Đọc: Thanh âm của gió

Nội dung lý thuyết

1. Giới thiệu

- Chủ điểm: Bài đọc "Thanh âm của gió" thuộc chủ điểm "Thế giới tuổi thơ". Chủ điểm nói về lứa tuổi học sinh tiểu học. Các câu chuyện, bài thơ viết về thế giới tuổi thơ như: tình bạn, kỉ niệm với người thân, với thầy cô, những trò chơi và những giờ phút vui chơi đáng nhớ, trí tưởng tượng bay bổng, ... Qua đó, các bạn học sinh sẽ cảm nhận được những phẩm chất, năng lực cần có ở lứa tuổi của mình.

Tác giả: Văn Thành Lê sinh vào năm 1986 tại Thanh Hóa, hiện đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là tác giả của 16 cuốn sách, bao gồm truyện dài, tập truyện ngắn, chân dung văn học, ... như: "Biết tới khi nào mưa thôi rơi", "Salan đỏ bãi xanh", "Thừa ra một người", ... Bài "Thanh âm của gió" được trích từ tác phẩm "Trên đồi, mở mắt và mơ".

Văn Thành Lê

- Tóm tắt nội dung: Các bạn nhỏ đã có một buổi chiều đi chăn trâu bên suối. Bỗng nhiên, em Bống phát hiện ra trò chơi thú vị là bịt tai nghe tiếng gió. Tất cả các bạn nhỏ thích thú làm theo và rất khoái trò chơi này. Mỗi bạn nghe thấy một âm thanh khác nhau. Bạn nào cũng mê mải theo tiếng gió cho đến lúc về. Buổi tối, hai anh em Bống kể cho bố nghe về trò chơi mới lạ lúc ban chiều. Bố rất thích và hưởng ứng trò chơi này của các bạn nhỏ.

2. Luyện đọc

Thanh âm của gió

   Chúng tôi đi chăn trâu, ngày nào cũng qua suối. Cỏ gần nước tươi tốt nên trâu ăn cỏ men theo bờ suối, rồi mới lên đồi, lên núi. Suối nhỏ, nước trong vắt, nắng chiếu xuống đáy làm cát, sỏi ánh lên lấp lánh. Một bên suối là đồng cỏ rộng, tha hồ cho gió rong chơi. Thỉnh thoảng gió lại vút qua tai chúng tôi như đùa nghịch.

   Chiều về, đàn trâu no cỏ đằm mình dưới suối, chúng tôi tha thẩn tìm những viên đá đẹp cho mình.

Bỗng em Bống nói:

– Ơ, em bịt tai lại nghe tiếng gió lạ lắm.

– Bịt tai thì nghe được gì? – Tôi hỏi Bống.

– Bịt tai lại rồi mở ra và cứ lặp lại như thế. Anh thử xem,

– Đúng rồi, tớ cũng nghe thấy tiếng gió thổi hay lắm. – Điệp reo lên. Vừa nói, nó vừa lấy tay bịt hai tai rồi mở ra như Bống chỉ. Cả hội tụ lại, lần lượt đưa hai bàn tay lên bịt tai.

– Nghe “u... u... u...” – Văn cười.

– Còn tớ nghe thấy “cười, cười, cười, cười...”.

   Mỗi đứa nghe thấy một thanh âm. Cứ thế, gió chiều thổi từ thung lũng dọc theo suối mang theo tiếng nói trong đầu mỗi đứa bay xa. Đứa nào cũng mê mải theo tiếng gió cho đến khi Văn la lên:

– Gió nói “đói, đói, đói... rồi”.

   Cả hội giật mình. Chiều đã muộn, mặt trời xuống thật thấp. Chúng tôi lùa trâu về, không quên đưa hai tay lên giữ tai để vẫn nghe tiếng gió.

   Tối đó, tôi và Bống kể cho bố mẹ nghe về trò chơi bịt tai nghe tiếng gió. Bố bảo mới nghe chúng tôi kể thôi mà bố đã thích trò chơi ấy rồi. Bố còn nói nhất định sáng mai bố sẽ thử ngay xem gió nói điều gì.

(Theo Văn Thành Lê)

Thanh âm của gió

a. Giọng đọc

- Giọng đọc của người dẫn chuyện: lưu loát, rõ ràng, mạch lạc.

- Giọng đọc của các nhân vật: diễn cảm, ngây thơ, hồn nhiên, thể hiện sự linh hoạt.

- Đọc đúng các từ chứa tiếng dễ phát âm sai: tha thẩn, lần lượt, la lên, lùa trâu, ...

- Nhấn giọng ở những từ ngữ thể hiện tình cảm, những chi tiết miêu tả quan trọng, những câu hỏi thể hiện cảm xúc: tha thẩn, thanh âm, đằm mình, ...

b. Chia đoạn

Văn bản "Thanh âm của gió" được chia thành 3 phần:

- Phần 1: Từ đầu đến “chúng tôi như đùa nghịch”: Khung cảnh thiên nhiên khi các bạn nhỏ đi chăn trâu.

- Phần 2: Tiếp theo đến “để vẫn nghe tiếng gió”: Các bạn nhỏ chơi trò chơi bịt tai để nghe tiếng gió.

- Phần 3: Đoạn còn lại: Việc bố hưởng ứng trò chơi nghe tiếng gió của hai anh em Bống.

3. Nội dung, ý nghĩa

Văn bản khắc họa một bức tranh bình yên với sự ngây thơ, hồn nhiên của lũ trẻ trước thiên nhiên kì thú. Niềm vui của đám trẻ thật đơn giản, gần gũi và dễ lan tỏa. Chỉ với những âm thanh của gió qua trò chơi của các bạn nhỏ, ta thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên, sự gắn bó khăng khít giữa thiên nhiên - con người, kỉ niệm êm đẹp, đáng nhớ của tuổi thơ.

@6355754@ @6355837@