Bài 5. Lâm nghiệp và thuỷ sản

Mở đầu (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 131)

Hướng dẫn giải

- Điều kiện phát triển: tổng diện tích rừng lớn, 14,7 triệu ha, tỉ lệ che phủ đạt 42%; nguồn lợi thủy sản đa dạng gồm cả thủy sản nước ngọt và nước mặn.

- Phát triển và phân bố: ngành lâm nghiệp có tốc độ tăng trưởng đạt 3,88%, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đóng góp gần 3% toàn ngành nông - lâm - thủy sản; ngành thủy sản có tốc độ tăng trưởng đạt 1,7%, giá trị sản xuất ngành thủy sản chiếm khoảng 26% toàn ngành nông - lâm - thủy sản.

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 1 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 132)

Hướng dẫn giải

- Đặc điểm phân bố tài nguyên rừng:

+ Năm 2021, tổng diện tích rừng nước ta là 14,7 triệu ha, tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích rừng lớn nhất cả nước, chiếm 37,8%.

+ Trung du và miền núi Bắc Bộ có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất (chiếm hơn 37% cả nước), vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích rừng trồng lớn nhất (chiếm gần 40% cả nước).

+ Năm 2021, diện tích rừng sản xuất khoảng 7,8 triệu ha, rừng phòng hộ khoảng 4,7 triệu ha, rừng đặc dụng khoảng 2,2 triệu ha.

- Sự phát triển và phân bố ngành lâm nghiệp nước ta: tốc độ tăng trưởng đạt 3,88%, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đóng góp gần 3% toàn ngành nông - lâm - thủy sản.

+ Khai thác, chế biến lâm sản: diện tích rừng sản xuất chiếm hơn 53% tổng diện tích rừng (2021). Sản lượng gỗ khai thác ngày càng tăng, năm 2021 đạt khoảng 18 triệu m3. Các vùng có sản lượng gỗ khai thác lớn là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Trung du và miền núi Bắc Bộ. Rừng còn cung cấp các lâm sản khác như măng, mộc nhĩ, dược liệu,… Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển gắn với các vùng nguyên liệu.

+ Trồng rừng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng: hoạt động trồng rừng được quan tâm đẩy mạnh, diện tích rừng trồng mới ngày càng mở rộng, năm 2021, đạt khoảng 290 nghìn ha, trong đó rừng sản xuất được trồng mới nhiều nhất (chiếm gần 97% tổng diện tích rừng trồng mới). Nghề trồng dược liệu dưới tán rừng phát triển, tạo thêm sinh kế ổn định cho người dân vùng rừng. Công tác khoanh nuôi và bảo vệ rừng ngày càng được đẩy mạnh, tăng cường khoanh nuôi rừng tự nhiên, xây dựng và quản lí chặt chẽ các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục 2 (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 134)

Hướng dẫn giải

- Đặc điểm phân bố nguồn lợi thủy sản:

+ Trên hệ thống sông, hồ nước ngọt ở Việt Nam có khoảng 544 loài cá nước ngọt, nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Các hệ thống sông có nguồn lợi thủy sản dồi dào là hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Cửu Long.

+ Vùng biển có hơn 2000 loài cá, hàng trăm loài tôm, mực; trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá ngừ đại dương, cá song, tôm hùm,… Bốn ngư trường trọng điểm của nước ta là Hải Phòng - Quảng Ninh, quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau - Kiên Giang. Tổng trữ lượng hải sản của Việt Nam khoảng 4 triệu tấn, cho phép khai thác bền vững trung bình khoảng 1,5 triệu tấn mỗi năm.

+ Nguồn lợi thủy sản nội địa và ven bờ biển đang bị suy giảm do khai thác quá mức.

- Sự phát triển và phân bố ngành thủy sản: năm 2021, tốc độ tăng trưởng đạt 1,7%, giá trị sản xuất thủy sản chiếm khoảng 26% toàn ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Sản lượng thủy sản nuôi trồng cao, chiếm khoảng 55% tổng sản lượng (2021)

+ Sản lượng khai thác tăng khá nhanh, chủ yếu là khai thác hải sản, đặc biệt là cá biển (chiếm 74,1% tổng sản lượng khai thác năm 2021). Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có sản lượng thủy sản khai thác cao nhất cả nước (chiếm 44,6% cả nước). Khai thác xa bờ đang được đẩy mạnh, các tàu đánh cá và trang thiết bị được đầu tư hiện đại hơn.

+ Nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh, chủ yếu là nuôi tôm và cá. Đồng bằng sông Cửu Long có sản lượng thủy sản nuôi trồng lớn nhất (chiếm 69,5% cả nước 2021). Phát triển theo hình thức trang trại công nghệ cao, nuôi hữu cơ. Sản phẩm thủy sản nuôi trồng ngày càng đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn quốc tế.

+ Thủy sản nước ta xuất khẩu đến nhiều thị trường lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU,… Xuất khẩu thủy sản thúc đẩy các hoạt động khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)

Luyện tập (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 134)

Hướng dẫn giải

- Tính cơ cấu:

Bảng: Cơ cấu sản lượng thủy sản phân theo khai thác và nuôi trồng của nước ta giai đoạn 2010 - 2021 (Đơn vị:%)

Năm

2010

2015

2021

Khai thác

47,5

47,2

44,6

Nuôi trồng

52,5

52,8

55,4

- Nhận xét: nhìn chung cơ cấu sản lượng thủy sản của nước ta giai đoạn 2010 - 2021 đã có sự thay đổi theo hướng giảm tỉ trọng sản lượng thủy sản khai thác, tăng tỉ trọng sản lượng thủy sản nuôi trồng, cụ thể:

+ Tỉ trọng sản lượng thủy sản khai thác giảm liên tục, giảm từ 47,5% năm 2010 xuống chỉ còn 44,6% năm 2021.

+ Tỉ trọng sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng liên tục, tăng từ 52,5% năm 2010 lên 55,4% năm 2021.

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)

Vận dụng (SGK Kết nối tri thức với cuộc sống - Trang 134)

Hướng dẫn giải

                        MÔ HÌNH NUÔI TÔM SIÊU THÂM CANH TRONG NHÀ KÍN

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín ứng dụng công nghệ cao được nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Đi tiên phong và gặt hái nhiều thành công từ mô hình này phải kể đến là Tập đoàn Việt - Úc.

Để đảm bảo mô hình tôm nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường, từ khâu lọc nước, sản xuất giống đến khâu nuôi tôm thương phẩm, Tập đoàn Việt - Úc đều ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất để tạo ra chuỗi giá trị tuần hoàn khép kín và hướng đến xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc.

Hệ thống tuần hoàn được xử lý qua 3 bước lọc tuần hoàn gồm: hệ thống lọc trống, hệ thống xử lý nước bằng đèn UV và hệ thống lọc sinh học theo công nghệ MBBR. Nguồn nước nuôi tôm sau khi thu hoạch không thải ra ngoài mà được đưa vào hệ thống xử lý nước tuần hoàn và hoàn toàn khép kín.

Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ cao vào chuỗi sản xuất tôm tuần hoàn nước khép kín từ khâu tôm giống đến khâu nuôi như công nghệ nhà màng, kiểm soát môi trường và dịch bệnh, công nghệ cho ăn tự động, công nghệ xử lý nước… nhằm mục tiêu xây dựng thương hiệu “con tôm hoàn hảo”, tạo chỗ đứng vững chắc cho con tôm Bạc Liêu - con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới”.

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)