Nội dung lý thuyết
- Jean-Baptiste Lamarck (1744-1829) cho rằng sinh vật có động lực nội tại để biến đổi thích nghi với điều kiện sống và tự trở nên phức tạp hơn, hoàn thiện hơn.
- Khi môi trường sống thay đổi, sinh vật thay đổi cách thức sử dụng các bộ phận của cơ thể khiến các bộ phận đó biến đổi phù hợp với cách thức sử dụng mới.
- Biến đổi xảy ra trong đời sống cá thể được di truyền cho con và tiếp tục được tích luỹ ở thế hệ tiếp theo. Cứ như vậy, sinh vật biến đổi qua các thế hệ và luôn thích nghi với môi trường thay đổi chậm chạp, loài không bị tuyệt chủng.
- Lamarck cho rằng các dạng sống đơn giản được tạo ra độc lập, liên tục từ các chất vô cơ và tự biến đổi thành các loài sinh vật với mức độ phức tạp tăng dần. Các sinh vật khác nhau là vì chúng có thời gian tiến hoá khác nhau.
- Lamarck cũng cho rằng các biến đổi trong đời sống cá thể được di truyền cho con và các loài sinh vật có nguồn gốc khác nhau.
- Charles Darwin (1809 - 1882) cho rằng sinh vật biến đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới tác động của chọn lọc tự nhiên.
- Darwin quan sát thấy biến dị luôn tồn tại trong quần thể.
- Ở mỗi thế hệ, các cá thể phải đấu tranh sinh tồn để giành lấy cơ hội sống sót và sinh sản, chỉ một số ít cá thể mang biến dị có lợi sống sót và sinh được nhiều con hơn so với những cá thể khác. Qua nhiều thế hệ, cá thể mang biến dị có lợi sẽ trở nên phổ biến trong quần thể.
- Darwin cho rằng chỉ những biến dị di truyền mới có ý nghĩa đối với tiến hoá của sinh vật.
- Theo Darwin, tác động của chọn lọc tự nhiên theo các điều kiện sống khác nhau có thể tạo nên nhiều loài từ một loài ban đầu.
- Từ đầu thế kỉ XX, hiểu biết mới về khoa học nói chung và đặc biệt là trong lĩnh vực di truyền học được kết hợp vào thuyết tiến hoá của Darwin, hình thành thuyết tiến hoá tổng hợp.
- Thuyết tiến hoá tổng hợp giải thích được nguồn gốc và tính di truyền của các biến dị; quá trình thay đổi cấu trúc di truyền của quần thể dưới tác động của các nhân tố tiến hoá dẫn đến hình thành loài mới hay tuyệt chủng của các loài cũ và quá trình hình thành hoặc tuyệt chủng của các nhóm phân loại trên loài.
- Biến dị di truyền trong quần thể bao gồm biến dị sơ cấp và biến dị thứ cấp.
- Các nhân tố tiến hoá là những nhân tố làm thay đổi cấu trúc di truyền của quần thể, được thể hiện ở sự thay đổi về tỉ lệ các allele, tỉ lệ các kiểu gene trong quần thể.
- Dưới ảnh hưởng của các nhân tố tiến hoá, tỉ lệ các allele, tỉ lệ các kiểu gene của quần thể luôn thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác, những thay đổi này được gọi là tiến hoá nhỏ.
- Quá trình hình thành hay tuyệt chủng của loài, các bậc phân loại trên loài được gọi là tiến hoá lớn. Tiến hoá lớn thường xảy ra trong khoảng thời gian dài.