Bài 17. Vùng Tây Nguyên (phần 1)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

- Có tổng diện tích hơn 54 nghìn km2, chiếm 16,5% diện tích cả nước (năm 2021).

- Bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

- Tiếp giáp với Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và hai nước Lào và Cam-pu-chia.

- Có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh.

- Có nhiều thuận lợi trong giao thương với các vùng trong nước và đóng vai trò quan trọng trong kết nối với các nước Đông Nam Á lục địa.

2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

a. Thế mạnh

- Địa hình và đất:

+ Thuộc vùng núi Trường Sơn Nam, có địa hình chủ yếu là các cao nguyên có độ cao khác nhau gồm các cao nguyên: Kon Tum, Pleiku, Đắk Lắk, Lâm Viên, Mơ Nông và Di Linh. Các cao nguyên có địa hình bề mặt xếp tầng, tương đối bằng phẳng, đất badan màu mỡ => Thuận lợi cho quy hoạch các vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn quả, phát triển lâm nghiệp.

+ Ngoài ra còn có khối núi Kon Tum và khối núi cực Nam Trung Bộ, đất feralit đỏ vàng là chủ yếu => Thuận lợi trồng dược liệu.

- Khí hậu:

- Có tính chất cận xích đạo, phân hóa rõ rệt thành mùa mưa và mùa khô.

+ Mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau => Thuận lợi cho cây trồng nhiệt đới phát triển.

+ Mùa khô thuận lợi cho phơi, sấy nông sản.

- Có sự phân hóa theo độ cao, một số khu vực khí hậu mát mẻ, có thể trồng cây cận nhiệt như chè, cây dược liệu... và phát triển du lịch.

- Nguồn nước:

+ Là nơi bắt nguồn của nhiều con sông, các sông lớn là Sê San, Srêpôk, sông Ba và sông Đồng Nai. Sông chảy qua các bậc địa hình => Tiềm năng thuỷ điện lớn, đây là khu vực có trữ năng thủy điện lớn thứ hai cả nước.

+ Các hồ tự nhiên và nhân tạo như hồ laly, hồ Lắk có khả năng tích trữ nước, điều tiết dòng chảy, cung cấp nước vào mùa khô.

+ Nguồn nước ngầm khá phong phú, đóng vai trò quan trọng đối với sinh hoạt và sản xuất, nhất là trong mùa khô.
- Khoáng sản: quan trọng nhất của vùng là bô-xít với trữ lượng lớn nhất cả nước (hơn 8,2 tỉ tấn), tập trung ở Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai.
- Sinh vật:

+ Có tài nguyên rừng phong phú, trữ lượng lớn, chiếm tới 45% trữ lượng gỗ của cả nước, tính đa dạng sinh học cao. 
+ Cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ kết hợp với các khu bảo tồn, vườn quốc gia đã đem lại cho Tây Nguyên thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái.

b. Hạn chế
- Mùa khô ở Tây Nguyên kéo dài dẫn tới nguy cơ thiếu nước sản xuất, sinh hoạt.
- Nước ngầm nằm sâu và có sự suy giảm về trữ lượng gây khó khăn cho khai thác.
- Đất đang bị suy thoái ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng.

3. Dân cư, văn hóa

a. Dân cư

- Năm 2021, số dân của vùng khoảng 6 triệu người, tỉ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,25% cao hơn mức trung bình cả nước (0,93%).

- Là vùng thưa dân nhất nước ta, mật độ dân số toàn vùng là 111 người/km2 (năm 2021).

+ Đắk Lắk là tỉnh có mật độ dân số cao nhất vùng (đạt 146 người/km2).

+ Kon Tum là tỉnh có mật độ thấp nhất vùng (59 người/km2).

- Dân cư trong vùng chủ yếu sống ở nông thôn (hơn 71% tổng số dân năm 2021).

- Là địa bàn có nhiều thành phần dân tộc nhất nước ta, gồm các dân tộc: E-đê, Ba na, Gia-rai, Cơ-ho, Kinh, HMông,...

b. Văn hoá

- Là một trong những vùng có văn hóá đa dạng, độc đáo của nước ta.

- Có nhiều di sản vật thể, phi vật thể, điển hình là Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên, các lễ hội truyền thống như: Đua Voi, Cơm Mới,... và truyền khẩu của nhân loại. Chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc vùng Tây Nguyên như: Ba na, Mnông, Cơ-ho, E-đê, Gia-rai,...

- Kiến trúc đặc trưng của Tây Nguyên là nhà Rông, nhà Dài, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, diễn ra các lễ hội và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

- Có nhiều loại nhạc cụ độc đáo như cồng, chiêng, đàn đá, đàn trưng, tù và,...

- Đồng bào Tây Nguyên có kinh nghiệm sản xuất nông, lâm nghiệp; có truyền thống đoàn kết. Ngày nay, đồng bào Tây Nguyên không ngừng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo cơ sở nền tảng để ổn định và phát triển Tây Nguyên bền vững.

- Văn hoa Tây Nguyên ngày càng đa dạng do vừa tiếp thu các yếu tố văn hoa mới vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.