Bài 17. Phương pháp bảo quản và chế biến thức ăn thủy sản

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP BẢO QUẢN THỨC ĂN THỦY SẢN

- Thức ăn thủy sản gồm nhiều nhóm như thức ăn hỗn hợp, chất bổ sung, thức ăn tươi sống và nguyên liệu dùng để làm thức ăn.

- Mỗi nhóm thức ăn cần có một phương pháp bảo quản riêng nhằm dự trữ và đảm bảo chất lượng.

1. Bảo quản thức ăn hỗn hợp

- Thức ăn hỗn hợp dùng cho nuôi thuỷ sản thường ở dạng viên nổi (sử dụng cho nuôi cá) hoặc viên chim (sử dụng cho nuôi tôm) có:

+ Thành phần dinh dưỡng cân đối.

+ Lượng nước trong thức ăn thấp (độ ẩm từ 10% đến 12%).

=> Loại thức ăn này bảo quản được lâu dài (từ 2 đến 3 tháng).

- Thức ăn cần được đóng bao cẩn thận, bảo quản nơi khô, mát, thông thoáng; thức ăn được xếp trên kệ, cách mặt sàn từ 10 cm đến 15 cm.

Bảo quản thức ăn hỗn hợp.hoc24

2. Bảo quản chất bổ sung

- Các chất bổ sung vào thức ăn thuỷ sản thường có độ ẩm rất thấp (từ 5% đến 7%):

+ Được bao gói cẩn thận, riêng rẽ từng loại và dán nhãn mác đầy đủ.

+ Khi được bảo quản ở nơi khô, thoáng chất bổ sung có thể lưu giữ được đến 2 năm.

- Ngoài ra, một số chất cần được bảo quản cẩn thận, tránh ánh sáng trực tiếp để hạn chế sự oxy hoá hoặc theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

3. Bảo quản thức ăn tươi sống

- Thức ăn tươi sống (cỏ tươi, cá tạp, giun quế,...) chứa hàm lượng nước cao nên không bảo quản được lâu.

+ Đối với loại thức ăn này, cần bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thấp như kho lạnh, tủ lạnh, tủ đông.

=> Để giữ tươi thức ăn và giảm sự phân huỷ thức ăn.

- Nếu bảo quản thức ăn tươi sống ở điều kiện nhiệt độ mát (từ 4 °C đến 8°C) thì thức ăn bảo quản được trong khoảng 3 - 5 ngày.

+ Nếu bảo quản thức ăn trong tủ đông, thời gian bảo quản được dài hơn.

- Đối với các loại thức ăn sống như cá con, giun, tảo,... thì có thể lưu giữ trong bể và tạo môi trường phù hợp.

+ Để duy trì các sinh vật còn sống làm thức ăn cho động vật thuỷ sản.

+ Tuy nhiên, thời gian bảo quản ngắn hơn so với các hình thức bảo quản khác.

4. Bảo quản nguyên liệu

- Tuỳ theo nhóm nguyên liệu dùng làm thức ăn thuỷ sản mà có cách bảo quản với thời gian dài, ngắn khác nhau.

- Nhóm nguyên liệu cung cấp protein như bột cá, bột thịt, bột huyết,... ở dạng bột:

+ Dễ hút ẩm nên thời gian bảo quản không được lâu.

+ Nhóm nguyên liệu này có hàm lượng protein cao nên dễ bị nhiễm nấm mốc.

=> Cần sấy khô, bọc kín bằng túi nylon trong quá trình bảo quản.

- Nhóm nguyên liệu cung cấp năng lượng như ngô, khoai, sắn,...

+ Nên bảo quản dạng hạt hoặc dạng miếng khô sẽ được lâu hơn dạng bột vì dạng bột dễ hút ẩm.

- Nhóm chất phụ gia thường có độ ẩm thấp nhưng độ hút ẩm cao nên cần được bảo quản trong bao bì kín để có thể bảo quản được lâu.

II. CHẾ BIẾN THỨC ĂN THỦY SẢN

1. Chế biến thức ăn thủ công

- Chế biến thức ăn thủ công thường được thực hiện ở quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình.

- Thức ăn được chế biến bằng cách cắt, thái, xay, nghiền nhỏ,... cho phù hợp cỡ miệng loài nuôi để tăng khả năng bắt mồi và tiêu hoá thức ăn.

