Tinh thần lạc quan, ung dung tự tại trong mọi hoàn cảnh sống là nét đặc điểm nổi bật trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tinh thần đó đã trở thành một vũ khí để chiến đâu và chiến thắng mọi gian khó và kẻ thù. Thơ tức là người, thơ Bác thể hiện rõ phẩm chất cách mạng cao quý của người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" được sáng tác tháng 2 năm 1941 ở núi rừng Pác Bó là một trong rất nhiều bài thơ mang đậm phong cách ấy của Bác:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang!”
00:00 00:20 01:31Thời gian này Bác về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Trong điều kiện sống rất kham khổ: "Cháo bẹ rau măng", làm việc thiếu thốn "bàn đá chông chênh", bài thơ tràn ngập niềm vui và dí dỏm của một con người biết vượt lên hoàn cảnh để hướng tới một mục tiêu cao cả, đó là sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mở đầu bài thơ tứ tuyệt, Bác viết:“Sáng ra bờ suối, tối vào hang.” Câu thơ gọn gàng, súc tích, chỉ có bảy chữ mà có cả thời gian, hành động. Thời gian là "sáng", "tối", không gian là "bờ suối", "hang" và trên nền của thời gian, không gian ấy xuất hiện bóng dáng của một người đang miệt mài làm việc. Cái từ ngữ chỉ hành động "sáng ra", "tối vào" gợi cho ta sự liên tưởng ấy. Điểm sáng của câu thơ ở chỗ tác giả rất chú ý đến trật tự của hai vế câu. Nếu nói: "Tối vào hang, sáng ra bờ suối" thì trật tự này tạo nên giá trị biểu nghĩa khác. Chất lạc quan vốn là bản tính của con người gang thép ấy nên trật tự tất yếu của câu thơ phải là: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang.” Với trật tự này, cảnh như vận động, không đứng yên, theo quy luật tuần hoàn của thời gian.
Vì vậy, ta không lấy làm lạ khi bắt gặp thái độ "vẫn sẵn sàng" của Bác ở câu thơ kế tiếp: “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”. Thơ nói về một khí phách, một thái độ, một nhân sinh quan mà lời thơ vẫn dung dị như lời nói hàng ngày. Đặc điểm của thơ tứ tuyệt là câu, chữ hết sức tiết kiệm và một bài thơ hay đã bật lên được "chữ thần". Cụm từ "vẫn sẵn sàng" là điểm sáng của bài thơ. Câu thơ làm ta liên tưởng đến triết lí sống của người quân tử ngày xưa, "quân tử ăn chẳng cần no". Bác sẵn sàng chấp nhận cuộc sống vật chất kham khổ với thái độ vui đùa, cười cợt. Bác coi thường cái gian khổ thậm chí cả những khi thân xác bị đoạ đày đau xót, người chiến sĩ cách mạng ấy vẫn đùa cợt, dí dỏm. Những bài thơ "Pha trò", "Ghẻ", "Dây trói"... trong "Nhật kí trong tù" là thái độ ung dung tự tại trước những hoàn cảnh khắc nghiệt với lời thơ hóm hỉnh bất ngờ.
Khác với người xưa: "An bần lạc đạo", Bác Hồ là con người lao động, luôn luôn hành động vì một lí tưởng cao cả: “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng.” Làm việc trong hoàn cảnh thiếu thốn những tiện nghi cần thiết, mượn đá làm bàn, bàn đá lại "chông chênh", chi tiết vui, ngộ và đó là một sự vật. Trong cách nhìn sự vật. Bác thường phát hiện những chi tiết ngộ nghĩnh, điều đó biểu hiện một tâm hồn lạc quan. Bài thơ kết thúc: “Cuộc đời cách mạng thật là sang!” Ngôn ngữ thơ bình dị mà ý thơ thì lớn lao. Nếu điểm sáng của hai câu thơ đầu là thái độ "vẫn sẵn sàng" thì sức nặng của bài thơ được dồn vào câu kết, đặc biệt với cụm từ "thật là sang!". Đây cũng là một cách nói vui, nói quá lên, chất hài hước đó ta thường gặp trong thơ và trong cuộc sống đời thường của Bác. Chất hài hước này làm cho bài thơ gợi lên niềm lạc quan cách mạng sáng ngời.
Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" là một bài thơ giản dị mà sâu sắc. Bài thơ thể hiện một đạo lí sống cao đẹp nhưng lời thơ tự nhiên, không một chút vẽ vời hoa mĩ. Giọng điệu thơ rất gần với cách nói hàng ngày, ta có cảm giác Bác không cố ý làm bài thơ nhưng nó cứ đọng lại mãi trong tâm trí ta, sức sống lâu bền của bài thơ chính là chỗ đó.