Nội dung lý thuyết
Các phiên bản khácHình 1: Trạng thái, màu sắc của dầu mỏ
Dầu mỏ là chất lỏng sánh, màu nâu đen, không tan trong nước, nhẹ hơn nước và cháy được.
Trong tự nhiên, dầu mỏ tập trung thành những vùng lớn, ở sâu trong lòng đất, tạo thành các mỏ dầu.
Cấu tạo của mỏ dầu
Cách khai tác dầu mỏ
Sau khi đã xác định được khu vực có dầu mỏ, người ta khoan một lỗ xuống đến lớp dầu mỏng tạo thành một giếng dầu. Đầu tiên, dầu tự phun lên theo đường giếng đã khoan do có sự chênh lệch về áp suất, khi lượng dầu giảm, áp suất cũng giảm đi người ta phải dùng bơm để hút dầu lên hoặc bơm khí hoặc nước xuống để duy trì áp suất dưới lớp dầu.
Dầu mỏ khi mới khai thác lên từ dưới lòng đất gọi là dầu thô và chưa thể sử dụng được vì có chứa nhiều tạp chất. Vì vậy để sử dụng ta phải chế biến và tinh chế dầu mỏ trước.
Các thành phần của dầu mỏ được phân tách bằng phương pháp chưng cất phân đoạn. Tách hỗn hợp lỏng thành các phần khác nhau ở những điểm sôi khác nhau. Quá trình này diễn ra trong tháp chưng cất, các sản phẩm thu được như dầu mazut dùng cho động cơ đốt trong của tàu biển, dầu diezen sử dụng cho động cơ diezen, ưu điểm của diezen là thải ra ít CO, CO2 gây ảnh hưởng cho môi trường. Xăng dùng làm nhiên liệu, khí đốt làm chất đốt trong sinh hoạt hàng ngày. Phần còn lại ở đáy sau khi chưng cất là nhựa đường để sản xuất bê tông nhựa đường làm đường giao thông.
Hình 2: Tháp chưng cất dầu mỏ và các sản phẩm của quá trình chưng cất
Lượng xăng thu được khi chưng cất dầu mỏ chỉ chiếm một lượng rất ít, nên để tăng lượng xăng thu được người ta sử dụng phương pháp cracking (nghĩa là bẻ gãy phân tử) để chế biến dầu nặng thành xăng và các sản phẩm có giá trị trong công nghiệp như metan, etilen, v,v...
Dầu nặng xăng + hỗn hợp khí
Nhờ phương pháp cracking, lương xăng thu được chiếm đến 40% khối lượng dầu mỏ.
Ngoài dầu mỏ, khí thiên nhiên cũng là một nguồn hidrocacbon quan trọng, khí thiên nhiên có trong các mỏ khí ở dưới lòng đất. Khí còn có ở phần trên các mỏ dầu, khi khai thác dầu khí phun ra nên người ta gọi là khí đồng hành. Ngoài ra còn có ở các mỏ than, đáy ao hồ nên gọi là khí bùn ao.
Thành phần chủ yếu của khí thiên nhiên là metan.
Hình 3: Hàm lượng metan trong khí thiên nhiên (a) và trong khí mỏ dầu (b).
Để khai thác khí thiên nhiên, người ta khoan xuống các mỏ khí, khí sẽ tự phun lên vì áp suất ở các mỏ khí lớn hơn áp suất khí quyển.
Khí thiên nhiên là nguyên liệu, nhiên liệu quan trọng trong đời sống và công nghiệp.
Trữ lượng dầu mỏ ở nước ta ước lượng có khoảng 3 - 4 tỉ tấn đã qui đổi ra dầu.
Ưu điểm của dầu mỏ nước ta là có hàm lượng lưu huỳnh thấp (<0,5%). Tuy nhiên, do thành phần có hàm lượng hidrocacbon lớn nên dầu dễ bị đông đặc, không phù hợp và khó sử dụng với các nơi có nhiệt độ môi trường thấp.
Việt Nam bắt đầu khai thác dầu từ năm 1986, đến nay có rất nhiều mỏ dầu được khai thác như Bạch Hổ, Đại Hùng, Rạng Đông, Lan Tây...
Khai thác, vận chuyển và chế biến dầu mỏ, khí thiên nhiên rất dễ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, trong quá trình sản xuất và vận chuyển phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn đã đặt ra.
Hình 4: Khai thác và lưu trữ dầu mỏ.
1. Dầu mỏ là một hỗn hợp tự nhiên của nhiều loại hidrocacbon.
2. Bằng cách chưng cất dầu mỏ người ta thu được xăng, dầu hỏa và nhiều sản phẩm khác nhau.
3. Cracking dầu mỏ để tăng thêm sản lượng xăng.
4. Metan là thành phần chủ yếu của khí thiên nhiên và khí mỏ dầu.
5. Dầu mỏ và khí thiên nhiên là nguồn nhiên liệu và nguyên liệu quý trong đời sống và công nghiệp.
Trong quá trình học tập, nếu có bất kỳ thắc mắc nào, các em hãy để lại câu hỏi ở mục hỏi đáp để cùng thảo luận và trả lời nhé. Chúc các em học tốt!