịch nên thời gian cư trú bị giới hạn theo thị thực nhập cảnh.

- Nếu muốn cư trú lâu dài ở Việt Nam, ông A cần thực hiện các thủ tục xin tạm trú tại Việt Nam, sau đó, xin thường trú tại Việt Nam theo quy định tại Điều 40 Luật Xuất, nhập cảnh năm 2014.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Mở đầu (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 109)

Hướng dẫn giải

- Một số hiệp ước song phương, đa phương về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và các nước láng giềng như:

+ Hiệp định tạm thời về giải quyết công việc trên vùng biên giới hai nước giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, kí kết ngày 7 - 11 - 1991;

+ Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, kí kết ngày 30 - 12 - 1999 chính thức có hiệu lực từ ngày 6 - 7 - 2000;

+ Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; Hiệp định về quy chế quản lí biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc;

+ Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lí cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, kí kết ngày 19 - 11 - 2009 (gọi tắt là ba văn kiện biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, chính thức có hiệu lực từ ngày 14 - 7 - 2010);

+ Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, kí kết ngày 18 - 7 - 1977;

+ Nghị định thư bổ sung Nghị định thư về việc phân giới trên thực địa và cắm mốc toàn bộ đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, kí kết ngày 24 - 1 - 1986;

+ Hiệp ước hoà bình, hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia, kí kết ngày 18 - 2 - 1979;

+ Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết các vấn đề về biên giới;

+ Hiệp định về quy chế biên giới giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia, kí kết ngày 20 - 7 - 1983;

+ Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia, kí kết ngày 27 - 12 - 1985;

+ Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia, kí kết ngày 10 - 10 - 2005.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Khám phá 1.b (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 111)

Hướng dẫn giải

* Yêu cầu số 1:

- Trường hợp 1: Đây là trường hợp thể hiện việc thực hiện quy định về cư trú chính trị. Ông M là nhà đấu tranh tiến bộ cho phong trào tự do tại quốc gia mình có quốc tịch. Nước V đã tiếp nhận và cho phép ông cư trú theo quy định của luật quốc tế về cư trú chính trị khi ông bị truy nã.

- Trường hợp 2: Đây là trường hợp bảo hộ công dân do có thiên tai xảy ra tại Nhật Bản, đe doạ đến tính mạng, sức khoẻ và tài sản của công dân Việt Nam cư trú trong khu vực xảy ra sự cố. Do đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam thực hiện các hoạt động bảo hộ công dân thể hiện nghĩa vụ của Nhà nước đối với công dân mang quốc tịch quốc gia mình.

* Yêu cầu số 2: Ví dụ về một trường hợp bảo hộ công dân: Vào tháng 9 năm 2023, khi xảy ra cháy nổ nhà máy ở Đài Loan - nơi có nhiều lao động là công dân Việt Nam, làm một số người thương vong, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã công bố số điện thoại đường dây nóng của Tổng đài bảo hộ công dân và Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Việt Nam ở Đài Bắc để lao động Việt Nam ở đây có thể liên hệ nếu cần giúp đỡ.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Luyện tập 1 (SGK Chân trời sáng tạo - Trang 118)

Hướng dẫn giải

- Nhận định a đúng vì người nước ngoài chỉ được phép hoạt động theo đúng thị thực đã cấp khi nhập cảnh vào Việt Nam.

- Nhận định b sai vì chế độ pháp lí đối với những cá nhân có thân phận ngoại giao được xác định dựa trên cơ sở thoả thuận giữa các quốc gia và các Công ước quốc tế về quan hệ ngoại giao, lãnh sự.

- Nhận định c sai vì dân cư bao gồm toàn bộ những người cư trú trên phạm vi lãnh thổ một quốc gia nhất định, không phân biệt thường trú hay tạm trú.

- Nhận định d sai vì chế độ này chỉ được áp dụng đối với người nước ngoài mà Việt Nam có kí kết hoặc tham gia các văn bản pháp luật quốc tế có quy định về chế độ tối huệ quốc.

- Nhận định e sai vì những người nước ngoài được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt sẽ không bị xử lí theo quy định của pháp luật Việt Nam mà việc xử lí sẽ được thực hiện thông qua con đường ngoại giao.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)