Thao tác lập luận bác bỏ

Nội dung lý thuyết

I. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận bác bỏ

- Lập luận bác bỏ: là cách thức đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng khoa học của mình để phủ nhận ý kiến, quan điểm thiếu chính xác của người khác. Từ đó, nêu ý kiến đúng của mình để thuyết phục người nghe.

- Yêu cầu:

+ Phát hiện những sai lầm của họ.

+ Đưa ra các lí lẽ và bằng chứng thuyết phục với giọng điệu dứt khoát, tự tin.

+ Tỏ thái độ khách quan, có chừng mực; phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng tranh luận.

@1828660@

II. Cách bác bỏ

1. Đọc các đoạn trích sau và trả lời câu hỏi.

a. Khởi đầu chương IV, nói về cá tính Nguyễn Du ta đọc thấy: “Trước hết ta phải ghi điều nhận xét quan trọng này: Nguyễn Du là một con bệnh thần kinh” (tr. 20) rồi xa một chút ít: “... một cảnh đêm thu,trong một túp lều dưới một ngọn đồi, thi sĩ đang quằn quại trên giường, vì bệnh thần kinh của mình” (tr. 131). Ta tự hỏi: Tác giả căn cứ vào đâu mà biết như vậy rằng Nguyễn Du mắc bệnh thần kinh, một thứ “bệnh thần kinh không có sự tổn thương về khí quan”? Căn cứ vào những chứng ngôn của người đồng thời với Nguyễn Du, hay vào những di bút của thi sĩ? Không thế đâu. Về di bút của Nguyễn Du, tác giả có dẫn mấy câu trích bài Mạn hứng, bài U cư, nhưng những câu đó chỉ nói rằng Nguyễn Du mắc bệnh thôi, chứ không nói là mắc bệnh thần kinh. Pa-xcan cũng là người mang bệnh, mà tư tưởng ông vẫn sáng suốt và khoẻ mạnh phi thường. Tác giả đã căn cứ và khiếu ảo giác của Nguyễn Du, biểu thị ở bài Văn tế thập loại chúng sinh và mấy bài thơ khác nữa. Tác giả cho rằng Nguyễn Du đã trông thấy ma quỷ thực (ở bài Lam giang) chứ không phải thấy chúng trong tưởng tượng. Căn cứ vào mấy bài thơ mà quyết đoán rằng người làm ra nó mắc chứng bệnh loạn thần kinh đến nỗi luôn luôn trông thấy ảo hình, đã là một sự qua bạo. Gia dĩ tác giả lại không đem bằng chứng nào khác nữa để bênh vực thuyết của ông ngoài cái lòng tin quả quyết của ông... Để chứng rằng một người trông thấy ma quỷ thực mà dẫn mấy câu tựa như: “Dĩ ngạn băng bạo lôi – Hồng đào kiến kì quỷ, thì lối lập luận ấy có khoa học không? Nêu không có bằng chứng gì khác mấy bài thơ tả sợ hãi và sầu muộn của Nguyễn Du, thì cái mà tác giả bảo là ảo giác (hallucinations), ta cho là tưởng tượng của nghệ sĩ. Có những thi sĩ Anh Cát Lợi, Na Uy, Đan Mạch thường sẵn thứ tưởng tượng kì dị, có khi quái dị ấy. Thiết tưởng một người ban ngày đã trông thấy ma quỷ, ban đi trông thấy âm hồn, tất phải là một người có bộ thần kinh rối loạn và khủng hoảng tới cực độ và người ấy không tài nào có được cái nghệ thuật miinh mẫn của kẻ tạo ra Truyện Kiều".

(Đinh Gia Trinh, Hoài vọng của lí trí, NXB Văn học, Hà Nội, 1996)

b) Nhiều đồng bào chúng ta, để biện minh việc từ bỏ tiếng mẹ đẻ, đã than phiền rằng tiếng nước mình nghèo nàn. Lời trách này không có cơ sở nào cả. Họ chỉ biết những từ thông dụng của ngôn ngữ và cong nghèo những từ An Nam hơn bất cứ người phụ nữ và nông dân An Nam vào. Ngôn ngữ của Nguyễn Du nghèo hay giàu?

