Bài 3 : Các quốc gia cổ đại Phương Đông

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Điều kiện tự nhiên và sự phát triển kinh tế

- Sự xuất hiện của công cụ kim loại, con người bước vào thời đại văn minh.

­­- Những quốc gia cổ đại phương Đông đầu tiên hình thành ở lưu vực các dòng sông lớn như:

+ Ai Cập: sông Nin.

+ Lưỡng Hà: sông Ti gơ rơ và sông Ơ-phơ-rát.

+ Ấn Độ: sông Ấn và sông Hằng.

+ Trung Quốc: sông Hoàng Hà và Trường Giang.

* Các quốc gia cổ đại phương Đông đầu tiên hình thành ở các dòng sông lớn vì:

+ Ở lưu vực các con sông lớn, đất đai màu mỡ, mềm xốp nên công cụ bằng gỗ, đá cũng có thể canh tác được và tạo nên mùa màng bộ thu (điều đó lí giải vì sao nhà nước ở đây được hình thành sớm khi chưa có công cụ bằng kim loại).

+ Muốn bảo vệ mùa màng phải đắp đê, trị thủy và làm thủy lợi. Công việc này vừa đòi hỏi công sức của nhiều người, vừa tạo nên nhu cầu để mọi người sống quần tụ, gắn bó với nhau trong các tổ chức xã hội.

+ Họ phải đoàn kết để chống lại sự xâm lược của các bộ lạc khác nhằm chiếm vùng đất màu mỡ của mình.

Vì vậy, do nhu cầu sản xuất, trị thủy, thủy lợi,… con người đã sống quần tụ và gắn bó với nhau trong tổ chức công xã, nhờ đó nhà nước sớm hình thành.

- Sự phát triển các ngành kinh tế: nông nghiệp tưới tiêu, chăn nuôi và thủ công nghiệp, trong đó nông nghiệp tưới tiêu là ngành kinh tế chính tạo ra của cải dư thừa thường xuyên.

- Khó khăn: do quần tụ bên các dòng sông nên dễ bị lũ lụt, gây mất mùa, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Dẫn nước vào ruộng
Dẫn nước vào ruộng
Sông Nin
Sông Nin - dòng sông huyền thoại của Ai Cập

 

 

 

 

 

 

 

 

2. Sự hình thành các quốc gia cổ đại phương Đông (khoảng thiên niên kỷ VI-III TCN) 

- Sản xuất phát triển  dẫn đến sự phân hóa xã hội, xuất hiện kẻ giàu, người nghèo  nên  giai cấp và nhà nước ra đời:

+ Thiên niên kỷ IV  TCN, trên lưu vực sông Nin, cư dân Ai Cập  cổ đại  sống tập trung  theo từng công xã, sau này do nhu cầu làm thủy lợi, công xã hợp lại thành Liên minh công xã (Nôm). Khoảng 3200 năm TCN nhà nước Ai cập thống nhất trên cơ sở tập hợp các “Nôm” được thành lập.

+ Ở lưu vực Lưỡng Hà (thiên niên Kỉ IV TCN), hàng chục nước nhỏ người Su me đã hình thành.

+ Trên lưu vực sông Ấn, các quốc gia cổ đại ra đời giữa thiên niên kỷ III TCN.

+ Vương triều nhà Hạ hình thành vào  thế kỷ XXI TCN mở đầu cho xã hội có giai cấp  và nhà  nước Trung Quốc.

=> Các quốc gia cổ đại phương Đông đều được hình thành từ rất sớm, khoảng thiên niên kỉ IV – III TCN.

Bản đồ
Bản đồ các quốc gia cổ đại phương Đông

3. Xã hội cổ đại phương Đông

- Do nhu cầu thủy lợi, nông dân gắn bó và ràng buộc với nhau trong công xã nông thôn, thành viên trong công xã gọi là nông dân công xã.

- Nông dân công xã: đông đảo nhất, là lao động chính trong sản xuất.

-  Quý tộc: gồm quan lại, thủ lĩnh quân sự, tăng lữ có nhiều quyền thế, giữ chức vụ tôn giáo. Họ sống sung sướng dựa trên sự bóc lột nông dân: thu thuế của nông dân dưới quyền trực tiếp hoặc nhận bổng lộc của nhà nước cũng do thu thuế của nông dân.

