Bài 34. Phát triển bền vững

Nội dung lý thuyết

I. Khái niệm phát triển bền vững và mối tương tác giữa kinh tế - xã hội - môi trường

1. Khái niệm và mục tiêu của phát triển bền vững

- Theo Liên hợp quốc (1987), " phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng hay tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai".

- Theo Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về phát triển bền vững năm 2002, "phát triển bền vững là sự bảo đảm tăng trưởng kinh tế ổn định đi cùng với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lí, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống".

2. Mối tương tác giữa kinh tế - xã hội - môi trường trong quá trình phát triển

- Mục tiêu chung của phát triển bền vững là đảm bảo cho mọi người dân được đáp ứng đầy đủ những nhu cầu thiết yếu về kinh tế, văn hoá xã hội và được sống trong môi trường an toàn.

Mối quan hệ giữa ba trụ cột của PTBV, hoc 24
Mối quan hệ giữa ba trụ cột của phát triển bền vững: kinh tế - xã hội - môi trường

II. Phát triển bền vững trong một số lĩnh vực

1. Khái niệm và vai trò của phát triển nông nghiệp bền vững

- Nông nghiệp bền vững là phương thức canh tác nông nghiệp theo cách bền vững, để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm và dệt may hiện tại của xã hội mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai.

- Nông nghiệp bền vững thường thoả mãn ba điều kiện:

  • Tôn trọng môi trường, bảo tồn và quản lí hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
  • Đảm bảo mức thu nhập công bằng và đầy đủ cho người nông dân.
  • Không gây ảnh hưởng đến các thế hệ tiếp theo, đảm bảo người nông dân có được thu nhập công bằng và đầy đủ trong tương lai.

2. Các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường

- Giáo dục và khuyến khích:

giáo dục và khuyến khích, hoc24
Giáo dục môi trường giúp mọi người tự nguyện hành động vì môi trường

- Ngăn ngừa: Nhóm biện pháp này thường sử dụng Luật và các quy định để ngăn ngừa tác động xấu lên môi trường.

- Khắc phục và nâng cao khả năng chịu đựng: Bao gồm các biện pháp giảm nhẹ tác hại và nâng cao khả năng chịu đựng của môi trường.

3. Vai trò và các biện pháp sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên

- Tài nguyên thiên nhiên là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội.

- Đối với nhóm tài nguyên có khả năng tái tạo như sinh vật, nguồn nước,... cần đánh giá được trữ lượng và khả năng tái tạo của chúng để đưa ra các biện pháp khai thác phù hợp với tốc độ tái tạo, tránh mùa sinh sản, tránh khai thác nhóm con non,...

- Đối với nhóm tài nguyên không tái tạo như các loại khoáng sản: cần nghiên cứu đánh giá trữ lượng, khả năng và chi phí khai thác, lập kế hoạch khai thác có chiến lược, tiết kiệm và lâu dài.

- Nhóm tài nguyên khí hậu còn được gọi là "dòng tài nguyên" vì chúng không tồn tại trong các mỏ mà luôn chuyển động và bất ổn, như dòng nước chảy, dòng không khí - gió,... Nhóm tài nguyên này khó khai thác, cần nghiên cứu để có các biện pháp khai thác tối đa, đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Nhóm tài nguyên khí hậu, hoc24
Một số turbine gió của nhà máy điện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận

4. Vấn đề dân số và vai trò của chính sách dân số đối với phát triển bền vững

- Dân số tăng nhanh, nhất là ở các nước đang phát triển đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nếu dân số có dự gia tăng phù hợp hoặc ổn định thì sẽ tạo nên một nguồn lao động dồi dào để phát triển kinh tế, đồng thời chủ động được kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

- Chính sách dân số được phân ra thành ba nhóm chính: 

  • Chính sách duy trì dân số ổn định ở các nước phát triển.
  • Chính sách gia tăng dân số ở các nước thiếu lao động.
  • Chính sách hạn chế gia tăng dân số ở các nước đang phát triển.

5. Vai trò của giáo dục môi trường đối với phát triển bền vững

Vai trò giáo dục môi trường, hoc24
Ba mục tiêu của giáo dục môi trường

- Giáo dục môi trường cho cộng đồng được thực hiện chủ yếu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động văn hoá, truyền thông, các sự kiện và các cuộc vận động quần chúng rộng rãi.

- Giáo dục môi trường cho trẻ nhỏ, học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục và đào tạo ở các trường. Các nội dung giáo dục môi trường được lồng ghép vào các hoạt động dạy - học và hoạt động khác của nhà trường.

- Giáo dục môi trường cho nhà quản lí, cán bộ các cấp ra quyết định được thực hiện bằng nhiều biện pháp phù hợp để họ biết lồng ghép các mục tiêu bảo vệ môi trường trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Đào tạo chuyên môn về môi trường cho công nhân lành nghề, kĩ thuật, kĩ sư, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về môi trường để họ trở thành người dẫn dắt cộng đồng và thưc hiện hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường.

6. Học sinh cần làm gì để phát triển bền vững?

- Trang bị kiến thức về môi trường và phát triển bền vững.

- Thể hiện chính kiến và thái độ đúng đắn với môi trường.

- Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Tổ chức các hoạt động vì sự phát triển bền vững.

- Trở thành các chuyên gia trong các lĩnh vực phát triển trong tương lai và luôn quan tâm đến phát triển bền vững trong lĩnh vực mà mình làm việc.