Bài 8. Lao động và việc làm

Nội dung lý thuyết

I. ĐẶC ĐIỂM NGUỒN LAO ĐỘNG

1. Nguồn lao động dồi dào: 

- Nước ta có nguồn lao động dồi dào, năm 2021, lực lượng lao động là 50,6 triệu người, chiếm 51,3% dân số. Mỗi năm, nguồn lao động tăng thêm khoảng 1 triệu người.

Nguồn lao động dồi dào

2. Chất lượng lao động ngày càng được nâng cao:

- Lao động cần cù, sáng tạo, nhiều kinh nghiệm sản xuất trong các ngành nông – lâm – thủy sản, tiểu thủ công nghiệp,…

- Chất lượng lao động ngày càng được nâng lên nhờ thành tựu phát triển kinh tế, y tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo. So với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lao động nước ta còn hạn chế về thể lực, trình độ chuyên môn kĩ thuật và tác phong lao động công nghiệp. Năm 2021, tỉ lệ lao đọng được đào tạo từ sơ cấp trở lên đạt 26,2%.

- Chất lượng lao động có sự phân hóa theo vùng, ĐB sông Hồng có tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo cao nhất cả nước (37% năm 2021).

- Lao động năng động, dễ dàng tiếp thu khoa học – công nghệ hiện đại trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động và hội nhập quốc tế.

2. Chất lượng lao động ngày càng được nâng cao:

II. TÌNH HÌNH SỬ DỤNG LAO ĐỘNG

1. Theo ngành kinh tế: 

Theo ngành kinh tế

- Cơ cấu lao động chuyển dịch phù hợp với đường lối phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: giảm tỉ lệ lao động trong khu vực nông – lâm – thủy sản; tăng tỉ lệ lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ.

2. Theo thành phần kinh tế:

- Cơ cấu lao động thay đổi theo hướng giảm tỉ lệ lao động khu vực kinh tế Nhà nước, tăng tỉ lệ lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

3. Theo thành thị và nông thôn:

- Bước sang thế kỉ XXI, đô thị hóa khá nhanh, tỉ trọng lực lượng lao động khu vực nông thôn giảm mạnh. Tỉ lệ lao động qua đào tạo ở nông thôn thường thấp hơn ở thành thị (tương ứng 17,5% và 41,1% năm 2021). Trình độ lao động ở nông thôn nước ta có xu hướng tăng lên nhờ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.

Theo thành thị và nông thôn

III. VẤN ĐỀ VIỆC LÀM VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT

1. Vấn đề việc làm ở nước ta:

- Việc làm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư tạo việc làm.

- Hầu hết lao động nước ta có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm khá thấp. Khu vực thành thị thường có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn khu vực nông thôn.

- Việc làm là một vấn đề kinh tế - xã hội lớn ở nước ta hiện nay. Các việc làm giản đơn còn phổ biến, những việc làm này có năng suất thấp, thu nhập không cao.

- Những năm gần đây, việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế đem lại cho người lao động ở nước ta nhiều cơ hội việc làm, nâng cao tay nghề và chất lượng lao động.

- Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ tạo ra những thay đổi mang tính đột phá về việc làm.

2. Hướng giải quyết việc làm ở nước ta:

- Hoàn thiện chính sách, luật pháp về lao động nhằm khuyến khích, hỗ trợ, huy động mọi nguồn lực đầu tư tạo việc làm.

- Đẩy mạnh việc đào tạo, dạy nghề nâng cao chất lượng lao động, bao gồm cả trình độ chuyên môn kĩ thuật, kĩ năng làm việc, tác phong công nghiệp.

- Phát triển hệ thống tư vấn, thông tin về thị trường lao động, việc làm để kết nối thông tin lao động – việc làm nhanh nhất, giao dịch lành mạnh và hiệu quả.

- Xây dựng và thực hiện tốt hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tích cực để người mất việc sớm trở lại làm việc.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lao động.