Các hình thức kết cấu của văn bản thuyế minh

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Kết cấu của văn bản thuyết minh

1. Khái niệm

- Kết cấu văn bản là sự tổ chức, sắp xếp các thành tố của văn bản thành một đơn vị thống nhất, hoàn chỉnh, có ý nghĩa.

- Người viết có thể chọn các hình thức kết cấu khác nhau nhưng dù cách nào cũng phải phù hợp với mối liên hệ bên trong của các đối tượng, quan hệ giữa đối tượng với môi trường xung quanh và quá trình nhận thức của con người.

@1263964@

2. Đọc các văn bản sau và thực hiện những yêu cầu nêu bên dưới

(1)                                       HỘI THỔI CƠM THI Ở ĐỒNG VÂN

     Ở xã Đồng Tháo huyện Đan Phượng có làng Đồng Vân bên dòng sông Đáy. Nhân dân sinh sống bằng cấy lúa, trồng màu và có nghề đan lát rổ rá. Hằng năm, cứ đến ngày rằm tháng giêng, làng Đồng Vân thường mở hội rước nước, hát chèo và thổi cơm thi. Hội thổi cơm thi ở đây có nhiều nét độc đáo về quy trình lấy lửa cũng như cách nấu, đậm màu sắc hài hước dân gian.

     Người dự thi được tuyển chọn từ các xóm trong làng. Bắt đầu vào thi, chống chiêng điểm ba hồi, các đội hình dự thi xếp hàng trang nghiêm làm lễ dâng hương trước cửa đình để tưởng nhớ vị thành hoàng làng có công cứu nước, độ quốc. Hội thi bắt đầu bằng việc lấy lửa trên ngọn chuối cao. Khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội nhanh thoăn thoắt leo lên thân cây chuối rất trơn vì đã bôi mỡ. Có người leo lên, tụt xuống, lại leo lên,... Có người phải bỏ cuộc, người khác lại leo lên, quang cảnh hết sức vui nhộn. Khi lấy được que hương mang xuống, ban tổ chức phát cho ba que diêm châm vào hương cháy thành ngọn lửa. Người trong đội vót mảnh tre già thành những đũa bông châm lửa và đốt vào những ngọn đuốc. Trong khi đó, người trong nhóm dự thi nhanh tay giã thóc, giần sàng thành gạo, lấy nước và bắt đầu thổi cơm. Những nồi cơm nho nhỏ treo dưới những cành cong hình cánh cung được cắm rất khéo léo từ dây lưng uốn về trước mặt. Tay cầm cần, tay cầm đuốc đung đưa cho ánh lửa bập bùng. Các đội thổi cơm đan xen nhau uốn lượn trên sân đình trong sự cổ vũ nồng nhiệt của người xem hội.

     Khoảng sau một giờ rưỡi, những nồi cơm lần lượt được đem trình trước cửa đình. Ban giam khảo mở nồi cơm theo ba tiêu chuẩn: gạo trắng, cơm dẻo và không có cơm cháy. Các nồi cơm được đánh số ứng với người dự thi để giữ bí mật với ban giam khảo. Cuộc thi nào cũng hồi hộp và việc giật giải đã trở thành niềm tự hào khó có gì sánh nổi đối với dân làng.

     Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân là sinh hoạt văn hoá cổ truyền được bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên dòng sông Đáy xưa. Hội thi là dịp trai tráng trong làng đua tài khoẻ mạnh, thông minh khi lấy lửa, là dịp gái làng thể hiện bàn tay khéo léo để có cơm dẻo tiếp binh lương. Hội còn vang lên những trận cười hồn nhiên, sảng khoái của người nông dân sau những ngày lao động mệt nhọc. Với những nét đặc sắc của mình, hội thổi cơm thi Đồng Vân đã góp phần giữ gìn và phát huy những nét đẹp cổ truyền trong sinh hoạt văn hoá hiện đại hôm nay.

(Theo Minh Nhương)

(2)                                                    BƯỞI PHÚC TRẠCH

     Trên các miền hoa trái nước ta, có bốn loại bưởi nổi tiếng: bưởi Đoan Hùng ở Phú Thọ, bưởi đỏ Mê Linh ở Vĩnh Phúc, bưởi Long Thành ở Đồng Nai và bưởi Phúc Trạch ở Hà Tĩnh. Người sành có thể nhìn hình dáng quả đã có thể biết được bưởi ở vùng nào. Nếu đúng là bưởi Phúc Trạch thì quả không tròn, đỉnh quả không dô ra, dáng hơi dẹt đầu cuống và đầu núm. Vỏ anh ánh màu vàng mịn, không bị rỗ. Nâng trên lòng bàn tay, vỏ thấm vào da một cách mát mẻ và thoang thoảng hương thơm. Chỉ dùng ngón tay trỏ ấn nhẹ vào vỏ, xung quanh nơi ấn màu vỏ sáng lên và li ti hiện ra một lớp tinh dầu mơ hồ thoảng mùi hương dìu dịu...

     Vỏ bưởi Phúc Trạch mỏng chứ không dày như nhiều loại bưởi khác. Cầm con dao sắc, gọt nhẹ, màu hồng đào trồi lên mịn màng như má cô gái dậy thì. Gọt sâu vào một chút nữa, cái màu hồng đào ấy càng đậm hơn, càng đằm thắm hơn. Cuối cùng, dí mũi dao lên đỉnh quả rạch dọc xuống múi chia thành nhiều phần đều đặn, rồi dùng tay bóc,...Những múi bưởi hiện ra một màu hồng quyến rũ. Tách ra từng múi, tép bưởi chen chúc nhau mọng lên đầy ắp hương vị hấp dẫn,...Dĩ nhiên là vị của nó không cay the, không chua cũng không ngọt đậm, mà ngọt thanh. Càng ăn càng thích, ăn nhiều không chán.

