Mỗi chi tiết trong truyện đều miêu tả xung đột, mâu thuẫn giữa các tầng lớp trong xã hội, ở đó tác giả dân gian đã chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng những yếu tố thần kỳ.
Trong truyện Tấm Cám, mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác, giữa một bên chính, một bên tà: Tấm đại diện cho cái tốt, cái thiện còn mẹ con Cám lại đại diện cho cái xấu xa, độc ác.
Không phải lúc nào cái thiện cũng thắng cái cá, người chính trực cũng thắng kẻ gian xảo. Khi kẻ yếu, kẻ thiện bị đẩy vào khó khăn, nghịch cảnh thì các yếu tố thần kỳ xuất hiện. Các yếu tố kỳ ảo xuất hiện trong truyện cổ tích chủ yếu là để khai thông cốt truyện giúp nhân dân lí giải các hiện tượng xã hội trên và thể hiện ước mơ công lí.
Mỗi khi Tấm bị mẹ con Cám hãm hại tới mức tủi thân phát khóc, Bụt lại hiện lên ban cho Tấm những điều tốt đẹp hơn. Thế lực thần thánh siêu nhiên luôn song hành cùng con người, giúp đỡ con người trong lúc khó khăn; luôn xuất hiện đúng lúc để giải quyết các mâu thuẫn giữa con người với nhau.
Sự xuất hiện của yếu tố thần kỳ ngay từ đầu truyện góp phần thể hiện ước mơ, khát vọng của nhân dân ta về cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi Tấm trở thành hoàng hậu: Mẹ con Cám hãm hại hết lần này đến lần khác, tuy nhiên, lần nào cũng vậy, nàng đều hóa thân vào những vật khác, khi là chim vàng anh, lúc là cây xoan đào, khi là khung cửi, lúc lại là quả thị. Bốn lần hóa thân vào những vật dụng, cây cối quen thuộc, bình dị với người nông dân đều phản ánh thái độ phản kháng mãnh liệt của Tấm trước cái ác, cái xấu xa.
Câu chuyện về cuộc đời Tấm được diễn ra liên tục chính là nhờ có yếu tố kỳ ảo. Yếu tố kỳ ảo ban đầu xuất hiện dưới vai trò của ông Bụt. Khi nào Tấm tủi thân ngồi khóc thì khi ấy Bụt xuất hiện và giúp đỡ. về sau, yếu tố kỳ ảo xuất hiện khó nhận biết hơn. Cứ một lần Tấm chết là một lần được tái sinh trong kiếp khác: hoá thành chim Vàng Anh, cây xoan đào, con ác trong khung cửi, trong quả thị và cuối cùng trở lại với hình hài con người xinh đẹp hơn xưa. Kết thúc có hậu ấy phù hợp với triết lí, với ước mơ, nguyện vọng của nhân dân: “ở hiền gặp lành”
Như vậy, trong truyện Tấm Cám, các yếu tố thần kỳ có vai trò phản ánh khát vọng của nhân dân: Cái thiện nhất định sẽ chiến thắng cái ác, cái xấu xa, khẳng định con người phải trải qua đấu tranh xương máu mới giành được hạnh phúc đích thực của mình. Đây cũng là thủ pháp nghệ thuật độc đáo giúp câu chuyện thêm hấp dẫn, phong phú, lãng mạn hơn, đồng thời thể hiện sự sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú của nhân dân trong xã hội xưa.