Bài 17. Vùng Tây Nguyên (phần 2)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

4. Các ngành kinh tế thế mạnh

- Tổng sản phẩm trên địa bàn vùng Tây Nguyên tăng nhanh, chiếm khoảng 3,7% GDP cả nước (năm 2021).

- Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp và xây dựng.

- Kinh tế Tây Nguyên phát triển khá đa dạng, nổi lên một số ngành kinh tế thế mạnh là phát triển cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả, lâm nghiệp, công nghiệp sản xuất điện, du lịch.

Ngành kinh tếTình hình phát triển
Phát triển cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả

- Là vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm lớn của cả nước.

+ Năm 2021, diện tích cây công nghiệp lâu năm của Tây Nguyên chiếm hơn 40% tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm của cả nước.

+ Các cây công nghiệp lâu năm chính của vùng là cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, trong đó, cà phê là cây trồng chủ lực.

+ Cà phê đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng (chiếm trên 90% diện tích và sản lượng cà phê cả nước), được trồng nhiều ở Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai.

+ Cao su và điều có diện tích và sản lượng đứng thứ hai cả nước sau vùng Đông Nam Bộ (chiếm hơn 25% diện tích cao su và điều của cả nước), trong đó cao su được trồng nhiều nhất ở Gia Lai, điều trồng nhiều nhất ở Đắk Lăk.

- Là vùng trồng cây ăn quả lớn:

+ Các loại cây ăn quả tiêu biểu là sầu riêng, bơ, chôm chôm, mít... phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

+ Các địa phương trong vùng đã bắt đầu ứng dụng công nghệ cao (công nghệ sinh học, tự động hoa,...) vào phát triển cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp chế biến để tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Lâm nghiệp

- Có điều kiện thuận lợi để phát triển lâm nghiệp.

- Chủ yếu là hoạt động khai thác gỗ, ngoài ra trồng rừng đang được đẩy mạnh.

- Các lâm sản ngoài gỗ như măng, dược liệu,... cũng được khai thác nhiều góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân vùng rừng.

- Sản lượng gỗ khai thác tăng lên hằng năm, gỗ được khai thác phục vụ cho xuất khẩu là chủ yếu. Đắk Lắk là tỉnh khai thác nhiều gỗ nhất vùng, chiếm 50,3% sản lượng gỗ toàn vùng (năm 2021).

- Diện tích rừng trồng mới nhiều nhất tại Gia Lai chiếm 42,1% diện tích rừng trồng mới toàn vùng.

- Chú trọng phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp khai thác trồng mới, khoanh nuôi, giao khoán và bảo vệ rừng. Các vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển được quy hoạch như Kon Ka Kinh, Tà Đùng.

Công nghiệp sản xuất điện

- Có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp sản xuất điện và có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của vùng.

- Sản lượng điện sản xuất năm 2021 chiếm 10,3% tổng sản lượng điện cả nước.

- Cơ cấu ngành sản xuất điện đa dạng, có cả thủy điện, điện gió, điện mặt trời.

- Trên các hệ thống sông đã hình thành các bậc thang thủy điện, như hệ thống sông Sê San có nhà máy thủy điện laly (720 MW), Sê San 3 (260 MW), Sê San 4 (360 MW),...

- Điện mặt trời có ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai. 

Du lịch 

- Là ngành thế mạnh của vùng Tây Nguyên và ngày càng phát triển bởi lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc sắc.

- Vùng tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng,... Các điểm đến nổi tiếng bao gồm: Buôn Đôn, hồ Lắk, Lang Biang.

- Năm 2022, số khách du lịch đến Tây Nguyên chiếm khoảng 9% số lượt khách du lịch lữ hành cả nước.

- Trong vùng đã hình thành các trung tâm du lịch như Đà Lạt, Buôn Ma Thuột,...

Định hướng phát triển du lịch của vùng Tây Nguyên là:

+ Tăng cường liên kết nội vùng (giữa các tỉnh trong vùng) và liên vùng để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hình thành các tuyến du lịch hấp dẫn du khách.

+ Khai thác lợi thế cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc.

5. Các vấn đề môi trường trong phát triển

- Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vùng Tây Nguyên đang phải đối mặt với một số vấn đề về môi trường và suy giảm tài nguyên.

+ Môi trường nước ở một số nơi bị ô nhiễm bởi các hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất và phân bón trong trồng trọt, hoạt động chăn nuôi gia súc,... Nguồn nước đang đứng trước tình trạng cạn kiệt vào mùa khô do hạn hán và khai thác quá mức nước ngầm.

+ Hiện tượng mất rừng và suy thoái rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên vẫn đang diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu là do khai thác gỗ trái phép, chặt phá rừng để phát triển cây công nghiệp.

- Bảo vệ môi trường và tài nguyên có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội bên vững ở Tây Nguyên, tạo sinh kế lâu dài cho dân cư trong vùng.