Chủ đề 2. Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long (phần 2)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

2. Biến đổi khí hậu ở châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long

a. Biểu hiện của biến đổi khí hậu ở châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long

Biểu hiện của biển đổi khí hậu ở châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Cửu Long trong giai đoạn 1961 - 2020 thể hiện qua các yếu tố:

- Nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng lên ở cả hai châu thổ.

- Lượng mưa có sự biến động qua các thập niên.

- Các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên bất thường, khó dự báo và gây ra hậu quả nặng nề hơn.

+ Ở châu thổ sông Hồng, số ngày nắng nóng (từ 35°C trở lên) có xu thế tăng, số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm.

+ Ở châu thổ sông Cửu Long, số ngày nắng nóng có xu thế tăng lên, gia tăng số lượng các đợt hạn....

- Mực nước biển có xu thế tăng lên ở ven biển hai châu thổ, trung bình 2,7 mm/năm (theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường).

b. Tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở châu thổ Hồng và châu thổ sông Cửu Long

- Tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở châu thổ Hồng:

+ Các đợt nắng nóng kéo dài làm tăng chi phí cho các thiết bị làm mát trong sản xuất và xây dựng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ người dân.

+ Số ngày rét có xu thế giảm, mùa lạnh ngắn đi làm ảnh hưởng đến sản xuất cây vụ đông.

+ Bão, mưa lớn xuất hiện nhiều hơn dẫn đến ngập lụt gây thiệt hại về người và tài sản.

+ Các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng làm sản xuất nông nghiệp càng trở nên bấp bênh hơn.

- Tác động của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở châu thổ sông Cửu Long:

+ Nhiệt độ có xu thế tăng làm gia tăng sâu bệnh, dịch hại cho cây trồng, vật nuôi.

+ Mùa khô ngày càng gay gắt hơn, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản, tăng nguy cơ cháy rừng. Tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt trầm trọng hơn.

+ Nước biển dâng gây sạt lở bờ biển, khiến diện tích đất nông nghiệp, rừng ngập mặn bị thu hẹp. Trong mùa khô, nước biển xâm nhập sâu vào vùng cửa sông, ven biển làm cho đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn ảnh hưởng đến cây trồng.

+ Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người dân, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

c. Biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng châu thổ của hai đồng bằng hiện đại

- Để ứng phó với biến đổi khí hậu ở hai châu thổ, cần thực hiện đồng thời các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Ngoài các biện pháp chung đề giảm nhẹ biến đổi khí hậu bằng cách giảm thiểu lượng khí nhà kinh phát thải vào khí quyển và tăng cường sự hấp thụ các chất khí nhà kính, mỗi châu thổ cần có những biện pháp phù hợp để thích ứng với biến đối khí hậu ở từng vùng.

- Một số biện pháp thích ứng với biến đối khí hậu ở châu thổ sông Hồng:

+ Trong nông nghiệp: áp dụng các kĩ thuật canh tác, công nghệ sản xuất để hạn chế tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan, sâu bệnh; thay đổi thời gian mùa vụ, đặc biệt là các cây trồng vụ đông.

+ Đối với cộng đồng, nhằm bảo vệ sức khoẻ cần theo dõi thường xuyên các thông tin về thời tiết để có thế đưa ra phương án phòng, chống thiên tai hiệu quả, đặc biệt trong các đợt nắng nóng, rét đậm, rét hại.

- Một số biện pháp thích ứng với biến đối khí hậu ở châu thổ sông Cửu Long:

+ Trong nông nghiệp: tạo nên các giống cây trồng chịu mặn, chịu hạn; chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thuỷ sản ở các khu vực đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, hạn hán. Xây dựng các mô hình kinh tế sống chung với lũ; thích ứng nước lợ, nước mặn, thích ứng với thiên tai; trồng rừng và bảo vệ rừng ngập mặn; xảy dựng kênh mương, xây dựng đê biển, kè chắn sóng, cống ngăn mặn,...

+ Trong du lịch: khai thác những loại hình du lịch thích ứng với biển đổi khí hậu, trọng tâm là du lịch sinh thái gắn với sông nước, miệt vườn, rừng ngập mặn, rừng tràm; du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

+ Đối với cộng đồng, cần có các biện pháp để đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, đặc biệt trong mùa khô.