Bài 1. Hình vuông - Tam giác đều - Lục giác đều

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Hình vuông

Hình vuông ABCD là hình có:

  • Bốn đỉnh A, B, C, D.
  • Bốn cạnh bằng nhau: AB = BC = CD = DA.
  • Bốn góc bằng nhau và bằng góc vuông.
  • Hai đường chéo là AC và BD.

Lưu ý: Hai đường chéo của hình vuông bằng nhau.

Vẽ hình vuông

Ta vẽ hình vuông cạnh 8 cm bằng thước kẻ và êke theo hướng dẫn sau:

  • Vẽ đoạn thẳng CD dài 8 cm.
  • Vẽ hai đường thẳng vuông góc với CD tại C và D như hình vẽ.
  • Trên đường thẳng qua C lấy đoạn thẳng CB = 8 cm; trên đường thẳng qua D lấy đoạn thẳng DA = 8 cm.
  • Nối hai điểm A và B ta được hình vuông cần vẽ.
  • Dùng thước và êke để kiểm tra xem hình ABCD có các cạnh bằng nhau không, có các góc bằng nhau không.

​@1595350@

2. Tam giác đều

Tam giác đều ABC có:

  • Ba đỉnh A, B, C.
  • Ba cạnh bằng nhau: AB = BC = CA.
  • Ba góc đỉnh A, B, C bằng nhau.

Vẽ tam giác đều

Để vẽ tam giác đều ABC cạnh 5 cm bằng thước và compa ta làm như sau:

  • Vẽ đoạn thẳng AB = 5 cm.
  • Lấy A, B làm tâm, vẽ hai đường tròn bán kính 5 cm.

Gọi C là một trong hai giao điểm của hai đường tròn. Nối C với A và C với B ta được tam giác đều ABC.

​@1595449@

3. Lục giác đều

Ghép 6 tam giác đều như hình, ta được một hình lục giác đều.

Hình lục giác đều ABCDEF có:

  • Sáu đỉnh A, B, C, D, E, F.
  • Sáu cạnh bằng nhau AB = BC = CD = DE = EF = FA.
  • Sáu góc đỉnh A, B, C, D, E, F bằng nhau.
  • Ba đường chéo chính là AD, BE, CF.

Lưu ý: Trong hình lục giác đều, ba đường chéo chính bằng nhau.

Ví dụ. Cho hình lục giác đều ABCDEF có AD = 9 cm. Tính độ dài các cạnh CF, BE.

Giải:

Vì hình lục giác đều có các đường chéo chính bằng nhau nên CF = BE = AD = 9 cm.​