Kiến thức ngữ văn: Nghị luận xã hội, văn và đoạn văn, từ Hán Việt.

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Nghị luận xã hội (trình bày một ý kiến)

Trước một hiện tượng trong đời sống, có thể có nhiều ý kiến khác nhau. Nêu lên ý kiến và các lí lẽ, bằng chứng cụ thể nhằm thuyết phục được người đọc, người nghe tán thành ý kiến của người viết, người nói về hiện tượng ấy chính là nghị luận xã hội (trình bày một ý kiến).

@313237@

2. Văn bản và đoạn văn

Văn bản là đơn vị ngôn ngữ trình bày trọn vẹn một vấn đề trong giao tiếp. Thông thường, văn bản là bài nói, bài viết (lá đơn, bức thư, bài thơ, truyện kể, thông báo, bài văn nghị luận,...) có các bộ phận thống nhất về chủ đề (xoay quanh một vấn đề nhất định), liên kết bằng những từ ngữ nhất định và được sắp xếp theo thứ tự hợp lí.

Văn bản có thể gồm một hoặc một số đoạn văn. Mỗi đoạn văn thể hiện một chủ đề nhỏ; hết đoạn văn, phải xuống dòng. Ở dạng phổ biến (điển hình), đoạn văn gồm một số câu, trong đó thường có một câu nêu chủ đề của đoạn văn (câu chủ đề), một số câu phát triển chủ đề (câu phát triển).

Ví dụ: Bài Tại sao nên có vật nuôi trong nhà? (Thùy Dương) gồm nhiều đoạn văn. Trong đoạn văn sau, câu đầu tiên nêu chủ đề bàn luận của đoạn văn; các câu tiếp theo diễn giải chủ đề này: "Khi nuôi thú cưng, trẻ sẽ phát triển ý thức trách nhiệm và chăm sóc cho người khác. Các con vật nuôi luôn luôn cần sự chăm sóc và quan tâm. Chúng phụ thuộc vào người cho ăn, chăm sóc và huấn luyện. Trẻ nuôi thú cưng sẽ thường xuyên học được cách cảm thông và lòng trắc ẩn. Học cách có trách nhiệm với người khác sẽ tạo cơ hội cho những đứa trẻ biết tự chăm sóc bản thân mình tốt hơn."

@313459@

3. Từ Hán Việt là những từ mà tiếng Việt mượn từ tiếng Hán (tiếng Trung Quốc) được đọc theo cách đọc Hán Việt. 

Ví dụ: sơn hà, quốc gia, vĩ đại, nhân ái,...

Các yếu tố cấu tạo từ Hán Việt thường không có khả năng dùng như một từ đơn để tạo câu như các yếu tố thuần Việt cùng nghĩa.

Ví dụ, không thể tách tiếng khỏi từ sơn hà để nói "Việt Nam có rất nhiều hà" mà chỉ có thể nói "Việt Nam có rất nhiều sông". Đây là một trong những dấu hiệu phân biệt từ Hán Việt với từ thuần Việt và với những từ gốc Hán đã được mượn từ trước khi hình thành lớp từ Hán Việt và được Việt hóa ở mức độ cao, như: áo, quần, buồm, buồng.

@313522@