- Nô lệ: chủ yếu là tù binh và thành viên công xã bị mắc nợ không trả được hoặc bị phạm tội. Họ là tầng lớp thấp nhất trong xã hội, phải làm việc nặng nhọc, hầu hạ quý tộc.

Bức tranh mô tả cuộc sống lao động thường ngày ở Ai cập cổ
Bức tranh mô tả cuộc sống lao động thường ngày ở Ai cập cổ

 

4. Chế độ chuyên chế cổ đại

- Quá trình hình thành nhà nước từ liên minh bộ lạc, do nhu cầu trị thủy và xây dựng các công trình thủy lợi nên quyền hành cần tập trung vào tay nhà vua, tạo nên chế độ quân chủ chuyên chế.

- Vua dựa vào quý tộc và tôn giáo, bắt mọi người phải phục tùng. Vua chuyên chế – người Ai Cập gọi là Pha ra ông (cái nhà lớn), người Lưỡng hà gọi là En-xi (người đứng đầu ), Trung Quốc gọi là Thiên Tử (con trời).

- Giúp việc cho vua là một bộ máy hành chính quan liêu  gồm quý tộc, đứng đầu là Vidia (Ai Cập), Thừa tướng (Trung quốc), họ thu thuế, xây dựng các  công trình như đền tháp, cung điện, đường sá, chỉ huy quân đội.

=> Chế độc nhà nước do vua đứng đầu, có quyền lực tối cao và một bộ máy hành chính quan liêu giúp việc,… gọi là chế độ chuyên chế cổ đại.

Ai Cập
Pha-ra-ông người đứng đầu Ai Cập

Trung Quốc
Hoàng Đế (Thiên Tử)- người đứng đầu Trung Quốc

5. Văn hóa cổ đại phương Đông

* Sự ra đời của Lịch pháp và Thiên văn học

- Lịch pháp và Thiên văn học ra đời sớm nhất, gắn liền với nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

- Họ biết sự chuyển động của của Mặt trời, Mặt trăng -->Thiên văn--> nông lịch.

- Một năm có 365 ngày, chia thành tháng, tuần, ngày, mỗi ngày có 24 giờ.

* Chữ viết

- Người ta cần ghi chép và lưu giữ nên chữ viết ra đời, đây là phát minh lớn của loài người.

- Ban đầu là chữ tượng hình, sau được cách điệu hóa thành nét để diễn  tả ý nghĩa của con người gọi là chữ tượng ý.

- Người Ai Cập viết trên giấy papyrus.

- Người Su-me ở Lưỡng Hà  dùng cây sậy vót nhọn là bút viết  trên những tấm đất sét còn ướt, rồi đem phơi nắng hay nung khô.

- Người Trung Quốc khắc chữ trên xương thú, mai rùa, thẻ tre, dải lụa….

Chữ viết trên thẻ tre
Chữ viết trên thẻ tre

 

Cây papyrus - làm ra giấy papyrus
Cây papyrus - làm ra giấy papyrus
Luật pháp
Luật Hamurabi - bộ luật tiêu biểu của Lưỡng Hà

 * Toán học

- Ra đời sớm do nhu cầu sản xuất nông nghiệp (tính diện tích ruộng đất sau khi ngập nước, tính trong xây dựng,…)

- Ban đầu chữ số  là những kí hiệu đơn giản. Người Ai Cập cổ đại giỏi về hình học, biết tính số Pi= 3,16, tính diện tích hình tròn, tam giác,…

- Người Lưỡng Hà giỏi về số học, làm phép tính cộng, trừ, nhân, chia.

- Chữ số mà ta dùng ngày nay, kể cả số 0 là thành tựu lớn của người Ấn Độ.

=> Thành tựu toán học  đã để lại nhiều kinh nghiệm cho bước phát triển cao hơn ở đời sau.

* Kiến trúc

- Phát triển phong phú: Kim tự tháp Ai Cập, đền tháp ở Ấn Độ, thành Ba-bi-lon ở Lưỡng hà… Đây là những kỳ tích về sức lao động và tài năng sáng tạo của con người.

đền
Đền Ekambareswarar ở Ấn Độ

Kim tự tháp Giza - Ai Cập
Kim tự tháp Giza - Ai Cập