Kiến thức Ngữ văn

Nội dung lý thuyết

1. Thơ bốn chữ, năm chữ

  • Thơ bốn chữ: bài thơ có nhiều dòng, mỗi dòng có bốn chữ. Các dòng thơ trong bài thường ngắt nhịp 2/2 hoặc 1/3. Ví dụ nhịp 1/3:

Cau / ngày càng cao

Mẹ / ngày càng thấp

Cau / gần với giời

Mẹ / thì gần đất

(Đỗ Trung Lai)

  • Thơ năm chữ: bài thơ có nhiều dòng, mỗi dòng có năm chữ. Các dòng thơ trong bài thường ngắt nhịp 3/2 hoặc 2/3, thậm chí ngắt nhịp 1/4 hoặc 4/1. Ví dụ nhịp 2/3 và 3/2:

Mỗi năm / hoa đào nở

Lại thấy / ông đồ già

Bày mực tàu, / giấy đỏ

Bên phố / đông người qua

(Vũ Đình Liên)

  • Các dòng ở cùng một khổ thơ trong bài thơ không nhất thiết phải ngắt nhịp giống nhau.
  • Bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ có thể gieo vần chân (vần được gieo ở cuối dòng thơ), vần lưng (vần được gieo ở giữa dòng thơ), vần liền (vần được gieo liên tiếp ở các dòng thơ), vần cách (vần không được gieo liên tiếp mà thường cách ra một dòng thơ) hay vần hỗn hợp (vần được gieo không theo trật tự nào). Bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ có thể có nhiều vần.

2. Trải nghiệm trong cuộc sống và việc đọc hiểu thơ

Cùng đọc một bài thơ nhưng mỗi người đọc có thể có những cách hiểu và sự cảm nhận khác nhau. Sở dĩ như vậy vì việc hiểu văn bản còn phụ thuộc vào người đọc. Trình độ, hoàn cảnh và đặc biệt là sự trải nghiệm trong cuộc sống của mỗi người đọc có vai trò rất lớn trong việc hiểu tác phẩm. Trải nghiệm là những gì người đọc đã trực tiếp chứng kiến, đã làm và trải qua,... trong cuộc sống. Với những em đã từng có lần xa nhà, vắng mẹ; từng chứng kiến nỗi vất vả, lo lắng của mẹ đối với mình,... thì khi đọc bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai, sẽ thấy xúc động, thấm thía hơn trước nỗi lòng của nhà thơ. Cũng như vậy, nếu có những kỉ niệm khó quên, có tình cảm sâu nặng với ông bà,... thì khi đọc bài thơ Tiếng gà trưa, sẽ thấy rung động sâu sắc hơn trước tình cảm thiêng liêng, cao quý và chân thành mà nhà thơ Xuân Quỳnh dành cho người bà của mình.