Bài 11. Oxygen. Không khí

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Oxygen trên Trái Đất

Dù sống trên mặt đất, trong nước hay trong lòng đất, các loài động vật, thực vật đều cần oxygen (oxi) cho quá trình hô hấp.

Oxygen có trong không khí

Oxygen có trong nước

Oxygen có trong lòng đất

Oxygen có ở khắp mọi nơi trên Trái Đất.

II. Tính chất vật lí và tầm quan trọng của oxygen

1. Tính chất vật lí của oxygen

Ở điều kiện thường, oxygen ở thể khí, không màu, không mùi, không vị, ít tan trong nước và nặng hơn không khí.

Oxygen hóa lỏng ở -183oC, hóa rắn ở -218oC. Ở thể lỏng và rắn, oxygen có màu xanh nhạt.

@894542@@894633@

2. Tầm quan trọng của oxygen

Ở đâu có oxygen thì ở đó có sự sống. Oxygen là thành phần quan trọng và cần thiết cho quá trình hô hấp của con người, động vật, thực vật trên Trái Đất.

Oxygen còn duy trì quá trình đốt cháy nhiên liệu để thắp sáng, cung cấp nhiệt,...Nếu không có oxygen thì sự cháy không thể xảy ra.

III. Thành phần của không khí

Trong điều kiện thông thường, thành phần không khí (gần đúng theo thể tích) như sau:

  • 78% khí nitrogen (nitơ)
  • 21% khí oxygen
  • 1% hơi nước, khí carbon dioxide, hơi nước và các khí khác
@895414@@895727@

IV. Vai trò của không khí

  • Sự luân chuyển không khí giúp điều hòa khí hậu, khiến bề mặt Trái Đất không quá nóng hoặc quá lạnh. Không khí còn có tác dụng bảo vệ Trái Đất khỏi các thiên thạch rơi từ vũ trụ, do khi cọ xát với không khí, các thiên thạch bốc cháy hoặc bay hơi gần hết.
  • Oxygen trong không khí cần cho sự hô hấp của động vật, thực vật, đốt cháy nhiên liệu.
  • Khi mưa dông có sấm sét, nitrogen trong không khí được chuyển hóa thành chất có chứa nitrogen có lợi cho cây cối (dạng phân bón tự nhiên).
  • Carbon dioxide cần thiết cho quá trình quang hợp của cây xanh.

V. Sự ô nhiễm không khí

1. Nguyên nhân và hậu quả của ô nhiễm không khí

ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí xảy ra khi có sự thay đổi lớn về thành phần không khí, chủ yếu do khói, bụi hoặc khí lạ khác. Sự ô nhiễm không khí có nguyên nhân từ tự nhiên và từ hoạt động của con người.

 

@896313@

Ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và chất lượng đời sống con người. Ví dụ, làm Trái Đất ấm lên, băng tan ở hai cực làm nước biển dâng, mưa axit làm phá hủy các công trình xây dựng, giảm chất lượng đất, giảm khả năng quang hợp của cây,...

Bụi, khói và khí độc gây nhiều bệnh nguy hiểm cho con người, đặc biệt là bệnh về đường hô hấp.

tác hại của ô nhiễm không khí

2. Bảo vệ môi trường không khí

Để bảo vệ bầu khí quyển trong lành, mỗi cộng đồng, cá nhân cần hành động mạnh mẽ để bảo vệ môi trường sống. Các quốc gia cần nỗ lực các giải pháp:

  • Tìm nguồn năng lượng sạch
  • Hướng dẫn người dân sử dụng năng lượng hợp lí, tiết kiệm.
  • Đề ra những quy định nghiêm ngặt về xử lí chất thải độc hại, khí thải,...
  • Bảo vệ và trồng cây xanh

Từng hành động nhỏ của mỗi con người trong cộng đồng cũng góp phần làm giảm ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường.

  • Trên Trái Đất, oxygen có trong không khí, trong đất, trong nước,...
  • Khí oxygen không màu, không mùi, ít tan trong nước.
  • Oxygen cần cho quá trình hô hấp của động vật, thực vật, đốt nhiên liệu.
  • Không khí bảo vệ sự sống trên Trái Đất khỏi các tác động từ vũ trụ.
  • Không khí chứa 78% nitrogen, 21% oxygen về thể tích, còn lại là carbon dioxide, hơi nước và các khí khác.
  • Không khí có thể bị ô nhiễm bởi khói, bụi, khí thải độc hại. Ô nhiễm không khí gây tác hại nghiêm trọng đối với môi trường và đời sống con người. Cần giữ cho bầu không khí trong lành.