Vĩnh biệt cửu trùng đài

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960), ông sinh ra trong một gia đình nhà nho có tinh thần yêu nước ở làng Dục Tú, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Dục Tú, huyện đông Anh, Hà Nội).

- Tháng 6 - 1945, Nguyễn Huy Tưởng tham gia ban biên tập tạp chí Tiên Phong của Văn hóa cứu quốc.

- Tháng 8 - 1945, Nguyễn Huy Tưởng đi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Ông còn là đại biểu văn hóa cứu quốc, giúp biên tập các tờ báo Cờ giải phóng, Tiên Phong.

- Tiếp đó ông giữ chức vụ Tổng thư ký Ban Trung ương Vận động đời sống mới.

- Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Huy Tưởng trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội văn hóa cứu quốc.

- Hòa bình 1954, ông làm Uỷ viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam

- Bao trùm lên sáng tác của nhà văn là nguồn cảm hứng lớn về lịch sử. Viết văn để tỏ lòng yêu nước, đó là triết lí sống và là quan điểm sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi.”

- Tác phẩm chính: Vũ Như Tô (kịch, 1941), Bắc Sơn (kịch, 1946), Những người ở lại (kịch, 1948), Đêm hội Long Trì (tiểu thuyết, 1942), An Tư (tiểu thuyết, 1945), Sống mãi với thủ đô (tiểu thuyết, 1961), Kí sự Cao Lạng (kí, 1951)...

- Trong văn của ông luôn đầy chất thơ của cuộc sống và chất chứa những bài ca hy vọng, những bài học về tình thương yêu những người thân, xóm giềng, cộng đồng và đồng loại.

 - Đóng góp lớn nhất ở hai thể loại: tiểu thuyết, kịch

 - Văn phong giản dị, trong sáng, đôn hậu, thâm trầm, sâu sắc.  

2. Tác phẩm

a. Tóm tắt

Nhân vật chính của vở kịch là Vũ Như Tô, là một nhà kiến trúc tài giỏi, một nghệ sĩ có chí lớn, tính tình cương trực, trọng nghĩa khinh tài. Lê Tương Dực, một hôn quân bạo chúa, sai Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi ăn chơi với đám cung nữ. Vũ đã từ chối dù bị đe dọa kết tội tử hình. Song Đan Thiềm, một cung nữ tài sắc nhưng đã bị ruồng bỏ, đã khuyên Vũ nên nhận lời xây dựng Cửu Trùng Đài vì đây là cơ hội để Vũ đem tài ra phục vụ đất nước. Vũ đã nhận lời và dồn hết sức xây Cửu Trùng Đài. Nhưng Cửu Trùng Đài đã làm cho dân chúng thêm cực khổ. Họ đã nổi dậy. Vũ Như Tô bị giết, Cửu trùng Đài bị thiêu trụi.

b. Xuất xứ

- Vở kịch Vũ Như Tô gồm 5 hồi viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 - 1517.

- Tác phẩm được viết xong vào mùa hè năm 1941, tựa đề vào tháng 6 năm 1942.

-  Đoạn trích: thuộc hồi thứ V (Một cung cấm) của vở kịch.

@1379844@@1379673@

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Những mâu thuẫn và xung đột trong đoạn trích

a. Mâu thuẫn 1

- Đây là mâu thuẫn giữa đời sống xa hoa trụy lạc của Lê Tương Dực với đời sống cơ cực thống khổ của nhân dân lao động.

- Giai cấp thống trị sống ở những nơi xa hoa, truỵ lạc, hưởng thụ. Tăng cường vơ vét của cải của nhân dân.

- Còn giai cấp bị trị (nhân dân lao động) vất vả, đói kém, tai nạn, bệnh dịch, lầm than, oán trách.

=> Đây là mâu thuẫn cơ bản của xã hội phong kiến.

- Xây dựng Cửu Trùng Đài đẩy mâu thuẫn lên đến cao trào, xã hội loạn lạc.

- Kết thúc của mâu thuẫn:

+ Hôn quân bị giết, Nguyễn Vũ tự sát, hoàng hậu nhảy vào lửa, Vũ Như Tô, Đan Thiềm bị giết, đám cung nữ bị bắt bớt, nhục mạ.

+ Cửu Trùng Đài là một đống tro tàn, giang sơn rơi vào tay Trịnh Duy Sản.

-> Mâu thuẫn đến hồi V đã lên đỉnh điểm và được giải quyết một cách dữ dội.

@1379749@

b. Mâu thuẫn 2

- Đây là mâu thuẫn giữa Vũ Như Tô và người dân lao động.

- Vũ Như Tô:

+ Cửu Trùng Đài là lí tưởng, tâm huyết, là hoài bão nghệ thuật. Mượn uy quyền, tiền bạc của Lê Tương Dực để thực hiện hoài bão.

