Bài 33. Sinh thái học phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh vật

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Khái niệm sinh thái học phục hồi và bảo tồn

1. Khái niệm sinh thái học phục hồi

- Sinh thái học phục hồi là khoa học ứng dụng nguyên lí của sinh thái học để đưa các hệ sinh thái đã bị suy thoái về trạng thái gần nhất với trạng thái tự nhiên của nó.

- Phục hồi sinh thái là các hoạt động có chủ đích nhằm khởi xướng hoặc thúc đẩy sự khôi phục các hệ sinh thái, phục hồi sức khoẻ, tính toàn vẹn và tính bền vững của các hệ sinh thái đó.

- Hệ sinh thái được phục hồi sẽ không nhất thiết phải khôi phục hoàn toàn trạng thái ban đầu của nó, vì đôi khi những điều kiện hiện thời có thể điều chỉnh hệ phục hồi theo hướng khác.

2. Khái niệm sinh thái học bảo tồn

- Sinh thái học bảo tồn là một nhánh của sinh thái học và sinh học tiến hoá nhằm tìm cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm để bảo tồn các loài, môi trường sống, cảnh quan và các hệ sinh thái.

- Bảo tồn đa dạng sinh vật là các hoạt động bảo vệ và gìn giữ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của các loài hoang dã, các cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo tự nhiên,...

- Nhiệm vụ của sinh thái bảo tồn là hạn chế các tác động xấu từ môi trường và con người đến các loài sinh vật hoang dã, bảo vệ môi trường sống cũng như sức khoẻ cho sinh vật.

II. Lí do cần bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên

1. Giá trị của các hệ sinh thái tự nhiên là rất lớn

Giá trị của hệ sinh thái, hoc24
Các giá trị của hệ sinh thái tự nhiên đối với con người

2. Các hệ sinh thái tự nhiên đang bị suy thoái nhanh

- Con người trực tiếp gây hại hoặc cải tạo ra các yếu tố gây hại đến thành phần hoặc cấu trúc của hệ sinh thái, làm hệ sinh thái bị mất cân bằng, bị chia cắt hoặc thu hẹp,...

- Khai thác đến cạn kiệt các loài hoặc các thành phần quan trọng trong hệ sinh thái làm đứt gãy chu trình vật chất hoặc dòng năng lượng, dẫn đến hệ sinh thái bị suy thoái.

III. Một số biện pháp phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên

1. Một số phương pháp phục hồi sinh thái

- Cải tạo sinh học: bao gồm các phương pháp loại bỏ các yếu tố gây hại cho hệ sinh thái như chất thải, hoá chất độc hại, kim loại nặng, đập ngăn nước,...

- Gia tăng sinh học: bao gồm các phương pháp bổ sung những thành phần cần thiết cho hệ sinh thái để hệ sinh thái phục hồi như bổ sung các sinh vật/nhóm sinh vật cần thiết cho hệ.

gia tăng sinh học, hoc24
Trồng cây họ Đậu trên đất nghèo đạm

2. Một số biện pháp bảo tồn đa dạng sinh vật

- Bảo tồn nguyên vị còn được gọi là bảo tồn nội vị, là quá trình bảo tồn một loài nào nào đó tại nơi cư trú tự nhiên của nó bao gồm việc bảo vệ khu vực sinh sống khỏi các tác động bên ngoài hoặc bảo vệ loài này khỏi các loài săn mồi.

Ví dụ: Loài voọc Chà vá chân nâu là một loài linh trưởng đặc hữu của khu vực Đông Dương đang trong tình trạng nguy cấp. Hiện nay loài này đang được bảo tồn nguyên vị tại các khu rừng nguyên sinh từ Nghệ An đến Kon Tum, nơi nó đang sinh sống tự nhiên.

bảo tồn nguyên vị, hoc24
Voọc Chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà, thành phối Đà Nẵng

- Bảo tồn chuyển vị là quá trình bảo tồn ở bên ngoài nơi cư trú tự nhiên của loài. Bảo tồn chuyển vị bao gồm bảo quản giống, cứu hộ và chăm sóc các cá thể của loài, nuôi cấy mô, thu thập các giống, các cá thể giá trị để nuôi trồng nhằm duy trì vốn gene quý hiếm.

- Để bảo tồn đa dạng sinh vật, con người thường thực hiện trình tự các biện pháp sau đây:

  • Nghiên cứu, đánh giá, lập danh lục các loài nguy cấp, quý hiếm đưa vào Danh lục Đỏ của thế giới hoặc Sách Đỏ Việt Nam.
  • Xác định các khu bảo tồn đa dạng sinh vật nhằm hạn chế tối thiểu các tác động xấu lên các hệ sinh thái tự nhiên có giá trị và các loài nguy cấp, quý hiếm sống ở trong đó.
  • Xây dựng các hành lang kết nối các sinh cảnh quan trọng với nhau để các loài có cơ hội giao lưu, sinh sản, gia tăng đa dạng di truyền và sức sống.
  • Tăng cường các hoạt động giáo dục, tuyên truyền để cộng đồng thay đổi thói quen tiêu dùng, nói không với các sản phẩm không thân thiện với thiên nhiên và sinh vật.
  • Nghiên cứu bảo vệ nguồn gene, nguồn giống, các cá thể của các loài nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu trong các trung tâm cứu hộ, vườn thú,... tiến tới gây trồng, nhân nuôi trong tự nhiên.