Bài 1: Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam

Câu hỏi trắc nghiệm

Đọc thông tin và trả lời câu hỏi.

Nguyễn Hiền quê ở huyện Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường sau đổi là trấn Sơn Nam Hạ (nay huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Thuở nhỏ, ông học thông viết thạo, được mọi người quý mến. Tương truyền, khi lên 10 tuổi, gia đình cho ông đi học thầy chùa. Thầy chùa mới viết được 10 trang giấy, Hiền liền đọc được ngay như người đã từng đi học rồi.

Năm 11 tuổi, tiếng tăm Hiền đã lừng lẫy ở kinh đô và được mệnh danh là thần đồng. Bấy giờ có người họ Đặng tự thấy mình đã đọc hết các sách, nghe tiếng tăm Hiền muốn đến thử tài văn bút, liền tìm đến nhà Hiền và lấy đầu đề theo bài phú "Phượng hoàng sào a, kì lân du úc". Khách ra hạn số câu và mỗi câu đều có tiếng chỉ về một loài cầm thú.

Hiền ứng khầu đáp ngay rằng: "Phi long kiên chiểu/Mã bất xuất hà/Ý bỉ Hữu Hùng chi thế/Ấp vu Duyên Lộc chi a". Nghĩa là: "Rồng không bay lên nơi ao, hồ/Ngựa không từ sông phi ra/ Đẹp thay đời có họ Hữu Hùng/Làm nhà ở nơi Duyên Lộc. Người họ Đặng hết sức thán phục và tấm tắc khen “Thiên tài! Thiên tài!”. Năm ấy, Hiền thi hương đỗ đầu (Giải nguyên). Vào năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (âm lịch năm Tân Mùi), vua Trần Thái Tông trọng dụng hiền tài, chiêu đãi kẻ sĩ. Vua cho mở khoa thi lớn. Nguyễn Hiền mới mười ba tuổi về kinh ứng thí và lập tức được lấy đỗ trạng nguyên. Khóa thi này, ngoài Nguyễn Hiền đỗ Trạng Nguyên còn có 2 người khác đỗ cao và cũng cùng có một điểm chung. Đó là họ đều còn rất trẻ tuổi.

Thông tin trên nói về truyền thống gì của dân tộc Việt Nam?

  1. Hiếu học.
  2. Dũng cảm.
  3. Lao động.
  4. Giữ chữ tín.

Đọc thông tin và trả lời câu hỏi.

Ngày 4/3/2023 phiên chợ Trái Tim phối hợp cùng báo Nông Thôn Ngày Nay/ Điện tử Dân Việt, Nha khoa Sài Gòn H.N, Công ty Minh Phương tổ chức chương trình "Bữa Cơm Yêu Thương" số đầu tiên.

Với số lượng suất ăn trong lần đầu tiên thực hiện chỉ vỏn vẹn 200 suất, đến nay, con số đã chạm mốc hơn 50.000 suất trong năm 2023. Hơn cả một bữa cơm miễn phí, “Bữa cơm yêu thương” được thực hiện với sứ mệnh “mang hương vị cơm nhà đến với các hoàn cảnh khó khăn”.

Những ngày đầu tiên, công tác tổ chức còn nhiều vất vả khi chưa có thành viên nào của ban tổ chức có kinh nghiệm nấu ăn với số lượng lớn. Tuy vậy, với sức lan tỏa của chương trình bằng tinh thần đồng lòng vì người nghèo, các khâu chuẩn bị cho bữa cơm đã diễn ra ngày càng chuyên nghiệp. Có sự góp sức của hơn 200 cộng tác viên thay phiên trong mỗi chương trình đã góp phần mang đến những bữa ăn không chỉ ngon miệng, mà còn đảm bảo vệ sinh và giàu dinh dưỡng đồng thời đem đến sức mạnh tinh thần cho những người trong ban tổ chức và cả bệnh nhân, người nhà của họ.

Thứ bảy hàng tuần, “Bữa cơm yêu thương” trao tặng bữa sáng và bữa trưa đến với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cùng người lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Hà Nội bằng tinh thần sẻ chia, thân tình và ấm áp. Để hoàn thành tốt công việc đó, nhiều thành viên, tình nguyện viên đã đến với địa điểm tổ chức chương trình từ 4h sáng, bất kể trở ngại về thời tiết. Trước tình cảm của đội ngũ thực hiện, những người đến nhận luôn dành sự trân trọng đặc biệt với từng suất cơm, họ không chỉ được nhận một bữa ăn ngon, mà còn đón nhận cả tấm lòng của người trao tặng.

Thông tin trên nói về truyền thống gì của dân tộc Việt Nam?

  1. Yêu thương con người.
  2. Chí công vô tư.
  3. Lao động cần cù.
  4. Lao động sáng tạo.