Bài 19: Khai thác thế mạnh ở trung du và miền núi Bắc bộ

Nội dung lý thuyết

I. KHÁI QUÁT

1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

- Là vùng có diện tích lãnh thổ lớn ở nước ta, tiếp giáp với nước láng giềng Trung Quốc và Lào, giáp với Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

- Gồm 14 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Diện tích tự nhiên của vùng khoảng 95,2 nghìn km2, chiếm 28,7% diện tích cả nước (năm 2021).

- Vùng có vị trí địa lí quan trong về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng. Có đường biên giới dài, thông qua nhiều cửa khẩu biên giới. Phía đông nam của vùng liền kề với vùng kinh tế năng động, phát triển bậc nhất nước ta.

2. Dân số

- Năm 2021, dân số vùng khoảng 12,9 triệu người; tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên là 1,05%, mật độ dân số trung bình là 136 người/km2; tỉ lệ dân thành thị thấp, khoảng 20,5% dân số toàn vùng.

- Vùng nhiều dân tộc sinh sống: Kinh, Tày, Nùng, Dao,.. Các dân tộc cư trú xen kẽ, có kinh nghiệm sản xuất bản địa lâu đời; phong phú; luôn đoàn kết, chia sẻ.

II. THẾ MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

- Địa hình và đất: Vùng có địa hình đa dạng, phức tạp, gồm các dãy núi cao, điển hình là Hoàng Liên Sơn. Địa hình cacxto khá phổ biến; các cao nguyên (Sơn La, Mộc Châu,..); dạng địa hình đồi thấp. Đất fe-ra-lit đỏ vàng chiếm 2/3 diện tích vùng.=> Tạo thế mạnh phát triển các ngành kinh tế khác nhau: trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc lớn, sản xuất công nghiệp và hoạt động du lịch.

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh và phân hóa rõ rệt theo độ cao thuận lợi cho các cây trồng có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới: chè, rau, đậu, cây dược liệu, cây ăn quả,...

- Thủy văn: Sông Đà, sông Chảy, sông Gâm,... có trữ năng thủy điện dồi dào là cơ sở để xây dựng các nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất cả nước.

- Khoáng sản: giàu tài nguyên khoáng sản, đa dạng về chủng loại nhưng phần lớn có trữ lượng vừa và nhỏ. Một số loại có trữ lượng lớn: a-pa-tít (Lào Cai), thiếc (Cao Bằng, Tuyên Quang),...

- Rừng: Vùng có diện tích rừng lớn, chiếm 36,5% diện tích rừng toàn quốc, nhiều vườn quốc gia (Ba Bể, Hoàng Liên,...) với hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan đẹp là cơ sở cho phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

Bản đồ tự nhiên vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

2. Điều kiện kinh tế - xã hội

- Dân cư và lao động: Lao động khá đông, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm 25,9% cao hơn trung bình cả nước.

- Cơ sở hạ tầng trong vùng đang được đầu tư, nâng cấp, trong đó đường bộ khá phát triển với hệ thống các quốc lộ từ đầu mối giao thông Hà Nội đến các địa phương trong vùng; các quốc lộ chạy dọc biên giới, các tuyến đường cao tốc,... Vùng có các khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp đang khai thác có hiệu quả, tạo thuận lợi cho thu hút vốn đầu tư, giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế.

- Nhà nước quan tâm, hỗ trợ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các trung tâm giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đây là cơ sở để vùng khai thác thế mạnh phát triển kinh tế.

III. KHAI THÁC CÁC THẾ MẠNH VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Bản đồ kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ năm 2021

1. Khai thác thế mạnh khoáng sản và thủy điện

a. Khai thác khoáng sản: Với tiềm năng khoáng sản phong phú, vùng có nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành khai thác và chế biến khoảng sản phát triển.

- Khai thác a-pa-tit ở Cam Đường (Lào Cai) phục vụ công nghiệp sản xuất phân bón.

- Khai thác than ở Thái Nguyên, Lạng Sơn; khai thác sắt ở Thái Nguyên, Lào Cai, khai thác đồng ở Lào Cai; khai thác chì - kẽm ở Bắc Kạn,..