- Ví dụ:

+ Cỏ được cắt nhỏ cho cá trắm cỏ giống.

Máy băm cỏ làm thức ăn cho cá.hoc24

+ Cá tạp được nghiền dạng chả dùng cho ba ba giống mới tập ăn.

Xay cá tạp làm thức ăn cho động vật thủy sản.hoc24

- Thức ăn chế biến thủ công thường có thời gian bảo quản ngắn.

2. Chế biến thức ăn công nghiệp

- Chế biến thức ăn công nghiệp thường được thực hiện ở quy mô lớn, thức ăn thu được có thời gian bảo quản dài.

- Các bước chế biến thức ăn công nghiệp:

+ Bước 1: Lựa chọn nguyên liệu phù hợp.

+ Bước 2: Sơ chế nguyên liệu bằng cách phơi hoặc sấy khô, băm nhỏ,...

+ Bước 3: Phối trộn nguyên liệu và bổ sung chất khoáng, phụ gia theo tỉ lệ thích hợp.

+ Bước 4: Hỗn hợp thức ăn được trộn đều cùng với chất kết dính rồi chuyển sang bộ phận ép viên.

+ Bước 5: Sấy khô, đóng gói, bảo quản.

III. BẢO QUẢN, CHẾ BIẾN THỨC ĂN THỦY SẢN Ở QUY MÔ NHỎ (THỰC HÀNH)

1. Chế biến và bảo quản thức ăn cho cá trắm cỏ giai đoạn cá giống

a. Nguyên liệu và dụng cụ

- Nguyên liệu: các loại cỏ phù hợp với cá trắm cỏ.

- Dụng cụ:

+ Dụng cụ cắt cỏ (máy, dao, kéo,...).

+ Dụng cụ chứa cỏ, găng tay,...

b. Các bước tiến hành

- Bước 1. Cắt cỏ thành từng đoạn dài khoảng 5 - 10 cm bằng dụng cụ phù hợp.

Cắt cỏ thành từng đoạn.hoc24

- Bước 2. Cho cỏ đã cắt vào túi nylon, buộc chặt miệng túi.

- Bước 3. Bảo quản túi cỏ ở nơi thoáng mát rồi cho cá ăn dần.

- Bước 4. Thu dọn và vệ sinh dụng cụ.

c. Thực hành

- Học sinh thực hành theo nhóm, mỗi nhóm 3 đến 5 em.

d. Đánh giá

- Học sinh tự đánh giá kết quả của nhóm mình và đánh giá kết quả của nhóm khác theo hướng dẫn của giáo viên.

2. Chế biến và bảo quản cá xay làm thức ăn cho lươn hoặc ba ba

- Lươn và ba ba là những loài động vật thuỷ sản, sử dụng thức ăn là động vật như cá tạp, giun,...

- Nếu sử dụng thức ăn là cá tạp thì phải băm nhỏ.

- Nếu cắt khúc to chúng khó ăn và hay lựa chọn ăn phần ngon, bỏ lại phần không ngon, dễ gây ô nhiễm môi trường.

- Khi chế biến thức ăn là cá tạp bằng cách xay trộn đều có bổ sung chất bám dính, chúng ăn thức ăn được dễ hơn và không kén chọn thức ăn.

a. Nguyên liệu và dụng cụ

- Cá tạp (500 g), dao, kéo (dùng để cắt nhỏ cá), găng tay, máy xay sinh tố, dụng cụ chứa cá xay, tủ lạnh.

b. Các bước tiến hành

- Bước 1: Dùng dao hoặc kéo cắt nhỏ cá rồi cho vào máy xay sinh tố.

- Bước 2: Xay nhuyễn cá bằng máy xay sinh tố.

- Bước 3: Cho cá đã xay vào hộp nhựa, đậy nắp và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để cho ba ba hoặc lươn ăn dần.

- Bước 4: Thu dọn và vệ sinh dụng cụ.

c. Thực hành

- Học sinh thực hành theo nhóm, mỗi nhóm 3 đến 5 học sinh.

d. Đánh giá

- Học sinh tự đánh giá kết quả của nhóm mình và đánh giá kết quả của nhóm khác theo hướng dẫn của giáo viên.