Vì sao người An Nam có thể dịch những tác phẩm của Trung Quốc sang nước mình, mà lại không thể viết các tác phẩm tương tự?

Phải quy lỗi cho sự nghèo nàn của ngôn ngữ hay sự bất tài của con người?

(Nguyễn An Ninh, Tiếng mẹ đẻ - nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức)

c)... Có người bảo: Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi!

Xin đáp lại: Hút thuốc là quyền của anh, nhưng anh không có quyền đầu độc những người ở gần anh. Anh uông rượu say mèm, anh làm anh chịu. Nhưng hút thuốc thì người gần anh cũng hít phải luồng khói độc. Điều này hàng nghìn công trình nghiên cứu đã chứng minh rất rõ.

Vợ con, những người làm việc cùng phòng với những người nghiện thuốc cũng bị nhiễm độc, cũng đau tim mạch, viêm phế quản, cũng bị ung thư. Anh có quyền hút, những có mặt người khác, xin mời anh ra ngoài sân, ngoài hành lang mà hút.

Tội nghiệp thay những cái thai còn nằm trong bụng mẹ, chỉ vì có người hút thuốc ngồi cạnh mẹ mà thai bị nhiễm độc, rồi mẹ đẻ non, con sinh ra đã suy yếu. Hút thuốc cạnh một người đàn bà có thai quả là một tội ác.

Bố và anh hút, chú bác hút không những đầu độc con em mà còn nêu gương xấu...

(Nguyễn Khắc Viện, Ôn dịch, thuốc lá)

❓Câu hỏi:

Trong ba đoạn trích trên:

- Luận điểm nào bị bác bỏ? Bác bỏ bằng cách nào?

- Luận cứ nào bị bác bỏ? Cách bác bỏ ra sao?

- Cách lập luận nào bị bác bỏ? Hãy phân tích.

Trả lời:

- Đoạn trích a:

+ Đinh Gia Trinh bác bỏ cách lập luận thiếu khoa học, mang tính suy diễn chủ quan của Nguyễn Bách Khoa.

+ Cách bác bỏ: đưa ra các lý lẽ và dẫn chứng để chứng minh lập luận của Đinh Gia Trinh chỉ là sự suy diễn vô căn cứ.

- Đoạn trích b:

+ Nguyễn An Ninh bác bỏ luận cứ sai lầm của nhiều người An Nam là “tiếng nước mình nghèo nàn”.

+ Cách bác bỏ: đưa ra thái độ bác bỏ rõ ràng, lấy dẫn chứng chứng minh tiếng Việt không nghèo nàn và truy tìm nguyên nhân của luận cứ sai lệch.

- Đoạn trích c:

+ Nguyễn Khắc Viện bác bỏ luận điểm “Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi” của nhiều người hút thuốc lá.

+ Cách bác bỏ: đưa ra lý lẽ và phân tích các dẫn chứng cụ thể về tác hại của thuốc lá với những người xung quanh.

@1828754@

2. Hãy cho biết các cách thức bác bỏ.

Các cách thức bác bỏ:

- Nêu tác hại của vấn đề sai trái.

- Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến vấn đề sai trái đó.

- Phân tích những khía cạnh sai lệch, thiếu chính xác của vấn đề.

III. Ghi nhớ

1. Bác bỏ là dùng lí lẽ và chứng cứ để gạt bỏ những quan điểm, ý kiến sai lệch hoặc thiếu chính xác,... từ đó, nêu ý kiến đúng của mình để thuyết phục người nghe (người đọc).

2. Có thể bác bỏ một luận điểm, luận cứ hoặc cách lập luận bằng cách nêu tác hại, chỉ ra nguyên nhân hoặc phân tích những khía cạnh sai lệch, thiếu chính xác,... của luận điểm, luận cứ, lập luận ấy.

3. Khi bác bỏ, cần tỏ thái độ khách quan, đúng mực.

@1828949@