+ Đắm chìm trong nghệ thuật, đứng trên lập trường của người nghệ sĩ phụng sự cái đẹp và kết tội người dân.

-> Niềm khát khao nghệ thuật cao siêu, xa rời thực tế.

- Nhân dân lao động:

+ Cửu Trùng Đài là tội ác, làm họ trở thành nạn nhân bị bóc lột, bị hành hạ.

+ Căm ghét, oán hận và đập phá Cửu Trùng Đài .

-> Lợi ích thiết thực trong cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.

=> Kết thúc mang tính bi kịch, mâu thuẫn không thể điều hoà. Tất cả đã khẳng định: Muốn thực hiện lí tưởng nghệ thuật thì đi ngược lại quyền lợi nhân dân. Nếu xuất phát từ quyền lợi nhân dân thì không thể thực hiện được ước mơ nghệ thuật. Vũ Như Tô đã rơi vào bi kịch bởi không dung hoà được mối quan hệ giữa cái đẹp và cái thiện.

2. Nhân vật Vũ Như Tô

- Là một kiến trúc sư, một nghệ sĩ tài năng, khao khát, sáng tạo cái đẹp để tô điểm cho đất nước.

- Ông là một con người có nhân cách cao đẹp.

- Lúc đầu, Vũ Như Tô từ chối, nhưng sau đó với niềm khao khát sáng tạo nghệ thuật cùng với lời động viên của người cung nữ đam mê cái đẹp ông đã nhận lời.

- Trong quá trình xây dựng, ông dồn tất cả tâm huyết, tài năng nhưng lại không quan tâm đến cuộc sống của người dân.

-> Vô tình ông trở thành một kẻ gây ra tội ác và tiếp tay cho bọn hôn quân bạo chúa.

- Khi cơn biến loạn xảy ra, Đan Thiềm giục ông đi trốn, ông vẫn kiên quyết ở lại bảo vệ Cửu Trùng Đài. Ông không thể giải thích được lý do nhân dân nổi dậy phá Cửu Trùng Đài và kết tội ông.

- Cuối cùng, đến khi đưa ra pháp trường, Đan Thiềm bị giết thì Vũ Như Tô kêu lên trong bi thiết não nùng, bởi ông vẫn còn say sưa với giấc mộng Cửu Trùng Đài huy hoàng, tráng lệ. Bây giờ Cửu Trùng Đài bị phá, ông rơi vào bi kịch đau đớn đến tột cùng.

- Vũ Như Tô đã theo đuổi nghệ thuật cao siêu nhưng lại xa rời thực tế không quan tâm đến cuộc sống người dân. Qua bi kịch của ông tác giả đã thức tỉnh vấn đề muôn thuở.Đó là mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

- Khi xây dựng nhân vật Vũ Như Tô tác giả trân trọng cái tài, khâm phục hoài bão và cảm thông cho bi kịch của ông. 

@1380002@

3. Nhân vật Đan Thiềm

- Là người con gái đam mê cái tài, cái đẹp, khao khát đất nước rạng danh, tươi đẹp.

- Bà đã làm mọi cách bảo vệ Vũ Như Tô, bảo vệ cái đẹp một cách tỉnh táo, thức thời, hiểu người, hiểu đời:

+ Dùng hết lời lẽ khuyên Vũ Như Tô ở lại xây dựng Cửu Trùng Đài.

- Phiến loạn xảy ra, Đan Thiềm lại giục Vũ Như Tô đi trốn bằng lời nói thiết tha, tuyệt vọng.

+ Khi không còn có cơ hội trốn, Đan Thiềm đã khẳng khái nhận hết tội về mình, mang cả tính mạng của mình để đánh đổi sự sống cho Vũ Như Tô.

+ Đan Thiềm thanh thản chấp nhận cái chết không một lời oán hận, van xin.

-> Đan Thiềm xứng đáng là một người bạn tri âm tri kỉ của Vũ Như Tô.

- Là một người cứng cỏi, hiên ngang Đan Thiềm không run sợ trước cường quyền. Bà là một con người có nhân cách toàn vẹn. 

@1380068@

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

- Sử dụng ngôn ngữ kịch điêu luyện có tính tổng hợp cao, xây dựng thành công xung đột kịch để thể hiện tình cảm, tâm trang qua ngôn ngữ và hành động.

- Các lớp kịch ngắn, thay đổi liên tục, lời thoại gấp gáp đã thể hiện được không khí biến loạn một cách thành công. 

- Đặt nhân vật trong không gian cung cấm với tên đất, tên người cụ thể đã tạo nên yếu tố lịch sử và nét hoành tráng cho tác phẩm.

2. Nội dung

Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra những vấn đề sâu sắc, có ý nghĩa muôn thửa giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lý tưởng nghệ thuật cao siêu, thuần tuý của muôn đời với lợi ích thiết thân và trực tiếp của nhân dân.