Viết bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

Thực hành (SGK Cánh Diều trang 52)

Hướng dẫn giải

Đề 1.

Leonardo Da Vinci đã thực hiện một tác phẩm có tính chất hoàn toàn khác biệt so với các tác phẩm khác của ông, đó chính là bức tranh “Mona Lisa” nổi tiếng. 

“Mona Lisa”, viết tắt của Madonna Lis, là một bức chân dung với nguyên mẫu là người vợ của một thương gia người Pháp – Francesco di Bartolomeo del Giocondo, vì vậy nó còn được gọi là “Phu nhân Giocondo” (La Gioconda). Người phụ nữ trong bức tranh mặc trang phục thời trang của Florence, ngồi khoanh tay thanh lịch và tao nhã trong khung cảnh do Da Vinci tưởng tượng. Cô nhìn thẳng vào khán giả với một nụ cười nhẹ cùng với đôi mắt sâu thẳm. Nhà phê bình nghệ thuật Vasari đã mô tả đây là nụ cười bí ẩn “phi nhân thế”. Trên thực tế, nụ cười này đã gây nhầm lẫn cho nhiều nhà phê bình nghệ thuật và sử gia trong nhiều thế kỷ.  Những ai yêu thích thể loại tranh chân dung đều biết có vô vàn cách biểu hiện mặt mũi trong tranh nhưng cái cách mà nàng Lisa dịu dàng, đằm thắm, đầy nữ tính với cái nhìn tinh tế như thấu tận tâm can của mỗi người xem thì cực hiếm trong thể loại này. Đó chính là cái thần ít khi có được. Ngay cả với họa sĩ lớn cũng chỉ khi nào họ thăng hoa mới có thể xuất thần mà vẽ có thần.

Đa số các họa sĩ khi vẽ chân dung sẽ chọn nền là bức tường hay phông vải cho đơn giản để tập trung giải quyết mặt (là trọng tâm và khó hơn nhiều). Cái khó là nếu cảnh xấu thì tranh thêm dở mà cảnh đẹp thì sẽ làm mất tập trung vào chân dung. Quả thật, trong suốt chiều dài của Lịch sử Mỹ thuật, rất hiếm họa sĩ cả gan vẽ thêm phong cảnh làm nền cho chân dung mà tranh vẫn thành kiệt tác. Số người thành công kiểu này chỉ đếm trên đầu ngón tay và lại đều xếp sau bậc kỳ tài Leonardo.

Soi vào tranh, ta thấy ông dám liều chơi rất khó: chọn bối cảnh rộng bát ngát với trời mây, núi non, đường mòn, sông suối, cầu cống, cây cỏ… bao la, phức tạp và tinh tế. Tất cả đều đậm hoặc sáng vừa phải, lại có sắc màu ngả lạnh để đẩy ra thật xa và nhường ưu tiên cho nhân vật ở phía trước. Tác giả đã phát minh ra kỹ thuật sfumato, nghĩa là làm mờ- dịu- trong trẻo các ranh giới. Chính kỹ thuật này đã khiến ông vẽ được cả những thứ mà phần lớn các họa sĩ không vẽ được: độ dày của bầu không khí mờ ảo man mác mà người xem cảm giác được từ sau lưng nhân vật đến tận núi non đằng xa. Về điểm này thì một số họa sĩ ta có vẽ cảnh làm nền cho chân dung nhưng hoặc là họ nhằm hiệu quả khác, hoặc họ chỉ đạt hiệu quả như phông nền vẽ giả trong tiệm ảnh để chụp kiểu đánh lừa mắt: cảnh phẳng lừ, bẹp dí, không có thứ tự lớp lang, không có độ dày không khí giữa nhân vật và phong cảnh.

Sau 5 thế kỷ, chỉ với bức tranh nhỏ này, vinh quang của tác giả đã lên tới tột đỉnh. Đây là bức tranh đắt giá nhất, được bảo vệ kỹ lưỡng nhất và đông người xem nhất thế giới. Thị phi càng nhiều thì lại càng như thêu dệt thêm cho Mona Lisa trở thành huyền thoại.

Tranh góp phần tạo ra nguồn du lịch lớn lao cho nước Pháp và gián tiếp làm ra lợi nhuận không kém gì một nhà máy loại lớn nhất. Về mặt chuyên môn, danh họa Leonardo da Vinci để lại cho hậu thế một số bài học kỹ thuật kỳ diệu như hiệu quả và độ bền 5 thế kỷ của chất sơn tự chế, sự đột phá khi dám tả cảnh thiên nhiên làm nền cho chân dung, quái chiêu tạo ra các ảo giác… và trên hết, các khán giả đến xem tranh mà không biết rằng: ngược lại, chính họ luôn bị nhân vật nhìn như thấu vào tâm can bằng một cái nhìn lúc nào cũng dịu dàng, đằm thắm.

(Trả lời bởi Hà Quang Minh)
Thảo luận (3)