     Chẳng mấy ai dùng bưởi cho người ốm ăn, mà thường dùng cam. Ấy mà Hà Tĩnh, người ta cố mua cho được bưởi Phúc Trạch khi trong nhà có người ốm đau...Già nua tuổi tác, người mệt mỏi, miệng khô, được ăn múi bưởi Phúc Trạch cảm thấy tỉnh táo, dễ chịu,...Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, thương binh được ưu tiên dành phần bưởi. Có cô gái vượt núi hàng chục ki-lô-mét chỉ cốt mang cho được mấy quả bưởi đến trạm quân y. Các anh bộ đội qua làng, nghỉ chân dưới gốc đa, mấy bà mẹ gánh nước chè xanh và mang bưởi ra tiếp. Vị ngọt thanh của bưởi làm tiêu tan nỗi mệt nhọc trên đường hành quân. 

     Trước Cách mạng tháng Tám, loại bưởi này có đem bán ở Hồng Kông và theo Việt kiều sang Pa-ri được người Pháp ưa thích. Năm 1938 trong một cuộc thi "Hoa thơm quả ngọt", bưởi Phúc Trạch được tặng đạo sắc và kèm theo một số tiền thưởng. ban giám khảo xếp vào hàng "Quả ngon xứ Đông Dương".

(Võ Văn Trực, tạp chí Tia sáng, số Xuân 1998)

Yêu cầu:

a) Xác định đối tượng và mục đích thuyết minh của từng văn bản.

b) Tìm các ý chính tạo thành nội dung thuyết minh của từng văn bản.

c) Phân tích cách sắp xếp các ý trong từng văn bản. Giải thích cơ sở của cách sắp xếp ấy.

d) Nêu các hình thức kết cấu chủ yếu của văn bản thuyết minh.  

Trả lời:

a) - Đổi tượng:

+ Trong văn bản Hội thổi cơm thi ở Đồng Văn: Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân.

+ Trong văn bản Bưởi Phúc Trạch: bưởi Phúc Trạch - một loại trái cây nổi tiếng ở Hà Tĩnh.

- Mục đích:

+ Trong văn bản Hội thi thổi cơm ở làng Đồng Văn: nhằm giới thiệu cho người đọc về thời gian, địa điểm và diễn biến của hội thổi cơm thi và ý nghĩa văn hoá của nó trong đời sống tinh thần của người lao động vùng đồng bằng Bắc Bộ.

+ Văn bản Bưởi Phúc Trạch: giúp người đọc hình dung, cảm nhận được đặc điểm (hình dáng, màu sắc, hương vị hấp dẫn, giá trị bổ dưỡng) của bưởi Phúc Trạch.

b) - Văn bản Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Văn được cấu tạo được dựa trên các ý chính sau:

+ Thời gian tổ chức hội thổi cơm thi.

+ Diễn biến và cách thức tiến hành của các đối tượng tham gia hội thi.

+ Cách đánh giá và kết quả của các nồi cơm tham gia hội thi.

+ Ý nghĩa của hội thi.

-  Văn bản Bưởi Phúc Trạch được hình thành từ các ý sau:

+ Giới thiệu về hình dáng, màu sắc của loại bưởi Phúc Trạch.

+ Cách thức gọi bưởi và đặc điểm của những múi bưởi Phúc Trạch.

c)  - Văn bản Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Văn:

+ Cách sắp xếp các ý theo trình tự thời gian, từ quá trình bắt đầu cho đến khi kết thúc cuộc thi thổi cơm.

+ Cơ sở: Dựa vào nội dung của văn bản (có nhiều yếu tố tự sự). Cách sắp xếp này giúp người đọc hình dung được toàn bộ diễn biến của quá trình thi thổi cơm.

- Văn bản Bưởi Phúc Trạch:

+ Cách tổ chức kết cấu theo trình tự quan hệ không gian (từ ngoài vào trong), trình tự quan hệ lôgic (các phương diện khác nhau của quả bưởi: hình dáng, màu sắc, hương vị, giá trị bổ dưỡng) và trình tự quan hệ nhân quả (giữa ý thứ nhất, thứ hai và ý thứ ba ; giữa ý thứ ba và ý thứ tư).

+ Cơ sở: Dựa vào nội dung của văn bản (miêu tả). Cách sắp xếp này giúp người đọc hình dung đầy đủ các điều kiện, tính chất, ... của bưởi Phúc Trạch.

d) Các hình thức kết cấu chủ yếu:

 - Theo trình tự thời gian.

- Theo trình tự không gian.

 - Theo trình tự logic.

- Theo trình tự hỗn hợp.

@1264039@

 II. Ghi nhớ

Khi viết bài văn thuyết minh, có thể lựa chọn nhiều hình thức kết cấu khác nhau:

- Theo trình tự thời gian: trình bày sự việc theo quá trình hình thành, vận động và phát triển.

- Theo trình tự không gian: trình bày sự vật theo tổ chức vốn có của nó (bên trên bên dưới, ben trong bên ngoài hoặc theo trình tự quan sát).

- Theo trình tự lôgic: trình bày sự vật theo mối quan hệ khác nhau (nguyên nhân - kết quả, chung - riêng, liệt kê các mặt, các phương diện,...). 

- Theo trình tự hỗn hợp: trình bày sự vật với sự kết hợp nhiều trình tự khác nhau.

@1264133@