Bài 20: Phát triển tổng hợp kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đảo

Mở đầu (SGK Cánh Diều - Trang 193)

Hướng dẫn giải

- Hiện trạng: Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phát triển tổng hợp kinh tế biển, đảo, bao gồm:

+ Khai thác hải sản: Ngành thủy sản đóng góp quan trọng vào GDP, tạo việc làm và an ninh lương thực. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản liên tục tăng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt mức cao.
+ Du lịch biển: Du lịch biển phát triển mạnh, thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
+ Giao thông biển: Hệ thống cảng biển được nâng cấp, mở rộng, góp phần thúc đẩy thương mại quốc tế và liên kết vùng.
+ Khai thác khoáng sản biển: Một số loại khoáng sản như cát, titan, ilmenit được khai thác phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
+ Năng lượng tái tạo: Năng lượng gió, sóng biển được nghiên cứu và phát triển tiềm năng.
- Ý nghĩa: Phát triển tổng hợp kinh tế biển, đảo có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam:

+ Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Tạo thêm nhiều ngành nghề mới, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, góp phần tăng GDP cho đất nước.
+ Bảo vệ tài nguyên, môi trường: Thúc đẩy khai thác hợp lý, bền vững các tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển đảo.
+ Giữ vững chủ quyền quốc gia: Khẳng định vị thế quốc gia biển, góp phần bảo vệ lãnh hải, hải đảo.
+ Nâng cao đời sống người dân: Cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ven biển, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
- Vấn đề khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và giữ vững chủ quyền:

Việc khai thác tài nguyên biển, đảo cần đảm bảo:

+ Hiệu quả kinh tế: Khai thác hợp lý, bền vững, tránh khai thác tận cùng.
+ Bảo vệ môi trường: Áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường biển, hạn chế ô nhiễm.
+ Giữ vững chủ quyền: Tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, khẳng định chủ quyền biển đảo.
- Thách thức:

+ Biến đổi khí hậu: Ảnh hưởng đến khai thác, nuôi trồng thủy sản, du lịch biển, và gây xói lở bờ biển.
+ Ô nhiễm môi trường biển: Do hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, du lịch, và rác thải sinh hoạt.
+ Tranh chấp biển đảo: Cần có biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo một cách hiệu quả.
- Giải pháp:

+ Hoàn thiện hệ thống pháp luật: Ban hành và thực thi nghiêm ngặt các quy định về khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển đảo.
+ Nâng cao nhận thức cộng đồng: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường biển đảo, ý thức giữ gìn chủ quyền quốc gia.
+ Ứng dụng khoa học kỹ thuật: Áp dụng các công nghệ tiên tiến vào khai thác, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường biển.
+ Hợp tác quốc tế: Hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế để bảo vệ tài nguyên biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.

(Trả lời bởi Nguyễn Việt Dũng)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục I (SGK Cánh Diều - Trang 194)

Hướng dẫn giải

- Các vùng biển của Việt Nam: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa.

- Các huyện đảo và các tỉnh, thành phố có các huyện đảo:

STT

Huyện đảo

Tỉnh, TP

STT

Huyện đảo

Tỉnh, TP

1

Vân Đồn

Quảng Ninh

7

Trường Sa

Khánh Hòa

2

Cô Tô

Quảng Ninh

8

Lý Sơn

Quảng Ngãi

3

Cát Hải

Hải Phòng

9

Phú Quý

Bình Thuận

4

Bạch Long Vĩ

Hải Phòng

10

Côn Đảo

Bà Rịa - Vũng Tàu

5

Cồn Cỏ

Quảng Trị

11

Kiên Hải

Kiên Giang

6

Hoàng Sa

Đà Nẵng

12

Phú Quốc

Kiên Giang

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục II.1 (SGK Cánh Diều - Trang 197)

Hướng dẫn giải

- Khai thác và nuôi trồng hải sản: vùng biển nước ta có nguồn lợi hải sản phong phú, nhiều ngư trường, bãi triều,… => thuận lợi cho ngành khai thác và nuôi trồng hải sản phát triển.

+ Sản lượng khai thác tăng liên tục qua các năm do đầu tư công nghệ, phương tiện đánh bắt xa bờ, nâng cấp nhiều cảng cá, đóng góp khoảng 95% tổng sản lượng thủy sản khai thác cả nước. Đẩy mạnh đánh bắt xa bờ nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lợi biển, góp phần bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển đảo.

+ Nuôi trồng hải sản được chú trọng phát triển, gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

=> Khai thác và nuôi trồng hải sản góp phần thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch biển và các ngành dịch vụ biển,…

- Khai thác khoáng sản biển:

+ Khai thác dầu thô, khí tự nhiên là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhưng sản lượng đang có xu hướng giảm. Song song với việc khai thác tại các bể hiện có, đẩy mạnh công tác mở rộng, điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ; chủ động hợp tác với các nước khác về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.

+ Ti-tan, cát thủy tinh, muối,… được khai thác ở nhiều địa phương, đặc biệt ở các tỉnh: Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận,…

=> Khai thác khoáng sản biển cần quan tâm đến bảo vệ tài nguyên, môi trường, không làm tổn hại đến sự phát triển của các ngành khác.

