Hướng dẫn soạn bài Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê

Nội dung lý thuyết

Trả lời câu hỏi sách giáo khoa

Câu 1: Kể tóm tắt nội dung truyện.

Truyện được trần thuật từ nhân vật nào? Việc chọn vai kể như vậy có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung truyện?

Tóm tắt nội dung:

- Ba nữ thanh niên xung phong thuộc tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của họ là quan sát khi địch ném bom, đo khối lượng đất đá cần phải san lấp, đánh dấu vị trí các quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiểm. Mặc dù vậy, cuộc sống của họ vẫn vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản, mơ mộng và đặc biệt là gắn bó, yêu thương nhau trong tình đồng đội.

- Truyện được trần thuật từ ngôi thứ nhất, theo lời kể của Định - nhân vật chính. Sự lưạ chọn vai kể như vậy rất phù hợp với nội dung tác phẩm cũng thuận lợi cho việc miêu tả, biểu hiện thế giới tâm hồn, những cảm xúc và suy nghĩ của ba cô gái.

Câu 2: Truyện kể về ba cô gái thanh niên xung phong ở một tổ trinh sát phá bom trên cao điểm. Ở họ có những nét gì chung đã gắn bó thành một khối thống nhất và những gì là nét riêng ở mỗi người?

- Nhân vật trong truyện là ba cô gái trong tổ rà phá bom. Người kể chuyện cũng là một trong ba cô gái ấy. Từ góc nhìn này, tác giả có điều kiện miêu tả những suy nghĩ, tâm trạng của các cô một cách chân thực, cụ thể và gần gũi.

- Cùng chung một tổ, cùng trải qua cuộc sống đầy những khó khăn, hiểm nghèo, họ đã trở thành những con người dũng cảm, can trường, coi những việc đếm bom, phá bom... chỉ là những công việc bình thường hàng ngày. Đó là những người có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc nhưng đồng thời cũng dễ xúc cảm, giàu ước mơ, dễ vui mà cũng dễ trầm tư. Họ thích làm đẹp của cuộc sống của mình và không bao giờ tỏ ra chán nản, thất vọng.

- Họ có những điểm chung đồng thời cũng có những nét tính cách riêng: Phương Định nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng, ưa sống với những kỷ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư, Chị Thao từng trải hơn nhưng cũng không thiếu những rung động, khát khao của tuổi trẻ, Nho trông có vẻ yếu đuối nhưng cũng rất tinh nghịch.

- Xen giữa những trận bom, giữa những câu chuyện của ba chị em trong cuộc sống đời thường nhưng rất nóng bỏng ấy là dòng suy nghĩ lan man của nhân vật "tôi". Từ những suy nghĩ vui vui về các anh bộ đội đến nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ rất rõ những đồ vật, những kỉ niệm ngày còn ở nhà... Đó là những suy nghĩ rất đời thường nhưng càng làm cho bức tranh chân dung người chiến sĩ thêm sống động. Nhất là đoạn cuối truyện, khi cơn mưa đá đã tan thì niềm vui nhỏ bé của các cô cũng không còn. Cô gái lại đắm chìm và những hồi ức về quê nhà. Bao nhiêu hình ảnh gắn liền với bấy nhiêu kỉ niệm: mẹ, cái cửa sổ, bà bán kem, lũ trẻ, hoa trong công viên... mỗi hình ảnh chỉ kịp vụt qua trong thoáng chốc nhưng rất sắc nét, rất cụ thể.

Câu 3: Tác giả đã thể hiện chân thực và sinh động, tự nhiên tâm lí của những cô gái thanh niên xung phong tuổi đời còn rất trẻ.

Hãy phân tích tâm lí nhân vật Phương Định, tập trung vào những đoạn:

- Tâm trạng của cô trong một lần phá bom ở cuối truyện.

- Cảm xúc trước trận mưa đá ở cuối truyện.

- Ở đầu truyện: là một cô gái khá, “hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”, yêu thích bản thân mình, “không săn sóc, vồn vã” khi được các anh pháo thủ và lái xe hỏi thăm.

- Trong một lần phá bom ở cuối truyện: làm việc cẩn thận, tỉ mỉ, có trách nhiệm. Có nghĩ đến cái chết nhưng nó mờ nhạt không cụ thể bằng việc liệu mìn có nổ không, bom có nổ không. Bằng mọi cách phải làm được cho bom nổ. Hết lòng chăm sóc cho Nho khi cô bị thương. Không dám rơi một giọt nước mắt vì cho rằng như thế là tự nhục mạ.

- Cảm xúc trước trận mưa đá cuối truyện: hồn nhiên, vui thích cuống cuồng như trẻ con, nhớ về những kỷ niệm ở thành phố, về mẹ, những ngôi sao.

Câu 4*: Em có nhận xét gì về ngôn ngữ, giọng điệu của truyện?

Trong truyện, tác giả sử dụng ngôn ngữ trần thuật phù hợp với nhân vật kể chuyện - cô gái thanh niên xung phong người Hà Nội - tạo cho tác phẩm có giọng điệu và ngôn ngữ tự nhiên, trẻ trung và đầy nữ tính. Những câu văn ngắn, nhịp nhanh tạo được không khí khẩn trương trong hoàn cảnh chiến trường. Ở những đoạn hồi tưởng, nhịp kể chậm lại, gợi nhớ những kỷ niệm của tuổi thiếu niên hồn nhiên, vô tư.

Câu 5: Đọc truyện ngắn này, em hình dung và cảm nghĩ như thế nào về tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ?

Hình ảnh ba cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn này là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Có thể nêu những nhận xét khái quát về hoàn cảnh sống và chiến đấu, về tính cách, phẩm chất nổi bật của họ: hoàn cảnh ngặt nghèo, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy; hồn nhiên, yêu đời; sẵn sàng đương đầu với thử thách, tình cảm đồng đội cao đẹp...