- Hoạt động khai thác khoáng sản cần chú ý đến ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước và suy giảm diện tích rừng.

b. Khai thác thủy điện

- Có trữ năng thủy điện dồi dào, nhiều nhà máy có công suất lớn nhất cả nước cung cấp nguồn điện cho quốc gia; đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo động lực cho sự phát triển vùng.

- Các nhà máy thủy điện có công suất lớn: Sơn La (2400 MW), Hoà Bình (1920 MW),..

- Trong khai thác thủy điện, cần chú ý đến những thay đổi của môi trường và vấn đề tái định cư.

c. Các ngành công nghiệp khác

- Công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống phát triển, phân bố rộng khắp các tỉnh: chế biến rau quả ở Sơn La, chế biến chè ở Thái Nguyên, Sơn La, Hà Giang, Phú Thọ,..

- Công nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính của vùng phát triển mạnh sau năm 2012 nhờ thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tập trung ở Thái Nguyên, Bắc Giang.

d. Hướng phát triển công nghiệp của vùng

- Phát triển cơ sở khai thác gắn với chế biến các loại khoáng sản.

- Phát triển địa bàn trọng điểm thủy điện quốc gia ở khu vực Tây Bắc.

- Xây dựng trung tâm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thái Nguyên, Bắc Giang; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp tại Sơn La,..

2. Khai thác thế mạnh phát triển cây công nghiệp lâu năm, cây dược liệu, cây rau thực phẩm

  - Cây công nghiệp lâu năm của vùng là chè, chiếm khoảng 80% diện tích cả nước. Các vùng chuyên canh chè lớn: Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang, Sơn La.

Diện tích một số cây trồng thế mạnh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ năm 2010 và 2021

  - Cây dược liệu có diện tích ngày càng mở rộng và là cây thế mạnh nổi bật là hồi tập trung chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn,... cây sa nhân trồng nhiều ở Lào Cai, Sơn La. Ngoài ra còn có các cây khác: quế, tam thất, thảo quả.

Cây hồi ở Cao Bằng
Cây hồi ở Cao Bằng

  - Cây ăn quả phát triển mạnh thứ hai cả  nước, diện tích tăng nhanh, gồm cây ăn quả nguồn gốc nhiệt đới (xoài, na, dứa), cận nhiệt (bưởi, nhãn, vải) và ôn đới (đào, mận). Được trồng nhiều ở các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hòa Bình.

 - Các loại rau có diện tích lớn và ngày càng được mở rộng, được trồng nhiều ở Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Sơn La,..

 - Hướng phát triển: tập trung trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặ sản, cây dược liệu gắn với công nghiệp chế biến. Phát triển theo hướng nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, sảm xuất an toàn, hữu cơ, xanh sạch; hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn.

3. Khai thác thế mạnh chăn nuôi gia súc lớn

- Gia súc chủ lực là trâu và bò (lấy thịt, sữa); dẫn đầu cả nước về đàn trâu, nuôi nhiều ở Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình,..; đàn bò ngày càng tăng, trong đó bò sữa nuôi nhiều ở Mộc Châu (Sơn La), Tuyên Quang.

Trang trại bò sữa ở Mộc Châu - Sơn La
Trang trại bò sữa ở Mộc Châu - Sơn La

- Hướng phát triển: Chăn nuôi gia súc lớn gắn với công nghiệp chế biến, ứng dụng khoa học - công nghệ, chăn nuôi theo hướng tập trung (đặc biệt là bò sữa).

@7389039@

IV. Ý NGHĨA CỦA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VỚI AN NINH QUỐC PHÒNG

- Trung du miền núi Bắc Bộ có diện tích lãnh thổ rộng thứ hai cả nước, với nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, góp phần củng cố sức mạnh về an ninh quốc phòng.

- Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đông thời, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh quốc phòng được đảm bảo, chủ quyền quốc gia được bảo vệ vững chắc.
- Vùng có đường biên giới dài với Trung Quốc và Lào, có nhiều cửa khẩu, thuận lợi cho giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế và hội nhập.
- Trung du và miền núi Bắc Bộ là căn cứ địa cách mạng, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa của nhiều thời kì lịch sử dựng nước và giữ nước. Việc khai thác các thế mạnh để phát triển kinh tế, trong đó có du lịch góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao ý thức cho cộng đông dân tộc, tăng cường giáo dục an ninh quốc phòng, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị, ổn định và phát triển bền vững.