- Giao thông vận tải biển:

+ Vùng biển rộng, đường bờ biển dài; nhiều vũng, vịnh, đầm, phá; gần tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, thuận lợi cho việc xây dựng các cảng biển và phát triển giao thông vận tải biển với các tuyến đường biển nội địa và quốc tế.

+ Nhiều cảng biển được xây dựng và khai thác: Hải Phòng, Quảng Ninh, Cửa Lò, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu,… Một số cảng container trung chuyển quốc tế được đầu tư phát triển đáp ứng vận tải hàng hóa trong và ngoài nước: Cái Mép - Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình,…

+ Đội tàu biển tăng cả về số lượng và trọng tải, đặc biệt là tàu container. Các tuyến đường nội địa và quốc tế ngày càng được mở rộng. Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 89,3 triệu tấn (2021).

=> Giao thông vận tải biển phát triển tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế.

- Du lịch biển đảo:

+ Tài nguyên du lịch biển đảo phong phú, đã được khai thác hiệu quả. Phát triển nhanh với sự đa dạng về sản phẩm và loại hình: du lịch nghỉ dưỡng, tham quan biển, du lịch sinh thái biển đảo, thể thao biển,… Năm 2019, tổng thu du lịch biển đảo chiếm hơn 2/3 tổng thu du lịch cả nước.

+ Các khu du lịch biển đảo được xây dựng ngày càng nhiều, các điểm đến nổi tiếng như: Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Cửa Lò, Vũng Tàu, Hà Tiên, Phú Quốc,…

=> Du lịch biển đảo góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế biển khác, tạo sự kết nối giữa các lãnh thổ, thay đổi diện mạo của vùng ven biển. Cần hết sức chú trọng việc bảo vệ môi trường biển đảo.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục II.2 (SGK Cánh Diều - Trang 197)

Hướng dẫn giải

- Việc phát triển tổng hợp kinh tế biển đảo góp phần khai thác có hiệu quả, hợp lí tài nguyên, môi trường biển đảo => góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động bảo vệ tài nguyên và môi trường biển đảo của đất nước. Cung cấp công cụ, phương tiện và đóng góp vào quỹ bảo vệ tài nguyên môi trường biển.

- Thu hút nguồn nhân lực lớn, thể hiện sự hiện diện của Việt Nam trên biển, tạo thế phòng thủ chiến lược và lực lượng vững chắc đảm bảo an ninh quốc phòng, khẳng định chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia ở Biển Đông, cung cấp điều kiện để bảo vệ biển đảo tốt hơn,…

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục III.1 (SGK Cánh Diều - Trang 198)

Hướng dẫn giải

- Tài nguyên biển đảo ngày càng được khai thác đa dạng với nhiều hình thức khác nhau, góp phần phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển ở nước ta. Ví dụ: khai thác tài nguyên sinh vật biển (hải sản, san hô, rong biển), khai thác tài nguyên khoáng sản (dầu mỏ, khí tự nhiên).

- Việc khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển đảo còn nhiều bất cập: một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm. Ô nhiễm môi trường biển diễn ra ở nhiều nơi, ô nhiễm rác thải nhựa trở thành vấn đề cấp bách. Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng còn nhiều hạn chế. Sự liên kết trong khai thác tài nguyên và môi trường biển đảo giữa các vùng biển và ven biển, giữa vùng ven biển và vùng nội địa, giữa các ngành kinh tế thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả. Ví dụ: việc khai thác hải sản quá mức khiến sự đa dạng sinh vật biển bị suy giảm, các hệ sinh thái san hô bị chết do khai thác quá mức.

- Khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đảo cần đặc biệt chú ý đến việc bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; giảm thiểu và xử lí hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển bền vững kinh tế biển đảo trên nền tảng tăng trưởng xanh; tăng cường liên kết trong khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đảo. Ví dụ: giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển bằng các hành động như thu gom, nhặt rác trên bãi biển, nghiêm cấm các đường ống nước thải xả thẳng ra biển chưa qua xử lí.

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Câu hỏi mục III.2 (SGK Cánh Diều - Trang 198)

Hướng dẫn giải

- Biển đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng và không thể tách rời của Việt Nam. Vấn đề vi phạm và tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang diễn ra giữa một số quốc gia trong khu vực. Việc giữ vững chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia ở Biển Đông là vấn đề quan trọng hàng đầu ở nước ta.

- Việt Nam kiên định trong việc giữ vững chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia ở Biển Đông bằng các biện pháp:

+ Đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo.

+ Tạo sinh kế bền vững, sử dụng hợp lí tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đảo, kết hợp phát triển bền vững kinh tế biển với bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

+ Xây dựng lực lượng quản lí, bảo vệ biển đảo vững mạnh về mọi mặt (Hải quân, Cảnh sát biển, Dân quân tự vệ, Kiểm ngư,…); đẩy mạnh phát triển các nguồn nhân lực biển.

+ Tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển; tham gia kí kết và thực hiện luật pháp quốc tế.

+ Giải quyết tranh chấp biến đảo bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế,…

(Trả lời bởi datcoder)
Thảo luận (1)

Luyện tập 1 (SGK Cánh Diều - Trang 198)

Vận dụng 2 (SGK Cánh Diều - Trang 198)