Bài 6. Ý nghĩa, nhiệm vụ, thực trạng của việc bảo vệ và khai thác rừng

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Ý NGHĨA CỦA VIỆC BẢO VỆ VÀ KHAI THÁC RỪNG BỀN VỮNG

- Bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống cho rất nhiều loài thực vật, động vật rừng, trong đó có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm.

- Bảo vệ và khai thác rừng bền vững giúp bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gene các loài động vật, thực vật quý hiếm.

- Bảo vệ và khai thác rừng bền vững giúp duy trì diện tích rừng và tài nguyên rừng phù hợp, thông qua đó giúp:

+ Điều hoà không khí.

+ Giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

+ Bảo vệ nguồn nước.

+ Ngăn chặn các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất,...

II. NHIỆM VỤ CỦA BẢO VỆ VÀ KHAI THÁC RỪNG BỀN VỮNG

Tuyên truyền bảo vệ rừng.hoc24

1. Nhiệm vụ của bảo vệ rừng

Bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

a. Nhiệm vụ của toàn dân

- Toàn dân phải có trách nhiệm bảo vệ rừng, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ rừng.

- Các tổ chức, hộ gia đình, cả nhân hoạt động trong rừng, ven rừng có trách nhiệm thực hiện những quy định về bảo vệ rừng:

+ Thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền hoặc chủ rừng về cháy rừng, sinh vật gây hại rừng,...

+ Chấp hành sự huy động nhân lực, phương tiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra cháy rừng.

b. Nhiệm vụ của chủ rừng

Chủ rừng có trách nhiệm bảo vệ rừng của minh, xây dựng và thực hiện phương án, biện pháp bảo vệ hệ sinh thái rừng:

- Phòng chống chặt phá rừng, phòng, chống săn bắt, bẫy động vật rừng trái phép.

- Phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sinh vật gây hại rừng theo đúng quy định.

c. Nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân các cấp

- Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

- Tổ chức, chỉ đạo việc phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sinh vật gây hại rừng ở địa phương.

- Ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến rừng trên địa bàn.

- Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

- Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lí, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ của khai thác rừng bền vững

- Việc khai thác rừng phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

- Cần áp dụng các biện pháp, kĩ thuật khai thác phù hợp để bảo đảm hài hoà giữa lợi ích kinh tế của rừng với lợi ích phòng hộ.

- Kết hợp bảo vệ và phát triển rừng với khai thác hợp lí đề phát huy hiệu quả tài nguyên rừng.

- Sau khi khai thác phải trồng lại rừng ngay trong vụ trồng rừng kế tiếp hoặc tái sinh rừng.

- Đối với việc khai thác các loài nguy cấp, quý, hiểm phải:

+ Thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lí thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

+ Thực thi Công ước quốc tế về thương mại các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

III. THỰC TRẠNG TRỒNG, CHĂM SÓC, BẢO VỆ VÀ KHAI THÁC RỪNG Ở NƯỚC TA

1. Thực trạng trồng và chăm sóc rừng

- Công tác trồng và chăm sóc rừng có chuyển biến tích cực.

- Chương trình trồng một tỉ cây xanh, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc trong giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai trên cả nước.

- Mặc dù diện tích rừng trồng liên tục tăng, tuy nhiên theo báo cáo kết quả thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc trồng và chăm sóc rừng của nước ta vẫn chưa hoàn thành so với mục tiêu ban đầu. Cụ thể:

+ Trung bình hằng năm cả nước trồng được trên 0,23 triệu ha rừng trồng tập trung, chưa < đạt so với mục tiêu là 0,3 triệu ha/năm.

+ Trồng cây phân tán đạt trung bình 55 triệu cây/năm, chưa đạt so với mục tiêu là 200 triệu cây/năm.

+ Tổng diện tích trồng rừng mới từ năm 2006 đến năm 2010 đạt trên 0,78 triệu ha và giai đoạn 2011 - 2019 đạt trên 1,23 triệu ha, chưa đạt mục tiêu so với kế hoạch đề ra là 1,0 triệu ha đến năm 2010 và 1,5 triệu ha cho giai đoạn 2011 – 2020.

=> Từ những số liệu trên cho thấy, diện tích rừng trồng ở nước ta trong những năm gần đây liên tục tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được chỉ tiêu đề ra.

2. Thực trạng bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng

- Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm gần đây, diện tích rừng bị thiệt hại ở nước ta do cháy rừng và khai thác trái phép ngày một giảm.

- Cụ thể:

+ Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2020, diện tích rừng bị thiệt hại ở nước ta khoảng hơn 22 800 ha (trung bình mỗi năm thiệt hại 2 280ha), trong đó rừng bị cháy khoảng 13 700 ha, còn lại do bị chặt phá trái phép.

+ Năm 2021, cả nước phát hiện 2 653 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng (giảm 13% so với năm 2020). Diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 1 229 ha.

+ Năm 2022, cả nước có hơn 1.100 ha rừng bị thiệt hại, trong đó diện tích rừng bị cháy khoảng 41,4 ha, diện tích rừng bị chặt, phá khoảng 1080,5 ha.

=> Từ những số liệu trên cho thấy, diện tích rừng bị thiệt hại ở nước ta do cháy rừng và khai thác trái phép trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2022 có giảm song vẫn ở mức cao.

Với thực trạng nêu trên, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác quản lí, bảo vệ và khai thác rừng trong tương lai.